Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kỳ diệu của cô đơn - Không đáp lại một lời

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

KỲ DIỆU CỦA CÔ ĐƠN

 

“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình.Đến chiều, Ngài vẫn ở đó một mình!”.

 

“Một là tự tử, hai là về thành phố, ba là ôm chặt Thiên Chúa!”. Đó là chia sẻ của cha René Voillaume khi ngài nói đến ‘thời gian nhà tập’ của một số tập sinh Tiểu Đệ Chúa Giêsu tại sa mạc Sahara, nơi nhiệt độ thông thường có thể nóng đến 58°C và lạnh dưới - 45°C và còn hơn thế nữa!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Không cần phải đợi đến khi vào sa mạc Sahara, Chúa Giêsu mới chọn điều thứ ba; nhưng trong suốt cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã luôn luôn khôn ngoan ôm chặt Thiên Chúa.Thật thú vị, qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta học bài học của sự cô đơn; đúng hơn, sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’.

 

Khi chúng ta coi việc ở một mình là cô đơn, Chúa Giêsu lại coi đó là cô tịch; chúng ta coi cô tịch là lãnh địa của cô đơn, Chúa Giêsu coi đó là lãnh địa của gặp gỡ; chúng ta chạy trốn cô tịch, Chúa Giêsu đi tìm nó! Vậy mà, khi kiên trì ôm chặt Thiên Chúa như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’; đó là thiên đàng của những cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên, điều làm cô đơn nên kỳ diệu ở đây là một cô đơn có Chúa, ‘ôm lấy Chúa và được Chúa ôm lấy’ chứ không phải cô độc.

 

Tin Mừng hôm nay cho biết, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu lên núi một mình để cầu nguyện. Ngài sẵn sàng rời bỏ sự vồ vập của đám đông để lên núi, ở một mình với Chúa Cha; ở với Chúa Cha, một điều gì đó mà Chúa Giêsu khao khát mỗi ngày. Khác với Chúa Giêsu, việc im lặng có thể nhanh chóng dẫn chúng ta đến một cô đơn nhất định và trống rỗng nội tâm; những lúc ấy, chúng ta cảm thấy bị thôi thúc muốn tìm một ai đó, hay bất cứ thứ gì, có thể giúp gây mê, hầu tránh được cảm giác đau đớn khi ở một mình. Nếu đúng vậy, chúng ta hãy học biết ôm chặt Thiên Chúa như Chúa Giêsu, ở lại với Ngài, học cách tận hưởng sự hiện diện của Ngài trong lặng lẽ. Bấy giờ, ‘kỳ diệu của cô đơn’sẽ tỏ mình, nỗi đau từ im lặng có thể biến thành niềm vui và bình an.

 

Tận hưởng sự im ắng của việc ở một mình, chúng ta hướng lòng lên Chúa, quay lưng lại với chính mình; vậy mà, chính lúc đó, chúng ta vẫn không quay lưng lại với người khác hoặc với thế giới.Như Chúa Giêsu, chúng ta đang mở lòng mình với Thiên Chúa để có thể liên đới cảm thông với người khác. Tin Mừng tiết lộ, ở một mình trên núi “cho đến chiều tối”, Chúa Giêsu đã không loại bỏ những người khác khỏi lời cầu nguyện của Ngài; Ngài ý thức việc các môn đệ đang vật lộn trước gió giật và sóng lớn. Như vậy, dẫu đến gần Chúa Cha, ở trong Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn gần gũi các môn đệ; từ đó, Ngài đã kịp có mặt với họ trong cuộc chiến trên sóng dữ, kêu gọi họ can đảm;để cuối cùng, bước lên thuyền, giúp họ vượt qua bão tố và đưa họ vào bờ. Cũng thế, việc ở một mình trong cầu nguyện cũng sẽ đưa chúng ta đến gần những người khác trong tình yêu thương; và đó chính là sự ‘kỳ diệu của cô đơn’ khi tạo ra một cơ hội để chúng ta trở nên một phương tiện, mà qua đó, Thiên Chúa có thể đến với những người khác.

 

Bài đọc Dân Số hôm nay cũng nói đến một trải nghiệm ‘kỳ diệu của cô đơn’. “Lều Hội Ngộ” còn gọi là “Nhà Xếp Giao Ước”, được coi như điểm hẹn, một nơi cô tịch mà con người gặp gỡ Thiên Chúa và tìm lại chính mình. Thiên Chúa đã đòi vợ chồng Aaron và Miriam ra đó, vì hai người này có lỗi với Môisen, “Cả ba hãy đi ra Lều Hội Ngộ!”. Ở đó, Ngài đã tỏ mình, nói cho họ sự sai trái. Và cũng từ nơi cô tịch đó, con người nhận ra lỗi lầm của mình, để sau đó, mở miệng xin Thiên Chúa xót thương, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài!”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay.

 

Anh Chị em,

 

Tin Mừng cho biết, càng gần Thiên Chúa, Chúa Giêsu càng gần con người. Ngài dạy chúng ta ôm chặt Thiên Chúa để có thể gần gũi tha nhân như Ngài. Như vậy, cô đơn không thể mài mòn chúng ta; trái lại, giúp chúng ta trở nên nhạy bén với Thiên Chúa, với tha nhân, nhận ra sự yếu hèn của mình; và sau cùng, trở nên khí cụ bình an của Chúa. Đó là sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’. Trong những ngày hôm nay, khi phải ở một mình nhiều hơn, chớ gì chúng ta biết tận dụng những hoàn cảnh đun đẩy như một ‘lợi thế’ sẵn có; qua đó, ở lại với Thiên Chúa, ở lại với những những thân yêu và thấy rõ con người của mình nhiều hơn.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con đi vào vực sâu của việc cầu nguyện cả khi con sợ hãi phải ở một mình; xin giúp con ôm chặt lấy Chúa; nhờ đó, con luôn thấy được sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

KHÔNG ĐÁP LẠI MỘT LỜI

 

“Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi; con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời nào!”.

 

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Gioan Maria Vianney, một con người mà đầu đời,dường như chỉ gặp toàn sự lạnh lùng; hầu như Thiên Chúa ‘không đáp lại một lời’ với người chủng sinh này. Sức khoẻ yếu kém, trí khôn giới hạn và học lực lại quá khiêm tốn; vậy mà, nhờ kiên trì cầu nguyện, Vianney làm linh mục. Trong 40 năm, Vianney đã đốt lên ‘ngọn nến đời mình’ ở hai đầu xứ Ars, cho đến khi không còn gì để tiêu hao; ngài được mệnh danh là “Tù nhân chiếc hộp giải tội”, đến nỗi Lyon, phải nới rộng nhà ga, tăng các chuyến tàu đến, đi từ Ars để phục vụ hàng vạn linh hồn!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thiên Chúa thường im lặng,đó là một sự thật !Tin Mừng hôm nay là một minh chứng.Một phụ nữ ngoại giáo lẽo đẽo theo sau Thầy trò Chúa Giêsu, xin Ngài chữa cho con gái cô; vậy mà Phúc Âm cho biết phản ứng đầu tiên của Ngài là, “Ngài ‘không đáp lại một lời’ nào!”.

Thật ngạc nhiên, Giêsu, hiện thân của một Thiên Chúa xót thương,‘không đáp lại một lời’ trước sự nài nỉ của một người mẹ khốn khổ đã đặt niềm tin vào Ngài một cách sâu sắc đến thế; ngạc nhiên hơn, sau sự can thiệp của các môn đệ, Ngài bảo, “Thầy chỉ được sai đến cùng các chiên lạc nhà Israel!”, “Đấng Cứu Độ Muôn Dân” sao lại chỉ nhắm đến chiên lạc nhà Israel; chưa hết, những lời ‘muối mặt’ của Ngài thật không thể hiểu nổi, “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho ‘cún!’”.Mới đọc qua, Tin Mừng hôm nay có thể gây sốc và không thể chấp nhận; nhưng rõ ràng, do sự quan phòng của Thiên Chúa, phụ nữ này đã được lôi kéo khi tìm đến Chúa Giêsu; chính Chúa Cha đã lôi kéo cô đến với Ngài, và Chúa Giêsu đã ‘hưởng ứng’ sự lôi kéo này, không phải để thô lỗ hay để từ rãy nhưng cho phép cô thể hiện một đức tin mà rõ ràng, còn ‘rất thiếu’ nơi cuộc sống của nhiều người. Đó là lý do tại sao, thoạt tiên, Ngài ‘không đáp lại một lời!’.

 

Trong cuộc sống chúng ta, xem ra nhiều lúc Thiên Chúa cũng câm nín. Nhưng nếu Ngài câm nín, chúng ta phải biết, Ngài có một lý do chính đáng. Thiên Chúa không bao giờ ngoảnh mặt với chúng ta; đúng hơn, sự im lặng của Ngài là một cách thức để lôi kéo chúng ta, thậm chí, đến gần Ngài hơn; hơn cả việc Ngài muốn chúng ta thuộc về Ngài tức thì ngay khi Ngài hét ‘thật to,thật rõ’ điều đó! Sự im lặng của Thiên Chúa không nhất thiết là dấu hiệu của việc Ngài chẳng thiết tha gì đến chúng ta hoặc không thích chúng ta; nhưng việc Ngài ‘không đáp lại một lời’ thường là dấu hiệu cho thấy ‘một hành động mang tính thanh luyện’nhằm lôi kéo chúng ta đến việc biểu lộ đức tin của mình lên một cấp độ cao hơn, đầy đủ hơn và dĩ nhiên, mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần.

 

Khác với nhiều người Do Thái, phụ nữ này tin Chúa Giêsu là Đấng Messia, cô gọi Ngài là “Con Vua Đavít”. Lòng tin của cô tỏ bày cách đơn giản và rõ ràng. Cô không cần tỏ ra mình xứng đáng,vì lòng tin của cô vào Chúa Giêsu đã là tất cả những gì cần thiết; hơn nữa, dẫu bị từ chối ba lần bảy lượt, cô vẫn cứ kiên trì. Những gì xảy ra không khiến cô nản lòng nhưng vẫn hy vọng; một hy vọng khiêm tốn đến lạ thường. Và cuối cùng, mục tiêu của Chúa Giêsu đã lộ ra, Ngài cho phép cô đào sâu đức tin của mình và biểu lộ nó cho mọi người rằng, nó đã hoàn thành.Con cô được lành!

 

Sách Dân Số hôm nay, cách nào đó, vẫn cho thấy sự lạnh lùng của Thiên Chúa đối với dân Ngài; Ngài nói thật nhiều, nhưng khác nào, đã ‘không đáp lại một lời’ trước những con người mà Ngài gọi là “Dân bạc ác”.Ngài phán, “Các ngươi sẽ biết sự thù ghét của Ta, vì Ta đã phán thế nào, thì Ta sẽ làm cho dân bạc ác này như vậy. Nó sẽ hao mòn và chết trên rừng vắng này!”.Nói thì nói, nhưng Thiên Chúa đã không làm vậy! Quả thế, nhờ lời khẩn cầu của Môisen, Ngài đã tha cho dân. Thánh Vịnh đáp ca chứng tỏ điều đó, “Lạy Chúa, xin nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài!”.

 

Anh Chị em,

 

Trong những ngày hôm nay, xem ra Thiên Chúa vẫn ‘không đáp lại một lời’ khi chúng ta đang rên siết trước dịch tễ. Vậy mà, Ngài đang ở với chúng ta, khóc với chúng ta,lắng nghe chúng ta. Và dẫu Ngài không nói một lời nhưng sự hiện diện của Ngài thì thật kỳ diệu! Ngài đang vướng víu trong bộ đồ bảo hộ nặng nề phải mặc suốt ngày của các y, bác sĩ và các nhân viên; Ngài ở trong những trái tim nhân ái sáng tạo ATM gạo, và cả ATM Oxy; Ngài ở trong những bác nông dân đang thu góp hoa màu, chất lên những ‘chuyến xe chạy ngược’… Đúng như sách Dân Số cho thấy, Thiên Chúa thanh luyện con người theo cách của Ngài, vào giờ của Ngài với lòng thương xót và ý muốn thánh thiện của Ngài. Phần chúng ta, hãy cứ kiên trì cầu nguyện và tin tưởng phó thác!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin lấp đầy con một niềm tin vững chắc; cho con kiên trì vượt qua mọi điều, và không ngừng đặt tất cả hy vọng vào Chúa, cả khi xem ra,Chúa ‘không đáp lại một lời!’, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)