Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một ai đó đang ở giữa - Một thực tế rất thực

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT AI ĐÓ ĐANG Ở GIỮA

 

“Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”.

 

Mỗi khi Abraham Lincoln phải trả lời cho một người nào đó đã xúc phạm đến mình, ông thường viết một lúc hai lá thư. Trong lá thư thứ nhất, những lời lẽ nặng nề được viết xuống xối xả như trút giận. Sau đó, ông xé nát nó và viết một bức thư thứ hai. Bức thư này thật từ tốn, tế nhị và kín đáo. Người ta hỏi tại sao ông làm thế; vị tổng thống trả lời, có “một Ai đó đang ở giữa” chúng tôi!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến sự hiện diện của ‘một Ai đó đang ở giữa’ dân Chúa; một Ai đó đang nâng đỡ, bảo toàn họ, để họ có thể ca khen Ngài như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “​Xin chúc tụng Danh Chúa, Ngài là Đấng bảo toàn mạng sống con!”.

 

Bài đọc Đệ Nhị Luật hôm nay nói đến việc ra đi, về với tổ tiên của Môisen. Môisen, người bạn của Thiên Chúa, Đấng hằng ở với ông, “Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor; mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông!”. Môisen, một người mà Thánh Kinh gọi là “tôi trung”, một người “được nghĩa” với Chúa, được Chúa ở cùng. Vì thế, sẽ không thành vấn đề Môisen có vào được Đất Hứa hay không; không thành vấn đề ngôi mộ của ông mất hay còn; hoặc người ta đã khóc ông ba mươi ngày, ít hơn hay nhiều hơn… nhưng điều quan trọng đối với Môisen, vẫn là ‘một Ai đó đang ở giữa’ ông và con cái Israel; kể cả khi ông đã qua đời.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói đến một điều tương tự, “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”. Đây là một lời hứa táo bạo, đầy cảm hứng! Lời hứa này cho thấy, Chúa Giêsu muốn chúng ta cầu nguyện với người khác, hợp nhất lời cầu nguyện của chúng ta thành một để dâng lên Chúa Cha; Ngài cho biết, khi lời cầu nguyện của chúng ta kết hợp với lời cầu nguyện của Ngài, thì chúng sẽ được Thiên Chúa thương nhận.

 

Điều đầu tiên cần lưu ý là câu nói của Chúa Giêsu có thể dễ dàng bị hiểu nhầm. Ví dụ, có phải Chúa Giêsu nói, nếu hai hoặc nhiều người họp nhau để cầu xin trời mưa, thì điều đó sẽ xảy ra? Chắc chắn là không! Chìa khoá để hiểu vấn đề được tìm thấy ở dòng cuối cùng, đó là, ‘một Ai đó đang ở giữa’; rằng, “Thầy ở giữa họ!”. Mục tiêu của việc tụ họp cầu nguyện với hai hoặc nhiều người là làm cho lời cầu nguyện của chúng ta nên một với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Cha luôn lắng nghe và đáp lời Chúa Con. Bất kể Chúa Con xin Chúa Cha điều gì, điều đó luôn luôn được ban. Vì vậy, mục tiêu của việc tụ họp để cầu nguyện với nhau, tức là với Hội Thánh, là hiệp nhất lời cầu của chúng ta với lời cầu nguyện duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Giêsu. Điều này trước hết và trên hết, được hoàn thành trong Phụng vụ Thánh, mà chóp đỉnh là Thánh Lễ.

 

Khi chúng ta đến với nhau trong Phụng vụ, lời cầu của chúng ta luôn được lắng nghe. Tại sao? Bởi vì Phụng vụ trước hết là một hoạt động của ‘một Ai đó đang ở giữa’, là hoạt động của Chúa Con; trong đó, Ngài mời gọi chúng ta, Giáo Hội, chia sẻ. Và lời cầu được dâng lên là lời cầu nguyện duy nhất và vĩnh cửu; qua đó, Chúa Con cầu xin Chúa Cha mang ơn cứu độ cho tất cả những ai chấp nhận hành động cứu độ hy tế trên thập giá của Ngài. Khi chúng ta tham gia vào lời cầu nguyện này, thì chắc chắn, nó sẽ được nhậm!

 

Như vậy, bất cứ khi nào chúng ta hiệp nhất với nhau để cầu nguyện, dù không ở ‘bên nhau’, thì Chúa Giêsu vẫn ở giữa chúng ta. Tuyệt vời thay, Ngài không ở đó cách thụ động; sự hiện diện của Ngài luôn là một hiện diện tích cực, mang lại sự sống và biến đổi. Chúng ta không bao giờ được phép đánh giá thấp giá trị của các cuộc tụ họp này, cho dù mỗi người mỗi nơi; cũng không đánh giá thấp sức mạnh biến đổi của ân sủng,bất kể các buổi cầu nguyện này nhỏ đến mức nào.

 

Anh Chị em,

 

“Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ!”. Trong những ngày hôm nay, khi không có điều kiện để tụ họp như thường ngày, các giờ kinh nguyện chung sớm tối trong gia đình, trong một nhóm, sẽ quý báu biết bao! Quý hơn nữa, khi chúng ta trực tiếp tham dự Thánh Lễ lúc điều kiện còn cho phép! Những buổi cầu nguyện chung này cần được ý thức một cách cao độ hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, một số chúng ta có thói quen ‘hẹn hò’ để cầu nguyện trực tuyến, lần hạt trực tuyến chung với các anh chị em khác ở khắp nơi trên thế giới, hãy tin chắc, tất cả đều mang một giá trị nhất định như Chúa Giêsu đã hứa. Vì lẽ, ‘một Ai đó đang ở giữa’ chúng ta!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để con lơi lỏng việc cầu nguyện trong những ngày hôm nay, xin cho con ý thức rằng, ‘một Ai đó đang ở giữa’ chúng con, khắc khoải và lo lắng với chúng con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

 

*************

 

MỘT THỰC TẾ RẤT THỰC

 

“Tên đầy tớ ác độc kia ! Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”.

 

Robert Short, một tác giả nổi tiếng của loạt sách dạy Giáo lý; trong đó,ông dùng nhiều tranh hoạt hình để minh hoạ. Một cách thú vị, Robert Short đặt vấn đề về sự tha thứ của Thiên Chúa! Khi Phêrô hỏi, phải tha cho anh em mấy lần; Chúa Giêsu bảo, “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy!”. Đó là một cách nói phải tha “vô hạn”. “Vậy nếu Thiên Chúa ra lệnh cho chúng ta như thế, thì làm sao Ngài ‘thoát khỏi’ việc chính Ngài phải tha vô hạn?”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là ‘một thực tế rất thực’ đáng cho chúng ta suy nghĩ. Hẳn không ai trong chúng ta muốn nghe Chúa Giêsu nói với mình,“Tên đầy tớ ác độc kia!”,và Ngài sẽ xử nghiệt ngã với chúng ta nhưông chủ trong dụ ngôn hành xử. Thật khủng khiếp khi nghe như thế; vì sau đó,chúng ta bị giao cho những kẻ tra tấn cho đến khi trả hếtnợ nần vì tội lỗi của mình.

 

Ôi!Tin tốt lànhlà, Chúa Giêsu vô cùng khao khát tránh một cuộc đối đầu kinh khủng như vậy. Ngài không muốn bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm về sự xấu xa của tội lỗi mình. Khát khao cháy bỏng của Ngài là tha thứ, tuôn đổ lòng thương xót và xoá sạch nợ nần cho chúng ta.Được có mặt trong trần gian, chúng ta đã mắc nợ Thiên Chúa, món nợ hiện hữu; từ khi lãnh nhận phép Rửa, Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi một món nợ không trả nổi, đó là tội nguyên tổ. Nhưng đó là lần đầu tiên!Về sau, với lòng thương xót vô bờ, Ngài tiếp tục tha thứ cho tất cả lỗi lầm của chúng ta ngay khi chúng ta thể hiện một chút dấu hiệu của ăn năn, dù là nhỏ nhất. Và rồi, mỗi ngày chúng ta nợ Thiên Chúa bao điều; sự sống, của ăn, không khí hít thở… những món nợ không thể trả bằng giá cả. Thiên Chúa là thế đó; Ngài thương xót và nhân từ!

 

Thế nhưng,hiểm nghèo ở chỗ, có ít nhất một điều, khiến chúng ta không hưởng được hành động xót thương này; đó là sự cố chấp,nếu mỗi người không tha thứ cho những ai đã xử tệ với mình. Đây là một đòi buộc nghiêm túc của Thiên Chúa mà chúng ta không nên xem nhẹ. Chúa Giêsu kể dụ ngôn này chỉ vì một lý do, và lý do đó là điều Ngài đã nói đến hôm nay. Chúng ta thường nghĩ Chúa Giêsu như một người rất thụ động,hiền lành, luôn mỉm cười và quay nhìn hướng khác khi chúng ta phạm tội. Không đâu, đừng quên dụ ngôn này! Đừng quên‘một thực tế rất thực’, là Ngài rất nghiêm khắc về việc chúng ta cố chấp từ chối thương xót và tha thứ cho người khác!

 

Vậy tại sao Chúa Giêsu quyết liệt đối với đòi buộc này đến thế? Bởi lẽ,chúng ta không thể nhận được những gì chúng ta không sẵn sàng cho đi. Có thể ban đầu, điều đó không có ý nghĩa, nhưng đó là ‘một thực tế rất thực’ của đời sống thiêng liêng! Nếu muốn hưởng lòng thương xót, chúng ta phải cho đi lòng thương xót; muốn được tha thứ, chúng ta phải cho đi tha thứ. Nhưng nếu không sợ phán xét và lên án nghiêm khắc, chúng ta cứ tiếp tục đưa ra những phán xét và kết án khắt khe với anh em! Chúa Giêsu sẽ đáp lại những hành vi đó một cách ‘sòng phẳng’ và nghiêm túc.

 

Trong cuộc sống, nhiều lúc tha thứ cho người khác là điều không thể, không thể như dân Chúa vượt sông Giorđan mà bài đọc Giosuê hôm nay nói đến. Ấy thế, với sức mạnh của Thiên Chúa và sự uy nghi của hòm bia Giao Ước Ngài, mọi sự đều có thể.Khám Giao Ước tượng trưng cho Chúa Giêsu; với Ngài, chúng ta sẽ đủ sức mạnh để tha thứ cho anh chị em mình. Như dân Chúa đã vượt sông Giorđan mà vẫn ráo chân để tiến vào Giêricô, chúng ta cũng có thể vượt qua chính mình để tha thứ cho người khác và cũng có thể hát lên khải hoàn ca “Halleluia!” như họ mà Thánh Vịnh đáp ca hân hoan bày tỏ. “Halleluia!”,tiếng reo mừng chiến thắng thần chết của đêmVọng Phục Sinh; “Halleluia!” còn là tiếng reo mừng của một tâm hồn vượt qua chính mình để tha thứ!

 

Anh Chị em,

 

Vậy nếu Thiên Chúa ra lệnh cho chúng ta phải tha thứ vô hạn thì làm sao Ngài thoát khỏi việc chính Ngài phải tha vô hạn? “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ!”. Vậy, một khi cảm nghiệm được lòng thương xót và tha thứ vô hạn của Ngài, chúng ta phải hết lòng xót thương và tha thứ cho anh chị em mình. Đó là ‘một thực tế rất thực’Kitô hữu phải sống. Nếu đó là một cuộc đấu tranh thực sự, chúng ta hãy ăn năn ngay hôm nay và để Chúa Giêsu trút bỏ nó giúp chúng ta.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin duông thứ cho con, lấp đầy trái tim con với lòng thương xót Chúa; để từ đó, con có thể xót thương và tha thứ cho anh chị em con bằng chính trái tim của Chúa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)