Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng trĩu nặng với những nỗi đau

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

LÒNG TRĨU NẶNG VỚI NHỮNG NỖI ĐAU

 

          8.499 người nhiễm được ghi nhận trong ngày 3 tháng 9 ở đất Sài Gòn ! Con số nhiễm làm đắng lòng người và làm cho nhiều người khó ngủ.

 

          Mừng ! Vì được phát hiện sớm để chữa trị, để ngăn ngừa, để có giải pháp cứu mạng.

 

          Lo ! Vì cứ như con số này càng tăng thì thật sự cuộc sống chả biết đi về đâu.

 

          Thật vậy, trong cái thân phận làm người và trong cõi nhân sinh này thì chắc có lẽ ai ai cũng quan tâm đến cuộc sống và nhất là sự sống. Đọc thấy con số người tử vong vì dịch bệnh chắc có lẽ không ai không khỏi chạnh lòng. Những hủ hài cốt không được như ý muốn của gia đình làm nhói cả lòng người.

 

          Nếu như trước đây sau khi hỏa táng thì sẽ được gói ghém trong chiếc hũ làm bằng đá, có khắc hình Thánh Giá (nếu là theo Công Giáo) nhưng nay không được như vậy. Chỉ đơn giản là cái hủ hình búp hoa sen đơn điệu mà thôi.

 

          Linh mục, tu sĩ, già, trẻ ... không phân biệt một ai. Cứ từ từ lặng lẽ rời bỏ cõi tạm này quá nhanh và quá vội. Dẫu biết không ai lột da sống đời nhưng ai ai cũng nhói lòng khi thấy nhiều sự ra đi để lại trong lòng nhiều tâm tình luyến nhớ.

 

          "Hôm nay thêm 2 Dì nữa đó cha !"

 

          Lời nhắn gửi của một nữ tu quen biết gửi đi từ Hội Dòng có quá nhiều mất mát làm điếng lòng người. 9 Dì chưa đủ hay sao mà còn thêm 2 Dì nữa chứ !

 

          Với người Kinh, sự sống và cuộc sống đang bị đe dọa đến mức khủng khiếp thì với người sắc tộc nó nặng nề đến mức nào.

 

          "Cha ! Con mới nhận được quà nè Cha !"

 

          Thì ra là di dân ở tận ngoài Vinh vào ngã tư Bình Phước khoe mới nhận quà !

          Cô bé này cứ ngỡ Cha ở đâu đó ở gần nơi ở nên mạo muội gọi cho Cha. Cha không ở gần cũng như ngoài tầm tay với nên giới thiệu địa chỉ có thể chia sẻ và nay gia đình cô bé đã nhận được sẻ chia.

 

          Nhiều và nhiều trường hợp nữa như cô bé đã nhận được sự sẻ chia từ nhiều tấm lòng thơm thảo.

 

          Như bắt được tờ vé số độc đắc khi liên lạc được với vị linh mục trẻ đầy nhiệt năng !

 

          "Vừa rồi chúng con đã làm 3 đợt ! Mỗi đợt như vậy là được vài ngàn người. Đợt thứ tư này chúng con dự định sẽ làm 10.000 phần (mỗi phần 350.000 đồng) cho anh chị em đang kẹt ở các khu phong tỏa hay khu ở trọ. Danh sách cha đưa ít quá (38 phòng trọ). Cha đưa thêm đi Cha. Chúng con đi cho tiện 1 chuyến xe. Cha cứ làm danh sách như con gửi mẫu nha Cha !"

 

          Nghe sao mà dễ thương quá ! Đang lúc cần và mong thì đã có Cha cùng nhiều cộng tác viên hỗ trợ.

 

          Thấy công việc đang làm của Cha đã mang lại hiệu quả cũng như làm ấm lòng người di dân xa xứ.

 

          "Hôm qua, con nghe được có 1 em qua đời vì kiệt sức. Các em không còn gì để ăn Cha ơi !"

 

          Cũng từ Cha đó, tâm tình nghe sao trĩu nặng ! Người phải đói và kiệt sức đến độ không thể cầm cự được qua cơn !

 

          Nơi đất khách quê người là vậy, còn ở tại nhà quê thì sao ?

 

          Ở nhà quê, chả biết phải trả lời như thế nào nữa khi cái đói nó đang ập đến cũng như nó ôm trọn cả cuộc đời của những người dân ở đây.

 

          Ở cái vùng đất nghèo cùng với suy nghĩ nông cạn để rồi cuộc sống càng ngày càng rơi vào bế tắt.

 

          Thấy nhà hàng xóm có con xe ngon là nhà mình cũng phải có dù nhà mình rất nghèo. Chỉ có hướng duy nhất là bán đất thôi ! Mà bán đất xong rồi thì lấy gì để tìm kế sinh nhai !

 

          Thấy đứa bạn đi bắt chồng (văn hóa mẫu hệ) thì mình cũng đi bắt chồng thôi. Quan niệm thiển cận là miễn sao mình cũng có chồng dù rằng chỉ mới "tốt nghiệp" lớp 10 hay 11 thôi.

 

          Thử hỏi dù xong 12 hay đại học mà chưa có công ăn việc làm ổn định thì cũng chưa ăn ai chứ đừng tưởng ngon.

 

          "Nó sinh 2005 thôi mà đi "bắt chồng rồi !"

 

          Lời Cha Sở nói nghe đâu sao đắng quá ! 16 tuổi thì biết gì để đi vào đời sống vợ chồng. Và dĩ nhiên cái nghèo nó cứ mãi quanh quẩn ở trong làng, trong gia đình của những người thiểu số.

 

          Trong hoàn cảnh sống như vậy, chả biết ai làm sao nhưng với tôi có gì đó buồn buồn ! Dẫu biết rằng Chúa có cách của Chúa nhưng trong lòng nó vẫn cứ nặng trĩu.

 

          Chắc chắn không bao giờ Chúa để cho bản thân này đói hay là bỏ rơi vì nhu cầu cuộc sống cũng chẳng có cao hay đòi hỏi bất cứ điều gì khác hơn thua trong cuộc sống. Thế nhưng rồi lòng vẫn cứ nằng nặng làm sao đó khi nghĩ đến bao nhiêu phận người.

 

          Chẳng làm được gì ngoài ra cái chuyện dâng Lễ, cầu nguyện mỗi ngày cùng với sự chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.

 

          Hình ảnh cụ già khiếm thị và con bé khiếm thính và nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ khác trong làng không thể nào phai được. Còn đó những người bị tai biến, những người không có công ăn việc làm và những mảnh đời lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.

 

          Lòng còn nặng lắm với những mảnh đời bất hạnh ! Trằn trọc lắm với những người kém may mắn như anh chị em dân tộc thiểu số. Bao nhiêu năm rồi mà cái nghèo, cái đói và cái văn hóa nửa nạc nửa mỡ cứ ôm chầm lấy cuộc đời của họ.

 

Lm. Anmai, CSsR