Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Điều đáng đói, cái đáng khát - Nôn nả kiếm tìm

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐIỀU ĐÁNG ĐÓI, CÁI ĐÁNG KHÁT

 

“Hãy ra công làm việc không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời”.

 

Trong nhiều năm, Monterey California, là thiên đường của chim bồ nông. Khi ngư dân đánh hết cá của chúng, họ ném nội tạng cho bồ nông. Những con chim mập lên, lười biếng và hài lòng! Cuối cùng, ruột cá cũng được tận dụng; bồ nông hết thức ăn và hết cả nỗ lực bắt cá. Chúng gầy còm; chết đói. Vấn đề được giải quyết,một số bồ nông mới được nhập khẩu, thả giữa đồng loại đang đói; những con chim mới bắt đầu săn mồi.Chẳng bao lâu, chim đói làm theo; nạn đói chấm dứt!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Những chim bồ nông cũ đã trở nên lười biếng và hài lòng ! Hình ảnh này được gặp thấy trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay khi những người Do Thái chạy tìm Chúa Giêsu để có một bữa ăn tương tự như Ngài vừa đãi họ. Thế nhưng, lần này, Ngài đưa họ vượt khỏi mối bận tâm về của ăn phần xác, hướng họ đến một ‘điều đáng đói, cái đáng khát’ hơn,thiên linh hơn, đời đời hơn, “Hãy ra công làm việc không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời!”.

 

Bối cảnh bài đọc Xuất Hành hôm nay là một cánh đồng khô hạn giữa Ai Cập và Đất Hứa. Trong nhiều thế hệ, con cái Israel đã sống ở Ai Cập, một vùng đất lạ, nơi họ làm nô lệ cho Pharaô. Khao khát tự do của họ cuối cùng, cũng được đáp ứng khi Thiên Chúa sai Môisen dẫn họ ra khỏi đó để tiến vào Đất Hứa; vì dẫu có đủ mọi thứ ở đó, nhưng tự do vẫn là một nhu cầu cấp bách của cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, khi nhu cầu tự do của Israel đã được đáp ứng, thì thức ăn và nước uống đối với họ vẫn là một cái gì thiết thực hơn. Vì lẽ, những nhu cầu quan yếu của con người dường như không ích gì nếu những đói khát căn bản không được đáp ứng! Thiên Chúa biết điều đó, và Ngài tiếp tục hành động; Ngài ban cho họ nước, bánh và thịt ngay giữa sa mạc đầy nắng, gió và cát, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận, “Chúa ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ!”.

 

Với bài Tin Mừng, bối cảnh hôm nay là những gì xảy ra sau phép lạ bánh cá hoá nhiều của Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước. Cũng đám đông này, những người đã được khoản đãi no nê, tìm gặp Chúa Giêsu; họ hy vọng Ngài lại thết đãi. Tuy nhiên, hôm nay, Ngài dẫn họ từ cái đói hữu hạn đến một khát vọng vô hạn, một ‘điều đáng đói, cái đáng khát’ nhất;‘ một  Ai đó’, khả dĩ thoả mãn mọi cơn đói khát của con người;‘một Ai đó’ chính là Ngài, “Ai đến với Tôi, sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi, sẽ không hề khát bao giờ!”. Ngài kêu gọi họ quan tâm đến những đói khát sâu sắc hơn trong cuộc sống, đó là đói khát chính Ngài. Ngài muốn nói rằng, lịch sử nhân loại với những đói khát, khổ đau và niềm vui của nó phải được nhìn thấy trong một chân trời vĩnh cửu, chân trời của một cuộc gặp gỡ dứt khoát với Ngài, đó là, “Hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến!”.

 

Như vậy, Chúa Giêsu đã phân biệt rạch ròi của ăn dễ hư hỏng với của ăn vượt trên sự sống trần gian vốn dễ hư hỏng; Ngài phân biệt hai loại đói khác nhau, một cơn đói có thể được thoả mãn bằng thức ăn dễ hỏng, và một cơn đói sâu xa hơn đối với những gì không thể hư mất. Ngài xác định một loại bánh có thể thoả mãn cơn đói sâu sắc hơn là “bánh từ trời”, “bánh của Thiên Chúa”, ‘điều đáng đói, cái đáng khát’ hơn tất cả mọi thứ… và bánh đó, thức uống đó, chính là Ngài, “Chính Tôi là bánh ban sự sống. Ai đến với Tôi, sẽ không hề đói; ai tin vào Tôi, sẽ không hề khát bao giờ!”. Đây cũng là quan tâm hàng đầu của thánh Phaolô trong thư Êphêsô hôm nay, “Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí, hãy mặc lấy con người mới!”, con người mới ở đây là Đức Giêsu Kitô.

 

Anh Chị em,

 

“Hãy ra công làm việc không vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời”. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu vẫn rất phù hợp trong thế giới hôm nay, một thế giới mà phần lớn con người đang chạy theo những gì bên ngoài và tức thời, đang khi nó quên rằng, “Sắc đẹp không quá làn da; của ăn không ngon quá cổ!”. Một thế giới phần nào đáp ứng các nhu cầu cơm ăn áo mặc; nhưng, ở đó, đang gặp phải nguy cơ là mọi người mê mải, đắm chìm trong việc theo đuổi vật chất mà bỏ qua những gì thiên linh, tinh thần. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, thôi đừng nhìn mọi sự dưới lăng kính vật chất, nhưng hãy nhìn xem và tìm kiếm những của ăn ở cấp độ siêu nhiên; đặc biệt là những quà tặng ân sủng Thiên Chúa đang ban mỗi ngày trong Đức Giêsu Kitô, Ngài là ‘điều đáng đói, cái đáng khát’ nhất trên trần đời.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng, ý nghĩa thực sự của việc con người tồn tại nằm ở điểm cuối cùng, trong vĩnh cửu; trong cuộc gặp gỡ của con với Chúa, Đấng là quà tặng, cũng là người tặng quà, ‘điều đáng đói, cái đáng khát’ nhất”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

****************

 

NÔN NẢ KIẾM TÌM

 

“Nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, Chúa Giêsu rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Ngài”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phúc Âm hôm nay mở đầu với một ‘hung tin’ như thế!Nghe biết Gioan chết, Chúa Giêsu bỏ đám đông để được ở một mình. Vậy mà, dân chúng không cho phép Ngài làm điều đó; họ ‘nôn nả kiếm tìm’ Ngài; vì lẽ, họ đang đói, đang khát Ngài. Họ muốn gặp Ngài, nghe Ngài và được chữa lành.

 

Về mặt con người, trước cái chết của Gioan,trái tim của Chúa Giêsu đau buồn; một cái chết báo trước cái chết của chính Ngài. Chúa Giêsu yêu mến Gioan,một người “cao trọng hơn tất cả các con cái người nữ sinh ra”đi trước dọn đường cho Ngài, nay bị chặt đầu! Cái chết của Gioan hầu như không tạo ra một dư luận ồn ào nào,và xem ra,cũng không có lấy một lời nỉ non; phải chăng vì cái chết của Gioan chỉ xảy ra lặng lẽ ở một nơi tối tăm bên dưới một tư dinh rực sáng đang náo nhiệt, nhân tiệc mừng ngày sinh của một quận vương ngông cuồng. Vì thế, việc Chúa Giêsu không vui và âm thầm rút vào một nơi cô tịch là lẽ thường tình; thế nhưng, việc dân chúng không dễ dàng để Ngài yên là điều khó chấp nhận ! Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? Thấy họ, Ngài không thở dài và lẩm bẩm,‘Tại sao các người cứ quấy rầy tôi? Các người không biết tôi đang đau buồn sao?’. Không! Thay vào đó, lòng Ngài vẫn tràn đầy nhân ái và xót thương; Ngài đến với họ, chào đón họ và chữa lành nhiều bệnh tật cho họ; và Ngài sẽ cho họ ăn.

 

Phản ứng của Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về trái tim và lòng lân tuất của Ngài. Biết bao lần, chúng ta sợ đến với Chúa, ngần ngại trở lại với Ngài vì lỗi này, tội kia ám ảnh; chúng ta sợ những gì Ngài sẽ nghĩ và điều Ngài sẽ trách; chúng ta cảm thấy xấu hổ, và kết quả là, chúng ta xa lánh Ngài.Thật trấn an khi Tin Mừng hôm nay cho biết,Ngài không xua đuổi nhưng luôn trắc ẩn với bất cứ ai tìm đến Ngài vìNgài hằng luôn thương xót. Bởi thế, dù cảm thấy mình bất xứng đến đâu hoặc ngập chìm trong tội,chúng ta vẫn cứ mạnh dạn tìm đến Ngài; Ngài không bao giờ mệt mỏi để tha thứ,băng bó và chữa lành. Hãyhướng về Ngài, ‘nôn nả kiếm tìm’ Ngài và tuyệt đối đặt hy vọng vào Ngài với lòng tin tưởng lớn lao nhất !

 

Bài đọc Xuất Hành hôm nay tiết lộ một trải nghiệm tương tự của Môisen; ông phải chịu đựng, giày vò, khi chứng kiến cảnh dân tựa cửa ta thán, “Dân tụm năm tụm bảy đứng ở cửa lều của mình mà kêu khóc”. Họ kêu khóc vì chưa vào được Đất Hứa cũng đành; đàng này, họ kêu khóc vì những cái không đâu vào đâu. Thật buồn cười khi họ bảo, “Đời ta tàn rồi!” lúc chỉ thấy mana;họ tiếc nuối trái dưa gang, quả dưa chuột, củ hành, củ hẹ xứ người… Môisen đã quá mệt mỏi với dân đến nỗi ông xin được chết cho khuất mắt Chúa; ông ‘nôn nả kiếm tìm’ Ngài, nói khó với Ngài, “Tại sao Chúa làm khổ tôi tớ Chúa? Sao Chúa bắt con phải mang cả dân này? Con đâu có cưu mang cả đám dân này, con đâu có sinh ra nó!”.Và Thiên Chúa đã phải động lòng! Ngài ban cho dân thịt ăn,một điều quá khó,theo một cách ngoạn mục khi chim cút rơi xuống rợp trại ngay giữa chốn đồng khôngmông quạnh; để rồi, họ ca mừngNgài một cách ‘trơ tráo’, “Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta!” như Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ.

 

Một linh mục thân tín của cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền tâm sự. Mỗi ngày, ngoài giờ làm việc và đọc sách, đức cha hầu như thường xuyên quỳ trước Mình Thánh Chúa trong phòng nguyện sát phòng ngài. Có lần, vị linh mục phải xuất hiện đến hai ba lần, đức cha mới đứng lên,và xuống tiếp khách theo yêu cầu, dù trước đó ngài biết có người; lúc ấy chưa có điện thoại. Đặc biệt, những lúc khó khăn sau ‘biến cố 75’, ngài biết cậy trông vào ai ngoài một mình Thiên Chúa!Thật không lạ, đức cha ‘nôn nả kiếm tìm’ Ngài, và đã ở lại trong nhà nguyện gần như suốt ngày.

 

Anh Chị em,

 

Khi nói đến cụm từ ‘nôn nả kiếm tìm’, hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những anh chị em Sài Gòn và các tỉnh trong những ngày hôm nay. Các y bác sĩ đang ‘nôn nả kiếm tìm’ sự sống cho bệnh nhân; dân ngụ cư ‘nôn nả kiếm tìm’ sự an toàn khi tháo chạy về quê; người thành phố ‘nôn nả kiếm tìm’ sự bình an và ổn định. Đặt mình trong tình cảnh hiện tại của những anh chịem đang khó khăn và Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi tự hỏi, tôi đang ‘nôn nả kiếm tìm’ gì? Môisen và người đương thời Chúa Giêsu, cũng nhưđức cha Philipphê đã mách cho chúng ta, ai mới là Đấng đáng cho chúng ta ‘nôn nả kiếm tìm’ lúc này. Quả thế, chỉ nơi Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu, và nhờ Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm ra sự sống, sự an toàn và nguồn bình an đích thực!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết luôn ‘nôn nả kiếm tìm’ Chúa,nhất là trong những ngày hôm nay; vì chính Ngài sẽ dạy cho con biết phải làm gì, ngay lúc này”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)