Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kỳ diệu của một ký ức - Được lại cả đồng lúa

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

KỲ DIỆU CỦA MỘT KÝ ỨC

 

“Con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con!”.

 

Năm 1884, một thanh niên qua đời; sau đám tang, cha mẹ anh quyết định làm một cái gì để có một ký ức về anh. Với suy nghĩ đó, họ đến gặp Charles Eliot, hiệu trưởng Đại học Harvard. Eliot đón đôi vợ chồng nhỏ thó khiêm tốn vào văn phòng; họ bày tỏ ước muốn tài trợ một cái gì đó để có một ký ức về con. Eliot sốt ruột nói, “Có lẽ hai người đang nghĩ đến một học bổng?”. “Chúng tôi đang nghĩ về một thứ gì đó quan trọng hơn thế…”, người phụ nữ trả lời.Với giọng điệu kẻ cả, Eliot gạt sang một bên và không muốn nghe nữa. Cặp đôi rời đi. Năm sau, Eliot biết rằng,hai vợ chồng đơn sơ này đã đi nơi khác và thành lập một ‘đài tưởng niệm’ trị giá 26 triệu đô la, mang tên Đại học Leland Stanford Junior; ngày nay, được biết đến nhiều hơn với cái tên Stanford!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Eliot đã đánh mất một cơ hội lớn, một ký ức lớn với hai con người nhỏ bé này! Thú vị thay, phép lạ nhỏ, ký ức lớn! Đó cũng là trải nghiệm quý báu của Phêrô trong Tin Mừng hôm nay. Một khi thấy cần, Thiên Chúa sẽ làm mọi cách để củng cố niềm tin của một ai đó; cách của Ngài có thể là một phép lạ lẫy lừngcông khai, nhưng cũng có thể chỉ là một ký ức riêng tư. Tuy nhiên, đó vẫn là một phép lạ của ân sủng biến đổi, là ‘kỳ diệu của một ký ức’ vốn có thể biến đổi một con người!

 

Sau lần tiên báo thứ nhất về cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giêsu thấy các môn đệ xao xuyến; Ngài đã đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi, biến hình trước mặt họ. Cũng thế, hôm nay, sau lần tiên báo thứ hai về tương lai xám xịt đó, Ngài muốn Phêrô có thêm một trải nghiệm khác, một trải nghiệm khả dĩ sẽ biến đổi Phêrô tận căn; để nhờ xác tín,Phêrô chăm sóc đoàn chiên Ngài.

 

Thử tưởng tượng, mỗi người chúng ta là Phêrô! Cảm xúc của chúng ta sẽ thể nào khi vâng lời Thầy, chúng ta vác câu ra biển và tự hỏi, liệu lời Thầy có hiện thực không. Như Phêrô, chúng ta thả câu, lòng đầy hy vọng và phấn khích; kìa, con cá đầu tiên cũng là con cá duy nhất được câu đang ngậm trong miệng một đồng tiền! Quả đúng như lời Thầy ! Phêrô đã phải ngộp thở và kinh ngạc. Chúa Giêsu có vô vàn cách để có lấy một đồng tiền, nhưng Ngài muốn Phêrô trở lại nghề cũ để bắt cá trong một trạng thái và tâm tình chưa bao giờ có; ngõ hầu từ đây, Phêrô có một ký ức tuyệt vời về người Thầy của mình. Chính sự ‘kỳ diệu của một ký ức’ sẽ thay đổi hẳn Phêrô. Đây là một ký ức không thể nào quên, một ký ức diệu kỳ vốn đã xua tan nỗi sợ vốn đang ám ảnh Phêrô bởi tương lai chết chóc của Thầy. Phêrô cần thêm ân sủng của phép lạ cá nhân này để có thể vượt qua nỗi sợ và cuộc chiến của mình; để từ đó, đặt tất cả tin cậy của mình vào Thầy. Trong thư thứ hai, Phêrô sẽ kết luận, “Chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Ngài”. Vì vậy, mọi điều Ngài nói, chúng ta cần phải tin nhận và xác tín! Thật là một kết luận tuyệt vời.

 

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Môisen kêu gọi con cái Israel phải phụng sự và yêu mến một mình Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện những phép lạ hiển hách cho dân, “Ngài đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp mà mắt các ngươi đã xem thấy!”. Cả dân tộc đã xem thấy, mỗi người đã xem thấy, và cả một thành đô đã xem thấy; đồng thời, hãy nhớ lại những kỳ công Ngài đã làm suốt hành trình 40 năm trong sa mạc. Để từ đó, cùng với thành đô Thiên Chúa,họcất cao, “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

 

Anh Chị em,

 

Như Phêrô, như dân Israel xưa, mỗi người chúng ta cũng đã trải qua những biến cố, những chuyện vui buồn kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho gia đình mình hay chính bản thân. Đó là những điều Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn mỗi người hầu chúng ta thực hiện những nhiệm vụ Ngài mong đợi;như Phêrô với đoàn chiên hay tôn thờ một mình Ngài như dân Chúa xưa. Những ngày đầy sầu buồn, hoang mang và sợ sệt này cũng là những ngày Thiên Chúa đang ghi vào lòng chúng ta những ký ức cần thiết. Ước mong sao,chúng ta đọc được những dấu chỉ và ý muốn của Ngài để thi hành! Nếu có con mắt đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy những hành động nhỏ bé của Ngài trong cuộc đời của chúng ta ngay hôm nay. Thật đáng kinh ngạc, đó là ‘kỳ diệu của một ký ức!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những phép lạ nhỏ bé mà Chúa chỉ muốn cho một mình con thấy; đó là có thể là sự ‘kỳ diệu của một ký ức’ có sức biến đổi cuộc đời con, ngay hôm nay”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

ĐƯỢC LẠI CẢ ĐỒNG LÚA

 

“Ai yêu sự sống mình, sẽ mất; ai ghét sự sống mình đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời!”.

 

Thánh Laurensô Giáo Hội kính nhớ hôm nay, tử đạo vào thế kỷ thứ 3. Vị thánh vĩ đại này đã từ bỏ mọi sự theo đúng nghĩa đen, kể cả mạng sống mình. Là phó tế nhà thờ Chính toà Rôma, ngài lo việc bác ái. Tháng 8 năm 258, hoàng đế ra sắc chỉ xử tử tất cả các giáo sĩ. Sau khi giết Giáo hoàngSixtô II, họ bắt Laurensô; trước khi giết, họ buộc ngài giao mọi tài sản của Giáo Hội trong ba ngày. Thế nhưng, Laurensô đã phân phát tất cả cho người nghèo. Ngày thứ ba, trình diện tổng trấn,Laurensô mang theo không phải của cải vật chất mà là của cải thật; đó là những kẻ nghèo, khổ đau, tàn tậtvà đui mù. Ngài tuyên bố, Giáo Hội thực sự giàu có và người nghèo là ‘kho báu’đích thực của Giáo Hội. Tức giận, quan tuyên án tử hình bằng lửa, Laurensô vui lòng lãnh phúc tử đạo.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ai yêu sự sống mình, sẽ mất; ai ghét sự sống mình ở đời này, sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời!”. Đây là một trong những tuyên bố mạnh mẽ và gây sốc của Chúa Giêsu màcả bốn Tin Mừng đều ghi nhận.Gioan sử dụngcụm từ “yêu” và “ghét”; Chúa Giêsu là hạt lúa đã “ghét” mạng sống mình, để về sau, Ngài ‘được lại cả đồng lúa’.

 

Bằng cách yêu cuộc sống mình, chúng ta đánh mất chúng; nhưng bằng cách ghét cuộc sống mình, chúng ta bảo tồn chúng. Thoạt đầu, người ta có thể nghĩ, “yêu” và “ghét” ở đây đã vô tình bị đảo ngược; họ có thể kết luận, điều Chúa Giêsu muốn nói là, “Ai ghét sự sống mình, sẽ mất nó”; và “Ai yêu sự sống mình, sẽ giữ được nó!”. Nhưng đó không phải là những gì Chúa Giêsu nói; thực tế, Ngài đã nói điều ngược lại!“Yêu” và “ghét” ở đây không được hiểu theo cách bình thường. Ngài sử dụng từ “yêu” để chỉ sự ích kỷ hoặc tự cho mình là trung tâm; “ghét” để chỉ lòng vị tha hay quên mình. Nói cách khác, ai ích kỷ, cuối cùng, sẽ mất tất cả; nhưng ai thực sự vị tha và xả thân cho tha nhân, cuối cùng, sẽ đạt được tất cả.Như hạt lúa chịu mục nát để ‘được lại cả đồng lúa’ vậy!

 

Giáo huấn sâu sắc này của Chúa Giêsusẽ thật khó hiểu nếu chúng ta không được dạy dỗ bởi ân sủng của Thánh Thần. Đành rằng, sống vị tha là tốt, nhưng lý trí lại cho biết, trước hết và tốt hơn hết là phải nâng cao bản thân; lý trí có thể kết luận, hạnh phúc được tìm thấy khi được giàu có, địa vị, quyền lực và sự tôn trọng. Thế nhưng, hình thức sống ích kỷ, lấy mình làm trung tâm này, dẫu hấp dẫn ở mức độ thuần tuý của con người, thực ra lại là ‘con đường phá sản’ tất cả những gì thực sự tốt đẹp.

 

Ngược lại, khi chúng ta cho phép ân sủngThánh Thần mách bảo cho lý trí biết rằng, sống vị tha mới là điều tốt nhất, thì bao điều tốt lành sẽ đến. Sống vị tha có nghĩa là đôi mắt chúng ta luôn hướng về điều lành cho người khác; là hoàn toàn cam kết phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân bất kể giá nào. Cho đi mọi sự trong phục vụ và yêu thương,đó là cách duy nhất để Ngài ban lại cho chúng ta nhiều hơn những gì có thể hy vọng. Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Ngài có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các việc lành phúc đức”. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình reo lên, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”. Hãy làm như Chúa Giêsu, trở thành hạt lúa mục nát, gieo vào lòng đời, để ‘được lại cả đồng lúa!’.

 

Anh Chị em,

 

Không ai trong chúng ta không yêu bản thân mình. Thế nhưng, yêu cách nào, đó là điều Tin Mừng hôm nay muốn nói. Là con người, Chúa Giêsu cũng yêu mình;thế nhưng, Ngài đã chọn “ghét” mạng sống, trở nên hạt lúa mục nát trong không gian, thời gian và luật lệ thế trần. Nhờ đó, Ngài ‘được lại cả đồng lúa’ Nước Trời. Noi gương Thầy Chí Thánh, Laurensô đã “ghét” bản thân,trở nên bánh hiến tế trên lò lửa yêu mến hầu mang lại một mùa gặt bội thu cho Giáo Hội. Bước theo Chúa Giêsu như thánh Laurensô, chúng ta được mời gọi trở nên hạt giống mục nát, mang các linh hồn về cho Chúa, bằng cách ghét những gì mà thân xác dung dưỡng, bản thân ky cóp. Khi nghĩ đến người khác, biết cho cách vui lòng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa yêu thương và ban thưởng.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa,xin giúp con không chỉ mở lòng đón nhận bao quà tặng nhưng không của Chúa, mà còn bắt chước cuộc sống vị tha của Ngài, bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và anh em. Lạy thánh Laurensô, ngài đã ‘được lại cả đồng lúa’, xin cầu bàu cho con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)