Đợi để bổ sức - Luôn luôn có cơ hội
ĐỢI ĐỂ BỔ SỨC
“Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”.
Một cậu bé thường xuyên đi học về muộn; ngày kia, nó về muộn hơn bao giờ hết. Bà mẹ gặp cậu ở cửa, không nói nửa lời. Bữa ăn tối hôm đó, cậu bé nhìn vào đĩa của mình:một lát bánh mì và một cốc nước; nhìn sang đĩa của bố và em gái, đầy ắp… rồi nó lại nhìn bố, nhưng bố vẫn im lặng. Cậu bé đã bị nghiền nát ! Đợi cho im lặng hoàn toàn chìm sâu vào trong, người cha lặng lẽ lấy đĩa của con trai, đặt trước mặt mình; lấy đĩa đầy thịt và khoai tây của mình, đặt trước mặt cậu bé… và ông mỉm cười với nó. Khi cậu bé trở thành một người đàn ông, anh ấy nói, “Cả đời tôi, tôi biết Thiên Chúa là như thế nào qua những gì cha tôi đã làm vào đêm hôm ấy;thì ra, Ngài đợi tôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ,khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy, Thiên Chúa còn là Đấng đợi chờ! Ngài nhẫn nại với con người, sẵn sàng ‘đợi để bổ sức’ cho nó.Hôm nay, Ngài nói với Giêđêôn, “Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”; Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”.
Từ lịch sử, Israel trải nghiệm,Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa kiên nhẫn, đợi chờ và canh thức vì họ. Cụ thể, sách Thủ Lãnh hôm nay mở đầu thế này, “Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới cây sồi ở đất Êphra”, Ngài ngồi đợi Giêđêôn đó!Thiên thần nói với Giêđêôn, Chúa sai ông đi giải thoát Israel khỏi tay Mađian; Giêđêôn dể ngươi, “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel?”; Chúa bảo, “Ta sẽ ở với ngươi!”.Giêđêôn liều lĩnh xin một dấu để chứng tỏ chính Chúa phán dạy ông; Chúa nói, cứ việc, “Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”.Và Chúa cho lửa từ khối đá thiêu rụi của lễ ông dâng; ông khiếp sợ vâng lĩnh thánh ý Ngài và gọi nơi ấy là “Bình An của Chúa”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca,“Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.
Với bài Tin Mừng, các môn đệ sững sờ khi nghe Chúa Giêsu nói, “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời!”;họ thốt lên, “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”. Chúa Giêsu nói, “Đối với loài người thì không thể; nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”.
Theo một truyền thống, “lỗ kim” được dùng để chỉ một cánh cổng trong tường thành Giêrusalem. Ban ngày, một cánh cổng lớn mở ra để lạc đà đi qua dễ dàng; nhưng ban đêm, một cánh cổng lớn hơn bị đóng lại, và chỉ có một khe hở nhỏ ở giữa cánh cổng, cho phép mọi người đi qua. Như vậy, lạc đà không thể đi qua khe hở nhỏ hơn đó, trừ khi nó khuỵu gối xuống, rồi trườn qua. Với hình ảnh này, thánh Anselmônói, “Người giàu không thể đi vào đường hẹp dẫn đến sự sống, cho đến khi người ấy trút bỏ được gánh nặng tội lỗi và sức nặng của sự giàu có; nghĩa là, bằng cách ngừng yêu chính mình!”. Vì vậy, có thể nào một con lạc đà đi vào qua “lỗ kim” mà không tháo cởi và khuỵu gối, cũng như một người giàu làm sao vào được thiên đàng? Đúng!Chỉ với điều kiện,bằng sức mạnh của Thiên Chúa, họ quỳ gối, hạ mình và loại bỏ ‘hành trang’cồng kềnh trĩu nặng.Thánh Gioan Thánh Giá hiểu rất rõ điều này; ngài nói, “Để đạt được sở hữu mà bạn không có, bạn phải đi bằng con đường mà bạn không sở hữu!”.
Sự giàu có là một trở ngại để con người tiến về phía trước khi nó quá gắn bó với vật chất, đến nỗi không còn chỗ cho Thiên Chúa. Như một người leo núi thiêng liêng,linh hồn phải thanh thoát ! Một chiếc thuyền quá tải sẽ chìm, không phải vì nó không có khả năng nổi, nhưng vì trọng lượng của nó lớn hơn sức chở của nó. Chúng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa khi trở nên trống rỗng,và để cho ân sủng Ngài ngập tràn lòng mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”, và Ngài cũng từng nói, “Tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”. Phải! Ngài đang ‘đợi để bổ sức’ cho chúng ta.
Anh Chị em,
Kinh nghiệm bởi tình yêu của cha mình, cậu bé trong câu chuyện đã thốt lên, “Thiên Chúa đợi tôi!”. Ngài đợi tôi để đổi chiếc đĩa trống rỗng gây ra bởi tội lỗi thành chiếc đĩa đầy ân sủng!Ngài đợi tôi để vun đắp niềm tin còm cõi nơi tôi như đã vun đắp cho Giêđêôn. Hôm nay, Chúa Giêsu đang ‘đợi để bổ sức’ cho chúng ta! Thánh Thể Ngài không chỉ là ‘lương thực nuôi hồn’ nhưng còn là ‘linh dược chữa hồn’, cả khi chúng ta không thể đến được với Ngài trong những ngày dịch bệnh. Ngài đợi để tăng sức cho chúng ta, vì Ngài biết chúng ta đã chồn chân mỏi gối, sức hơi đã mỏn! Vấn đề là chúng ta có biết khuỵu gối, quỳ xuống để van vỉ Ngài hết lòng không? Cầu nguyện không chỉ là thờ lạy, chiêm ngắm hoặc van xin; nhưng còn là để cho mình được tẩy rửa, tháo cởi những ràng buộc tục luỵ, những ‘hành trang’ cồng kềnh trĩu nặng … để có thể quỳ mọp và trườn tới!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa,xin giúp con thấy được giá trị của những kho tàng ân sủng và lòng thương xót của Chúa; cho con biết rằng, Ngài đang ‘đợi để bổ sức’ cho con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
******************
LUÔN CÓ CƠ HỘI
“Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho Ta!”.
Hoạ sĩ người Mỹ, John Sargent, đã từng vẽ bức“Hoa Hồng”, được giới phê bình hết lời khen ngợi. Đó là một kiệt tác đạt đến mức hoàn hảo. Dẫu hội hoạ sĩ đã đưa ra một mức giá rất cao, nhưng Sargent vẫn từ chối bán nó. Anh coi đây là tác phẩm tốt nhất của anh; và bất cứ khi nào nản lòng hoặc nghi ngờ về khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ nơi mình, anh sẽ nhìn nó và tự nhắc nhở, “Tôi đã vẽ nó!”. Nhờ đó, anh ‘luôn có cơ hội’ đi tiếp, tiến tới sự nghiệp hoạ sĩ lớn lao của mình!
Kính thưa Anh Chị em,
Như bức hoạ của Sargent, Bí tích Rửa Tội là kiệt tác nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa đã ban ân sủng dẫy đầy để chúng ta bắt đầu, rồi lại bắt đầu, hầu có thể tiến tới sự nghiệp của mình; sự nghiệp đó,chính là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã vạch ra cho mỗi người. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên điều đó. Israel đòi một vị vua, Ngài cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là thần dân của vua; với dụ ngôn Tin Mừng, những người vô công rỗi nghề đứng suốt ngày ngoài chợ, chủ vườn cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là được trọng dụng,và thế nào là sự công bằng của chủ.
Bài đọc sách Thủ Lãnh cho thấy lòng dạ Israel, dân Chúa, “Khi ấy, mọi người Sikem và gia tộc Mêllô tụ họp lại, kéo nhau đến gần cây sồi ở Sikem, họ tôn Abimêlech lên làm vua”; Thánh Vịnh đáp ca cho thấy suy nghĩ thiển cận của họ, “Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng!”;nhưng, Thiên Chúa nào có vui mừng đâu ! Giotham, người đứng ra, chỉ cho họ sự mù quáng này,‘Đang khi Chúa ngự giữa các ngươi, các ngươi lại nói, ‘Xin cho chúng tôi một vua cai trị chúng tôi’’. Ấy thế, Thiên Chúa vẫn chiều họ, Ngài cho họ cơ hội trải nghiệm thế nào là làm tôi một vị vua!
Với bài Tin Mừng, chủ vườn là hình ảnh của một Thiên Chúa xót thương, quảng đại và hào hiệp. Ngài đón nhận bất cứ ai sẵn sàng vào làm ‘vườn nho’ nhà Ngài,ở bất cứ thời điểm nào; sáng sớm, đúng ngọ hay chiều tà. Với Ngài, mọi người đều ‘luôn có cơ hội!’. Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất, là ‘chấp nhận’ rằng,chúng ta đã đánh mất cơ hội để làm điều mình ao ước; một trường đại học,một việc làm…Ấy thế, trong đời sống thiêng liêng, mỗi người ‘luôn có cơ hội’để sống cho Thiên Chúa, để nên thánh, và được cứu chuộc; chúng ta luôn có khả năng để bắt đầu lại. Tại sao? Bởi lẽ, Thiên Chúa đã ban cho mọi người một quỹ thời gian trên trái đất này đủ để đi về phía Ngài; vìvậy, cả khi chúng ta ngã quỵ, Ngài vẫn tiếp sức, hầu chúng ta có thể đứng lên và tiếp tục đi tới. Đó là lý do tại sao Bí tích Hoà Giải thật quan yếu; vì lẽ, một khi đánh mất ân sủng, mỏi mòn sức thiêng, chúng ta vẫn có thể lấy lại nó trong các Bí tích, đặc biệt là khi chúng ta đi xưng tội.
Với Thiên Chúa, con người không chỉ ‘luôn có cơ hội’ đểt đầu lại, nhưng còn có thể trải nghiệm những nghịch lý xót thương của Ngài. Tình huống dụ ngôn hôm nay là một bằng chứng; người làm nhiều, kẻ làm ít, đều nhận được một quan tiền.Tất cả chúng ta thường có khuynh hướng quên rằng,với Thiên Chúa, về mặt b thiêng liêng, mọi sự đều là quà tặng. Không ai có quyền đòi Ngài công bằng vềân sủng; những gì chúng ta làm cho Thiên Chúa không là những ‘ân huệ’ dành cho Ngài; đó là những nghĩa vụ ‘hiện sinh’; nói cách khác, đó là lý do chúng ta có mặt trên đời. Chúa Giêsu thật tinh tế, “Lúc đã hoàn tất mọi việc, hãy nói, ‘Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!’”.Từ đó, Ngài cho phép chúng ta mong đợi nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng. Thiên Chúa không bao giờ mắc nợ một ai!Mọi sự Ngài mang đến đều là nhưng không và là hoa trái của một tình yêu vô bờ. Chúng ta thường dễ dàng đối xử với Ngài theo cách loài người, đang khi quên rằng, Ngài là Thiên Chúa; với Ngài, mỗi người ‘luôn có cơ hội’.
Anh Chị em,
Bức “Hoa Hồng” của Sargent là biểu tượng sống động của ấn tín Bí tích Rửa Tội nơi mỗi người; qua đó, ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa được tặng.Vì thế, mỗi khi nản lòng và không muốn đi tiếp, chúng ta hãy nhớ đến kiệt tác ân sủng của mình. Cũng vậy, lời mời gọi, “Hãy đi làm vườn nho cho Ta”,biểu tượng của mọi lời gọi, nhắc chúng ta hãy nhìn những con người đã được Chúa Giêsu trao cơ hội; họ là thu thuế, phong cùi, người nữ ngoại tình, biệt phái hay ngay cả người trộm lành…và họ đã đi tiếp,đi tận tới Nước Trời.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết luôn tạ ơn Chúa về hồng ân Bí tích Thánh Tẩy và biết quý trọng Bí tích Giải Tội; đó là linh dược phục hồi ân sủng và phẩm giá ‘con của Trời’ cao quý trong con. Nhờ đó, con có thể đứng lên và đi tới; bởi lẽ, con ‘luôn có cơ hội’, vì đó là điều Chúa muốn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: