Lương tâm thời đại
LƯƠNG TÂM THỜI ĐẠI
Trần Mỹ Duyệt
Đối diện với những người vô cảm, lạnh lùng và thờ ơ trước những nỗi đau của đồng loại; hoặc những kẻ cố tình gây ra những thương tổn thể chất, tinh thần và tài sản cho người khác, tiếng bình dân gọi họ là những người “không có lương tâm”. Nói một cách khác, người đời gọi họ là những người “lương tâm không có răng”.
Vô tâm là một hội chứng tâm lý phát xuất từ tính ích kỷ, chỉ biết mình, và mọi sự đều qui về cái tôi của mình. Có lương tâm mà “lương tâm không có răng” là hình thức chỉ những người tuy tiếng lương tâm có thức tỉnh, có cắn rứt việc làm sai trái của họ, nhưng họ lờ đi như không nghe, không biết gì.
Vậy lương tâm là gì và nó đóng vai trò gì trong cuộc sống của con người.
LƯƠNG TÂM LÀ GÌ?
Lương: tốt; tâm: lòng trí. Lương tâm: lòng trí tốt.
Lương tâm là sự phán đoán của tâm trí, nhờ đó con người nhận biết một hành vi cụ thể là tốt hay xấu. Lương tâm bao gồm các yếu tố như việc nhận thức các nguyên tắc luân lý tổng quát đã có sẵn trong trí khôn, việc áp dụng những nguyên tắc đó vào các hoàn cảnh cụ thể, và việc phán đoán các hành vi cụ thể phải làm hay đã làm (x. GLHTCG 1778,1780).
Lương tâm nói chung được hướng dẫn bởi luật tự nhiên. Tuy nhiên, Lương tâm có thể ở trong tình trạng thiếu hiểu biết và phán đoán sai lầm, nên Lương tâm cần phải được huấn luyện. Lương tâm Kitô Giáo được hướng dẫn bởi Lời Chúa, lời khuyên của Giáo Hội. [1]
Lương Tâm: Cái lòng tốt mà trời phú cho mỗi người để hiểu rõ việc lành, việc tốt. Làm ác dù không ai biết cũng bị lương tâm cắn rứt. [2]
Lương tâm còn được xem như “Cảm nhận nói với ta những gì mình làm sai hay đúng một cách luân lý.” Anh ta có một lương tâm tội lỗi (=Cảm nhận tội lỗi) [3]
Như vậy, lương tâm như một hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp những ai đang tìm địa chỉ, và chỉ dẫn đường đi cho hành động của mình. Nhờ đó, trước muôn cám dỗ, thử thách, cùng với những hấp dẫn, thu hút của đam mê, dục vọng, của tính ích kỷ, và xa hoa phù phiếm, con người được hướng dẫn để khỏi bị lạc đường. Tóm lại, lương tâm chính là:
-Sự phán đoán của tâm trí.
-Nhận thức các nguyên tắc luân lý tổng quát đã có sẵn trong trí khôn.
-Cảm nhận mách bảo cho ta biết những gì ta đang làm đúng hay sai một cách luân lý.
Lương tâm cần được hướng dẫn bởi luật tự nhiên. Riêng đối với người Kitô giáo, lương tâm họ cần phải được hướng dẫn bởi Lời Chúa, và các giáo huấn của Giáo Hội.
Lương tâm quan trọng như vậy vì con người là một tạo vật vượt trên mọi tạo vật, có tự do và ý thức riêng. Bởi đó, con người phải chịu trách nhiệm về mọi tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Đè nén, coi thường tiếng nói lương tâm sẽ dẫn đến tình trạng mất đi ý thức tội lỗi, vô cảm, và hạ giá hành vi nhân tính.
LƯƠNG TÂM ĐÁNG GIÁ MẤY XU?
Căn cứ vào những định nghĩa trên về lương tâm, thì con người thời nay xem như đang có vấn đề trước những chọn lựa luân lý và đạo đức. Không chỉ riêng khía cạnh tôn giáo, mà cả khía cạnh đạo đức xã hội, lương tâm cũng đang gặp rất nhiều thử thách.
Những câu hỏi có căn bản trực tiếp liên quan giữa đời sống, luân lý, và đạo đức. Thí dụ: Những kẻ làm ác, gây đau khổ tinh thần và thể xác cho người khác. Những kẻ lo chiếm đoạt tài sản của người nghèo, người thấp cổ bé miệng. Những kẻ chuyên cướp của, giết người, và làm băng hoại xã hội… Những con người này liệu họ còn có lương tâm nữa hay không?
Đứng trước những tội ác như phá thai, diệt chủng. Những tội hủy diệt xã hội như buôn bán vũ khí, buôn bán nữ giới, buôn bán cần sa, ma túy… con người liệu còn đặt niềm tin vào lương tâm nữa hay không?
Và trước những trào lưu ly dị, đồng tính, hôn nhân đồng tính, chuyển giới, sự lựa chọn của quần chúng có khả năng thay thế tiếng nói của lương tâm hay không?
Tóm lại, những giá trị luân lý, đạo đức, những giá trị truyền thống, văn hóa về tình yêu, hôn nhân, gia đình, đạo đức đang bị con người thời nay nhân danh tự do, nhân danh đổi mới, bình quyền, và công bằng xã hội làm đảo ngược. Nhiều người như mất phương hướng, đặc biệt là giới trẻ. Và rõ ràng những xu thế của xã hội đang là những thách thức lớn lao cho những ai còn muốn nghe theo tiếng lương tâm, và để lương tâm hướng dẫn những suy nghĩ cũng như hành động của mình.
LƯƠNG TÂM KHÔNG RĂNG
Lương tâm, từ ngữ nghe như xa lạ và đang mất dần ý nghĩa trước những chọn lựa và thực hành niềm tin, các quyết định mang ý nghĩa tinh thần, và cách thức thể hiện hành vi nhân tính trong tương quan xã hội.
Khi lương tâm không còn cắn rứt, không còn lên tiếng mách bảo nữa cũng cùng nghĩa là lương tâm đã chết “lương tâm chết”, hay “lương tâm không có răng”.
Thực tế thì lương tâm vẫn còn đó, nhưng chỉ là tiếng nói của nó đã trở nên quá nhỏ, yếu ớt, và thoi thóp trong lòng con người ngày nay. Những điều này đã được tiên báo trước. Các vị đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng coi thường lương tâm như Đức Giáo Hoàng Piô XII, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Các ngài là những người đã nhìn thấy, đã cảm nghiệm, và đã gióng lên những hồi chuông báo tử về cái chết của lương tâm con người thời đại. Tiếc thay, cũng như Gioan Tiền Hô, tiếng nói của các ngài như tan loãng vào sa mạc hoang vu của cuộc đời!
Trước đây gần thế kỷ, Đức Piô XII, trong thông điệp truyền thanh tháng Mười 1946 gửi các Thượng Phụ tham dự Hội Nghị Giáo Lý Toàn Quốc Hoa Kỳ ở Boston (the National Catechetical Congress of the United States in Boston), đã nói tiên tri về con người thời đại: “Có lẽ tội lớn nhất trong thế giới ngày nay là con người đã đánh mất đi ý thức của tội lỗi.” [4]
“Đánh mất ý thức tội lỗi” là đánh mất những quan niệm tốt về luân lý và đạo đức. Kết quả là công bình, bác ái, huynh đệ, tha thứ, công chính là những xa xỉ phẩm của cuộc sống. Trong nền văn hóa thời đại, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi đó là “văn hóa sự chết!” Đặc biệt, khi ngài nhắm vào tệ nạn phá thai: “Thiên Chúa không làm nên sự chết, và Ngài cũng không vui khi thấy sự chết trong sự sống. Vì Ngài đã tạo dựng mọi loài để chúng hiện hữu…Thiên Chúa đã tạo dựng con người cho sự vĩnh cửu, và tạo dựng con người theo hình ảnh đời đời của chính Ngài, nhưng vì do ghen tỵ của ma quỷ, cùng với những kẻ theo nó, sự chết đã lọt vào thế gian.” [5]
Và để khỏa lấp tiếng nói của lương tâm, con người đã sáng kiến ra một triết lý sống mới: tương đối đạo đức (Realism). Theo Đức Bênêđíctô XVI trong buổi triều yết chung tại sảnh đường Phaolô VI, Thứ Tư ngày 9 tháng Giêng 2013, những lý lẽ biện minh của họ đã dựa vào cái được gọi là chủ thuyết Realism. Một chủ thuyết đôi khi còn gọi là Naturalism. Nó chấp nhận một thái độ và lối sống trong tình trạng như hiện có, rồi để chuẩn bị đối phó một cách thích hợp.
Hậu quả của lối sống này là sự chối bỏ những giá trị tuyệt đối của luân lý và đạo đức. Sống theo tâm thức chung mà không cần phải quan tâm đến luân lý, đạo đức cũng như lề luật tự nhiên. Để phản đối quan niệm và lối sống này, thứ Năm 24 tháng 6 năm 2021, Linh mục Robert McTeigue, SJ (dòng Tên) trên chương trình Radio đã phê bình bản tuyên bố gần đây của 60 dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ, là Công Giáo nhưng chủ trương phá thai. Những dân biểu này yêu cầu đừng cấm họ rước Mình Thánh Chúa vì ủng hộ phá thai. Đối với họ chủ trương phá thai là một vấn đề thuộc “lương tâm” và “thiện ích chung”. Và cha đã phản bác lại như sau: “Việc làm của lương tâm tiên khởi là việc làm của lý trí”, nó phải đi trước cảm súc và phải phù hợp với giảng huấn của Giáo Hội.” [6]
KẾT LUẬN
Lương tâm nếu chỉ căn cứ vào những khuynh hướng, xu thế và việc làm theo thời, theo số đông thì không phải là lương tâm ngay chính. Cũng theo Lm. McTeigue, lương tâm phải căn cứ trên “Lý Trí (khi thi hành đúng) và Niềm Tin (khi hiểu đúng).
Tóm lại, từ “mất ý thức tội lỗi” đến việc hít thở “văn hóa sự chết”, con người ngày nay đang định vị cho lương tâm mình dựa trên quan niệm và sự ủng hộ của quần chúng, và được chính quyền cho phép. Hiện tượng lương tâm bị rụng răng hiện nay nguy hiểm và đáng báo động còn hơn phá thai, ly dị, hoặc những tội lỗi khác của xã hội. Bởi vì khi đã mất đi ý thức tội lỗi, khi để mình hít thở không khí của văn hóa sự chết, khi sống hòa đồng với những đòi hỏi và khuynh hướng thế gian thì chẳng có gì mà người ta không dám làm.
Và để có một lương tâm trong sáng, hãy để lương tâm mình được hướng dẫn bởi những nguyên tắc luân lý, bởi Lời Chúa, cũng như những giáo huấn của Giáo Hội.
_________
Nguồn:
1. Từ Điển Công Giáo 500 mục từ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Tiểu Ban Từ Vựng. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, tr. 219.
2. Từ Điển Tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Hồng Đức.
3. Conscience: The set of feeling that tell you whether what you are doing is morally right or wrong. He had a guilty conscience (=feeling of guilt). Longman Dictionary of American English. Now with thesaurus. New Edition.
4. “Perhaps the greatest sin in the world today is that men have begun to lose the sense of sin.” The Catholic World Report February 11, 2018
5. “God did not make death, and he does not delight in the death of the living. For he has created all things that they might exist ... God created man for incorruption, and made him in the image of his own eternity, but through the devil's envy death entered the world, and those who belong to his party experience it.” (Wis 1:13-14; 2:23-24). Evangelium Vitae (25 March 1995) | John Paul II. No 7.
6. Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD. Phản ứng của một linh mục dòng Tên về bản tuyên bố của các dân biểu Công Giáo thuộc đảng Dân Chủ ủng hộ phá thai. 06 Tháng Bảy 2021. www.conggiaovietnam.net / [email protected]