Chọn làm gia nghiệp - Quy tắc vàng
CHỌN LÀM GIA NGHIỆP
“Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp!”.
Trong cuốn sách “Wealthy People in the New Testament”; tạm dịch, “Những Người Giàu của Tân Ước”, tác giả viết, “Tập ngân phiếu của bạn là một cuốn nhật ký về các việc lành; đó cũng là sản nghiệp trên trời của bạn. Thiên Chúa kêu gọi con cái Ngài phải từ bi, nhân hậu và công bình với mọi người. Tập ngân phiếu của bạn có phản ánh những giá trị như thế không? Nó có thể hiện tấm lòng vàng xót thương của bạn đối với những người khác không?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục khai triển Bài Giảng Trên Núi; Ngài dạy chúng ta cách thức làm dày ‘tập ngân phiếu’ mai ngày, bằng cách nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, để sống xót thương như Ngài, xứng đáng là thần dân của Vương Quốc mới. Và sẽ rất bất ngờ, khi chúng ta coi Abraham, như một nhân vật tiền trưng,nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa; ông đại diện cho những ai sống trong Vương Quốc đó, những ai được Chúa‘chọn làm gia nghiệp’.
Hôm nay và những ngày tiếp theo, sách Sáng Thế tường thuật ơn gọi của Abraham, Thiên Chúa đưa ông ra khỏi xứ sở, ban cho ông lời hứa và ‘Đất Mới’ làm gia nghiệp. Abraham đã tin vào Chúa; không chần chờ, ông từ bỏ quê hương để đi theo lời Ngài mời gọi, “Ông đem Sarai, vợ ông, và Lót là cháu, cùng với tất cả tài sản và gia nhân mà họ có ở Haran”. Chính sự mềm mỏng và niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, cùng với việc nhận ra lòng thương xót của Ngài mà về sau, Abraham cư xử nhân từ với Lót, cháu ông; khi ông dám đứng ra mặc cả với Thiên Chúa cho các thành tội lỗi,hoặc khi ông dám hiến tế cho Ngài cả Isaac, đứa con yêu dấu; vì thế, Abraham được kể là công chính, là cha các kẻ tin. Đúng thế, Thiên Chúađã giữ lời, ban cho ông ‘Đất Mới’, đây cũng là hình ảnh báo trước một Vương Quốc mà Chúa Giêsu, Đấng sinh ra từ dòng dõi Abraham, sẽ thiết lập. Chính Abraham thời Cựu Ước và những ai sống yêu thương trong Vương Quốc của Giêsu, thời Tân Ước sẽ là ‘Dân Mới’ của Thiên Chúa, được Ngài ‘chọn làm gia nghiệp’. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay biểu tỏ hồng phúc vinh dự này, “Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp!”.
Với Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy tất cả những ai trong tư cách là con cái, những ai được Chúa ‘chọn làm gia nghiệp’ biết nhận ra lòng thương xót của Ngài hầu có thể xót thương anh chị em mình trong việc đoán xét. Ngài nói, “Các con đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét!”;bằng một bức tranh vô cùng thú vị,minh hoạ của Ngài đầy tính hài hước, “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi?”. Theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức,“‘Đà’, khúc gỗ cứng và tròn, dùng để luồn xuống dưới một vật nặng để dễ kéo hoặc đẩy đi”.
Chúng ta, những người có ‘đà’ trong mắt đang sống một nền ‘văn hoá đoán xét’ vốn rất thịnh hành; bản năng lên án, miêu tả ai đó dưới ‘ánh sáng’ tồi tệ nhất của họ luôn được ưu tiên! Chúa Giêsu nhận thức rất rõ điều này, Ngài biết tất cả chúng ta đều ‘giảm thị lực’ khi nói đến người khác. Buồn thay, xu hướng này phổ biến hơn nhiều so với những gì hầu hết chúng ta muốn thừa nhận; và khuynh hướng thế tục ngày càng tăng này,lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Vậy, thử hỏi, là con cái Thiên Chúa, được Ngài ‘chọn làm gia nghiệp’, tại sao chúng ta lại dễ xét đoán người khác đến thế; tại sao chúng ta dễ nhìn thấy thất bại của người khác, chú tâm vào tội lỗi, chỉ ra điểm yếu của họ và nói về lỗi lầm của họ cho người này người kia? Có lẽ một phần, là nhiều người trong chúng ta không được bình an trong tâm hồn; hoặc chính sự hiện diện của tội lỗi trong cuộc sống đã khiến chúng ta không có khả năng nhìn thấy sự tốt lành mà chỉ thấy sự khiếm khuyết nơi anh em; thấy họ như mình hoặc tệ hơn mình, chúng ta trấn an lương tâm! Thật không may, việc lên án người khác mang lại cho chúng ta một ‘sự hài lòng’ nhất định, nhưng đó là một ‘sự hài lòng’ sẽ không bao giờ được thoả mãn. Oái ăm thay! Ước muốn lên án, và phán xét sẽ chỉ phát triển mạnh hơn khi tần suất của tội lỗi này được thực hiện nhiều hơn.
Anh Chị em,
Những lời này có vẻ khó chịu, nhưng đó là sự thật! Lời Chúa mời gọi chúng ta đối mặt với sự thật hầu có thể thay đổi cách nghĩ, cách nhìn. Muốn chiến thắng nó, chúng ta nghiền ngẫm Lời Ngài, “Các con đong bằng đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Với ân sủng Chúa, chúng ta quyết tâm sửa chữa và đó là cách duy nhất để được tự do.Bên cạnh đó, cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu là hình thành một thói quen tốt ! Mỗi khi bị cám dỗ này, hãy lập tức cầu nguyện cho người anh em, chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa trên họ và trên cả chúng ta; bình an nhất định sẽ đến! Có như thế, chúng ta mới xứng đáng là con cái trong Vương Quốc của Cha,vì đã được Ngài ‘chọn làm gia nghiệp’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa , xin giải thoát con khỏi tội lỗi này, hầu con có thể dễ dàng nhìn thấy sự tốt lành của Chúa nơi những người khác và vui mừng trước sự hiện diện của Chúa trong anh em con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
****************
QUY TẮC VÀNG
“Những gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta như thế!”.
Paul Wagner mỉa mai, “‘Quy tắc vàng’ là quy tắc người có vàng đặt ra!”. Bernard Rimland, giám đốc Viện Nghiên Cứu Hành Vi Trẻ Emthì khác, “Về mặt đạo đức,‘quy tắc vàng’ là quy tắc giúp con người có được tấm lòng vàng!”; ông nói, “Người ra sức hoạt động nhằm mang lại hạnh phúc cho bản thân, ít có khả năng hạnh phúc hơn những ai nỗ lực làm cho người khác hạnh phúc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cũng như hai học giả trên, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lấy lại ‘quy tắc vàng’ của Cựu Ước để tiếp tục khai triểnBài Giảng Trên Núi của Ngài, “Những gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta như thế!”; và rồi đây, Ngài sẽ dạy một ‘quy tắc hơn vàng!’. Nhưng trước hết, ‘quy tắc vàng’ phải là cách đối nhân xử thế căn bản đầy từ tâm của con cái Nước Thiên Chúa, những người được mệnh danh là công dân của Vương Quốc Mới, công dân Nước Trời. Thú vị thay, Abraham, tổ phụ một ‘dân mới’, đang tiến vào một ‘Đất Mới’ được Thiên Chúa hứa, lại là người đầu tiên áp dụng cho mình ‘quy tắc vàng’ này.
Bài đọc Sáng Thế nói đến vấn đề đất đai, một vấn đề của những tranh chấp muôn thuở trong lịch sử nhân loại; cho đến hôm nay, vẫn là thời sự nóng bỏng, “Quyền nhờ chức, giàu nhờ đất”; và ‘tù cũng bởi đất!’. Chuyện đã xảy ra khi có sự tranh chấp giữa những người chăn chiên của Abraham và Lót, cháu ông; vì lẽ, vùng đất của họ “không đủ chỗ cho cả hai người” và cả những đàn gia súc của hai bác cháu. Khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng là rất thực tế!Tuy nhiên, thái độ cao cả của Abraham đã khiến cho những tranh chấp được dập tắt ngay từ trong trứng nước. Abrahamđã nói với Lót, “Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, giữa các người chăn chiên của chúng ta, vì chúng ta là anh em với nhau”. Đầy nhân ái,Abraham áp dụng ‘quy tắc vàng’, “Trước mặt cháu, có cả một miền rộng rãi, xin cháu hãy lìa khỏi bác; nếu cháu đi bên tả, bác sẽ đi bên hữu; nếu cháu chọn phía tay phải, bác sẽ đi về phía tay trái”. Không thể tuyệt vời hơn!
Một cách nào đó, lối cư xử cao thượng của Abraham đối với Lót trước vùng ‘Đất Mới’, tiên báo lối xử thế nhân văn Chúa Giêsu chỉ ra cho người môn đệ trong Vương Quốc ‘mới hơn’ của Ngài, “Những gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta như thế!”. Sự thật, ai trong chúng ta cũng muốn người khác làm nhiều điều cho mình; chúng ta muốn được tôn trọng, đối xử công bằng…Nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn, chúng ta muốn được yêu, được hiểu, được biết đến, được quan tâm và được chăm sóc.Đó là những gì rất tự nhiên, chẳng chút tiêu cực; đó là khao khát bẩm sinh Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được người khác yêu và Thiên Chúa yêu, vốn cũng là ý nghĩa của việc làm người, nó được tạo ra cho tình yêu đó. Vậy mà ‘quy tắc vàng’ thúc giục chúng ta sẵn sàng tặng trao cho người khác những gì mình muốn. Và với Chúa Giêsu, Ngài còn đi xa hơn quy tắc của Cựu Ước với một ‘quy tắc hơn vàng’; đó là bất kể tha nhân cư xử với chúng ta thế nào, bất kể họ là ai,là kẻ thù hay là gì nữa, Ngài muốn chúng ta sống ‘quy tắc hơn vàng’ này, “Hãy yêu thương thù địch, hãy cầu nguyện và làm ơn cho những kẻ bách hại các con!”;vì lẽ, lý do cũng cao hơn, “Hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo!”.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu biết điều đó thật là khó, khó như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đặt câu hỏi, “Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?”; nghĩa là ai được vào Vương Quốc Mới của Ngài? Chính Ngài cũng thừa nhận trong Tin Mừng hôm nay,việc chấp nhận một thái độ như thế khác nào việc đi qua cửa hẹp mà vào một con đường thật nhỏ, thật vắng. Nhưng với Ngài, đó là con đường của niềm vui; con đường dẫn đến sự sống cho mình và cho người khác. Ngài nói, “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất!”. Và thật ý nghĩa, đó cũng là cửa hẹp và là con đường chính Ngài đã đi; đúng hơn, chính Ngài là cửa hẹp và là con đường đó. ‘Cánh Cửa Giêsu và Con Đường mang tên Ngài’luôn rộng mở để cả chúng ta cũng có thể đi vào và cất bước trên đó với sự trợ giúp của ân sủngvà quyền năng của Thánh Thần Ngài. Bí tích Thánh Thể và các ‘phương dược thánh’ Ngài ban, đủ cho chúng ta lên xuống trên con đường này, một con đường hẹp, nhưng nhất định đem lại niềm vui và sự sống ; không chỉ trong cuộc sống dương thế, nhưng cuối cùng, còn dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu; và như vậy, được thông phần vào ‘sự sống phục sinh’tươi mới của chính Ngài.Thế giới sẽ rất khác, Giáo Hội sẽ rất khác, nếu chúng ta sống ‘quy tắc vàng’ của Cựu Ước; và hơn thế, sống ‘quy tắc hơn vàng’ của Ngài. Và chắc chắn, sẽ có ít xung đột hơn trên địa cầu đáng thương này!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của cánh cửa hẹp, xin giúp con biết đi vào trong Chúa mỗi ngày, sống ‘quy tắc hơn vàng’ của Chúa, rũ bỏ mọi tầm thường; nhờ đó, trong ân sủng, con có thể bước đi một cách mạnh dạn, tự tin và tự do như những con trai, con gái của Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: