Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tu viện và những chyến hàng giờ giới nghiêm

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

TU VIỆN VÀ NHỮNG CHUYẾN HÀNG GIỜ GIỚI NGHIÊM

 

          Đã lâu lắm rồi, Sài Gòn lại nghe lại bản nhạc xưa :

 

Giờ này thương xá sắp đóng cửa
người lao công quét dọn hành lang
giờ này thành phố chợt bùng lên
để rồi tắt nghỉ sớm
ôi Sàigòn Sàigòn giờ giới nghiêm
ôi Sàigòn Saigòn mười một giờ vắng yên
ôi em tôi Sàigòn không buổi tối

 

          Mà thật ! Từ ngày Sài Gòn bị "cúm", để ngăn ngừa cơn "cúm", những người có trách nhiệm buộc lòng dù muốn dù không cũng ra lệnh giới nghiêm. Ngoài cái công lệnh 16, để giảm thiểu mức độ lây nhiễm, Sài Gòn lại oằn trên vai lệnh giới nghiêm.

 

          Ờ thì giới nghiêm ! Giới nghiêm nghĩa là không đi ra đường sau 18 giờ tối khi không có chuyện cần thiết. Dĩ nhiên chuyện hết sức cần với công vụ thì được đi lại.

 

          Nhiều người dù không quen biết nhưng cũng đau lắm với người cha nhân hậu bị chặn hỏi khi ra đường sau giờ giới nghiêm. Chuyện là Anh không thể nào nhìn con Anh ra đi được khi không còn bình oxy để thở. Đánh liều, Anh phải lao ra đường bất chấp mọi sự để cho con có bình oxy để thở.

 

Cạnh đó, những chuyến xe hàng từ Tỉnh về cũng "vượt biên" cũng như không tuân giữ được lệnh giới nghiêm và  vì có phép nên cứ đổ về để chia sẻ với Sài Gòn.

 

          Hình ảnh người lao công quét dọn giờ giới nghiêm cạnh xe tải đang xuống hàng sao mà thương quá.

 

          Cái cổng Tu Viện xưa nay ở góc đường Điện Biên Phủ và Nam Kỳ Khởi Nghĩa xưa nay vốn dĩ đóng theo tu luật cũng như khung cảnh của dòng tu thì nay mở ra bất kể giờ. Dòng cứ mở cửa miễn sao hàng lên hàng xuống cũng như "dúi" tận tay người cần là được. Ờ mà hay ! Giờ thì chả còn phân biệt bề trên hay về dưới, người học ít hay học nhiều nữa mà tự động bảo nhau để lo cho người cần đến.

 

          Thương là vậy đó, cũng chả phải ở Tu Viện này mà nhiều Tu Viện khác nữa cũng chung chia với người có hoàn cảnh. Đến với Tu Viện Mai Thôn, ta sẽ thấy những Thầy Học Viện cũng chung chia những phần quà cho những người cần đến trong mùa dịch này. Ở Tu Viện Thừa Sai Việt Nam cũng chung chia với người khó khăn bằng những vật phẩm cần thiết. Nhìn những chuyến hàng cũng như hình ảnh những nam tu, nữ tu vào việc thoăn thoắt thật dễ thương. Chả ai bảo ai, mỗi người cứ trong khả năng của mình để lo công việc.

 

Sài gòn đang "cúm" để rồi tình nối tình, lòng nối lòng chung chia chút gì đó cho phận người.

 

Để có được những phần quà chia sẻ, nhiều và nhiều tấm lòng nối kết nhau. Người trồng, kẻ hái, người trung chuyển và kẻ trao tay. Có lẽ mệt một chút nhưng  mà vui, có lẽ trái giờ hay thậm trí trái ý tí nhưng mà có ý nghĩa.

 

          Có lẽ trong hoàn cảnh khó khăn này, ta lại thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn với sinh mạng và nhất là sự sẻ chia. Hình như là lúc này là lúc nà lòng mến được đốt lên mạnh hơn trong đời tu sĩ. Tu sĩ không còn "gói" mình ở trong những giờ kinh nữa mà mở ra với người nghèo trong khung cảnh của nhà tu. Và chính trong lúc chuyển cũng như đóng gói hàng như thế này, người tu sĩ có cảm nghiệm hơn về sự sẻ chia mà Chúa mời gọi trong loạt Tin Mừng tuần này khi nói về Bánh Hằng Sống hay như thiết thực nhất với câu nói của Chúa Giêsu : "Chính anh em hãy cho họ ăn".

 

          Vâng ! Với những nghĩa cử nhỏ bé như thế này, với những chuyến hàng đêm  về như thế này khi chính tay các sơ, các thầy gói ghém mang đầy ý nghĩa của Thầy Chí Thánh Giêsu khi nói "anh em là muối, cho đời, là sánh sáng cho trần gian". Đẹp và đẹp lắm khi nhiều người dù chưa phải là Kitô hữu nhưng vẫn "chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian"

 

          Vậy thôi ! Tình người Sài Gòn là như thế ! Tình người tu sĩ là như vậy. Từ ngày Sài Gòn "cúm". Hình như tình nghĩa cứ nhân rộng.

 

Lm. Anmai, CSsR