Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Con cái của Cha - Hành trình hướng tới sự thánh thiện

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CON CÁI CỦA CHA

 

“Lạy Cha chúng con ở trên trời!”.

 

Trong cuốn “Foundations of Faith”, “Những Nền Tảng Của Đức Tin”,J.C. Ryle viết, “Có hai điều mà con người không có số học để tính toán, không có thước đo để đo lường. Một là, mức độ mất mát của Thiên Chúa, Đấng dám cho đi chính mình; hai là, mức độ ân tứ của Ngài, khi phải ban Con Một cho tội nhân… Tội lỗi phải thực sự vượt quá chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con Một của Ngài để làm Bạn của tội nhân và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái của Ngài!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nhận định của J.C. Ryle đúng là một trong những nền tảng của đức tin. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại nền tảng này qua Kinh Lạy Cha mà Ngài dùng để dạy chúng ta cầu nguyện. Kinh Lạy Cha là bản tóm tắt của toàn bộ Tin Mừng; nó được gọi là “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu”. Với kinh nguyện này,Chúa Giêsu dạy chúng ta bảy lời thỉnh cầu với Thiên Chúa; trong đó, mọi khao khát của con người và mọi biểu hiện của đức tin được tỏ lộ.

 

Kinh Lạy Cha không bắt đầu bằng một lời cầu xin; đúng hơn, bắt đầu với việc thừa nhận danh tính của chúng ta là ‘con cái của Cha’. Đây là nền tảng then chốt để “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” được thưa lên đúng cách. Nó cũng tiết lộ cách tiếp cận nền tảng mà chúng ta phải thực hiện trong mọi lời cầu nguyện và trong toàn bộ đời sống Kitô hữu của mình. Kinh nguyện này bắt đầu rằng, “Lạy Cha chúng con ở trên trời!”.Hãy xem những gì được chứa đựng trong lời mở đầu này!

 

Trong Thánh Lễ, linh mục mời gọi mọi người cầu nguyện với Kinh Lạy Cha thế này, “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế, và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng”. Sự “dám nguyện”‘táo bạo’ này đến từ sự hiểu biết nền tảng rằng,Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Mỗi Kitô hữu phải nhận thức Chúa Cha là Cha của mình; biết mình là con trai, con gái của Thiên Chúa và đến gần Ngài với sự tự tin của một đứa trẻ. Đứa trẻ có cha mẹ yêu thương, nó không sợ cha mẹ của nó. Đúng hơn, mọi đứa trẻ có niềm tin lớn nhất rằng, cha mẹ chúng yêu thương chúng, cho dù chúng thế nào đi nữa; ngay cả khi có tội, các trẻ biết, chúng vẫn được yêu thương. Đây phải là điểm khởi đầu nền tảng cho mọi lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu với sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bất kể điều gì xảy ra với chúng ta, bất kể chúng ta thế nào. Với sự hiểu biết này, chúng ta sẽ có tất cả sự tự tin cần thiết để kêu cầu Thiên Chúa.

 

Gọi Thiên Chúa là “Cha” hay cụ thể hơn, “Abba”,“Cha ơi” có nghĩa là chúng ta kêu cầu Thiên Chúa theo cách riêng tư nhất và thân mật nhất. “Abba”, “Cha ơi” là một thuật ngữ thể hiện sự quý mến dành cho Chúa Cha. Điều này cho thấy,Thiên Chúa không chỉ là Đấng Toàn Năng;nhưng còn hơn thế nữa, Ngàilà Cha nhân từ của tôi; và tôi, con trai, con gái, ‘con cái của Cha’, con cái rất yêu dấu của Ngài.Gọi Thiên Chúa là “Cha” còn thể hiện một mối quan hệ hoàn toàn mới do Giao Ước Mới được thiết lập trong bửu huyết của Chúa Kitô; chính nhờ mối quan hệ mới mẻ này, chúng ta được trở nên thần dân trong Vương Quốc Ngài. Đây chính là quà tặng từ Thiên Chúa mà chúng ta không tự sức, hoặc tự quyền có được. Nói cách khác,không ai có quyền được gọi Thiên Chúa là Cha nếu không có Chúa Giêsu. Đó là một ân sủng và là một quà tặng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Giêsu, Con Một Ngài.

 

Thánh Phaolô trong bài đọc Côrintô hôm nay cho thấy niềm xác tín đó, “Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi!”. Sự thật của Đức Kitô là Tin Mừng Cứu Độ của Ngài; sự thật đó còn là mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc con người trong Ngài.Công trình cứu chuộc đó được tán tụng qua lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính!”.

 

Anh Chị em,

 

Ân sủng làm ‘con cái của Cha’ bày tỏ sự hiệp nhất sâu xa của chúng ta với Chúa Giêsu; vì thế, chúng ta chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Cha” trong chừng mực chúng ta nên một với Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, việc gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con” cũng cho thấy sự kết hợp mà chúng ta chia sẻ với nhau; trong Chúa Giêsu, chúng ta là anh chị em của nhau. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân bị bỏ lại để đổi lấy sự hiệp nhất huynh đệ. Vì thế, mỗi ngày, đọc Kinh Lạy Cha, đặc biệt trong Thánh Lễ, chúng ta không chỉ kết nối sâu sắc với nhau,nhưng còn có thể cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, Cha của mình;và cùng lúc, hiệp nhất nên một với nhau trong Thánh Thể của Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu,xin Thánh Thần Chúa uốn nắn con mỗi ngày, cho con trở nên loại hình con cái mà Cha trên trời đang muốn con trở thành. Để được vậy, xin cho con nên giống Chúa ngày một hơn, hầu con xứng đáng là ‘con cái của Cha’ trên trời”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

HÀNH TRÌNH HƯỚNG TỚI SỰ THÁNH THIỆN

 

“Con mắt là đèn soi cho thân xác con.

Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng;

nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm!”. 

 

Một nhà tư tưởng nói, “Nếu chỉ được viết xuống, các ý tưởng sẽ mất như những ngòi bút tốt! Lý tưởng là,các ý tưởng tốt phải được thực hành. Vì tư tưởng chỉ huy hành động!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một cách nào đó, Tin Mừng hôm nay cũng nói đến việc ‘tư tưởng chỉ huy hành động!’ khi Chúa Giêsu nói đến “Kho tàng”, “Con mắt” và “Toàn thân”. Và sẽ rất bất ngờ khi câu Lời Chúa chủ lực trên đây được đọc theo cái nhìn của thánh Tôma Aquinô. Ngài nói,“con mắt” ở đây, là ý chỉ của chúng ta;“toàn thân” ở đây, là tất cả hành động đi theo ý chỉ đó. Vì thế, khi ý chỉ của con người phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, những hành động của nó sẽ phù hợp với ý muốn của Ngài. Đây là một bài học thiết thực và hữu ích cho ‘hành trình hướng tới sự thánh thiện’ của chúng ta!

 

Với cái nhìn sâu sắc này, mỗi người chúng ta phải nhận thứcý chỉhay ý định của mình một cách trung thực và đầy đủ! Đâu là ý chỉ chủ đạo trong cuộc sống của tôi? Chúng ta dễ dàng hình thành nhiều ý định có vẻ tốt, nhưng cũng rất dễ tạo nên một số ý định đi ngược ý muốn của Thiên Chúa mà không hề nhận ra. Có nhiều ý định nhất thời là tốt và là một phần bình thường của cuộc sống; tuy nhiên, ý chỉ quan trọng nhất cần xem xét là ý định sâu sắc nhất trong các ý định. Ý chỉ chủ lực, nền tảng và căn bản nhất mà cuộc sống của chúng ta hướng tới là gì; đó có phải là điều chúng ta phải hoàn thành để mang lại vinh quang lớn nhất cho Thiên Chúa không? Việc dâng lên Thiên Chúa mọi vinh quang khi chọn Ngài và ý muốn thánh khiết của Ngài trên hết phải là ý chỉ số một; bấy giờ, Thiên Chúa trở nên kho tàng của chúng ta và lời Chúa Giêsu hôm nay thật dễ hiểu, “Kho tàng của con ở đâu, lòng con cũng ở đó!”.Ai có ý chỉ nền tảng, người ấy sẽ có tất cả, vì mọi thứ khác sẽ tuôn trào từ nó; tất cả các ý định và hành động khác sẽ phù hợp với ý chỉ trọng tâm này,đồng thời, hướng tới sự hoàn thành của nó. Vì thế, khi chọn một ‘ý chỉ ưu tiên khác’nào đó vốn cũng được coi ở cấp độ căn bản nhất, thì tất cả những ý định và hành động kéo theo sẽ bị sai lệch và bị định hướng một cách rối loạn, và đó là ‘hành trình hướng đến sự dữ’.

 

Với thánh Phaolô, ý chỉ của ngài thật rõ ràng, “Đối với tôi, sống là Đức Kitô!”; hôm nay, trong thư Côrintô, Phaolô buộc phải khoe như điên dại ‘những hành động kéo theo’ ý chỉ căn bản của mình; đúng hơn, những gì ngài gánh chịu,“Họ là tôi tớ Đức Kitô, tôi xin nói như mê sảng rằng, tôi còn hơn họ nữa… bị người DoThái đánh đòn năm lần, mỗi lần kém một roi đầy bốn chục; ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một ngày một đêm chơi vơi ngoài biển khơi”. Và Phaolô đã vượt qua tất cả trong niềm tin cậy vào ‘kho tàng Giêsu’ của mình, như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tiết lộ, “Người công chính được Thiên Chúa giữ gìn, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn”.

 

Anh Chị em,

 

Vậy, ý chỉ căn bản nhất trong cuộc sống của chúng ta là gì; kho tàng của chúng ta có phải là Giêsu hay là một cái gì khác?Ở đây, chúng ta nhớ lại lời của Carlo Acutis, vị chân phước trẻ, về ‘hành trình hướng tới sự thánh thiện’ của anh, “Luôn nên một với Chúa Giêsu là chương trình sống của tôi!”, “Hãy tìm kiếm Chúa, và bạn sẽ thấy được ý nghĩa đời mình!”. Và nếu như Acutis, ý chỉ của chúng ta là Giêsu thì những gì kéo theo sẽ được thúc đẩy và sắp xếp thông qua các quyết định đưa ra mỗi ngày; và đó là mục đích cuộc đời của chúng ta;đem lại vinh quang lớn nhất có thể cho Thiên Chúabằng việc chọn và sống theo ý muốn hoàn hảo của Ngài. Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trên các bàn thờ bổ sức chúng ta, Thánh Thần Ngài đang được ban để thúc giục chúng ta tiến tới mỗi ngày. Ước gì, ý chỉ sống của chúng ta không gì khác ngoài Thiên Chúa; được như thế, chúng ta sẽ không ngược chiều trên‘hành trình hướng tới sự thánh thiện!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng cần thiết để nhìn sâu vào tất cả những gì đang thúc đẩy con, đó phải là tìm vinh danh Chúa trong cuộc sống; và đó cũng là ‘hành trình hướng tới sự thánh thiện’ của con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)