Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cứu rỗi các linh hồn - Nhận thức và không nhận thức

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CỨU RỖI CÁC LINH HỒN

 

“Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại!”. 

 

Cuối thế kỷ 18, Adoniram Judsonđi truyền giáo ở Miến Điện; suốt 40 năm,Judson vùi mình ở đó, dịch Thánh Kinh ra tiếng Miến. Trong nhật ký của Judson, người ta đọc được những lời này, “Suốt 18 năm, tôi không có một ngày nghỉ; 6 năm đầu, không một người trở lại. Bù vào đó là giam cầm, tra tấn! Chưa bao giờ nhìn thấy một con tàu nào ra khơi mà tôi không muốn nhảy lên để về nhà! Nhưng lạy Chúa, cuộc sống thật ngắn ngủi. Hàng triệu người Miến đang diệt vong. Con gần như là người duy nhất trên trái đất biết tiếng của họ, để rao truyền một Tin Mừng‘cứu rỗi các linh hồn!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay xem ra cũng trăn trở ‘cái trăn trở’ của Judson. Các giá trị Tin Mừng Chúa Giêsu đề cập xem ra cũng đang dấy lên ‘một trăn trở’; đúng hơn, một cuộc ‘cách mạng’, hay ít nữa, một ‘cuộc nội chiến’vốn sẽ diễn ra trên chiến trường trái tim mỗi người! Với Ngài, dường như có một điều gì đó trong cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều, so với nỗi sỉ nhục bị ai đó đánh vào má hay đánh cắp tài sản của mình. Điều quan trọng hơn đó là gì? Phải chăng,là sự ‘cứu rỗi các linh hồn!’.

 

Giáo huấn của Chúa Giêsu hẳn đã gây sốc cho các môn đệ đầu tiên và cho cả chúng ta hôm nay.Chưa bao giờ, trong thực tế, lý tưởng tình yêu lại được đặt cao, đòi hỏi một nhân đức anh hùng như vậy ! Bởi lẽ, nó khơi dậy một cuộc chiến giữa ‘con người cũ’và ‘con người mới’ bên trong mỗi người, một ‘con người cũ’ luôn chống lại và không dễ chấp nhận những gì nghịch với lẽ thường. Thế nhưng, ai chấp nhận giáo huấn của Chúa Giêsu,trái tim người ấy sẽ vươn tới một trương độ mới; vói thấu một tầm cao mới, một tầm cao mang dáng dấp ‘Giêsu’. Vậy, câu hỏi đặt ra là, làm sao tôi có thể hoàn toàn chấp nhận những lời dạy mang tính cứu rỗi này, ‘cứu rỗi các linh hồn?’.

 

Nếu Kitô hữu cứ nằng nặc đòi công lý trần thế và sự trừng phạt của nó, chúng ta sẽ không tập trung vào điều quan trọng nhất, đó là cứu rỗi những người đã làm điều sai trái với mình. Thật dễ dàng để yêu những người tốt với mình; thế nhưng, tình yêu Chúa Kitô lại đòi hỏi chúng ta mở rộng đến mọi người; và đôi khi, yêu thương mà chúng ta trao tặng chính là chấp nhận vô điều kiện những bất công mà người khác gây ra cho mình. Quả là mạnh mẽ trong hành động yêu thương này!Và nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta là ‘cứu rỗi các linh hồn’, cứu đời đời,chúng ta chỉ có thể yêu theo cách này, cách ‘Giêsu yêu!’. Còn nếu tất cả những gì chúng ta muốn là công lý người đời và sự thoả đáng cho những sai trái, thật dễ, chúng ta sẽ đạt được nó; nhưng điều này có thể trả giá đắt, chính sự cứu rỗi của họ. Chúng ta có thể chiến thắng, nhưng họ thì mất linh hồn!

 

Trong thư Côlôssê hôm nay, thánh Phaolô kêu gọi,“Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”, nghĩa là Kitô hữu phải nên giống Ngài; “Trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. Những lời Phaolô nói đây,thật phù hợp với tâm tình ngợi khen của Thánh Vịnh đáp ca, “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!”.

 

Anh Chị em,

 

Nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả. Thánh giá và cái chết của Con Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ đời đời,không chỉ ‘cứu rỗi các linh hồn’những ai tin nhận Ngài, nhưng còn cứu rỗi cả những người đã đóng đinh Ngài; và ơn cứu độ ấy còn được ban tặng cho toàn thể nhân loại, trong đó có chúng ta. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa thật thâm trầm ! Cũng thế, về phía chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, một hành động thương xót và tha thứ sâu sắc chúng ta dành cho người khác, đặc biệt với những ai đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho chúng ta,là một trong những món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng trao. Và đó là một trong những hành động mang tính biến đổi lớn nhất mà chúng ta có thể làm trước hết cho chính linh hồn mình; tiếp đến, khi tha thứ cho người khác, hoàn toàn buông bỏ sự bất công, thì hành động yêu thương của chúng ta có một sức mạnh vĩ đại để thay đổi họ. Và nếu hành động yêu thương đó quả đã thay đổi được họ, thì đây sẽ là nguyên nhân đem lại cho chúng ta một niềm vui vĩnh viễn, niềm vui thiên đàng.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, nhờ ân sủng Chúa, xin biến đổi con; nhờ đó, concũng trở nêncông cụ ‘cứu rỗi các linh hồn’, cách riêng cứu rỗi những ai đã xúc phạm con, Giáo Hội của con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

****************

 

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG NHẬN THỨC

 

“Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?”.

 

Một số tội nhân có thể lầm tưởng khi nói, “Tôi nhận thức rõ và không cảm thấy trong mìnhmột trọng lượng nào, tôi có tội gì đâu!”.John Fisher trả lời, “Nếu con chó bị buộc một hòn đá lớn ở cổ, ném xuống từ một ngọn tháp, nó cũng sẽ không nhận thức trọng lượng của hòn đá chừng nào nó đang rơi; nhưng một khi nó xuống tớiđất, nó sẽ tan ra từng mảnh bởi lý do của trọng lượng đó!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay không nói đến trọng lượng của tội, nhưng nói đến sự ‘nhận thức và không nhận thức’của một con người. Phaolô biết tội mình, từng bắt bớ đạo Chúa, ngài khiêm tốn cậy vào lòng Chúa xót thương; kẻ giả hình không biết tội mình, kiêu căng xét đoán đồng loại. Chúa Giêsu bảo, “Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?”.

 

Trong kiệt tác “Lâu Đài Nội Tâm” của mình, chị thánh Têrêxa Avila giải thích, “Một trong những bước đầu tiên của hành trình nên thánh là nhận thức bản thân!”. Nhận thức bản thân phát sinh lòng khiêm tốn; vì khiêm tốn chỉ đơn giản là nhìn nhận đúng đắn bản thân mình. Một người không nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng đích thực của Thiên Chúa, sẽ sai lầm khi nhìn người khác; họ dễ dàng đưa ra những phán xét lệch lạc, khi sai lầm chỉ nhìn thấy tội lỗi của người anh em.

 

Điều Têrêxa Avila nói được tìm thấy nơi Phaolô, một người đã ‘nhận thức và không nhận thức’. Trong thư Timôtê hôm nay, Phaolô nhận thức, “Trước kia, cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”. Nhờ hiểu biết đúng đắn, Phaolô cùng lúc, nhận thứcđược lòng Chúa nhân từ, “Nhưng cha đã được Thiên Chúa xót thương”; “Ngài đã kể cha là người trung tín”. Để từ đó, Phaolô quên đi chặng đường đã qua, chặng đường không nhận thức, lao mình về phía trước và có thể cất lên, “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

 

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mô tả sự lầm lạc nghiêm trọng nơi một người thiếu nhận thức về bản thân mình. Đó là người không thấy “cái xà trong mắt mình”, nghĩa là không nhìn thấy tội lỗi của chính bản thân; kết quả, họ chỉ thấy “cái rác trong mắt người anh em”, thấy tội lỗi người khác. Như thế, nếu mỗi người biết nhìn vào nội tâm lòng mình, xét xem những suy nghĩ của mình một cách trung thực,chắc chắn người ấy sẽ biết chính mình như Thiên Chúa biết ; đồng thời, sẽ nhìn người anh em như Thiên Chúa nhìn. Bấy giờ, chúng ta sẽ không dành quá nhiều thời gian để nghĩ về tội lỗi người khác, phân tích và đánh giá hành động của họ.

 

Cách tốt nhất để biết chính mình là nhìn vào Chúa Giêsu. Một khi Chúa Giêsu trở thành tâm điểm của sự chú ý trong suốt cả ngày sống, chúng ta sẽ không chỉ biết Ngài mà còn biết rõ về bản thân mình một cách trung thực nhất. Ngắm nhìn vẻ đẹp và sự hoàn hảo thiên linh nơi Chúa Giêsu, cái nhìn của chúng ta sẽ có ‘tác dụng kép’ là biết Ngài và biết chính mình qua đôi mắt của Ngài. Nó còn giúp chúng ta biết được cách thức mà Chúa Giêsu thường nhìn những người khác; Ngài nhìn họ với lòng thương xót vĩnh viễn. Đúng vậy, cuối mỗi cuộc đời, khi từ giã cõi trần để sang thế giới bên kia, chúng ta sẽ gặp phải sự phán xét đặc biệt của Thiên Chúa; nhưng bao lâu còn ở chốn dương gian, Thiên Chúa vẫn liên tục nhìn chúng ta với ánh mắt từ ái của Ngài. Vì lý do đó, thương xót phải là ‘môi trường và sứ mệnh’ thường nhật của chúng ta, và chúng ta phải xây dựng thói quen nhìn mọi người bằng con mắt của lòng thương xót Chúa.

 

Anh Chị em,

 

Chúa Giêsu đang nhìn chúng ta với đôi mắt từ ái của Ngài mỗi ngày qua Thánh Thể, qua Lời Ngài. Cũng thế, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, tìm cách biết Ngài và làm cho Ngài trở thành tâm điểm của sự chú ý! Khi làm vậy, chúng ta tìm cách loại bỏ những suy nghĩ, đánh giá và nhận thức về người khác. Hãy để cho ánh mắt của mình nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ nhìn thấy Ngài mà còn nhìn thấy những người khác qua mắt Ngài. Biết cách xây dựng thói quen này, việc chúng ta ‘nhận thức và không nhận thức’ sẽ rất hữu ích; đó là nhận thức mình tội lỗi, yếu hèn và biết rằng, đã từ lâu, dường như chúng ta không nhận thức rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhiều đến thế! Và điều này sẽ giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường nên thánh.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của Chúa,hầu con có thể nhìn anh chị em con qua chính ánh mắt ấy. Xin giúp con biết và yêu mọi người như Chúa biết và yêu họ”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)