Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đất dành cho kẻ sống- Nâng lên để đứng trên đôi chân

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐẤT DÀNH CHO KẺ SỐNG

 

“Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống!”.

 

Những chàng cao bồi thị trấn Shiloh Ranch, Idaho, rất tự hào về những chú chó của họ. Họ nói với du khách, “Chúng ta có thể học được gì từ một chú chó? Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội để có được niềm vui; vâng lời, lợi ích tốt nhất của bạn; khi ai đó đang có một ngày tồi tệ, hãy im lặng, ngồi gần và nhẹ nhàng vỗ về họ; và cho người khác biết khi có ai đó xâm phạm ‘đất của bạn!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị, cách nào đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến ‘đất của bạn’, một chủ đề khá bất ngờ.Nó được tìm thấy từ thư Phaolô cho đến bài Tin Mừng và sâu sắc hơn cả, Thánh Vịnh đáp ca, “Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi ‘đất dành cho kẻ sống!’”.

 

Thông thường,‘Đất dành cho kẻ sống’được hiểu là thiên đàng, nơi Thiên Chúa hứa cho con cái Ngài! Đó là ‘Đất’, mà “Chúng ta chiếm lãnh ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta… để chúng ta được sống với Ngài” như Phaolô mô tả trong thư Thessalônica hôm nay. Quyến rũ hơn, ‘Đất’ ấy là cõi phúc đáng mơ được Thánh Vịnh vẽ ra; một bức tranh lộng lẫy của cung điện nhà Chúa khiến linh hồn ngây ngất những mỏi mong ngày đêm được hội kiến Thánh Nhan, “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi; mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng!”.

 

Tin Mừng hôm qua và hôm nay cũng nói đến hai ‘cõi đất’,vốn chỉ cách nhau chưa đầy 50km, Nazareth và Capharnaum. Cũng một Giêsu, một giáo huấn,một hành động và một sứ điệp; thế nhưng, Nazareth đối với Chúa Giêsu là một ‘cõi đất’ của thành kiến định kiến, của từ chối và của giết chết. Đang khi Capharnaum,với Ngài, lại là ‘cõi đất’ của hồn nhiên, của đón nhận, của cởi mở với ân sủng; Luca viết, “Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Ngài, vì lời giảng dạy của Ngài có uy quyền!”. Ở đó, ngay trong hội đường, chỉ một lờicủa Ngài, quỷ phải xuất ra và “Mọi người kinh hãi, “Lời gì mà lạ lùng thế?”. Danh tiếng Ngài đồn ra khắp nơi trong xứ”.

 

Capharnaum là ‘ngôi nhà mới’ của Chúa Giêsu. Phản ứng Ngài nhận được ở đâyrấtkhác so với những gì Ngài nhận ở Nazareth. Chúa Giêsu đã có những kế hoạch tuyệt vời cho Capharnaum, một thành phố bên hồ, trên “con đường của biển”, vốn rộng mở cho du khách. Đó là một trung tâm lý tưởng để Ngài thi hành phần lớn sứ vụ,cũng là nơiNgài đã thi ânhơn một phần ba các phép lạ; cách nào đó, Capharnaum là một ‘Đất dành cho kẻ sống’. Nơi đây, Chúa Giêsu đã tìm thấy các ơn gọi đầu tiên; Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và Matthêu. Ngài còn tìm thấy ở đó một niềm tin sáng ngời ngay giữa những người ngoại giáo,viên đại đội trưởng xin chữa trị cho đầy tớ ông. Cũng nơi đây, Ngài mặc khải cho thế giới một trong những giáo huấn khó nhất, Bánh Hằng Sống từ trời.Người ta có thể cảm nhận được một xu hướng đặc biệt của Chúa Giêsu đối với thành này, một thành phố của những ai đã được cho nhiều, vốn cũng sẽ được mong đợi nhiều!Vậy mà, nếu không biết gìn giữ, ‘Đất’ ấy vẫn là một cái gì hết sức bấp bênh và mong manh;bằng chứng là, “Hỡi Capharnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ nơi ngươi được làm tại Sô đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay!”.

 

Anh Chị em,

 

Với Thiên Chúa, mọi nơi trên trái đất là ‘Đất dành cho kẻ sống’, Ngài là Chủ của vạn vật, là Chúa của kẻ sống. Ai sống cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa chiếm hữu, người ấy đang sống trong ‘Đất dành cho kẻ sống’. Vậy thử hỏi, linh hồn chúng ta đang thuộc về ‘cõi đất’ nào, một Nazareth bướng bỉnh hay một Capharnaum cởi mở? Trái tim chúng ta có phải là ‘cõi đất’ có tên ‘Giêsu’, vì ở đó, Ngài đang ngự trị, với bao ân phúc?Hay phải chăng, linh hồn chúng ta,vốn đã từng là một Capharnaum, nơi ân sủng dẫy đầy… thế nhưng, nay đã khô cằn hư hoại. Vậy thì tại sao nó trở nên mong manh và bấp bênh như thế?Cầu nguyện là đi vào ‘Đất thánh’ lòng mình; là cởi ‘dép ra’ như Môisen xưa; là khuỵu gối và trườn tới như lạc đà đi vào cửa thành... để xét xem tội lỗi nào, ngăn trở nào đang ở đó.Cầu nguyện là trả lại linh hồn cho Giêsu, cho lửa Thánh Thần của Ngài thiêu đốt và thanh tẩy; bằng không, linh hồn chúng ta sẽ không bao giờ là ‘Đất dành cho kẻ sống!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ‘Đất dành cho kẻ sống’ của con, giá rất cao; xin giúp con dám vui vẻ bán tất cả những gì con có để mua lấy. Nhờ đó, linh hồn con được chính Chúa chiếm hữu và trở nên một tên gọi mới, “Đất Giêsu!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***************

 

NÂNG LÊN ĐỂ ĐỨNG TRÊN ĐÔI CHÂN

 

“Ngài đứng bên bà…,cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà trỗi dậy, dọn bữa hầu các ngài!”.

 

“You Raise Me Up”, “Ngài nâng con lên”, một ca khúc nổi tiếng, mang ý nghĩa tôn giáo. Thế nhưng, Rolf Lovland viết nó vớitựa đề ban đầu là “Silent Story”, “Câu chuyện lặng yên”, một ca khúc chỉ mới có giai điệu. Cơ duyên đến, khi vừa đọc xong “The Whitest Flower”, “Bông hoa trắng nhất” của Brendan Graham; Lovland nghĩ, đây chính là người hoàn hảo sẽ viết lời cho ca khúc dở dang của mình. Hai người gặp nhau vào một buổi chiều, cùng nghe giai điệu. Tối hôm ấy, nhà văn Graham đã hoàn thiện phần lời mà không cần một lần chỉnh sửa. “You Raise Me Up” lần đầu tiên được vang lên trong tang lễ của chính mẹ nhạc sĩ Lovland. Sức mạnh của nó nằm ở lòng trắc ẩn, sự nâng đỡ mà ai ai cũng khao khát dựa vào, trước những biến cố đau thương của cuộc đời.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ khá bất ngờ, khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy phần nào ý nghĩa của việc “Ngài nâng con lên”, đó là những gì rất bình thường và rất âm thầm mà Thiên Chúa hằng thực hiện cho con cái Ngài; họ được Ngài ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ của mình. Bằng chứng là câu chuyện Tin Mừng hôm nay,với những gì Chúa Giêsu đã làm cho bà mẹ vợ của Phêrô. 

 

Luca cho biết, Chúa Giêsu vào nhà, thấy bà liệt giường, Ngài đến gần bên; cúi xuống, cầm tay bà, nâng bà lên; không một lời đặc biệt nào, không một tiếng cảm ơn, cũng không một phản ứng của những người có mặt. Bà đã trỗi dậy cách tự nhiên, và được ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ mình cách hồn nhiên. Cũng vậy, chính Chúa Giêsu Cứu Thế đang lặng lẽ nâng chúng ta lên mỗi ngày như đã nâng người phụ nữ may mắn kia. Thế thôi!

 

Những gì ‘không thể đơn giản hơn’ như trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy, không phải là một phép mầu tiêu biểu nào đó dành cho chúng ta mới đáng thu hút nhiều sự chú ý! Vì lẽ, đang khi kỳ vọng vào một điều kỳ diệu nào đó vốn được chờ đợi từ lâu, chúng ta thường dễ bỏ qua một trong những cách thức chữa trị rất bình thường mà Thiên Chúa tặng trao trong cuộc sống mình. Ở lãnh vực tâm linh, đó có thể là một lần đi xưng tội, một lần rước Chúahay một lần tự vấn lương tâm; cũng thế, trong lãnh vực thể chất, có thể đó chỉ là việc chăm sóc sức khoẻ tốt bằng việc ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý. Chúng ta không phải cầu xin một phương thức chữa trị đặc biệt nào; thay vào đó, được khuyến khích rằng, Chúa Giêsu không ngừng hướng cái nhìn của Ngài về phía chúng ta, Ngài ước vào ‘nhà’ chúng ta; và chúng ta sẽ được Ngài ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ của mình.

 

Đó chính là “Ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” Phaolô nói đến trong thư Côlôssê hôm nay; đó là những hồng ân thường ngày, mỗi ngày, đến độ chúng ta không nhìn thấy để liên lỉ cám ơn Chúa. Tuy nhiên, Ngài ban ơn, nâng chúng ta lên để làm gì?

 

Hãy nhìn vào cách thức những gì đã xảy ra! Chúa Giêsu nâng bà mẹ vợ Phêrô lên và lập tức, bà làm công việc của mình, nhanh chóng đến độ không chút hoài nghi hay phản đối; ân sủng của Ngài có hiệu quả, chữa lành hoàn toàn và tức thì. Ngài cho phép chúng ta biết mình được ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ và tiếp tục bổn phận. Chúng ta rất giỏi trong việc cầu xin để được chữa khỏi, nhưng thường dùng dằng và gặp rắc rối với ‘hoá đơn’ thanh toán của mình, cụ thể là phục vụ người khác. Đúng thế, Chúa Giêsu cứuchữa các Kitô hữu khỏi cái chết của tội lỗi,là để kêu gọi họ phục vụ; Kitô hữu,được gọi là ‘đoàn người sống lại’, có ơn gọi phục vụ.

 

Anh Chị em,

 

“Lạy Chúa, con tin cậy vào tình thương Chúa mãi mãi đến muôn đời!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nayhẳn là lời cầu nguyện xứng hợp nhất với tâm tình của mỗi người chúng ta lúc này. Bởi lẽ, khi tất cả đều chênh vênh, bấp bênh; không còn gì, chẳng còn ai, quyền uy mạnh mẽ đủ để con người bám víu, nương tựa… thì những ai có niềm tin vào Vị Thiên Chúa của lịch sử lại có một chỗ để bám víu, đó chính là tình thương của Ngài. Chính tình thương vô điều kiện nơi Chúa Giêsu khiến bà mẹ vợ Phêrô đứng trên đôi chân của mình để phục vụ kẻ khác, thì đây cũng là điều mà Lời Chúa muốn đánh thức chúng ta hôm nay. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta, nâng chúng ta lên; không chỉ về mặt thể lý nhưng còn nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa để tiếp tục công việc cứu độ của Ngài. Mỗi ngày, Ngài đang ‘vào nhà’ chúng ta bằng ân sủng; Ngài đang đứng kề bên, và bằng Lời quyền năng, chúng ta cũng được Ngài ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ của mình; Ngài yêu cầu chúng ta bắt chước cuộc sống phục vụ của Ngài trong đấng bậc mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con rộng lượng với sự sống mà Chúa đã phục hồi trong con; cho con luôn ý thức rằng, con được ‘nâng lên để đứng trên đôi chân’ của mình không phải để lo cho kế hoạch của riêng con, nhưng cho lợi ích của Vương Quốc Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)