Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trân trọng, tôn trọng và kính trọng - Chạm đến ân sủng

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TRÂN TRỌNG, TÔN TRỌNG VÀ KÍNH TRỌNG

 

“Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt theo Ngài. Bỗng một người cùi đến bái lạy Ngài!”.

 

Winston Churchill, thủ tướng Anh,người được tiếng là chính trực và tôn trọng những người đối lập. Năm cuối cùng tại vị, ông tham dự một buổi lễ long trọng. Sau ông vài hàng ghế, có hai quý ông đang thì thầm, “Đó là Winston Churchill!”; họ nói,“Ông ấy đang già đi”; “Ông ấy nên từ chức, để đất nước cho những người năng động và có năng lực hơn điều hành”. Buổi lễ kết thúc, Churchill quay về phía hai người; đầy trân trọng, ông nói, “Thưa quý ông, họ cũng nói, ‘ông ấy bị điếc!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Còn hơn cả sự trân trọng Winston Churchill dành cho các nhà chính trị đối lập, phụng vụ Lời Chúa hôm nay còn cho chúng ta một sự ngạc nhiên thú vị tương tự.“Một người cùi đến bái lạy Ngài!”; Tin Mừng hôm nay mở đầu như thế; sau đó, anh lên tiếng xin Chúa Giêsu chữa lành. Thật bất ngờ, chi tiết này sẽ giúp chúng ta khám phá sự tôn kính của con người đối với Thiên Chúa; và bất ngờ hơn, sự kính trọng của Thiên Chúa đối với con người!

 

Thực hiện sự kính trọng đối với ai là bày tỏ công khai hoặc riêng tư sự trân trọng và tôn trọng đối với người đó. Đây là những gì người phong cùi đã làm với Chúa Giêsu. Anh đến ‘sụp lạy’Ngài; một bản dịch khác, anh ‘phủ phục’ trước mặt Ngài.Thế nhưng, không chỉ tôn kính, người này còn đi xa hơn, anh bày tỏ một niềm tin chắc chắn rằng, Chúa Giêsu có thể chữa anhlành, chỉ cần Ngài muốn.Anh nói, “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch!”.Dĩ nhiên, Ngài muốn!Đưa tay chạm vào anh, Ngài tuyên bố, “Ta muốn, anh hãy lành bệnh!”. Tức thì, anh được sạch.

 

Điều đầu tiên cần lưu ý ở đây, Chúa Giêsu đã “chạm vào” người cùi. Đây là điều luật cấm đối với người Do Thái, vìnhư thế, Ngài bị coi là nhiễm uế.Thế nhưng, Chúa Giêsu đã phá vỡ chuẩn mực của cha ông khi chạm vào anh; trước mọi người, Ngài bày tỏ công khai sự ‘trân trọng, tôn trọng và kính trọng’để mặc khải cho người cùi và mọi người ‘phẩm giá bẩm sinh’ của anh.Thật thâm thuý khi chúng ta thử hỏi, ‘Vậy thì ai đã thể hiện một hành động trân trọng và kính trọng hơn?’;‘Hành động tôn kính của người cùi có lớn hơn không?’; hay ‘hành động “chạm vào” và làm sạch người cùi lớn hơn?’.Và dẫu không cần so sánh hai hành vi này, nhưng sẽ rất hữu ích khi chúng ta suy gẫm về một sự thật sâu sắc rằng, Chúa Giêsu, một Thiên Chúa làm người đã bày tỏ sự kính trọng đối với con người; ở đây, một người ô uế, đáng thương, bị cộng đồng loại trừ. Không nghi ngờ gì nữa, Ngài không chỉ ‘trân trọng, tôn trọng và kính trọng’bằng cách chạm vào và chữa lành anh, nhưng còn công khai bày tỏ tình yêu xót thương của Thiên Chúa đối với con người.

 

Ngạc nhiên thay, chúng ta còn gặp thấy sự ‘trân trọng, tôn trọng và kính trọng’này ở bài đọc thứ nhất trong cách cư xử đầy nhân áicủa Thiên Chúa đối với con người; cụ thể qua Abraham, kẻ Ngài chọn. Thiên Chúa trân trọng Abraham khi Ngài giữ lời đã hứa với ông,một dòng dõi đông như sao trời, nhiều như cát biển; và hôm nay, Ngài hứa thêm một lần nữa, “Ta sẽ chúc phúc cho Sara, vợ ngươi; và Sara sẽ sinh một con trai”. Sách Sáng Thế nói, “Abraham cúi mặt cười, nghĩ trong lòng rằng: ‘Già đã trăm tuổi mà còn có con được sao? Sara đã chín mươi tuổi sẽ sinh con ư?”.Ôi, trước một Thiên Chúa, Đấng mà sách Xuất Hành quả quyết, “Không ai nhìn thấy mà không chết”; vậy mà Abraham lại dám cười! Vậy phải chăng, vị Thiên Chúa đó quá yêu thương, Ngài ‘trân trọng, tôn trọng và kính trọng’ vị tổ phụ? Ngài còn đi một bước không tưởng khi ‘đặt tên’ cho đứa con của Abraham và lập giao ước với nó, “Tên nó là Isaac. Ta sẽ lập giao ước muôn đời với nó và dòng dõi nó!”.Và Ngài sẽ giữ lời với miêu duệ của kẻ kính tôn Ngài cho đến muôn đời, đúng như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác tín, “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài!”.

 

Anh Chị em,

 

Tất nhiên, sự tôn kính, thờ phượng chúng ta dành cho Thiên Chúa là phải lẽ; thế nhưng, còn phải nhận ra rằng, Thiên Chúa vẫn đang ‘trân trọng, tôn trọng và kính trọng’ mỗi người chúng ta. Mỗi ngày, qua các Bí tích, Ngài đang chạm đến chúng ta; đặc biệt, Bí tích Thánh Thể. Vậy mà, không chỉ cúi mặt cười như Abraham, chúng ta còn xúc phạm, ‘bôi mặt Ngài’khi chúng ta phạm tội; hoặc khi chúng ta miệt thị, nhục mạ Ngài trong anh chị em mình;chúng ta quên rằng, tha nhân cũng là hình ảnh của Thiên Chúa.Người cùi hôm nay chỉ là biểu tượng của nhiều loại người mà thế giới coi là ô uế và không xứng đáng,Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn trọng và kính trọng họ tối đa và triệt để. Khi làm vậy, chúng ta không biện minh cho tội lỗi hoặc khiếm khuyết của họ; nhưng vượt qua vẻ bên ngoài, chúng ta chân nhận‘phẩm giá bẩm sinh’ của họ, họ cũng là con cái Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con liên tục khám phá sự hiện diện tiềm ẩn của Chúa trong cuộc sống anh chị em con; cho con biết ‘trân trọng, tôn trọng và kính trọng’ tha nhân, vì ngay lúc đó, con tôn kính chính Chúa đang ở trong anh em con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

 

CHẠM ĐẾN ÂN SỦNG

 

“Thấy bà mẹ vợ Phêrô đang sốt liệt giường. Chúa Giêsu chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài!”.

 

“Đại diện Hoa Kỳ tham dự tang lễ của cựu lãnh đạo Leonid Brezhnev, George Bush, với tư cách Phó Tổng thống, vô cùng xúc động trước sự ‘không đồng tình’ âm thầm của bà quả phụ Brezhnev. Bà đứng bất động bên quan tài;và ngay khi những người lính chạm vào nắp, bà đã thực hiện một hành động vô cùng can đảm, một cử chỉ chắc chắn phải được xếp hạng là một trong những hành vi bất tuân dân sự sâu sắc nhất. Bà đã cúi xuống, làm dấu thánh giá trên ngực chồng. Ở đó, trong toà nhà của quyền lực thế tục, vô thần, vợ của người đàn ông quyền uy nhất hy vọng rằng, chồng mình đã sai. Bà hy vọng một cuộc sống khác cho ông, một cuộc sốngđược cứu chuộc bởi Chúa Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá, và chính Giêsu đó, cũng có thể thương xót chồng bà.Bà hy vọng chồng bà được‘chạm đến ân sủng’ của Ngài, khi thánh giá Ngài chạm đến trái tim ông”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Trên đây là ghi nhận của mục sư Gary Thomas trong cuốn “Christianity Today”, “Kitô Giáo Ngày Nay” của ông. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘được Thiên Chúa chạm đến’ hay ‘được chạm đến Ngài’, mà trong cái nhìn đức tin, chúng ta gọiđây là việc ‘chạm đến ân sủng’. 

 

Nhạc mẫu của Phêrô đang sốt liệt giường. Không rõ bà ấy ốm làm sao, nhưng sự thật là bà ấy ốm đến mức liệt giường. Trước tiên, chúng ta lưu ý,không ai xin Chúa Giêsu chữa cho bà, kể cả bà; đúng hơn, Ngài “nhìn thấy” bà ấy đang liệt. Việc đến gần bà là do chính Ngài lựa chọn; và cũng chính Ngài đưa tay “chạm đến tay bà”, và bà được chữa lành.Ngay sau khi được chạm đến, “Bà trỗi dậy tiếp đãi các ngài!”. Trước hết, “bà đã trỗi dậy”. Hành động “trỗi dậy” ở đây tượng trưng cho tất cả những gì phải làm ngay khi được ân sủng cảm hoá. Ân sủng của Thiên Chúa có tác dụng làm cho trỗi dậy; nói cách khác, mỗi khi được ‘chạm đến ân sủng’, chúng ta phải trỗi dậy! Trỗi dậy khi thoát khỏi tội lỗi bởi đã chạm đến ơn tha thứ của Bí tích Hoà Giải; trỗi dậy khi Chúa bước vào cuộc đời chúng ta, ban cho chúng ta sự định hướng, sự sáng suốt và niềm hy vọng sau một biến cố nào đó trong cuộc đời. Mỗi lần trỗi dậy là mỗi lần chúng ta được củng cố trong đức tin, được xua tan gánh nặng tội lỗi và sự mê muội; đồng thời, vươn lên trong sức mạnh, được biến đổi, quyết tâm đi theo ý muốn của Thiên Chúa và tạo nên một sự khác biệt.

 

Sau khi trỗi dậy, bà đã “tiếp đãi các ngài”. Đây phải là hậu kết tất yếu của việc chỗi dậy nơi một người đã ‘chạm đến ân sủng’. Ân sủng không được ban để chúng ta quay lại với tội lỗi, nhưng được ban để trỗi dậy, phục vụ Thiên Chúa và thánh ý Ngài. Theo một nghĩa nào đó, việc ‘chạm đến ân sủng’đặt chúng ta trở lại sứ vụ của mình; đó có thể là một gánh nặng nhưng chắc chắn là một ‘gánh nặng thánh’; một gánh nặng sẽ hoá nhẹ, gánh của ân sủng, gánh của ân phúc, “Vì ách Ta thì êm ái, gánh Ta lại nhẹ nhàng”.

 

Thú vị thay! Abraham và Sara trong bài đọc Sáng Thế hôm nay cũng đã ‘chạm đến ân sủng’.Dưới cụm sồi Mambrê, ‘ba người khách lạ’cũng tự tìm đến nhà Abraham; ông cũng ‘trỗi dậy’ phục vụ các ngài,“Chính ông đứng hầu các Đấng dưới bóng cây”.Như nhạc mẫu Phêrô bất lực, nằm liệt giường, Sara cũng bất lực, héo hắt vì không thể sinh con;hình ảnh này cũng nói lên một cái gì tàn úa, chết chóc. Vậy mà người phụ nữ son sẻ này, rồi đây, cũng được xót thương với một mụn con theo lời đã hứa, “Độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ông, cả hai vẫn còn khoẻ mạnh, và Sara sẽ được một con trai!”.Và như thế, việc ‘chạm đến ân sủng’ của Abraham và Sara đã làm tươi mới trở lại tất cả;để rồi đây, dưới mái lều của họ,sẽ có tiếng cười trẻ thơ; đúng như lời Magnificat của Mẹ Maria, Đấng Đầy Ân Sủng, qua đáp ca hôm nay, “Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài!”.

 

Anh Chị em,

 

Mỗi ngày, trên các bàn thờ và qua các Bí tích, chúng ta ‘chạm đến ân sủng’; đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Không chỉ ‘chạm đến ân sủng’,chúng ta chạm đến Đấng là nguồn ân sủng; đúng hơn, Giêsu Ân Sủng chạm đến chúng ta. Và không chỉ chạm đến, Ngài còn đi vào linh hồn, trở nên của ăn, của uống nuôi sống chúng ta. Noi gương Abraham và nhạc mẫu Phêrô, chúng ta cũng trỗi dậy, đi tới với những bước đi trong ân sủng để làm trọn thánh ý Thiên Chúa trong mọi đấng bậc.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, dẫu con thật bất xứng, nhưng mỗi ngày, con được ‘chạm đến ân sủng’ của Chúa; xin giúp con trỗi dậy từ những yếu đuối, liệt lào và tội lỗi; nhờ đó, con bớt bất xứng hơn, hầu có thể đem ân sủng Chúa chạm đến anh chị em con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)