Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ôm lấy Lòng Thương Xót - Khôn bao giờ trở lại

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ÔM LẤY LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Isaac nói, “Củi lửa có đây, còn của lễ toàn thiêu đâu?”; Abraham đáp, “Hỡi con, Chúa sẽ liệu!”.

 

Nhà thần học A.W.Tozerviết, “Thánh Kinh công nhận, không đức tin nào không dẫn đến sự vâng lời;Thánh Kinh cũng không công nhận một sự vâng lời nào đó mà không bắt nguồn từ đức tin; đây là hai mặt của một đồng tiền. Về phía Thiên Chúa, Ngài không bao giờ vội vàng; không một hạn định nào buộc Ngài phải làm điều này điều kia, Ngài tự do dự liệu theo cách của Ngài”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật bất ngờ,câu nói của A.W. Tozersẽ được gặp thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Isaac thắc mắc không biết lấy đâu ra của lễ để dâng Thiên Chúa, thì thật tuyệt vời,câu trả lời của Abraham, “Hỡi con, Chúa sẽ liệu!”. Phải, Chúa sẽ liệu theo cách của Chúa, mà cách của Chúa là xót thương; về phía con người,chỉ việc tin vào Thiên Chúa và ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài.

 

Câu chuyện hiến tế Isaac không đơn thuần là câu chuyện của lòng tin, nhưng còn là câu chuyện của lòng thương xót. Đã một thời, tục tế thần từng phổ biến trong lịch sử của một vài tôn giáo, bộ tộc. Chính trong bối cảnh đó, Abraham được mời gọi hiến tế con mình.Với một hành trình dài bằng ba ngày đường, và dù lòng chất nặng nỗi sầu, Abraham vẫn vâng lời đem con lên núi; thế nhưng, ông vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, Đấng hứa cho dòng dõi ông đông như sao trời, nhiều như cát biển.Thiên Chúa có cách của Ngài, Abraham không cần biết Ngài sẽ làm cách nào, đó không phải là việc của ông. Ông chỉ có một việc, là tin tưởng ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài. Vì thế, với câu hỏi của con mình, ông trả lời không do dự, “Chúa sẽ liệu!”. Ông không biết Chúa sẽ liệu theo cách nào; và kìa, Ngài đã liệu theo cách xót thương, “Abraham, Abraham, đừng đưa tay hại đến đứa trẻ!”. Rồi đây, một người con trong miêu duệ đông như sao trời của ông sẽ nói, “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tiên báo, “Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống!”.

 

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến lòng tin của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa. Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người bất toại, xin Ngài chữa lành.Với trình thuật này, Marcô và Luca diễn tả khá chi tiết, ngoạn mục; nào người bất toại có bốn người khiêng, nào anh được thòng xuống chòng chành từ mái nhà qua một lỗ thủng. Với Matthêu thì hoàn toàn khác, thánh sử ghi lại cách đơn giản, “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại, ‘Hỡi con, hãy vững tin, tội con được tha!’”. Thế thôi! Matthêu chỉ tập trung vào lòng tin bộc lộ từ con người và lời xót thương tỏ bày từ Thiên Chúa. Với Matthêu, điều quan trọng ở đây là, trước một Thiên Chúa xót thương, con người phải có lòng tin để ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Ngài, phần còn lại, Thiên Chúa sẽ liệu.

 

Thế nhưng, ngạc nhiên thay,cách thức Thiên Chúa liệu lại thật lạ lùng; đó là “Tội con được tha!”. Sao lại “tội con được tha” mà không phải ‘con được lành?’.Với Chúa Giêsu, sự chữa lành tâm linh, được thứ tha tội lỗi phải là điều quan trọng nhất trong ‘phép lạ kép’ hồn xác này; bởi lẽ, chữa trị thiêng liêng để lại hậu quả vĩnh viễn cho linh hồn.Vấn đề quan trọng nhất của một con người là sự thánh thiện và phải loại bỏ trở ngại của sự thánh thiện là tội lỗi. Trong sâu thẳm, điều duy nhất phương hại đến linh hồn là tội lỗi và lối sống ích kỷ.Thế nhưng, việc cầu xin điều này lại không dễ, nó đòi hỏi trước tiên, phải thừa nhận mình là tội nhân cần được thứtha; để có thể thừa nhận nhu cầu cần được tha thứ, cần phải có lòng can đảmvà sự khiêm tốn vốn là hai đức tính và là sức mạnh tuyệt vời của tính cách từ phía chúng ta.

 

Anh Chị em,

 

Đối với những tâm hồn ước mơ đời sống thánh thiện, Chúa Kitô luôn luôn mới mẻ; chúng ta luôn được yêu cầu nhiều hơn, và kết quả là những kinh nghiệm mới mẻ về Ngài sẽ lấp đầy chúng ta. Tình yêu của chúng ta không bao giờ cũ vì chúng ta từ chối ‘kiểm soát trước’ những gì Chúa có thể làm với mình.Chúng ta tin, Chúa sẽ liệu; và Ngài đã liệu cho chúng ta. Bí tích Giải Tội được dự liệu để ban ơn tha thứ tội lỗi; các Bí tích khác đồng hành để ban ân sủng trợ lực; đặc biệt với Bí tích Thánh Thể, chính Ngài hiện diện, kết hiệp và nuôi sống linh hồn chúng ta. Vì thế việc còn lại của chúng ta là ‘ôm lấy lòng thương xót’của Ngài khi biết mình bất lực, yếu hèn và tội lỗi.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin chữa lành con, vốn đang tật nguyền, bại liệt. Xin đừng để con tưởng mình khoẻ mạnh, để con biết cầu xin ơn tha thứ và múc lấy những gì Chúa sẽ liệu cho con mỗi ngày; hầu con một chỉ‘ôm lấy lòng thương xót’ của Chúa trong tâm tình biết ơn”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI

 

“Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó!”.

 

Trong cuốn “Morning Glory”, tạm dịch, “Vinh Quang Ngày Mới”, tác giả kể lại cuộc đào thoát của Lana Peters, con gái duy nhất của Joseph Stalin; một biến cố khiến thế giới sửng sốt, nước Nga vuốt mặt. Tại phi trường New York, khi vừa đáp xuống, cô tiết lộ cho các phóng viên lý do cô đào tẩu,“Tôi thấy rằng, không thể tồn tại nếu không có Chúa trong trái tim của một con người!”.Cuộc đấu tranh của người phụ nữ 31 tuổi này thật khủng khiếp. Để rời nước Nga, Lana Peters phải trả một giá quá đắt, đó là bỏ lại hai đứa con nhỏ ở Moscow, như cô nói, “Không bao giờ trở lại!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Không bao giờ trở lại”, đó cũng là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Abraham căn dặn người quản gia của ông rằng, “Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó!” khi ông sai người này về quê, nơi ông đã ra đi, để cưới vợ cho Isaac, con trai ông. Thật thú vị, một khi đã đi vào ‘Đất Mới’ của Thiên Chúa, Abraham hay bất cứ ai,sẽ ‘không bao giờ trở lại’ chốn xưa.

 

Câu chuyện tìm vợ cho Isaac trong bài đọc Sáng Thế hôm nay là câu chuyện quan phòng của Thiên Chúa; nó vừa ly kỳ,lại vừa giản dị. Ly kỳ vì lẽ,Abraham buộc người quản gia đặt tay dưới bắp vế ông mà thề, “Sẽ không cưới cho con ta một người vợ thuộc dân Canaan mà ta đang sống chung với họ ở đây”; một “Hãy về quê hương họ hàng ta mà cưới vợ cho nó!”. Nhưng lạ thay, Abraham dặn đi dặn lại đến mấy lần, “Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó!”; “Đừng dẫn con trai ta về nơi đó!” khác nào ‘Đừng dẫn ta về nơi đó!’. Trong kế hoạch của Thiên Chúa,một người đã ra đi theo tiếng gọi của Ngài, sẽ ‘không bao giờ trở lại’ lối cũ. Còn về giản dị, câu chuyện trở nên giản dị khi Thiên Chúa là Đấng sắp đặt tất cả mọi sự; Abraham nói, “Chúa sẽ sai thiên thần đi trước mặt ngươi, và ngươi cưới cho con trai ta một người vợ trong xứ đó”.Và quả như thế, người quản gia đưa Rêbecca về, và “Isaac đưa nàng vào nhà xếp của Sara mẹ ông, ông lấy nàng làm vợ và yêu thương nàng”.Ngày ấy, gia đình Abraham hẳn đã rất vui mừng, họ sống trong tâm tình ngợi khen, đúng như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay diễn tả, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ!”.

 

Thật trùng hợp và đầy bất ngờ, Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một cuộc ra đi khác, cuộc ra đi ‘không bao giờ trở lại’ của Matthêu, một người thu thuế vốn sẽ trở thành tông đồ. Tác giả Tin Mừng thứ nhất ghi lại khúc ngoặt đời mình thế này, “Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Ngài bảo ông, “Hãy theo Tôi!”. Ông ấy đứng dậy đi theo Ngài”.Sự vắn gọn khi viết về câu chuyện đời mình tiết lộ ‘một sự bị động hoàn toàn’của tác giả trước lời gọi định mệnh ấy; ở đây, xem ra Matthêu đang ‘đổ lỗi’ cho Chúa Giêsu, rằng, ‘Ngài bất thần đột nhập vào thế giới của tôi; đúng hơn, thế giới tiền bạc của tôi, Ngài chộp tôi ra khỏi thế giới đó và xô tôi đi tới!’. Trong kiệt tác của mình, “Ơn Gọi của Matthêu”,như một nhiếp ảnh gia nhanh tay, hoạ sĩ Caravaggio đã chụp được khoảnh khắc đó. Hoạ sĩ vẽ Chúa Giêsu ở bên phải đang hướng về phía Matthêu, Ngài lên tiếng gọi ông. Matthêu đang ngồi với những người khác; tay phải giữ chặt một số tiền trên bàn và tay trái chỉ vào mình, như thể đang nói, “Ai ? Tôi ? Tiền này là của tôi!”.

 

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay vì thế, còn có tên là câu chuyện “Xô Con Đi Tới”, câu chuyện của một tội nhân nay đang “Với Tới Tầm Cao Ân Sủng”, cũng là câu chuyện “Không Bao Giờ Trở Lại” của một tội nhân được xót thương. Như thánh Phaolô, Matthêu giờ đây chỉ còn một việc, “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”. Quên đi chặng đường đã qua, ‘không bao giờ trở lại’ nếp cũ, nếp tội lỗi của một thu thuế, Matthêu trải nghiệm ơn tha thứ của Thiên Chúa với đôi tay vẫy gọi của Ngài vốn sẽ đưa ông đến một lối sống mới của một chân trời mới, dẫu ông không biết cuối chân trời đó sẽ là gì và mình sẽ đi về đâu.Từ đó, Matthêu rời bỏ sổ sách, rời luôn hòm tiền để theo Chúa Giêsu; ông học bài học của chim muông, của hoa đồng cỏ nội, những loài không hề tính toán cho đời sống mình. Và thú vị thay, ngay trong nhóm Mười Hai, Matthêu cũng không kiêm giữ vai trò thủ quỹ!

 

Anh Chị em,

 

Đến một lúc nào đó, Chúa Giêsu cũng tìm cách đột nhập vào thế giới của mỗi người chúng ta; cũng có thể Ngài đã đột nhập hay sắp đột nhập; một thế giới mà ở đó,‘các thứ khác’ và tiền bạc có lẽ nhiều hơn Thiên Chúa. Chớ gì mỗi người chúng ta ý thức rằng, Thiên Chúa đang khao khát ‘linh hồn tôi’ dù tôi đang ở đấng bậc nào, trong bất cứ hiện trạng nào. Mỗi ngày, chúng ta có thể tự hỏi câu hỏi của Matthêu, “Ai? Tôi?”, một câu hỏi mà Chúa Giêsu luôn luôn trả lời, “Con, đúng là con!”; và Ngài cũng muốn chộp lấy tôi, xô tôi đi tới, để tôi ‘không bao giờ trở lại’ lối sống xưa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa không đến vì “người công chính” mà đến vì “kẻ tội lỗi”. Xin cho con biết mở lòng đón nhận ơn tha thứ xót thương của Chúa; và một khi đã được xô về phía trước, xin cho con luôn biết nói với Chúa rằng, con sẽ ‘không bao giờ trở lại’ lối cũ, tội xưa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)