Ách êm ái - Tạ ơn và xót thương
ÁCH ÊM ÁI
“Ách Tôi êm ái; gánh Tôi nhẹ nhàng!”.
Tại một phiên chợ, không cầm lòng nổi trước một cô bé nô lệ, Abraham Lincoln mua cô về. Cô gái lo sợ nghĩ rằng, ông chủ da màu này, rồi cũng hành hạ mình. Thế nhưng, trên đường đi, Lincoln thì thầm với cô, “Con sẽ được tự do!”. Cô gái không tin vào tai mình, “Ông nói gì? Như vậy, tôi muốn làm gì, nói gì, đi đâu tuỳ ý?”. Lincoln đáp, “Đúng thế!”. Cô bé nói, “Nếu vậy, con xin đi với ông!”. Về sau, Lincoln là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ngày 15/4/1865, ông bị ám sát; bên linh cữu ông, một thiếu nữ da màu xinh đẹp sụt sùi; báo chí cho biết, cô là con nuôi của vị tổng thống!
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu Lincoln đã cất cái ách nô lệ của cô bé, tặng trao cô tự do; thì Thiên Chúa lại càng muốn ban tự do cho dân Ngài và chúng ta biết bao!‘Hai cái ách, một chân lý’, đó là những gì chúng ta sẽ đọc thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay.Một ‘ách nặng nề’ kéo con người xuống; một ‘ách êm ái’ nâng con người lên; và đây là chân lý, Thiên Chúa muốn cất những cái ách tỳ đè đó; Ngài muốn điều đó hơn chính nó muốn! Ngài còn muốn con người mang lấy ách của Ngài để có thể ‘bay lên’tận Ngài, vì “Ách Tôi êm ái; gánh Tôi nhẹ nhàng!”.
Với chúng ta, “cái ách” là một thuật ngữ Tin Mừng quen thuộc. Theo nghĩa đen,vật dụng bằng gỗ này được buộc lỏng trên cổ con vật,kèm theo những sợi dây để con vật có thể kéo một cỗ xe,cày bừa, hay một vật nặng; theo nghĩa bóng, ‘cái ách’ biểu hiện kiếp sống nô dịch, mất tự do.Bài đọc Xuất Hành nói đến ‘ách nặng nề’ đang đè ‘lên cổ’ dân Chúa, khi Pharaô bắt con cái Giacóp sống kiếp nô lệ, đúc gạch xây đền. Thiên Chúa, Đấng mà Thánh Vịnh đáp ca nói, “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi” đã không thể cầm lòng trước lời ta thán của dân, Ngài nhất định cất bằng được cái ách tủi nhục đó khỏi họ. Vì thế, Thiên Chúa đã sai Môisen đến với dân, nhân danh Ngài, nói cho họ biết, này đây, chính Thiên Chúa các tổ phụ của họ sẽ giải thoát họ khỏi Ai Cập. Ngài sẽ đưa họ vào Đất Hứa, đất chảy sữa và mật; ở đó, Ngài sẽ ban cho họ lề luật như một ách mới, ‘ách êm ái’để “Danh Ngài được ghi nhớ qua mọi thế hệ cho đến muôn đời!”.
Với bài Tin Mừng, sau khi mời gọi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng đến với Ngài, những ai bị ách tội lỗi, bệnh tật, nghi ngờ, thù ghét… đè bẹp, Chúa Giêsu đề nghị họ mang lấy ách của Ngài và học với Ngài vì ách Ngài êm ái; gánh Ngài nhẹ nhàng.Suy gẫm lời này, thánh Augustinô ví von cái ách của Chúa Kitô với đôi cánh của một con chim; đôi cánh thật lớn so với cơ thể của chim. Kết quả là, nếu ai đó cho rằng, việc loại bỏ đôi cánh sẽ giúp cuộc sống của chim dễ dàng hơn,giúp chúng thoát khỏi trọng lượng dư thừa, thì một hành động như thếsẽ có tác dụng giữ chúng dính chặt trái đất;nhưng nếu trả lại đôi cánh cho chúng,‘ách êm ái’ sẽ cho phép chúng bay vút lên bầu trời.Như vậy, nếu chấp nhận lời mời làm tôi Thiên Chúa, phụng sự Ngài, chấp nhận mang ‘ách êm ái’ của Ngài, Ngài sẽ lấy khỏi chúng ta chiếc ách tội lỗi, các tính hư nết xấu vốn luôn kéo chúng ta xuống; thay vào đó, Ngài gắn cho chúng ta đôi cánh êm ái của Ngài; chúng ta sẽ nên nhưNgài và sẽ khám phá ra rằng, hành động này sẽ chiếu sáng, làm tươi mớivà tiếp thêm sinh lực cho chúng ta. Phụng sựThiên Chúa là đôi cánh mà vì đó chúng ta được tạo thành,như loài chim được tạo ra để bay lên nhờ đôi cánh. Vậy, nếu cởi bỏ ách phụng sự Thiên Chúa khỏi cuộc đời, chúng ta sẽ bị kéo xuống như chim cụt cánh,không bao giờ hoàn thành mục đích đời mình.
Anh Chị em,
Mang lấy ‘ách êm ái’ của Thiên Chúa là đi theo Chúa Kitô như cô bé da màu đi theo chủ mới, là sống cuộc sống mới được biến đổi nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Chúa Kitô đã phục vụ và hiến dâng mạng sống cho Chúa Cha và cho nhân loại; cũng thế, chúng ta hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân như Ngài, bằng cách cho phép Ngài hoạt động bên trong chúng tavới ân sủng tình yêu và tự do của Thánh Thần. Chúa Kitô và sự hiến thân của Ngài phải là động lực và nền tảng của đời sống chúng ta; Thánh Thể Ngài và Lời Ngài phải là sức mạnh cuốn hút và là lực đẩy chúng ta tiến về phía trước. Để từ đó, Vương Quốc Nước Trời được rộng mở qua chúng ta, qua những người chúng ta truyền lửa và tặng trao họ ‘ách êm ái’ của Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, xin dạy con mang lấy ‘ách êm ái’ là đôi cánh hồng ân Chúa ban; từ đó, con có thể bay lên mỗi ngày, bay tận thánh nhan,mang theo các linh hồn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**************
TẠ ƠN VÀ XÓT THƯƠNG
“Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa!”.
Trong những ngày hôm nay, khi Sài Gòn đang ‘thất thủ’ trước dịch bệnh, con số người nhiễm và tử vong gia tăng; hẳn lòng chúng ta đang quặn thắt! Ý nghĩa biết bao khi chúng ta chứng kiến những đoàn xe ‘chạy ngược’ trong đó là đóng góp của các gia đình và đôi khi, có cả phần nhỏ bé của chúng ta. Đó là những đoàn xe từ miền Trung chở tặng phẩm mà phần lớn là bầu bí, rau quả vào ‘cứu trợ Sài Gòn’. Nói ‘là ngược’, bởi lẽ, hàng chục năm nay, người ta chỉ thấy những đoàn xe ‘chạy xuôi’ cứu trợ miền Trung; thế nên, những đoàn xe ‘chạy ngược’ trong những ngày này đang nói lên một điều gì đó của một tâm tình ‘tạ ơn và xót thương’ từ những anh chị em miền Trung đối với các ân nhân miền Nam vốn đã bao mùa giúp đỡ người dân Trung phần vượt khó.
Kính thưa Anh Chị em,
Vậy thì Chúa muốn gì nơi chúng ta trong những ngày dịch bệnh này? Một trong những câu hỏi mà tất cả chúng ta có thể thỉnh thoảng đặt ra cho mình là, “Thiên Chúa muốn gì?”. Vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm được những gì Chúa muốn, nhưng chúng ta phải luôn tìm cách biết Chúa muốn gì. Và điều Chúa muốn là chúng ta luôn sống trong tâm tình‘tạ ơn và xót thương’. Đó cũng là những gì phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập.
Trước hết, Thánh Vịnh đáp ca mời gọi chúng ta luôn biết tri ân, “Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa!”.Ơn cứu độ ở đây được bài đọc Xuất Hành gợi lại, qua việc Thiên Chúa dẫn đưa dân Ngài thoát ách nô lệ Ai Cập; trình thuật Xuất Hành nhắc lại hình ảnh dân Chúa ăn thịt chiên đêm trước ngày vượt qua. Đó là lễ Vượt Qua đầu tiên, mà Thiên Chúa muốn dân Ngài phải mừng mỗi năm, “Các ngươi hãy ghi ngày đó làm ngày kỷ niệm, và cử hành ngày đó như ngày đại lễ của Chúa, qua các thế hệ cho đến muôn đời”. Cuộc Vượt Qua của Israel là hình ảnh báo trước cuộc vượt qua cứu độ của mỗi người bằng chính cuộc vượt qua chính sự chết và phục sinh của Chúa Kitô.Được cứu độ phải là xác tín đầu tiên để mỗi người chúng ta có thể sống trong tâm tình tạ ơnThiên Chúa liên lỉ, không chỉ mỗi ngày nhưngsuốt cả đời mình.
Tiếp đến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đừng như các biệt phái, nhưng hãy biết xót thương như Thiên Chúa xót thương cả khi chúng ta sống lề luật Ngài cách triệt để nhất.Chúa Giêsu mời gọi chúng ta giải thích luật pháp của Ngài qua con mắt của lòng thương xót. Bởi lẽ, lòng thương xót luôn làm chúng ta phấn khích, nâng chúng ta lên và lấp đầy chúng ta với những năng lượng mới; nó thúc đẩy chúng ta thờ phượng,khiến chúng ta tràn đầy hy vọng; đồng thời, không đặt ra một gánh nặng pháp lý nào cho bản thân và nhất là cho tha nhân. Đúng hơn, lòng thương xót và lề luật của Thiên Chúa cùng làm trẻ hoá đời sống chúng ta và làm cho chúng ta trở nên tươi mới.
Thiên Chúa coi trọng lòng thương xót của chúng ta đối với người khác hơn là các lễ dâng trong đền thờ, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”. Chúa Giêsulấy lại lời ngôn sứ Hôsê để nói với những người biệt phái đang phê phán các môn đệ của Ngài, những người đưa tay hái những bông lúa mà ăn vì họ đang đói. Các biệt phái coi đây là một việc không được phép làm trong ngày Sabbat. Họ thiếu lòng thương xót đối với những con ngườivốn đang đói. Tất cả chúng ta đều có thể bị cám dỗ để đánh giá người khác một cách không công bằng và không cần thiết! Chúa Giêsu tiết lộ,Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót, đó là lý do tại sao Ngài đồng bàn với những người bị coi là tội nhân, những người đã phạm Luật theo nhiều cách khác nhau, kể cả luật ngày Sabbat. Nếu chúng ta đã nhận được tình yêu thương xót từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa cứu độ, thì chúng ta là ai mà lại từ chối tình yêu đó đối với người khác!
Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình ‘tạ ơn và xót thương’ khi vượt qua ‘những đồng lúa’ trong đời mình; ở đó,như các môn đệ xưa, có những anh chị em đang đói, đói tinh thần, đói vật chất.Chúa Giêsu muốn chúng ta thấu cảm những khốn khó của những con người dễ bị tổn thương này. Vì lẽ, lịch sử cứu độ là lịch sử của các cuộc vượt qua. Hãy vượt qua cuộc sống lắm gian truân và thử thách này trong tâm tình ‘tạ ơn và xót thương’. Chúa Giêsu đang nâng đỡ chúng ta; Thánh Thể Ngài và Lời Hằng Sống của Ngài đang trợ lực để ban cho chúng ta sức sống mới. Chúa Thánh Thần cũng đang biến đổi, miễn sao chúng ta biết ngoan ngoãn lắng nghe Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy mọi sự dưới ánh sáng ân sủng Chúa. Cho con luôn sống trong tâm tình ‘tạ ơn và xót thương’ với Chúa và anh em con;vì lẽ, Chúa hằng xót thương con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: