Ân sủng và bình an-Hãy đến mà xem
ÂN SỦNG VÀ BÌNH AN
“Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an!”.
Hải ly, một loài động vật có vú, sống lưỡng cư, nghĩa là nửa nước nửa cạn. Nó có tài đắp đập, tạo nên những con đê kiên cố, khống chế mực nước chúng cần. Nguyên liệu là cành cây và sỏi đá; những chỗ có kẽ hở, hải ly dùng đuôi đập nát đất rồi trát kín. Những con đê này thường rất kiên cố, 5-6 người có thể đi qua mà không sập; đôi khi, những đập chắn của hải ly dài hơn cả 100 mét.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến những con hải ly đóng mở các đập nước do chúng đắp nên, nhưng nói đến việc mỗi người chúng tacũng có thể ‘mở và đóng cửa thiên đàng’. Việc chúng ta có sẵn sàng ‘mở cửa’ thiên đàng hay đang tâm ‘đóng’ nó lại, một phần, sẽ quyết định dòng chảy ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa trào xuống trên chúng ta và trên người khác!
Trong suốt tuần này và qua cả tuần sau, chúng ta sẽ đọc thư gửi tín hữu Thessalonica, đây là một trong những tài liệu cổ nhất mà Giáo Hội sở hữu. Khởi đầu thư, thánh Phaolô viết, “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an!”; tiếp đến, ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cách đặc biệt, “về lòng tin, công việc của lòng bác ái, và sự vững lòng trông cậy” của giáo đoàn này, “Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em”. Với Phaolô, tín hữu của giáo đoàn này là những người đã “được Thiên Chúa tuyển chọn”, “đầy niềm tin”, “với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín”. Phaolô tạ ơn Thiên Chúa, vì lẽ, cộng đoàn này gồm những người đã ‘mở cửa’ thiên đàng cho ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa dẫy đầy, không chỉ trên họ, nhưng trên cả những giáo đoàn non trẻ khác, vì “Chúa mến chuộng dân Ngài!” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.
Tương phản với các tín hữu Thessalonica tốt lành là những con người không mấy tốt lành mà Chúa Giêsu khiển trách trong Tin Mừng hôm nay. Ngài gọi họ là những kẻ ‘đóng cửa’ thiên đàng, khiến cho ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa tắc nghẽn đối với họ và cũng không đến được với người khác. Thiên Chúa là Cha rất nhân hậu, luôn muốn con cái mình được đầy tràn ‘ân sủng và bình an’; vì thế, khi nhìn thấy các vị lãnh đạo tôn giáo ngăn chận suối nguồn ân phúc này, Chúa Giêsu buộc lòng phải lên tiếng với những lời lẽ không thể nặng hơn, “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi đóng cửa Nước Trời, không cho người ta vào; vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào!”. Cũng trong chương này, Matthêu ghi lại liên tiếp bảy lần những lời cứng hơn thép Ngài dành cho hạng ăn trên ngồi trốc này, “Khốn cho các ngươi!”, “Khốn cho các ngươi!”. Ngài gọi họ là “những kẻ dẫn đường đui mù”, “những kẻ đạo đức giả”, “những ngôi mộ quét vôi trắng”, “những con rắn độc”, “cha những kẻ bạo tàn” và “những kẻ giết người”. Rõ ràng, Ngài đã hết lời với họ, Ngài không còn gì để nói!
Tại sao Chúa Giêsu lại đay nghiến họ đến thế? Ngài nặng lời; bởi lẽ, họ đang làm một trong những điều xấu xa nghiêm trọng nhất mà một người có thể làm. Họ đang nhân danh Thiên Chúa mà kéo lôi người khác đi vào con đường lầm lạc. Không gì có thể tồi tệ hơn! Thật không may, họ đã không nhận ra điều Chúa Giêsu dạy! Đang khi những lời quở trách của Chúa Giêsu không hàm ý một sự tức giận hay một ác ý vô cớ nào; đúng hơn, những lời này được nói ra với lòng thương xót và sự chờ đợi của một Thiên Chúa nhẫn nại và từ bi. Ngài hy vọng rằng, sự thật trần trụi này sẽ chìm sâu vào trong, khiến họ suy nghĩ và rồi, sẽ ăn năn; nhờ đó, ‘ân sủng và bình an’ của Thiên Chúa mới có thể đổ xuống trên họ và qua họ, đến với những ai họ dẫn dắt.
Anh Chị em,
Hơn lúc nào hết, trong những ngày hôm nay, chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là khí cụ đem ‘ân sủng và bình an’ của Chúa đến cho anh chị em mình. Ai trong chúng ta cũng muốn trở thành những người ‘mở cửa’ thiên đàng; nói cách gần gũi hơn, mở ra niềm vui, trao tặng hạnh phúc, cống hiến yêu thương cho anh chị em mình. Không đâu và không ai màchúng ta có thể kín múc ‘ân sủng và bình an’ thật sự ngoàiThánh Thể, Lời Chúa và các Bí tích. Những người khác có quyền chờ đợi vào những gương lành, gương sáng của chúng ta; họ có quyền hy vọng vào những sự thật không chỉ qua những gì chúng ta nói, nhưng còn qua chứng tá sốngđộng của chúng ta mỗi ngày. Chớ gì, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta xét mình, thống hối; hầu biến đổi và đứng lên, để trở nên một người tạo cảm hứng cho tha nhân, băng bó họ, nhất là những anh chị em dễ bị tổn thương nhất.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tin, Chúa đang dành cho con những lời khiển trách thánh thiện này; xin cho con biết ăn năn tội mình; nhờ đó, con tràn đầy ‘ân sủng và bình an’ của Chúa, và như thế, dòng chảy này cũng đến được với anh em con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
“HÃY ĐẾN MÀ XEM!”
“Từ Nazareth, nào có chi hay?”; “Hãy đến mà xem!”.
Hôm nay, kính thánh Bartôlômêô tông đồ, sách Khải Huyền nói đến thị kiến của Gioan, một Giêrusalem từ trời xuống,với “Tường thành xây trên mười hai nền móng, có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên”.Ngày nay, tại trần nhà điện Sistine, Rôma, tượng trưng cho ‘Giêrusalem mới’ là Hội Thánh, kiệt tác“Bartôlômêô xách tấm da” của mình đã được Michelangelo vẽhơn 400 năm vẫn còn đó; nếu bạn không tin, “Hãy đến mà xem!”. Bởi lẽ, theo một truyền thống, Bartôlômêô đã tử đạo do bị lột da, chặt đầu; ngài là Quan Thầy các thợ thuộc da, đóng sách và người bán thịt !
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Nathanael, người còn có tên là Bartôlômêô đã phản ứng mạnh mẽ, “Từ Nazareth, nào có chi hay?” khi Philipphê cho biết, họ đã gặp Đấng Messia. Tại sao ông lại phản ứng theo cách này? Rất có thể vì người Do Thái biết rằng, Đấng Messia sẽ đến từ Bêlem, chứ không phải từ Nazareth; điều này lập tức dấy lên nơi Nathanael một sự nghi ngờ. Đúng, Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, về sau, lên định cư ở Nazareth; nhưng Nathanael đã quên mất chi tiết này!
Như Nathanael, chúng ta cũng có thể dễ dàng nghi ngờ các vấn đề đức tin và bao nhiêu vấn đề khác vì không hiểu đầy đủ. Nếu từ đầu, Philipphê cho biết,Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, lớn lên ở Nazareth thì có thể, Nathanael đã cởi mở hơn. Nhưng, sự việc đã xảy ra như Tin Mừng cho biết, thì phải chăng, Chúa Thánh Thần muốn dạy chúng ta một điều gì đó quan trọng hơn. Điều quan trọng ấylà,‘đừng bao giờ đóng cửa trước chân lý’ chỉ vì một điều gì đó thoạt đầu không có ý nghĩa đối với chúng ta! Sự nghi ngờ không bao giờ đến từ Thiên Chúa! Tin tốt lành là, dẫu bày tỏ tức khắc một sự nghi ngờ, nhưng Nathanael vẫn cởi mở với những gì Philipphê cho biết. Và để trả lời cho nghi ngờ này, Philipphê đã nói một điều tốt nhất màông có thể nói, “Hãy đến mà xem!”.
Đến với Chúa Giêsu, Nathanael nhanh chóng tuyên xưng niềm tin vào Ngài,“Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”, Đấng đã nói rất ít với ông. Ngài cho biết, đã nhìn thấy ông “dưới cây vả”; và biết ông là một người “không có gì gian dối”, nghĩa là một người trung thực và thẳng thắn, không phải là người hai mặt. Nathanael lập tức nhận ra sự vĩ đại của Chúa Giêsu, điều này chỉ có thể có được nhờ ân sủng đang hoạt động trong tâm hồn ông. Ông đã đến, đã nhìn xem Chúa Giêsu và đã tin,ngang qua quà tặng đức tin bên trong.Từ đó, cùng với Philipphê, Nathanael có thể thưa lên như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa!”.
Vậy, điều gì đang khiến chúng ta khó hiểu về cuộc sống, các mối tương quan cũng như những mù mịt về đức tin của mình? Nếu có điều gì đó khiến chúng ta đang khó khăn theo cách này, hãy cho phép mình lắng nghe những lời của Philipphê, “Hãy đến mà xem!”. Nathanael cho biết, nếu chúng ta đem sự bối rối của mình đến với Chúa Giêsu, cởi mở với Ngài, tất cả sẽ được sáng tỏ; mọi cám dỗ nghi ngờ sẽ được xua tan, và chúng ta cũng sẽ có một niềm tin vượt quá trí hiểu con người.
Anh Chị em,
“Hãy đến mà xem!”. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta qua các trung gian, người thân,bạn bè…dẫu có thể có những nghi ngờ,nhưng miễn là chúng ta biết mở lòng mình ra, thì Thiên Chúa vẫn có cách để lôi kéo chúng ta đến gần Ngài.Tuy nhiên, dẫu có thể đến với Chúa qua những trung gian, nhưng về sau, dần dần, chúng ta cũng sẽ đặt niềm tin của mình dựa trên kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về Ngài. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên qua việc “đến mà xem”, Bartôlômêô đã bỏ những thành kiến, định kiến cá nhân và phó mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu. Được Ngài biến đổi, Bartôlômêô trở nên một vị thánh vĩ đại, đã sống trọn vẹn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của một tông đồ.Giờ đây, Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời ân sủng của Ngài cũng đang chờ đợi chúng ta; “Hãy đến mà xem!”, hãy chìm sâu trong cầu nguyện, lặng thinh lắng nghe;Ngài cũng sẽ biến đổi chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đang mời gọi con,“Hãy đến mà xem!”. Xin mở rộng tâm trí của con với tất cả những gì Chúa muốn nói với con, để con cũng được biến đổi trong mọi sự”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: