Làm cho lớn lên - Còn nhiều hơn thế
LÀM CHO LỚN LÊN
“Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí hôn, hết sức lực và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật!”.
“Xin hãy coi tôi là một con người, tôi muốn làm một nữ diễn viên nghiêm túc!”. Đó là lời van xincủa Marilyn Monroe,ngỏ với giới điện ảnh;cô là nữ tài tử xinh đẹp một thời của Hollywood. Để cuối cùng, ở tuổi 35, “Nữ thần tình yêu không bao giờ tìm thấy bất kỳ tình yêu nào” đã kết liễu đời mình. Vào đêm định mệnh ấy, cô đã điện thoại cho Rhett Butler, một diễn viên,nói với anh ta rằng, cô đã uống đủ thuốc ngủ để tự sát; Rhett Butler trả lời, “Thành thật mà nói, em yêu, anh không quan tâm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Giới điện ảnh, những người khai thác sắc đẹp của Marilyn Monroe,không làm cho cô lớn lên; hoặc chỉ ‘làm cho lớn lên’‘một ngôi sao’theo định hướng lợi nhuận của họ. Vậy mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ‘làm cho lớn lên’ một tình yêu dành cho Thiên Chúa và dành cho cả tha nhân.
Bài đọc thứ nhất cống hiến cho chúng ta một câu chuyện ly kỳ, thú vị; câu chuyện có một không hai, khi thiên thần Chúa đích thân dẫn ‘Tôbia con’ đến nhà Raguel để hỏi vợ cho cậu. Thế mà, chuyện của Sarah, nàng dâu, lại ly kỳ hơn!Sarah đã có đến bảy người đàn ông muốn cưới nàng làm vợ, nhưng họ đã chết trước khi đến gần nàng. Raguel hoảng sợ khi biết ý định của Tôbia muốn cưới con gái mình; nhưng thiên thần Chúa đã kịp trấn an, “Ông đừng sợ gả con gái cho người này, vì con gái ông xứng đáng làm vợ người này, vốn hay kính sợ Thiên Chúa!”.Thiên Chúa đã làm cho họ lớn lên, Ngài đã chúc phúc, họ nên vợ, nên chồng; để rồi, Tôbia Sarah trở nên một trong những cặp đôi mẫu mực cho hôn nhân Kitô giáo; lời cầu nguyện thánh thiện của họ trong ba đêm đầu thành hôn thỉnh thoảng được chọn đọc trong các lễ hôn phối. Qua đó, Giáo Hội cho thấy chìa khoá hạnh phúc của đời đôi lứa vẫn là ‘làm cho lớn lên’ tình yêu của người phối ngẫu trong niềm tôn sợ Chúa ! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng thổ lộ điều đó, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa!”.
Trong Tin Mừng hôm nay, một luật sĩ hỏi Chúa Giêsu đâu là giới răn trọng nhất, và Ngài đã cho ông một ‘câu trả lời kép’, ‘kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình’. Ông hỏi một, Ngài trả lời hai; ông tưởng sẽ đi một bước, Ngài mời ông đi hai bước. Ngài mời ông vượt qua chính mình để ‘nhất hoá’tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Kitô giáo không hoàn toàn là chuyện giữa tôi với Chúa; Kitô giáo là chuyện giữa tôi với Chúa và anh em tôi! Đúng thế! Kính mến Chúa trên hết mọi sự, vì tất cả đến từ Chúa và tất cả phải quy về Ngài; thế nhưng, tình yêu đó cần được triển nở, phải được ‘làm cho lớn lên’, thể hiện qua việc yêu thương anh em. Với Chúa Giêsu, chính mối tương quan yêu thương đối với Thiên Chúa sẽ giúp mỗi người có khả năng yêu thương người khác một cách quảng đại, yêu như Chúa yêu.
Một trong những lời cầu nguyện nổi tiếng của thánh Ignatiô Loyola là, “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do của con, trí nhớ của con, hiểu biết của con, ý chí của con;tất cả những gì con có, con sở hữu. Chúa đã trao cho con tất cả; giờ đây, con trả lại cho Chúa tất cả!”.Chúng ta trao lại tất cả cho Thiên Chúa qua việc chia sẻ và ‘làm cho lớn lên’người anh em bên cạnh mình; bấy giờ, Kitô hữu trở nên muối men cho thế giới, ánh sáng cho trần gian; họ trở thành ‘tay chân’ và ‘tiếng nói’ của Thiên Chúa.
Anh Chị em,
Yêu thương ai là làm cho người ấy lớn lên! Kính mến Chúa, yêu thương người có nghĩa là, mọi điều chúng ta làm cho người khác phải giúp họ lớn lên trong tình yêu của họ đối với Thiên Chúa, bằng cả trái tim, linh hồn, trí óc và sức lực. Điều này không chỉ thực hiện bằng lời nói, nhưng bằng cách sống tốt lành. Những người khác sẽ được truyền cảm hứng khi họ nhìn thấy tình yêu, niềm đam mê, sự khao khát,sự tận tâm và cam kết của chúng ta đối với Thiên Chúa; họ nhìn thấy và bị thu hút bởi nó,một tình yêu thiên linh mà trong thực tế sẽ thật hấp dẫn. Chứng kiến một tình yêu đầy cảm hứng như thế, làm sao họ có thể cưỡng lại khả năng hướng thiện của chính họ để bắt chước bằng được tình yêu của chúng ta, những người “không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” như Chúa Giêsu nói!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con yêu mến và kính sợ Chúa bằng cả con người của con; trong tình yêu Chúa, xin cho con biết cách thức ‘làm cho lớn lên’ như Chúa muốn, những ai Chúa trao cho con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
***************
CÒN NHIỀU HƠN THẾ
“Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”.
Một nhà thần học nói, “Điều quan trọng là biết bạn đang đi đâu, hơn là đến đó nhanh chóng! Cũng thế,điều quan trọng làbiết lý do của bữa tiệc, hơn là thấy những nụ cười trên môi của thực khách!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thánh Vịnh đáp ca “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”,hẳn sẽ là tâm tình của phần lớn các nhân vật trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay; gọi nó là tâm tình vì như những người dự tiệc, các nhân vật này biết rõ lý do của nó. Đó là tâm tình của ông bà Tôbia, ‘Tôbia con’, Sarah nàng dâu; và ‘còn nhiều hơn thế’, đó cũng là tâm tình của Chúa Giêsu,của những kẻ vui thích khi lắng nghe Ngài; và đó còn phải là tâm tình của mỗi người chúng ta, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”.
Bài đọc thứ nhất tường thuật cuộc đoàn tụ hạnh phúc hơn cả chờ mong của vợ chồng ông Tôbia khi con trai họ đi xa trở về, “Người cha mù loà của Tôbia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình. Ông đón lấy con, hôn con và vợ nó. Cả hai oà lên khóc vì mừngvui”.Ngoài ra, nhờ mật cá con trai mang về, mắt ông được sáng,để có thể nhìn thấy cảnh thực hơn mơ;không chỉ nhìn thấy con, ông thấy cả Sarah, dâu của mình; và ‘còn nhiều hơn thế’, ông thấy cả Raphael, Tổng lãnh thiên thần của Thiên Chúa, dù ông chưa biết ngài.Ông và đại gia đình không ngớt lời ca tụng Chúa,“Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, con chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt con và lại cứu chữa con; đây chính con đang nhìn thấy!”. Như thế, cả nhà ngập tràn trong hân hoan, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”.
Trong Tin Mừng hôm nay, một niềm vui tương tự hẳn cũng đã xảy ra nơi Chúa Giêsu, khi phần nào, những kẻ nghe Ngài ít nhiều hiểu được điều Ngài nói. Marcô ghi nhận, “Đám đông dân chúng thích thú nghe Ngài”. Ngài đã nói gì? Vào thời điểm thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu, người Do Thái hiểu, Đấng Messia sẽ đến từ dòng dõi Đavít; hơn nữa, nhiều người nghĩ,Đấng Messia đơn giản sẽ là một nhà lãnh đạo đề cao dân tộc, một nhà chính trị sẽ dẫn dắt dân thoát ách thống trị Rôma. Vì vậy, dưới lăng kính thiển cận, họ giảm thiểu Đấng Messia chỉ là hậu duệ của vua Đavít không hơn không kém, vị ấy sẽ giải phóng dân.Vậy mà không đơn giản như thế ! Chúa Giêsu tường tận giải thích cho họ rằng, Đấng Messia không chỉ là “Con Đavít”, nhưng ‘còn nhiều hơn thế’, Ngài là ‘Chúa của Đavít’; Ngài nói, “Chính Đavít gọi Ngài là Chúa, thì sao Ngài lại có thể là Con Đavít được?”; qua Thánh Vịnh, Ngài trưng dẫn, Đavít ám chỉ Đấng Messia là Chúa của mình. Nghe thế, nhiều người đã mừng vui!
Vậy mà những hình ảnh lệch lạc về Chúa Giêsu cũng có thể hình thành nơi mỗi người chúng ta. Với người Do Thái, Đấng Messia,‘Chúa của Đavít’ là điều mới mẻ;với chúng ta, một điều gì đó tương tự vẫn xảy ra. Chưa chắc chúng ta đã hiểu đúng về Chúa Giêsu.Vậy Ngài là ai?Là bạn, là Thầy, một nhân cách đầy cảm hứng, một tâm hồn đôn hậu, một lãnh đạo nhân từ và là một mẫu mực! Thế mà,‘còn nhiều hơn thế!’, Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh; Đấng xuống thế làm người, chết đi,sống lại và lên trời để cứu chuộc nhân loại; Đấng Cứu Độ, cũng là Đấng hiến thân mỗi ngày trên các bàn thờ để ở lại và nuôi sống con người bằng Thịt Máu Ngài.Theo đó, chúng ta kết hợp với Ngài, chết cho tội lỗi,sống lại trong ơn nghĩa thánh của một đời sống mới; trong ân sủng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài, chúng ta thông phần sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế, chúng ta tránh được sai lầm với những giới hạn về Ngài trong tâm trí, trong trái timmình. Hiểu thấu bao mầu nhiệm thẳm sâu đó,hẳn chúng ta cũng cất lên, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”.
Anh Chị em,
Nếu hiểu Chúa Giêsu được như vậy, lòng chúng taắt ngập tràn mừng vui.Nhưng‘còn nhiều hơn thế’; bấy giờ, chúng ta biết, chúng ta là ai? Là con trai, con gái của Thiên Chúa; mà trong mọi đấng bậc, chúng ta là môn đệ, là tông đồ được sai đi rao giảng Lời hoà giải thế gian với chính Thiên Chúa bằng sức mạnh, tự do của con cái Ngài cùng với Thánh Thần. Chúng ta hiểu được ơn gọi của mình, là ‘được cứu’, ‘được gọi’, ‘để được sai đi!’. Và đó là căn cước của chúng ta.Không ai có thể lấy chứng minh thư này của chúng ta:“Con trai, con gái của Chúa”; một chứng minh thư đẹp tuyệt vời! Một chứng minh thư miễn thị thực ‘ở mọi biên giới!’.Ước gì được như thế!Và đó là lý do chúng ta có thể cất lên mỗi ngày tận đáy lòng tâm tình tri ân, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dẫn dắt con ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn những mầu nhiệm tình yêu của Chúa; và‘còn nhiều hơn thế’, xin cho con biết sống xứng đáng với những gì con đang lãnh nhận, hầu mỗi ngày, con có thể cất lên cách chân thành, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa!””, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: