Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy nếm thử và hãy nhìn coi! - Thay đổi cả một cuộc đời

Tác giả: 
Lm Minh Anh

HÃY NẾM THỬ VÀ HÃY NHÌN COI!

 

“Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

Trong cuốn “Today in the Word”, tạm dịch, “Lời Chúa Hôm Nay”, tác giả cho biết, ‘lưỡi và mắt’ có thể cung cấp cho chúng ta một số khả năng đáng kinh ngạc. Nếm thử nước của một bể chứa 530 lít có 100 gram muối hoà tan, chúng ta có thể cảm nhận vị mặn của nó. Và ngạc nhiên hơn, giữa đêm đen, chúng ta có thể nhìn thấy rõ một ánh nến đang cháy cách xa 48 km! Tin không, tuỳ bạn!

 

Kính thưa Anh Chị em,

Với kết luận gây ngạc nhiên trên đây, thật trùng hợp, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi’ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu của Ngài dành cho chúng ta khi chúng ta yếu đuối, chịu cám dỗ hay cả khi chúng ta kiêu ngạo; lòng nhân hậu đó còn tỏ cho chúng ta, khi chúng ta bất an với những lo lắng triền miên của phận người. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời mời gọi đầy cảm hứng, “Các bạn ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi’, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô chia sẻ trải nghiệm nếm thử và nhìn coi những gì Thiên Chúa đã dành cho ngài. Phaolô cảm thấy đau đớn vì một ‘cái gai’ bằng xương bằng thịt đã đâm vào thân xác, điều mà Phaolô gọi là sứ giả của Satan. Nói cách khác, ‘cái gai’ đó nguy hại cho linh hồn Phaolô; vì thế, đêm ngày, Phaolô không ngừng cầu xin Thiên Chúa nhổ nó ra khỏi thân xác vừa yếu đuối vừa kiêu căng của mình, “Đã ba lần tôi van nài Chúa để nó rời khỏi tôi”. Chúa có nhậm lời Phaolô không? Thật thú vị! ‘Vừa có, lại vừa không’. ‘Có’, vì Ngài đã nhậm lời Phaolô; và ‘không’ vì chẳng theo cách Phaolô mong đợi. Phaolô được nhậm lời không bằng việc ‘cái gai’ được cất khỏi thân xác; nhưng thay vào đó, được Chúa bảo đảm với rằng, trải nghiệm tiêu cực này sẽ tạo cơ hội cho quyền năng của Ngài hoạt động mạnh mẽ nơi vị tông đồ, “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Qua đó, Phaolô đã nếm được, đồng thời, cảm nghiệm được ân sủng và lòng nhân ái của Thiên Chúa dành cho mình; để cuối cùng, Phaolô chia sẻ, “Tôi rất vui sướng về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi”.

Gần gũi hơn, Tin Mừng hôm nay nói đến một ‘cái gai’ khác của mỗi người chúng ta; đó là tân toan, lắng lo của kiếp nhân sinh. Mang lấy phận người như chúng ta, Chúa Giêsu biết rõ cuộc chiến của chúng ta khi mỗi người phải vất vả để ưu tiên chọn Thiên Chúa hay chọn tiền bạc giữa những lo lắng khi chúng ta phải tìm kiếm cái ăn, cái mặc và cả ‘cái danh’ cho bản thân, cho gia đình. Ngài đưa ra một lời cảnh báo, “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được”; để ngay sau đó, Ngài mời gọi chúng ta ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi’ lòng nhân hậu và sự yêu thương quan phòng của Cha trên trời, “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng”; hoặc “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con biết, ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó”. Thật không thể khích lệ và trấn an hơn!

 

Anh Chị em,

Như vậy, một khi trải nghiệm thực sự lòng yêu thương của Cha trên trời, chúng ta sẽ ưu tiên chọn cho mình những gì phù hợp nhất với đời sống làm con cái Chúa. Bấy giờ lời Chúa Giêsu sẽ được ghi tâm khắc cốt, “Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; mọi sự khác, Ngài sẽ ban thêm”; nghĩa là, Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài sẽ là ưu tiên hàng đầu; những ưu tiên căn bản đó sẽ định hình tất cả các ưu tiên khác, tất cả các quyết định khác. Và như thế, những cuộc chiến đấu với lắng lo, tân toan cá nhân lớn nhất của chúng ta vẫn có thể là phương tiện giúp chúng ta lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa; những ‘cái gai’ đó, giờ đây, mở ra cho chúng ta một sức mạnh lớn hơn bất kỳ sức mạnh đơn thuần nào của con người. Hướng về Chúa giữa những kinh nghiệm tốt lành đó, như Phaolô, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ luôn được nhậm lời, cả khi ‘cái gai’ trong xác thịt không rời bỏ chúng ta; vì lẽ, chúng ta đã nếm thử và đã nhìn coi sự nhân lành yêu thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con ‘gai’ có, ‘dằm’ có; không chỉ trong thân xác, nhưng cả trong linh hồn. Xin giúp mỗi ngày biết ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi’ lòng nhân ái của Chúa, bằng cách biết ‘la cà’ với Thánh Thể, yêu mến việc xét mình mỗi ngày; nhờ đó, con biết làm những gì Chúa ưa thích”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

THAY ĐỔI CẢ MỘT CUỘC ĐỜI

 

“Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài?”.

Trong cuốn sách kinh điển 85 tuổi của mình, “How to Win Friends and Influence People”, tạm dịch ‘Làm sao để bạn được lòng và ảnh hưởng trên người khác’, bản dịch Việt ngữ, “Đắc Nhân Tâm”, Dale Carnegie khuyên, “Bạn hãy đặt những câu hỏi mà người khác thích trả lời!”. Với lời khuyên đó, hàng triệu người đã đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời vốn đã ảnh hưởng trên cuộc đời họ!

 

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay không chỉ cho chúng ta một lời khuyên, nhưng đã đặt giúp chúng ta một câu hỏi, mà câu trả lời không chỉ ảnh hưởng trên cuộc đời nhưng có khả năng ‘thay đổi cả một cuộc đời’. Câu hỏi quan trọng đó là, “Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài?”; và câu trả lời lại quan trọng hơn, Ngài là Thiên Chúa, là Cha, và là Đấng Cứu Độ con người.

Bối cảnh câu chuyện Tin Mừng hôm nay xảy ra khi các môn đệ đang ở trên thuyền giữa biển hồ đang dậy sóng; và ngạc nhiên thay, Thầy Giêsu của họ lại đang ngủ như chết, vắt vẻo trên ván véo đàng lái của con thuyền. Hốt hoảng vì bão tố khiến thuyền ngập nước, hòng chìm, các môn đệ đánh thức Chúa Giêsu, thưa lên với Ngài, “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”. Tin Mừng kể tiếp, “Chỗi dậy, Ngài đe gió và phán với biển rằng, ‘Hãy im đi, hãy lặng đi!’. Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ”. Bấy giờ, các ông kinh hãi và nói với nhau rằng, “Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài?”.

‘Ngài là ai?’. Và câu trả lời, Ngài là Thiên Chúa, là Cha của chúng ta khi Ngài mỉm cười thổi sinh khí cho những con người đầu tiên để nó và dòng giống của nó có sự sống; Ngài là Chúa Tạo Thành khi thấy mọi loài Ngài dựng nên, tất cả đều tốt đẹp qua những buổi chiều và những buổi sáng; Ngài là Chủ Tể trời đất biển khơi cùng muôn loài trong đó. Và thật bất ngờ, bài đọc sách Gióp hôm nay còn cho biết một cách rất chi tiết, đầy thú vị, rằng, Ngài là Đấng tháo mở cả sóng biển ba đào, “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây!”. Tắt một lời, Ngài là Cha, Chúa Vũ Trụ, toàn quyền trên thiên nhiên, định đoạt nhất cử nhất động của mọi loài, kể cả phong ba bão tố.

‘Ngài là ai?’. Câu trả lời còn cho biết, Ngài là Đấng Cứu Độ con người. Trong bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Phaolô khẳng định, Ngài là “Đấng đã chết vì mọi người”, cũng là “Đấng đã sống lại vì họ”. Nói cách khác, Chúa Giêsu Kitô không chỉ là Thiên Chúa tạo thành vũ trụ biển khơi, sóng nước và bão tố, nhưng Ngài còn vượt qua chính bão tố lớn lao nhất của con người là sự chết. Đúng thế, Ngài đã vượt qua cơn lốc khốc liệt chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh; để sau đó, trổi dậy hiển vinh vào rạng ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Nhờ chính sự chết và sống lại của Ngài, chúng ta được ơn tha tội, được hưởng nhận sự sống mới, một sự sống vốn đã bị đánh mất vì tội lỗi của Ađam xưa. Phaolô nói, “Một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ”. Và như thế, trong Bí tích Rửa tội, những ai được chết và sống lại với Ngài sẽ sống một đời sống mới của con cái Thiên Chúa, họ nên giống Ngài và như vậy, câu trả lời ‘Ngài là ai’ giờ đây có thể ‘thay đổi cả một cuộc đời’ của những ai theo Ngài.

 

Anh Chị em,

Câu trả lời ‘Ngài là ai’ đã quá rõ ràng, Ngài là Thiên Chúa, là Cha cũng là người bạn đồng thuyền của mỗi người chúng ta. Vì thế, dù sống trong bậc gia đình hay bậc dâng hiến, thuyền đời mỗi người chúng ta luôn luôn có sự hiện diện của Ngài, một Giêsu Cứu Chúa mạnh mẽ, dũng lực, quyền năng. Vấn đề không phải là Ngài đang ngủ hay thức, nhưng quan trọng, Ngài đang có đó, để trấn an, để nói với chúng ta, “Đừng sợ!”; và quan trọng hơn, như các môn đệ, chúng ta phải biết chạy đến với Ngài, “Thưa Thầy, chúng con chết mất!”. Ngài sẽ chỗi dậy, lên tiếng và thuyền đời chúng ta sẽ được bình an; từ đó, chúng ta có thể cất cao lời ngợi khen như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ít lần, thuyền đời con, gia đình con, cộng đoàn con, Hội Thánh con… gặp phải bão dông. Xin cho con biết tìm đến Chúa, Đấng đang có trong thuyền; con tin chắc, với Chúa, mọi sự sẽ đâu vào đó. Nhưng điều quan trọng, là sau đó, con phải sống làm sao để Chúa có thể ‘thay đổi cả một cuộc đời’ của con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)