Sóng gió trong cuộc đời
Sóng gió trong cuộc đời
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (4, 35- 41) trích đọc vào Chúa nhật 12 thường niên B)
Khi Chúa Giê-su cùng các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ, một trận cuồng phong nổi lên dữ dội, nước xô ập vào thuyền. Các môn đệ hoảng hốt đối phó với sóng to gió lớn. “Trong khi đó, Chúa Giê-su dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” như chẳng có gì xảy ra (Mc 4,38).
Trước tình thế nguy nan, các môn đệ đánh thức Chúa Giê-su dậy và cất tiếng van xin: “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38).
Bấy giờ Chúa Giê-su dùng lời quyền năng của mình, truyền cho sóng biển lặng yên.
Trình thuật này gợi lên nơi chúng ta hai vấn nạn:
- Tại sao Thiên Chúa để cho “sóng gió” xảy ra?
Thiên Chúa là Cha nhân từ, rất mực tốt lành và hết lòng yêu thương hết mọi người. Thiên Chúa có lý do chính đáng khi để cho sóng gió, gian truân xảy ra trên địa cầu. Không ai dò thấu tư tưởng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dưới góc nhìn thiển cận của người phàm, ta nhận thấy rằng:
Trần gian là trường huấn luyện, chứ không phải là thiên đàng
Nhờ kiên trì giải những bài toán khó mà đầu óc học sinh được mở mang và các em trở thành học sinh giỏi; nhờ những khổ luyện trong quân trường mà các tân binh trở thành những chiến sĩ can trường và đạt nhiều thắng lợi vẻ vang; nhờ những giờ tập luyện kiên trì và nghiêm ngặt mà các vận động viên điền kinh đoạt được những huy chương vàng; nhờ dày công nghiên cứu liên lỉ ngày đêm mà các nhà khoa học cống hiến cho đời những phát minh tuyệt diệu…
Nếu xoá bỏ hết những bài toán khó trong các trường học, bỏ hết những rèn luyện gian khổ trong quân trường, bỏ hết những bài tập nghiêm ngặt cho các vận động viên và các nhà khoa học không còn miệt mài khổ công nghiên cứu nữa… thì còn đâu là văn minh, tiến bộ, phát triển… trên địa cầu này?
Nếu trần gian này không có khó khăn, thách thức, gian khổ… mà chỉ có dễ dàng, thoải mái, cầu được ước thấy… thì trần gian này đã là thiên đàng rồi; khi đó, người ta không cần ngưỡng vọng một thiên đàng thứ hai. Khi đó, người ta không cần rèn luyện, tu tâm sửa tính để mong đạt tới thiên đàng thượng giới. Vì thế, phẩm chất con người sẽ thấp kém hơn nhiều.
Bấy giờ, mọi người đều tha hồ vui hưởng thiên đàng hạ giới này, đều đắm mình trong lạc thú, chơi bời cho thoả mãn những đòi hỏi vô độ của thân xác… Do đó, loài người sẽ sa đoạ và lún sâu vào tội lỗi.
Như thế, những khó khăn, thách thức trên cõi đời này có tác dụng như những bài luyện tập cần thiết để rèn luyện con người trở nên can trường mạnh mẽ, tốt lành thánh thiện, có nhiều phẩm chất cao đẹp, xứng đáng đạt tới thiên đàng thượng giới trong tương lai.
- Tại sao có những điều ta cầu xin mà Chúa không đáp ứng?
Khi gặp sóng to gió dữ trên biển hồ, các môn đệ đã cầu cứu Chúa Giê-su và đã được Ngài nhận lời, truyền cho sóng yên biển lặng. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta gặp sóng gió, gian truân trong cuộc đời và cũng tha thiết cầu xin Chúa cứu giúp, thế mà sóng gió vẫn còn nguyên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không còn tin tưởng và yêu mến Chúa.
Vậy thì tại sao Chúa không ra tay cứu giúp ngay khi ta kêu cầu?
Nếu ta xin bất cứ điều gì Chúa cũng ban, thì trần gian sẽ là thiên đàng hạ giới nên không ai còn ngưỡng vọng thiên đàng thượng giới nữa và khi đó, nhiều hậu quả tai hại sẽ từ đó xảy ra như đã nói trên đây.
Nếu ta xin bất cứ điều gì Chúa cũng ban thì ai nấy đều chạy đến với Chúa để được hưởng phúc lộc đời nầy và như thế, Thiên Chúa trở nên một ông Thần Tài, chuyên dùng ân huệ, lợi lộc để dụ dỗ người ta đến đầu phục mình, chứ không giúp người ta tự rèn luyện trong gian truân để trở nên người tốt.
Thiên Chúa là Cha khôn ngoan, nên khi chúng ta xin cá, thì thay vì cho cá, Chúa lại cho chiếc cần câu. Nhờ “cần câu” Chúa ban, người ta có thể đạt được những gì mình mong muốn.
Ý tưởng này đã được một tác giả diễn tả cách chí lý như sau:
“Tôi xin sức mạnh... và Ngài đã cho tôi gặp khó khăn để trui rèn tôi nên mạnh mẽ.
Tôi xin khôn ngoan... và Ngài đã cho tôi những vấn đề (như những bài toán khó) để giải quyết, nhờ đó tôi trở thành người khôn ngoan.
Tôi xin tiền của... và Ngài đã cho tôi khối óc và bắp thịt để làm việc, nhờ đó tôi trở nên giàu có…
Thế là, tuy không trực tiếp lãnh nhận những gì tôi xin... nhưng tôi có được tất cả những thứ tôi cần” (Khuyết danh).
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con sẵn sàng dấn thân vào thế giới nầy như thể tham gia vào một trường huấn luyện vĩ đại và vui lòng chấp nhận “sóng gió” trong cuộc đời như những bài luyện tập cần thiết để trui rèn chúng con thành những người có đạo đức và phẩm chất cao đẹp, hầu mai sau xứng đáng được đội vòng nguyệt quế hoan hỉ bước vào thiên quốc.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin mừng Mác cô 4, 35-41
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi! "36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? "39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? "41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: