Một cảm thức Thánh- Một trải nghiệm không thể thiếu
MỘT CẢM THỨC THÁNH
“Khi ấy, nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu”.
Năm 1818, Tamatoe, vua đảo Huahine, trở lại đạo. Ngay sau đó, vua phát hiện một âm mưu lật đổ mình. Tamatoe lập tức truy lùng, bắt giam tất cả. Cho đến một ngày kia,ông bất ngờ khoan hồng và tổ chức khoản đãi họ một bữa tiệc linh đình. Lòng tốt của vua khiến kẻ thù ấn tượng đến nỗi, họ đã công khai đốt các bụt thần của mình và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô của vua.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một âm mưu, không nhắm vào một vị vua, nhưng nhắm đến “Vua các vua”. Thật sốc, đáng buồn và thậm chí, tai tiếng với lời mở đầu của Tin Mừng hôm nay, “Những người Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu”. Thế nhưng, phản ứng của Ngài là ‘một cảm thức thánh’ hiền hoà đến bất ngờ, “Biết vậy, Chúa Giêsu lánh khỏi nơi ấy!”. Và tuyệt vời hơn, với câu cuối cùng của trình thuật, “Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Ngài!”.
Trước hết, nếu chúng ta thực sự ngồi và suy nghĩ về việc “giết Chúa”, thì đó là điều không thể chấp nhận! Ở đây, các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã chủ động, chủ tâm và chủ mưu giết Đấng Cứu Độ của thế giới. Đấng được biết là đang chuẩn bị cho họ, niềm hy vọng của họ, nay trở thành đối tượng của ác tâm, thù hận và giết chóc. Thật đáng tiếc! Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta cần phải rơi vào một cơn tức giận, tuyệt vọng hay nảy sinh một ý tưởng oán thù. Tốt hơn, trước những ác tâm đó, chúng ta phải có ‘một cảm thức thánh’ như Chúa Giêsu; nghĩa là, sẽ yêu thương họ hơn, biến nỗi buồn này thành một lời kêu gọi họ sám hối ăn năn.
Dĩ nhiên, tà tâm nơi các biệt phái là chuyện của quá khứ; tuy nhiên, ngay hôm nay, người ta vẫn tiếp tục bức hại Chúa Giêsu theo nhiều cách, và đôi khi, bức bách này vẫn được tìm thấy giữa các Kitô hữu và ngay cả nơi các lãnh đạo Giáo Hội và lãnh đạo thế giới. Thật nghiệt ngã! Khi cam kết dấn thân vì Chúa Kitô và sứ mệnh của Ngài, chúng ta vẫn có thể trở nên mục tiêu của ‘kẻ ác’; và rất thường xuyên, trải nghiệm những ‘mũi tên đau đớn’ từ phía những ai lẽ ra, phải là người ủng hộ chúng ta nhất. Vậy, nếu đây là trải nghiệm phải vượt qua, chúng ta hãy giữ mình, để không trở nên ‘một hiện tượng’ hoặc vì quá giao động mà mất đi cái gọi là ‘cảm thức về Giáo Hội’, tiếng Pháp gọi là “sens ecclésial”. Và cho dẫu đó là một sự thật, thì cũng không vì thế mà chúng ta hung hãn hay ngược lại, nhượng bộ sự phi lý; lẽ thường là nên im lặng, nhưng đến một lúc, sau khi cầu nguyện, phân định, chúng ta can đảm trình bày cho người có thẩm quyền. ‘Bức bách’ là một phần hậu quả của việc theo Chúa; vì thế, chớ ngạc nhiên, nếu không nói, cứ mong đợi điều sẽ xảy đến!
Tiếp đến, trước dã tâm của biệt phái, Chúa Giêsu đã ứng xử hiền hoà đến tuyệt vời, Ngài “lánh khỏi nơi ấy!”; ở chỗ khác, “Ngài bỏ họ mà qua bờ bên kia!”. Matthêu đã tinh ý dành trọn nửa bài Tin Mừng còn lại để nói đến ‘một cảm thức thánh’ nơi “Người Tôi Tớ” được ứng nghiệm trọn vẹn ở Chúa Giêsu, “Người không cãi cọ hay dức lác; không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Ngạc nhiên hơn,trước những người đang tìm cách thủ tiêu mình, Chúa Giêsu đã ứng xử thật đẹp, thật cao thượng và hiếu hoà, “Ngài lánh khỏi họ”; để rồi đây, Ngài sẽ bước vào lòng những ai chờ đón Ngài, đúng như Isaia tiên đoán, “Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Ngài!”.
Thú vị thay,“Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Ngài!”. Một điều đã được tiên liệu từ thời Môisen mà sách Xuất Hành hôm nay đề cập, “Con cái Israel đi từ Ramessê tới Socoth, số đàn ông đi bộ, không kể con nít, chừng sáu trăm ngàn. Cũng có vô số dân tứ chiếng cùng đi với họ”. “Dân tứ chiếng” thời Môisen là biểu tượng cho “Dân ngoại” thời Chúa Giêsu. Nếu Môisen đã điêu đứng với dân Cựu Ước làm sao; thì Chúa Giêsu cũng bị đối xử tương tự bởi dân Tân Ước và còn hơn thế. Vậy mà không một ai, không một biến cố nào có thể ngăn cản ý định cứu chuộc của Thiên Chúa, vì “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay tuyên xưng.
Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trải nghiệm ‘một cảm thức thánh’ như Môisen, như Chúa Giêsu. Đây là nỗi buồn thánh của Bát Phúc, một nỗi buồn cho phép chúng ta từ chối những lỗi lầm gặp phải nơi người anh em để lớn lên trong kiên định và nhẫn nhịn. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đang bổ sức cho chúng ta; Thánh Thần Ngài đang gia tăng sức mạnh để chúng ta cũng có thể “Bỏ họ mà qua bờ bên kia” mỗi khi phải đương đầu với những ác ý. Đó còn là quyền năng của Chúa Phục Sinh, quyền năng của Thánh Thần; vì chính thái độ yêu thương và hiền lành của chúng ta lại trở thành những dòng suối thông chuyển sự sống của Thiên Chúa cho người khác.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, khi con bị chế giễu hoặc ‘bắt bớ’ cách này cách khác, xin giúp con có một ‘cảm thức về Giáo Hội’ mạnh mẽ với một đức tin và một lòng bác ái sâu sắc. Hãy để ‘một cảm thức thánh’ xâm nhập con, hầu con can đảm bước tới mỗi ngày trong sứ vụ, khi con vẫn là con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
*****************
MỘT TRẢI NGHIỆM KHÔNG THỂ THIẾU
“Chính Ngài là sự bình an của chúng ta!”.
Thế chiến thứ hai kết thúc, quân đội đồng minh đã tập hợp nhiều trẻ mồ côi đói và khát. Các em được đưa vào trại, nơi chúng được ăn uống đầy đủ. Thế nhưng, dù được chăm sóc tuyệt vời, chúng vẫn ngủ không ngon vì bất an và sợ hãi. Cuối cùng, một nhà tâm lý đưa ra một giải pháp. Mỗi trẻ được phát một miếng bánh mì trước khi đi ngủ; miếng bánh này chỉ để cầm, không được ăn. Vậy mà miếng bánh đã tạo ra một kết quả tuyệt vời. Bọn trẻ đi ngủ theo bản năng, chúng sẽ có bánh ăn sáng hôm sau. Bảo đảm đó mang lại cho các em một giấc ngủ ngon và mãn nguyện!
Kính thưa Anh Chị em,
Còn hơn những chiếc bánh mì, ‘bảo chứng bình an’ dành cho các trẻ mồ côi, thánh Phaolô xác quyết, “Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta” qua bài đọc thứ hai Chúa Nhật hôm nay. Đây là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ trong đời sống người môn đệ. Chính Chúa Giêsu biết điều đó, vì sau những ngày thực tập, các môn đệ trở về, kể cho Thầy mình bao điều; họ hy vọng sẽ được Thầy khen. Thế nhưng, lạ lùng thay, Chúa Giêsu lại bảo, “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Phải chăng Chúa Giêsu muốn nói đến một sự nghỉ ngơi trong chính Ngài!
‘Hãy lui vào nơi vắng vẻ Giêsu!’. Đây là một lời mời mà chúng ta cần nghe nhiều hơn những gì chúng ta nhận ra; nhưng đó cũng là một lời mời mà nhiều người khó chấp nhận. Vậy mà, có một điều gì đó rất chữa lành, rất hữu ích đến từ sự im ắng và vắng vẻ của không gian có tên gọi Giêsu đó; ở không gian linh thánh này, mỗi người sẽ có những khoảnh khắc quý báu, tìm lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, để lấy lại sự tập trung và định hướng lại cuộc sống mình. Bởi lẽ, ngay hôm nay, con người bị choáng ngợp bởi sự bận rộn hơn bao giờ hết! ‘Bận rộn’ thường là một cách để ‘Kẻ Ác’ làm chúng ta thất vọng, khiến chúng ta đi trệch đường. ‘Bận rộn’ ngăn cản chúng ta nghe được tiếngthì thầm dịu dàng, trong sáng và tươi mới của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay nói đến sự bận rộn của Thầy trò Chúa Giêsu, “Dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thời giờ ăn uống”. Nghe lời Thầy, “Các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh”. Chúa Giêsu biết, cuộc sống còn nhiều điều hơn là công việc! Lùi lại, tìm một nơi hẻo lánh, có thể giúp mang lại sự cân bằng cho cuộc sống, mang lại những gì quý giá còn hơn cả những gì đang làm. Bởi lẽ, có những thời điểm trong cuộc đời, khi mà việc làm cần phải nhường chỗ cho sự tồn tại, cho sự hiện diện; đúng hơn, cho sự ở lại với Giêsu. Ở lại với Giêsu là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ của người môn đệ; ở lại với Ngài giúp chúng ta thoát khỏi những gánh công việc đè nặng một cách không cần thiết, và ngay cả những việc tốt lành của bổn phận. Lý do khiến chúng ta cần ‘lui vào nơi vắng vẻ Giêsu’ và ‘nghỉ ngơi trong Ngài’ là vì, có nhiều điều ‘nằm ngoài ý muốn’ của Thiên Chúa ngay trong những bổn phận tốt lành. Đây là những gánh nặng chúng ta tự đặt lên mình một cách không cần thiết; đó là những gì cần được buông bỏ.
Trong bài đọc thứ nhất, Giêrêmia nói đến một mục tử Thiên Chúa ban cho dân Ngài, một mục tử quy tụ đoàn chiên đã phân tán, “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta”. Trong Mục Tử Giêsu, không chỉ đoàn chiên phân tán được quy tụ, nhưng chính ‘sự phân tán’ trong từng con chiên cũng được quy tụ. Phải, mỗi người chúng ta, có lẽ cũng đang rất phân tán, những phân tán khiến chúng ta ra nặng nề. Vậy mà Mục Tử Giêsu đã từng nói những lời yêu thương này, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”. Ngài đang mời chúng ta ở lại trong Ngài để tìm thấy sự nghỉ ngơi. Đó là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ trong mọi bậc sống vì như Ngài đã nói, “Ta xót thương dân này!”, Ngài đang xót thương chúng ta.
Anh Chị em,
“Chính Ngài là sự bình an của chúng ta!”. Một lời thật an ủi cho chúng ta trong thời điểm hiện tại, một thời điểm không ai biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Bước tới một tương lai vô định như hôm nay, chúng ta nhận thức rõ ràng mọi sự trên đời chỉ là tạm thời và quá bấp bênh. Chỉ nơi Thiên Chúa là núi đá vững chắc; chỉ nơi Ngài và trong Ngài, chúng ta tìm được niềm vui, lẽ sống và sự an bình đích thực. Quả thật, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật thâm thuý! Chúa Giêsu đang nói với chúng ta sự cần thiết của việc cầu nguyện, vốn là nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Ngài; nó được ví như ‘dòng nước yên tĩnh’, ‘dòng nước Giêsu’, vốn sẽ làm sống lại tinh thần đang sa sút của chúng ta; Ngài sẽ làm tươi mới chí khí của chúng ta với quyền năng Ngài và tiếp sức cho chúng ta bằng sức mạnh của Thánh Thần Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong sự hiện diện của Chúa, xin cho con sự minh mẫn và sức mạnh khi con biết ở lại với Chúa, đó là ‘một trải nghiệm không thể thiếu’ trong đời sống môn đệ của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: