Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Này con xin đến - Chiều kích sâu thẳm của tình yêu

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

NÀY CON XIN ĐẾN

 

“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”.

 

Thomas a Kempis nói, “Vâng lời tức khắc là vâng lời thật nhất; vâng lời mà trì hoãn là không vâng lời. Ai nỗ lực để rút khỏi sự vâng lời, người ấy rút ​​khỏi ân sủng của Thiên Chúa!”; Anon thì nói, “Cái giá phải trả của sự vâng lời không là gì so với cái giá phải trả của sự không vâng lời!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay mang ý nghĩa của một sự vâng lời sâu lắng qua một trong những câu chuyện thương đau, lãng mạn nhất thời Cựu Ước; thế nhưng, lời đáp ca này lại phản ánh phần nào sự không vâng lời “xin đến” của khách được mời dự tiệc qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, câu chuyện về một trong những đám cưới buồn nhất thời Tân Ước, khi khách mời từ chối có mặt ở một bữa tiệc trọng đại của hoàng triều.

 

Sách Thủ Lãnh ghi lại chiến công hiển hách của Giéphtê, người được Thần Trí Chúa ngự, khi ông tiến đánh quân Ammon. Ông đã thề với Chúa, “Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay con, thì khi trở về bình an từ đất Ammon, hễ người nào ra khỏi nhà để đón con trước nhất, con sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu cho Chúa!”. Thương ôi! Người chào đón ông lại là trinh nữ, con gái duy nhất của ông, “Vừa thấy cô, ông xé áo mình ra!”. Cô xin cha hai tháng để cùng bạn bè nghĩa thiết than khóc cho tuổi thanh xuân ngắn ngủi của mình trên các núi đồi; và đến hẹn, cô về nhà, hiến mình làm của lễ toàn thiêu để cha cô dâng Chúa như đã hứa. Như vậy, không chỉ một mình Giéphtê, nhưng cả quý nữ của ông, đã cùng thưa lên, “Lạy Chúa, ‘này con xin đến’ để thực thi ý Ngài!”.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, những người được vua mời dự tiệc cưới hoàng tử lại từ chối lời mời; ở đây, xem ra có một điều gì đó trái ngược với thái độ vâng lời của ‘hai vị thánh’ thời các Thủ Lãnh. Và đây cũng là hai mức độ từ chối Phúc Âm đang ‘hiện hữu’ trong thế giới của chúng ta ngày nay. Mức độ từ chối đầu tiên là sự thờ ơ. Một thực tế là, ngày nay, nhịp sống của con người bận rộn hơn bao giờ hết; khổ nổi, con người dễ dàng bận rộn với nhiều thứ không đâu vào đâu. Nhiều người dán mắt vào điện thoại, ipad; nhiều người dành vô số thời giờ cho ‘quái vật một mắt’ có tên là tivi; những người khác trở nên tham công tiếc việc, “nghiện việc”, “workaholic”, dành phần lớn thời gian cho công này việc nọ; để rồi, dành quá ít thời giờ cho những việc quan trọng nhất, như gia đình, cầu nguyện và phục vụ. Kết quả là, người ta rất dễ trở nên thờ ơ với các vấn đề đức tin và lãng quên việc cầu nguyện mỗi ngày; nhờ đó, có thể tìm kiếm và thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, hầu có thể thưa lên với Ngài, ‘này con xin đến!’. Sự thờ ơ này là khá nghiêm trọng!

 

Một sự từ chối khác trong thế giới hôm nay là sự thù địch ngày càng gia tăng đối với Giáo Hội; bằng nhiều cách, thế giới tục hoá tiếp tục cổ vũ một nền văn hoá trái ngược với Tin Mừng. Và khi các Kitô hữu lên tiếng phản đối những khuynh hướng ‘văn hoá mới’ này, họ thường bị lên án, và bị coi là thành kiến ​​hoặc ra vẻ quan toà. Những khách mời trong dụ ngôn đã lộ ra ác tâm của mình, “Họ bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”. Sự thù địch đối với Giáo Hội, đức tin và các nguyên tắc luân lý dường như cũng đang gia tăng mỗi ngày. Hình thức từ chối này còn tai hại hơn nhiều so với sự thờ ơ nói trên! Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lên tiếng đáp lại những người thờ ơ và thù địch, “Vua sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân, và thiêu huỷ thành của chúng”.

 

Anh Chị em,

 

Thiên Chúa là Cha nhân từ, giàu lòng thương xót, Ngài không bao giờ muốn chúng ta hành động một cách đau đớn và xé lòng như Giéphtê, nhưng Ngài luôn mong chờ một sự đáp trả của chúng ta với một lòng tín thác của những người con vâng lờitừ những việc rất nhỏ đến không ngờ, “Này con xin đến để thực thi ý Ngài!”. Cụ thể, mỗi người trong hoàn cảnh hiện tại của những ngày bị gò bó bởi giãn cách, chúng ta biến không gian chật hẹp của ngôi nhà mình thành bàn thờ hy lễ; biến những cuộc trò chuyện nhảm nhí thành những cuộc hàn huyên với Chúa, với những người thân trong gia đình; biến thời gian nhàn rỗi thành món quà ân phúc cho nhau… Đó chính là lời đáp trả ‘này con xin đến’ xứng đáng nhất Thiên Chúa đang mong đợi nơi chúng ta trong những ngày này.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin đừng để con thờ ơ với lời mời gọi của Chúa, nhưng luôn luôn đáp lại bằng cả trái tim khi con sẵn sàng thưa lên ‘này con xin đến’bất cứ khi nào Chúa gọi”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

CHIỀU KÍCH SÂU THẲM CỦA TÌNH YÊU

 

“Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi!”; “Và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi!”.

 

Một nhóm các nhà thực vật học khám phá vùng Alps.Qua ống nhòm,họ phát hiện một loài phong lan quý hiếm và đẹp đến mức giá trị khoa học của nó là khôn lường; khổ nỗi, hoa lại nằm dưới khe núi, hai bên là vách đá! Để có nó, ai đó phải thòng mình xuống.Một cậu bé tò mò đang ở gần; họ nói với cậu, cậu sẽ được tưởng thưởng hậu hĩ nếu giúp họ gỡ gốc hoa lên.Nhìn xuống vực, sâu đến chóng mặt, cậu nói, “Tôi sẽ quay lại ngay!”. Một chốc, cậu trở lại, theo sau là một người đàn ông; cậu nói, “Tôi sẽ xuống vách núi, lấy gốc hoa, nếu người này giữ dây. Ông ấy là bố tôi!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến chiều sâu của một vách núi, nhưng nói đến ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’. Chúa Giêsu nói đến việc yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”, Ngài không chỉ nói đến toàn bộ con người chúng ta; nhưng như cậu bé, Ngài còn nói đến Cha, Đấng mà nhờ Ngài, chúng ta có thể khám phá ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’ đó!

 

Vậy trong thực tế, ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’ này trông như thế nào? Thật dễ dàng để điều này trở thành một tư tưởng cao quý hay là chủ đề của những bài diễn thuyết sâu sắc, nhưng sẽ là một thách đố để cho những suy tư hoặc những ý tưởng này trở thành chứng từ cho một cách sống, một hành động. Chúng ta có yêu mến Chúa bằng cả con người mình với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là; bởi lẽ, ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’ thể hiện theo nhiều cách. Đó là sự phó thác cho Thiên Chúa, sự đốt cháy của Thánh Thần và sự biến đổi của ân sủng Ngài.

 

Trước hết, yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn là phó thác cuộc đời chúng ta cho Ngài; đó là một đòi hỏi của tình yêu. Thiên Chúa là Đấng thánh; vì thế, tình yêu dành cho Ngài đòi hỏi chúng ta nhận biết sự thánh thiện của Ngài. Một khi nhận biết Thiên Chúa là ai, chúng ta sẽ tin cậy Ngài hoàn toàn mà không dè giữ; đồng thời, tin cậy Ngài ở một mức độ ‘không mức độ’.

 

Thứ đến, niềm tín thác này sẽ ‘đốt cháy’ trái tim chúng ta bằng một ngọn lửa yêu mến bên trong. Chúa Thánh Thần là tác nhân của sự nung nấu nội tâm này; Ngài sẽ làm nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm cho mình, lớn lao hơn những gì chúng ta có thể nghĩ tới. Thánh Thần sẽ làm cho lửa này bùng cháy, thiêu rụi mọi bất xứng và tẩy luyện chúng ta nên tinh ròng, hầu có được những gì tinh tuyền nhất, thánh thiện nhất. Hãy nhìn xem các thánh, những con người đã được biến đổi; các ngài đã đáp lại tình yêu Thiên Chúa cách tốt nhất. Cuối cùng, điều kỳ diệu sẽ xảy ra là, qua các ngài, Thiên Chúa đã làm những điều vĩ đại trong thế giới. Chúng ta sẽ kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa làm; tận mắt chứng kiến ​​sức mạnh tuyệt vời đã biến đổi những con người mà qua các thánh, Thiên Chúa biến đổi họ; và qua chúng ta, Ngài sẽ biến đổi những người khác!

 

Câu chuyện bà Ruth hôm nay là một minh hoạ cho ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’ bên trong đó. Noêmi, một phụ nữ đã yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn; bà quên đi bản thân để cho các nàng dâu tự do lựa chọn đi hay ở. Và rồi, ‘cô Ruth’ cũng đã quên đi chính mình, “Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ, mẹ đi đâu, con cũng đi theo đó; dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con!”. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra, chính ‘cô Ruth’, người phụ nữ ngoại giáo này, sẽ là ‘Bà Tổ’ của Giêsu, Đấng Cứu Thế. Để từ đó, muôn dân có thể cất lên lời ngợi khen, “Ca tụng chúa đi hồn tôi hỡi!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hân hoan gọi mời.

 

Anh Chị em,

 

Trong lịch sử của Giáo Hội, thế giới không thể phủ nhận đã có những con người yêu mến Thiên Chúa trọn trái tim, trọn cuộc sống và yêu tha nhân như chính mình. Họ đã khám phá ra một ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’ nơi Thiên Chúa, hiện sinh nơi Chúa Giêsu, Đấng yêu Chúa Cha,yêu nhân loại hết trái tim, hết trí khôn, hết cuộc sống và nhất là,hết thần tính của Ngài. Một trong những con người nổi bật đáp lại tình yêu Thiên Chúa là Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương đích thực sống ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’ này, Mẹ đã trao vào tay Chúa cả lòng trí, sức lực và tâm hồn; Mẹ được Thánh Thần nung đốt; Thiên Chúa đã làm bao điều kỳ diệu nơi Mẹ và nơi những con người được Mẹ cưu mang. Có vị thánh nào mà không yêu mến Đức Mẹ! Cả chúng ta, hãy níu áo Mẹ và trở nên những Maria thứ hai, để Thiên Chúa cũng có thể làm bao điều kỳ diệu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con khám phá được ‘chiều kích sâu thẳm của tình yêu’. Từ đó, Chúa có thể làm nơi con và anh chị em con muôn điều kỳ diệu”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)