Một mùa bội thu - Một góc độ thần thánh
MỘT MÙA BỘI THU
“Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.
Trong cuốn “The Complete Disciple”, tạm dịch, “Thợ Gặt Lành Nghề”, Paul W. Powell, mô tả một tình trạng khá buồn, “Nhiều nhà thờ ngày nay nhắc tôi về một nhóm thợ ngồi xuống,đứng lêntrong khodụng cụ. Họ đến kho mỗi Chúa Nhật, nghiên cứu các phương pháp quy mô hơn và tốt hơn; họ mài cày, tra dầu vào máy kéo; sau đó, đứng dậy, ra về. Chúa Nhật, họ trở lại, nghiên cứu các phương pháp quy mô hơn và tốt hơn;mài cày, tra dầu vào máy kéo; sau đó,đứng dậy, ra về. Tuần nàyqua tuần khác; năm này qua năm khác, họ làm ngần ấy việc. Và không ai còn nhớ đến chuyện ra đồng để cày cấy. Vì thế, với họ, ‘một mùa bội thu’ là những gì thuộc về các giấc mơ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại ‘cánh đồng’ đời mình.Đúng hơn, nhìn lại những vụ mùa, những năm tháng…xem đâu là thời điểm tốt nhất,đâu là ‘một mùa bội thu’ mà Danh Thánh Chúa được hiển vinh rạng ngời,như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay chúc khen, “Chúc tụng Danh Thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!”.
Hãy nhìn lại cuộc sống theo từng thập kỷ, từng năm và thậm chí, từng tháng; chúng ta thử tìm kiếm những khoảnh khắc may mắn nhất cũng như thử thách nhất trong đời mình!Qua Tin Mừng hôm nay,Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một phương thức, “Cứ xem trái thì biết cây!”.Nhìn lại một chặng đườngđã quatrong các quãng thời gian khác nhau, chúng ta sẽ biết, đâu là thời điểm‘được mùa’, khiDanh Chúa rạng sáng; đâu là khi ‘mất mùa’khi Danh Ngài bị che khuất.Đó có thể là khoảnh khắc khi mọi thứ diễn ra ‘suôn sẻ’hay cả những giai đoạn ‘nghiệt ngã’. Trên thực tế, trong cái nhìn đức tin, có thể những lúc thập giá và khó khăn dồn dập nhất lại là thời điểm mang lại ‘một mùa bội thu’ nhất; bởi lẽ, đó là thời điểm mà ân sủng của Thiên Chúa được ban tràn đầy, mà chỉ khi nhìn lại, chúng ta mới nhận ra. Nhìn vào Chúa Giêsu, mọi việc Ngài làm đều nhắm đến vinh quang Thiên Chúa;thế nhưng, thật dễ dàng để nhìn thấy rằng, khoảnh khắc Ngài đau đớn nhất, chết chóc nhất trên thập giá lại là lúc Ngài mang về‘một mùa bội thu’ cho Vương Quốc của Cha!
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Phaolô nhận ra ân huệ của Thiên Chúa dành cho đời mình;ngài nói với Timôtê, “Đức Giêsu Kitô đã tỏ ra tất cả lòng khoan dung của Ngài trong cha trước hết”.Được ân sủng của Đấng Phục Sinh, Phaolô dâng cuộc đời còn lại của mình cho sứ vụ; ngài đã có ‘một mùa bội thu’giữa cánh đồng dân ngoại bát ngát khi Danh Chúa được nhận biết, “Nguyện danh dự và vinh quang quy về Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời!”.
Cũng thế, cuộc đời của chúng ta tựa hồ một cánh đồng cho những vụ mùa thiêng liêng. Có những quãng thời gian; trong đó, với những quyết định đã thực hiện, những hoạt động bác ái đã tham gia, khi đời sống cầu nguyện của chúng ta trở nên sâu sắc, dẫu đó có thể là những tháng ngày bi đát… thế nhưng, tất cả đã đem lại ‘một mùa bội thu’. Tạ ơn Chúa vì Danh Ngài được hiển vinh! Bên cạnh đó, có thể có những vụ mùa ‘trắng tay’, khi chúng ta mất cả giống lẫn công, cả chài lẫn chì, dẫu bên ngoài là xuôi may, thành đạt… nhưng đôi khi,bên trong,chỉ là trống rỗng, hão danh; có thể đó là những vụ mùa mà danh chúng ta được ‘rạng sáng’, đang khi Danh Chúa phải lu mờ!
Anh Chị em,
Trong những ngày hôm nay, khi đang trải qua thời gian khốn đốn vì dịch bệnh, liệu đây có phải là thời điểm của ân sủng, của xót thương mà Thiên Chúa đang dành cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn chúng ta không? Phải chăng đây là lúc mà Thiên Chúa nhân từ đang cho chúng ta nghỉ ngơi; được Ngài mời vào lại bên trong của linh hồn, nơi chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài; ở đó, lòng kề lòng, Ngài sẽ nói cho chúng ta những gì cần nhất, dạy cho chúng ta gì cần làm. Và biết đâu, rồi đây, khi nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính giai đoạn đang thiếu thốn trăm bề trong những ngày cách ly này, tinh thần cũng như vật chất,lại là thời điểm chúng ta đã có ‘một mùa bội thu!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa,nhìn lại cánh đồng đời con, xem ra con mất nhiều hơn được. Xin giúp con biết tận dụng ân sủng Chúa ban trong ‘những ngày hồng phúc’ này,để làm một điều gì đó,hầu Chúa và con có thể có ‘một mùa bội thu!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
TỪ MỘT GÓC ĐỘ THẦN THÁNH
“Satan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”.
Trong cuốn “The Offense of the Cross”, “Sỉ Nhục của Thập Giá”, Billy Graham viết, “Khi Chúa Giêsu nói, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi”; khác nào Ngài nói, ‘Hãy đến, mang theo chiếc ghế điện của con! Lên phòng hơi ngạt và theo Tôi!’. Ngài không nghĩ đến một thánh giá bằng vàng duyên dáng trên chiếc cổ nõn nà của một bé gái, một thánh giá đường bệ ngạo nghễ trên đỉnh tháp nhà thờ, hay một thánh giá xinh xinh trên cuốn Thánh Kinh... nhưng Ngài nghĩ đến một nơi hành hình!”. Tuy nhiên, Ngài nhìn nó ‘từ một góc độ thần thánh!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Hãy nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’. Phải chăng đây là ‘bí quyết’ Billy Grahamtiết lộ để chúng tacó thể sống sứ điệp củaTin Mừng Chúa Nhật hôm nay; trong đó, Marcô nói đến cuộc vật lộn của Phêrô trước nỗi khổ đau của Thầy mà ông vừa được hé lộ. Ông “can trách Ngài”, Ngài “quở trách ông!”, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Tại sao? Vì không như Thầy, Phêrô không nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’.
Yêu mến Chúa Giêsu, Phêrô vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho Ngài; ông nôn nao và hoang mang, ông cố nói lên một điều gì đó ‘cho có ý nghĩa’. Nỗ lực của Phêrô có chủ đích tốt nhưng hoàn toàn trệch hướng! Hậu quả là ông nhận lấy một lời khiển trách tồi tệ, một câu trả lời không trông mong trước mặt các bạn đồng môn; Chúa Giêsu đã đi xa đến mức gọi ông là quỷ vương, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Không thể đau hơn! Đúng, kế hoạch của Phêrô là kế hoạch của Satan, kẻ đã đề nghị Chúa Giêsu đi con đường riêng theo cách rất riêng của nó;một con đường không đau khổ, không sỉ nhục. Để hiểu được điều này, chúng ta phải tin chắc rằng, ‘lời mắng’ của Chúa Giêsu là những lời xót thương; nơi Ngài, không có một khả năng nào khác, ngoài khả năng yêu thương! Thế nhưng, đâu là ‘yêu thương’, đâu là ‘thánh khiết’ trong những lời ‘sửa dạy’ mạnh mẽ này?
Để hiểu được điều đó, chìa khoá nằm ở vế thứ hai, “Tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Khi nói điều ấy, Chúa Giêsu tiết lộ cho môn đệ một bí ẩn sâu xa nhất về sứ mạng của Ngài, một sứ mạng chấp nhận bắt bớ, bất công và chết đi. Tiết lộ điều này, rõ ràng, Chúa Giêsu có ý mặc khải ‘một điều lành’ lớn lao đến sau; Ngài sẽ không để những khổ đau ‘đông giá’ này xảy đến nếu sau đó không tiềm ẩn một ‘xuân rỡ ràng’ đang rình chờ. Ngài nói rõ, các môn đệ phải sẵn sàng đi trên con đường Ngài đi, một con đường dẫn đến sự cứu rỗi vốn nhất thiết phải đi qua nỗi buồn và niềm vui của thập giá! Ngài đang thách đố họ để họ có thể nhìn những tình huống bi thương này dưới lăng kính của Thiên Chúa, nhìn ‘từ một góc độ thần thánh’; nói khác đi, từ quan điểm của Trời, đang khi Phêrô chưa vượt được cái nhìn thế tục của đất. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải trực tiếp thách thức ông!
Lời quở của Chúa Giêsu là lời đầy yêu thương, giúp Phêrô thoát khỏi nỗi sợ và tầm nhìn hạn hẹp; từ đó, có thể đi sâu vào mầu nhiệm cao cả về sự hy sinh của Thầy, Đấng là Người Tôi Tớ Đau Khổ Isaia đã tiên báo qua bài đọc thứ nhất hôm nay, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu”; Đấng mà với quyền năng Thiên Chúa, sẽ trỗi dậy từ đau khổ, như lời Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Tôi sẽ bước đi trước thánh nhan Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống!”.
Anh Chị em,
“Tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Đây là điều mà chúng ta cần gột rửa từng giây, từng phút; hầu suy nghĩ và ước muốn của mình phù hợp với suy nghĩ và ước muốn của Thiên Chúa. Đúng thế, những ngày hôm nay, chúng ta đang đấu tranh với những thánh giá Chúa cho xảy ra khi dịch bệnh ngày càng gia tăng; những đau khổ tinh thần và thể xác đang tiếp tục giày vò, chúng đang hiện diện và thách thức tình yêu, sự hy sinh của những con trai con gái của Chúa trên khắp hoàn cầu. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn những đau khổ này ‘từ một góc độ thần thánh’, dưới cái nhìn của Thiên Chúa chứ không phải cái nhìn của loài người. Hãy tin, Thiên Chúa là Cha nhân lành, Ngài có cách để cứu chúng ta. Quả thật, nếu chúng ta nhìn với con mắt đức tin, hãy xác tín rằng, Thiên Chúa đang cứu con người, cứu hành tinh này theo con đường rất riêng của Ngài. Hãy thấy cho được những ân phúc thiêng liêng đi kèm với những khổ đau, đọc cho được thông điệp Ngài gửi đến lúc này. Và như thế, chúng ta đón nhận những nghịch cảnh trong hy vọng và tin yêu, sao cho phù hợp với sự huyền nhiệm trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa, một người Cha Yêu Thương đời đời đang nhìn thấy mọi sự từ trời cao!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, hầu con thấy tay Chúa hoạt động trong mọi sự. Xin cho con biết nhìn tất cả những khổ đau đang xảy ra ‘từ một góc độ thần thánh’ như Chúa đang nhìn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: