Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cuộc sống gia đình, ngàn nỗi lo

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH : NGÀN NỖI LO

 

          Không phải là nhạy cảm nhưng có thể nói là mẫn cảm. Cứ thấy gia đình nào đó thân quen đau thì hình như chính là gia đình của mình vậy. Để rồi cứ hễ nghe nỗi đau nào đó thì lòng quặn lại và chỉ biết nói lời cảm thông cũng như hiệp nguyện cho sự bình an.

 

          Em đưa cho tôi tờ giấy, tôi cứ ngỡ những thông báo về dịch bệnh như bao tờ thông báo khác. Vả lại, em đang đau yếu nên tôi tưởng chừng là thông báo liên quan đến sức khỏe. Nào ngờ, tờ "thông báo này" không chất chứa nội dung ảnh hưởng về sức khỏe thể xác mà là tinh thần ! Em ly hôn !

 

          Nói lạ cũng chả lạ vì đã cùng em níu kéo gia đình nhỏ sau bao giông tố nhưng rồi tất cả ngoài tầm tay với. Em đã không còn đủ sức chịu đựng bởi sự hồ đồ và có khi là bạo lực của người cha trên con "nấm nhỏ" của em. Đã nhiều lần tôi khuyên bảo, tôi động viên cũng như nói với "nấm nhỏ" : Cha không muốn cha mẹ con phải ly dị !

 

          Thế nhưng rồi, có lẽ quá sức chịu đựng nên em phải ký đơn ! 150 ngàn đồng cho một cuộc hôn nhân ngoài ý muốn !

 

          Nhìn tờ giấy em gửi tôi khóc ! Đơn giản vì gia đình em dính dự phần thiêng liêng với gia đình nhỏ của tôi. Con "nấm nhỏ" là cháu của tôi.

 

          Đủ cảm xúc trào dâng khi nhìn tờ giấy ly hôn, tờ giấy mà tôi không bao giờ muốn nó có trên cuộc đời này. Em đang trong giai đoạn sốc, cùng với bệnh tật làm cho em muốn quỵ ngã. Chân thành khuyên em cũng như nói với em rằng gia đình nhỏ của Cha mãi mãi là chỗ dựa cho 3 mẹ con.

 

          Chiều tối đến, tin cũng chẳng vui đến từ người bạn !

 

          Nhà chẳng đông ! Chỉ có 2 chị em thôi. Người Cha vừa qua đời chưa xanh cỏ. Còn lại mẹ già sống cùng với chị. Người em quái ác đã ngang nhiên về bắt ký giấy hưởng 1/2 căn nhà dù nhà mình đã có và đất cũng có để cho thuê. Hiện gia đình không làm gì sống, chỉ lấy tiền cho thuê đất là đủ dư dùng. Ấy vậy mà người em ngang nhiên tranh chấp khi mẹ già còn đó.

 

          Chuyện đã căng nay lại căng hơn khi bữa ăn không còn hạnh phúc, không còn lòng mến, không còn tình Chúa và tình người. Để cho gia đình bớt căng thẳng, người chị xin phép được nghỉ ăn chung.

 

          Vậy đó ! Nhiều khi ta nhìn thấy bề ngoài có những gia đình xem chừng êm ấm nhưng rồi len lỏi vào đó những cung cách vô trách nhiệm như người cha của "Nấm Nhỏ" và suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền của người em. Dĩ nhiên là với cung cách và hành động như vậy thì xem chừng gia đình không còn là mái ấm mà cũn chỉ là quán trọ giữa cái cuộc đời mau qua chóng tàn này.

 

          Tôi chả dám gọi đó là gia đình vì lẽ nếu là gia đình thì trong gia đình đó, từng thành viên phải nhịn nhục, yêu thương và bù đắp cho nhau chứ đâu có vô trách nhiệm và cứ nghĩ đến tiền.

 

          Giọt nước tràn ly khi người em nói : "Tui ra tiền thì bà tính sao tính !"

 

          Nghe câu tui ra tiền sao mà đau đớn quá. Người chị đâu phải không biết điều để rồi không bỏ vào. Có khi phần của người chị còn hơn nhiều lần so với em nhưng bởi ngang ngược và âm mưu tống khứ chị ra khỏi nhà cho khuất mắt để lấy luôn phần di sản của mẹ dù mẹ còn sống.

 

          Thương cho cụ già ! Tưởng chừng ở cái tuổi già, cụ được nghỉ ngơi. Không ngờ cụ được chứng kiến cảnh ngang ngược của đứa con mà chính mình sinh thành. Điều đáng tiếc hơn nữa là cụ đứng về phía kẻ gian ác để o ép đứa lớn trong nhà !

 

          Dòng lệ cũng rơi khi người chị nói rằng chị được coi không đáng là đứa ăn đứa ở trong gia đình nữa. Dù gọi là cơm chung nhưng chỉ ăn thức ăn thừa và đi rửa dọn dù minh bỏ tiền ra mua thức ăn ngon. Cứ ngỡ lo cho cháu là vui lòng cả nhà nhưng ngờ đâu lại là hỏa ngục trần gian.

 

          Mình đi tu đã là khó nhưng sống đời sống gia đình cũng chẳng dễ là bao. Bởi thế, trong một Thánh Lễ tạ ơn Kim Khánh hôn phối, Cha sở nọ đã tôn vinh tình yêu đẹp của ông bà. Đơn giản, trong Thánh Lễ mừng hôn phối, Cha Sở đưa ra những khó khăn trong đời sống hôn nhân gia đình nhưng ông bà đã vượt qua.

 

          Vắt đầu bóp trán tôi cũng không thể nào hiểu cũng như lý giải cho những thể loại mà sống vô trách nhiệm, vô cảm của người cha trong gia đình nhỏ cũng như suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền của gia đình chị có 2 chị em.

 

          Bảo không buồn không đúng ! Đơn giản là những người đau khổ lại dính dự với gia đình mình và họ như là thành viên của gia đình mình vậy.

 

          Mà hình như cũng chả phải chỉ có những gia đình này vướng phải khúc mắt của đời sống gia đình. Nhiều và nhiều gia đình khác nữa cũng đau khổ lắm khi gặp phải những chuyện khổ đau.

 

          Con gái chăm cha trong tuổi già sức yếu. Thay vì đón nhận tình thương từ con gái nhưng rồi Cha đạp đổ : gia đình không vui vẻ.

 

          Con trai lao vào kinh tế, mua xe chạy khách. Chẳng may phải đổ nợ và khi trở về với gia đình gia đình lại không vui : gia đình mất hạnh phúc.

 

          Sau những lần đỗ vỡ, tôi thầm hỏi những người gây ra sự ác nghĩ sao với hành động của mình như vậy. Liệu họ có bình an khi hành xử không có chút lòng nhân cũng như tình người với những người ruột thịt và đã làm khế ước hôn nhân.

 

          Nhìn như vậy, tôi lại lo cho nhiều gia đình khác nữa cũng có phần dính dự với tôi như các cháu. Thật sự chỉ biết nguyện cầu cho các gia đình được mãi an vui hạnh phúc chứ đừng như 2 gia đình đau khổ mà tôi đau đáu hướng lòng về cũng như dâng lời nguyện cho mọi người được bình an.

 

Lm. Anmai, CSsR