Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cầu thay nguyện giúp -Tôn cao mọi Thánh Giá

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CẦU THAY NGUYỆN GIÚP

 

“Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi; cũng như tôi nghĩ, tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh!”. 

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Một chi tiết khá bất ngờ trong Tin Mừng hôm nay là, những lời khiêm tốn của viên sĩ quan chỉ đến được với Chúa Giêsu, qua trung gian những người bạn! Phải chăng,ông là kiểu mẫu cho chúng ta trong việc khẩn xin các thánh và những người khác ‘cầu thay nguyện giúp’cho mình?

 

Mọi khi, nếu có một điều gì quan trọng cần thỉnh cầu cho một ai đó, chúng ta sẽ đến gặp trực tiếp người chúng ta cần. Ở đây, viên sĩ quan không làm thế!Và sẽ khá thú vị khi bài học của việc cầu nguyện được rút ra từ đó! Dĩ nhiên, ai cũng có thể trực tiếp đến với Chúa bất cứ lúc nào; thế nhưng, ‘bửu bối’của viên sĩ quan chính là sự khiêm tốn! Vậy tại sao vị trung thần ngoại giáo giàu có và quyền thế ấy lại ứng xử như vậy? Câu trả lời đã sẵn, “Tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà”, “Tôi không xứng đáng đi mời Thầy”. Lạ lùng thay ! Phải chăng,cách nào đó, ông đã biết Chúa Giêsu là ai? Hoặc dẫu chưa tuyên xưng niềm tin vào Ngài nhưng ông đã dám chắc Ngài thuộc về Thiên Chúa?Nếu Ngài đến từ Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám gặp Ngài?Và Chúa Giêsu đã thật sự kinh ngạc trước con người này, “Tôi nói thật với các ông, cả trong dân Israel, Tôi cũng chẳng thấy một lòng tin nào mạnh mẽ đến như vậy!”. Lúc ấy, từ xa, đầy tớ của ông được chữa lành.

 

Việc cầu cạnh các thánh không được thực hiện vì lẽ chúng ta sợ hãi Thiên Chúa hoặc vì Ngài sẽ bị xúc phạm khi chúng ta trực tiếp gặp Ngài. Không, ngàn lần không! Nhưng nó được thực hiện như một hành động ‘tuyệt đối khiêm nhường’. Bằng cách trao phó ước nguyện của mình cho ‘những người’ đang chiêm ngắm Thánh Nhan, chúng ta phó dâng lời cầu của mình lên Cha Trên Trời. Sự cậy trông vào việc ‘cầu thay nguyện giúp’từ các ngài cũng là một cách chúng ta thừa nhận rằng, tôi không xứng đáng với chính công lênh của mình, không xứng đáng để đứng trước mặt Chúa, không xứng đáng để trình bày lên Ngài những thỉnh cầu.

 

Chính Phaolô trong thư Timôtê hôm nay khuyên chúng ta cầu xin cho những người khác, “Trước tiên, cha khuyên con hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người”. Thánh Vịnh đáp ca cũng xác nhận điều đó, “Chúc tụng Chúa, vì Ngài nghe tiếng tôi khẩn nguyện!”. Như vậy, là những con người tội lỗi,chúng ta còn làm được điều đó, phương chi các thánh ở trên trời!

 

Lời Chúa hôm nay giục giã chúng ta hãy chọn cho mình một vị thánh để bầu bạn và là người ‘cầu thay nguyện giúp’ trước Chúa. Khi làm điều này, chúng ta muốn nói rằng, sự đáp ứng của Thiên Chúa dành cho mỗi người chính là lòng thương xót thuần tuý nhưng không về phía Ngài. Ngài vui thích tưới gội ân sủng khi chúng ta hạ mình để đến với Ngài qua trung gian ‘một ai đó’. Mẹ Maria chẳng hạn, “Grigorusa”, một tước hiệu của Mẹ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là, “Mẹ chóng cầu bầu”. Với thánh Giuse, Đức Phanxicô nói, “Mỗi người có thể khám phá nơi ngài, một người không mấy ai chú ý, mỗi ngày đang ‘cầu thay nguyện giúp’, trợ lực và hướng dẫn khi chúng ta gặp khó khăn!”.

 

Thời nội chiến, một người lính trẻ mất cha và anh trai cùng lúc,tìm đến Washington xin miễn dịch;anh hy vọng có thể ở nhà giúp mẹ và em gái lo việc đồng áng. Đến Toà Bạch Ốc, anh xin gặp tổng thống;lính gác từ chối. Thất vọng, anhra công viên, ngồi trên một phiến đá. Tình cờ, một cậu bé lại gần, hỏi anh, “Trông anh không vui. Chuyện gì vậy?”. ‘Người bạn tí hon’ mới quen nghe tâm sự của anh.Sau đó, không một lời, cậu nắm tay anh;đi một quãng,dẫn anh qua cửa sau,vào toà nhà; vượt các vệ sĩ và vào thẳng văn phòng tổng thống. Abraham Lincoln hỏi, “Tad, ba có thể giúp gì cho con?”; Tad nói, “Ba ơi, người lính này cần nói chuyện với ba!”. Kết quả,anh được về nhà!

 

Anh Chị em,

 

‘Người bạn tí hon’ đó chính là hình ảnh Giêsu, Đấng ‘cầu thay nguyện giúp’ số một của chúng ta;bên cạnh đó, chúng ta còn bao vị thánh khác, thánh bổn mạng của mỗi người chẳng hạn. Và thú vị thay, các linh hồn. Và ôi! Cả những người thân yêu tốt lành đã đi trước chúng ta nữa. Các ngài là những ‘nhà đàm phán’ thế giá thay cho chúng ta trước toà Chúa! Thế nhưng, đừng quên ! Chính chúng ta cũng là những ‘vị thánh’ khi chúng ta sống đẹp lòng Chúa. Biết bao người đang rất cần lời cầu nguyện của chúng ta và Thiên Chúa cũng sẵn sàng đổ muôn ân phúc cho nhân loại trong những ngày hôm nay,nhờ lời ‘cầu thay nguyện giúp’ đêm ngày của chúng ta. Hãy là những ‘vị thánh’ đó cho các nạn nhân Corona, chiến tranh, kỳ thị, đói khổ và thấp cổ bé miệng!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, ‘Trung Gian của các trung gian’, xin nhận lờicon! Lạy các thánh, xin hãy ‘cầu thay nguyện giúp’ cho con; đồng thời, cho con cũng trở nên ‘một trung gian’ như các ngài!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

****************

 

TÔN CAO MỌI THÁNH GIÁ

 

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời!”.

 

Thế giới vẫn nhớ cuộc duyệt binh ngày Quốc Tế Lao Động,01/5/1990,tại Quảng trường Đỏ Moscova. Thế nhưng, theo sau các đoàn binh chủng, tên lửa,xe tăng là tiếng la ó của đoàn người biểu tình; họ hét vào lễ đài, nơi Mikhail Gorbachev ngồi chủ toạ, “Bánh mì! Tự do! Sự thật!”. Một nhóm tín hữu Chính Thống Giáo đã kiệu một cây Thánh Giá cao gần 3 m với những dải màu. Lúc đi qua trước mặt nhà lãnh đạo Liên Xô, các linh mục nâng cao ‘gánh nặng’ của họ. Thánh Giá nổi bật trên đám đông, vươn thẳng lên trời; Chúa Giêsu đã che khuất các khuôn mặt khổng lồ của Karl Marx, Friedrich Engels và Vladimir Lenin. Một linh mục hét lên oang oang át cả tiếng ồn ào,vọng thẳng về phía ông Tổng bí thư đang giận dữ, “Mikhail Gorbachev! Chúa Kitô đã sống lại!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Chúa Kitô đã sống lại!” là lý do Giáo Hội mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay.Giáo Hội tôn vinh Chúa Cha, Đấng quyền năng,đã tôn vinh Con Ngài qua cái chết thập giá. Ngày lễ hôm nay còn tiết lộ rằng, Thiên Chúa còn có thể ‘tôn cao mọi Thánh Giá’ của con cái Ngài;qua chúng, Ngài ban ơn cứu độ cho chúng ta và cho toàn thế giới. Vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời!”.

 

Nếu Chúa Giêsu không hiến mạng sống Ngài trên thập giá, thập giá sẽ không bao giờ là biểu tượng của ‘mừng vui’. Tự bản thân, thập giá là công cụ của sỉ nhục,của tra tấn vàcủa cái chết!Thế nhưng, Chúa chúng ta, Đấng đã bị đóng chặt xác thân trên công cụ đó với một trái tim đầy tình yêu và xót thương; nên thập giá ấy trở thành suối nguồn ơn cứu độ. Từ đó, thập giá được xem là vật thánh và được chúc phúc, ‘Thánh Giá’; được treo trong nhà, đeo trên cổ,trong túi áo với chuỗi Mân Côi. Thánh Giá giờ đây là hình ảnh cao quý để chúng ta hướng về Thiên Chúa trong tạ ơn và phó thác; bởi lẽ, nhờThánh Giá, chúng ta được cứu sống đời đời. Hình ảnh con rắn xưa cứu sống dân Chúa,sách Dân Số hôm nay gợi nhớ, tiền trưng cho Thánh Giá của Chúa Kitô vậy!

 

Kinh ngạc thay! Một trong những công cụ tra tấn chết chóc tồi tệ nhất,lại trở nên một trong những công cụ cứu độ linh thiêng nhất trên trần gian. Hiểu được sự thật này, chúng ta nhận thức rằng, Thiên Chúa có thể làm bất cứ điều gì và mọi điều; Ngài có thể sử dụng điều tồi tệ nhất để biến nó thành điều tốt nhất. Ngài sử dụng cái chết để mang lại sự sống ! Thư Philipphê hôm nay nói đếncông trình của Thiên Chúa khi cho Chúa Con chiến thắng, “Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài!”.

 

Vậy thập giá nặng nhất,căn duyên khổ đau lớn nhất của Anh Chị em là gì? Rất có thể, như chúng ta thường nghĩ, nó gây đau đớn; vì thế, thập giá và khổ đau là những gì chúng ta tìm cách loại bỏ. Chúng ta dễ dàng nghĩ rằng, giá như cái này, cái kia thay đổi hoặc bị loại bỏ, cuộc sống sẽ tốt hơn. Đang khi sự thật là, dù thập giá nặng nhất của chúng ta là gì;là dịch bệnh, là nghèo đói, là bất công… nó vẫn tiềm ẩn một khả năng phi thường để trở nên suối nguồn ân sủng thực sự trong cuộc sống chúng ta và thế giới; ngay cả tội lỗi. Phải, ngay cả tội lỗi! Vì nếu tội lỗi, nhờ Thánh Giá, tội nhân trở thành hối nhân ; lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì tội là hồng phúc vậy.Thế nhưng,tất cả chỉ có thể được thực hiện nếu thập giá được ôm lấy trong đức tin và hy vọng, để từ đó, Chúa Kitô có thể đưa nó lên cao, gắn kết nó với thập giá của Ngài. Như vậy, qua thập giá Chúa Kitô, Thiên Chúa ‘tôn cao mọi Thánh Giá’ của những ai tin nhận Đấng hiến mình trên đó. Và đây là kiến tạo độc đáo trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở, “Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm!”.   

 

Anh Chị em,

 

Thiên Chúa có thể ‘tôn cao mọi Thánh Giá’ của con cái Ngài. Đức Gioan Phaolô II khi tuổi đã cao, sức đã yếu, khó khăn chồng chất; Ngài được hỏi, liệu có muốn từ chức không? Ngài trả lời, “Trên Thánh Giá,Chúa Giêsu đâu đòi bước xuống, mà tôi đòi!”. Kết hợp với Thánh Giá Chúa Giêsu, thập giá chúng ta sẽ nên giá cứu chuộc linh hồn mình và linh hồn người khác; khi chúng ta biết giương cao ‘gánh nặng’ đời mình lên để đóng đinh nó vào Thánh Giá Ngài.Chúa Giêsu, như một bác sĩ phẫu thuật, trước khi cắt chỉ, trỏ tay lên ngực và đồng cảm với bệnh nhân rằng, “Tôi cũng bị như vậy, hãy xem vết sẹo của Tôi!’;rồi Ngài chỉ vào vết thương hở hoác ở cạnh sườn và nói, “Tôi cũng là nạn nhân của sự dữ và sự chết”. Vì thế, Ngài sẵn sàng thánh hoá thập giá của chúng ta, biến đổi nó nên Thánh Giá cứu độ của Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con biết ôm lấy thập giá đời con,hầu nó có thể trở nên khí cụ cho vinh hiển Chúa, Đấng ‘tôn cao mọi Thánh Giá’ của những ai tin nhận và yêu mến Ngài”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)