Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đâm thâu tâm hồn - Kinh ngạc trước sự tha thứ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐÂM THẤU TÂM HỒN

 

“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà!”.

 

Một câu nói khá khó hiểu về ‘Mẹ’, nhưng rất nổi tiếng, mà hầu như không ai biết đến xuất xứ của nó,được nhiều tác giả viết thành sách; đó là, “A mother is only as happy as her saddest child!”, tạm dịch,“Một người mẹ chỉ có thể hạnh phúc bằng đứa con kém hạnh phúc nhất của mình!”. Phải chăng, nhiều người mẹ tin rằng, hạnh phúc ‘của chính họ’ phụ thuộc vào con cái họ! Hạnh phúc của một người mẹ có giỏi cũng chỉ ‘ngang bằng’ hạnh phúc của đứa con kém hạnh phúc nhất!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Đức Maria, Mẹ Sầu Bi. Phải chăng Mẹ Maria tin rằng, hạnh phúc của Mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu, Đấng Mẹ cưu mang; chứ không phụ thuộc vào một điều gì khác trên trần gian này. Vì thế, khi Chúa Giêsu vui, Mẹ Maria vui; Chúa Giêsu buồn, Mẹ buồn; Chúa Giêsu tan nát, Mẹ nát tan ! Nát tan đến tận mức ‘đâm thấu tim’ mà cụ già Simêon tiết lộ thuở nào, “Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”.

 

Mọi sự sống đều phải leo ​​lên đồi Canvê của nó! Mỗi tâm hồn đều có một ‘nỗi buồn kín’ không thể chia sẻ trọn vẹn với bất cứ ai !Chúa Giêsu, Đấng ‘rất Chúa và cũng rất người’, đã thông phần vào mọi sự thuộc loài người, trừ tội lỗi; kể cả đớn đau và chết chóc.Thế nhưng, do sự hoàn hảo của Đấng ‘rất Chúa’, đau khổ của Ngài lại càng dữ dội; càng hoàn hảo, nỗi đau càng sâu sắc. Vậy thì chỉ một ai đó‘hoàn hảo tương tự’mới có thể đi vào nỗi sầu của Chúa Giêsu, có thể trải nghiệm phần nào nỗi đau Ngài đã trải nghiệm. Con người đó chỉ có thể là Mẹ Maria, một người hoàn hảo mà Thiên Chúa định trước cho mỗi sinh linh ngay từ buổi đầu tạo dựng!Tất nhiên, Maria không phải là một ‘Nữ Thần’, nhưng là một ‘Evà mới’;Mẹ hoàn hảo, nên Mẹ hiểu và thấu cảm rõ nhất nỗi đau của Người Con Hoàn Hảo. Sự hoàn hảo được chia sẻ dẫn Mẹ đếnmột nỗi ‘sầu chung’ với Con, một nỗi sầu linh nghiệm với điều được hé lộ trước đó hơn ba thập kỷ ngay cửa đền thờ,“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”.Và đó chính là ý nghĩa của lễ Mẹ Sầu Bi.

 

Những hình ảnh đạo đức cho thấy trái tim Mẹ bị đâm xuyên bởi bảy lưỡi gươm, tượng trưng cho “Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ” mà một số giáo xứ truyền thống vẫn giữ thói quen “Làm Việc Đức Mẹ” cuối tuần với tràng chuỗi “Bảy Sự”. Qua đó, ‘bảy mầu nhiệm sầu bi’ được suy ngắm: Lời sấm của Simêon; ẵm Con sang ‘Êgiếptô’; lạc Con trong đền thờ; gặp Con trên đường núi Sọ; dưới chân thập giá của Con; ôm xác Con; và nhìn Con được mai táng. Mẹ Maria rất hoàn hảo, nhưng xem ra đời Mẹ không hoàn hảo ! Mẹ bị vắt kiệt bởi cùng một nỗi đau, nỗi nhục đang vắt kiệt từng phận người. Từ buổi đầu cưu mang, Mẹ hẳn đã nghe xóm diềng xì xào...cho đến phút cuối nghẹn ngào dưới chân Con;Mẹ đã sống một cuộc sống thực với những ‘bi kịch’thật,của một phận người không thể thật hơn. Thế nhưng, nỗi đauxé lòng nhất mà Mẹ phải cảm nhận chính là một xác chết vô hồn rách bươm của Con mà Mẹ ôm vào lòng. Đó là một ‘kiếp phàm nhân’ Mẹ cùng Con phải trải qua như tác giả thư Do Thái hôm nay nói đến.

 

Anh Chị em,

 

“Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”. Hôm nay, những lưỡi gươm ấy vẫn đang tiếp tục ‘đâm thấu tâm hồn’ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh;Hội Thánh và những con cái của Hội Thánh, cũng là con cái của Mẹ đang bị đâm thâu cũng với những lưỡi gươm đó. Từ dịch bệnh, chết chóc, nghi ngờ, nguội lạnh cho đến thiếu thốn trăm bề hồn xác. Chúng ta tin chắc, tình yêu sâu đậm của Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu cũng đang dành cho mỗi người chúng ta ngay trong những ngày này. Đừng nghi ngờ điều đó! Trái tim của Mẹ bùng cháy với lòng trắc ẩn khi Mẹ nhìn chúng ta lúc này, cả trong tội lỗi của mỗi người. Hãy biết rằng, tình yêu của Mẹ đang tràn ngập trái tim chúng ta; và qua chúng ta,Mẹ ước ao nó tràn vào cuộc sống của người khác. Mỗi người chúng ta hãy để lòng trắc ẩn, sự quan tâm và chung thủy của Mẹ chảy qua tim mình; hãy nhận nó vào trong và sau đó, cho phép nó chảy ra! Thật sự, không gì trên thế giới này đẹp đẽ và đáng kinh ngạc hơn hình ảnh thánh thiện của một tình yêu luôn luôn chảy ra!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Mẹ, xin cho con trở nên một công cụ tình yêu trong trái tim Mẹ, đối với những ai đang cần xót thương nhất. Chớ gì nỗi đau của anh em con hôm nay,cũng là nỗi đau ‘đâm thấu tâm hồn’ con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

KINH NGẠC TRƯỚC SỰ THA THỨ

 

“Ông này là ai mà lại tha tội được?”; “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.

 

“Amazing Grace”, “Ân Phúc Diệu Kỳ”, một trong những thánh ca Mỹ nổi tiếng nhất. Được viết năm 1772 bởi John Newton, thuyền trưởng của một tàu buôn nô lệ. Lần kia, gặp bão, tàu sắp đắm; Newton trải nghiệm sự giải cứu kỳ diệu của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin thương xót!”, ông viết  trong nhật ký. Rời nghề hải hành, Newton trở lại, thànhmột mục sư. Ca khúc này độc đáo ở chỗ, chỉ có 5 nốt: Do, Fa, La, Sol & Rê. Thú vị hơn, ca sĩ ‘da đen’, Wintley Phipps tiết lộ, “Nó vẫn có thể được thể hiệnchỉ trên ‘5 phím đen’ của dương cầm; phím đen của người nô lệ”, “Slaves’ scales”1.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Kỳ thú thay! Tin Mừng hôm nay không kể lại huyền thoại một ‘bản thánh ca ’cảm hứng từ một tàu nô lệ được cứu qua cơn bão, nhưng kể lại một bữa ăn; trong đó, một linh hồn được cứu! Một bữa ăn mà Chúa Giêsu được mời, vốn cũng ‘khá ly kỳ’,sẽ đưa người đọc đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Kinh ngạc ‘ngườimời’, kinh ngạc ‘khách mời’, kinh ngạc ‘khách không mời’và nhất là ‘kinh ngạc trước sự tha thứ’của vị ‘Khách Mời’dành cho một tội nhân, “Ông này là ai mà lại tha tội?”;Ai mà dám quả quyết, “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.

 

Trước hết, kinh ngạc ‘người mời’. Thật lạ lùng, chủ nhà dọn bữa mời Chúa Giêsu là một biệt phái, một sự kiện khá hiếm hoi trong Tin Mừng; lẽ thường, người Pharisêuít có cảm tình với Ngài, họ chỉ rình rập bắt bẻ;ở đây, Simon mời Ngài dùng bữa.Tiếp đến, kinh ngạc ‘khách mời’; ở đây là Chúa Giêsu, tuy nhiên, đồng bàn với Ngài,xem ra chỉ có các biệt phái; các môn đệ không được nhắc đến, khá bất thường ! Bên cạnh đó, kinh ngạc ‘khách không mời’; kìa, một phụ nữ xuất hiện!Dưới cái nhìn của chủ nhà, vị ‘khách không mời’ này là một phụ nữ tội lỗi trong thành; nhưng dường như cô không quan tâm điều đó. Kinh ngạc hơn!Những gì cô dành cho Chúa Giêsu ! Có đến 5 bước: Cô “đứng đằng sau Ngài”; cô “khóc, rửa chân Ngài bằng nước mắt”; cô “lau chân Ngài bằng tóc”; cô “hôn chân Ngài”; và cô “xức chân Ngài bằng một loại dầu thơm đắt tiền!”.

 

Hãy dừng lại trong chốc lát, thử tưởng tượng những gì đã xảy ra ! Người phụ nữ tội lỗi này đã hạ mình,bộc lộ một tình yêu ‘không giống ai’ đối với Chúa Giêsu. Nếu hành động trìu mến này không phải là một hành động đau buồn sâu sắc, thống hối thực lòng và khiêm hạ thẳm sâu thì chúng ta không biết phải gọi cho đúng tên nó là gì! Đó là một hành động không lên kế hoạch, không tính toán, và cũng không vận dụng; thay vào đó, là khiêm tốn, chân thành, và ‘tất cả con người!’.Nói khác đi, cô ta hoà quyện những gì quý nhất của đời con gái, tiền bạc, mái tóc, nước mắt… với những hành động đẹp nhất, tôn kính nhất,để dành cho Chúa Giêsu. Qua đó, cô như muốn van xin lòng thương xót của Ngài mà không cần nói một lời. Và kinh ngạc nhất! Chúa Giêsu cũng không hề tỏ một thái độ nào, Ngài cũng chẳng có một phản ứng nào, ngoài việc đọc ‘lời xá giải’ cho cô, “Tội con đã được tha!”; “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.Ôi! Sự tha thứ, lòng trắc ẩn của Ngài dành cho cô! Ngay cả với những người biệt phái cũng phải sững sờ đến nỗi họ thốt lên, “Ông này là ai mà lại tha tội?”. Họ bối rối, nhưng hơn bất cứ điều gì khác, họ trải qua một sự kinh ngạc thánh thiện, vốn có một tên gọi chính xác là,‘kinh ngạc trước sự tha thứ!’.

 

Anh Chị em,

 

Chỉ với ‘5 nốt’ nhạc chuyên chở trọn tâm tìnhvỏn vẹn trong‘5 chữ’, “Lạy Chúa, xin thương xót!”,thế giới biết đến một trong những thánh ca nổi tiếng nhất của người da đen. Chỉ với ‘5 hành động’ thiết tha của người phụ nữ đã lay động được lòng Trời; cô đã hát lên bài ca ‘5 chữ’ ‘Giêsu, Đấng Hằng Xót Thương’. Bài ca ấy vẫn mãi vang lên trong lòng người, với lời đáp của Ngài, “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”. Đó chính là “lời đáp” mà toàn thể nhân loại đang cần hơn tất cả mọi tiếng hátlời ca. Cũng thế, chúng ta hãy dệt đời mình bởi 5 nốt nhạc tình yêu ấy trong bài ca bất hủ ‘Giêsu, Đấng Hằng Xót Thương’. Hãy đặt mình vào người phụ nữ tội lỗi ! Chúng ta có ngạc nhiên trước quà tặng một khi được tha thứ không? ‘Kinh ngạc trước sự tha thứ’ dành cho người phụ nữ này nơi những ai chứng kiến, và nơi chính bản thân cô,sẽ giúp chúng ta xét lại thái độ của chính mình trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy liên tục nuôi dưỡng cho mình sự kinh ngạc của họ; để từ đó, không bao giờ coi sự tha thứ là điều hiển nhiên. Đúng hơn, phải xem nó là một điều phi thường, luôn luôn mới ; đem lại niềm vui,bình an; và mãi mãi là cảm hứng kinh ngạc!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin lấp đầy tim con một sự ‘kinh ngạc trước sự tha thứ’ của Chúa. Cho lòng con luôn ngập tràn một niềm biết ơn sâu sắc, nhất là khi con trải nghiệm điều đó trong đời mình”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

[1] Anh Chị em có thể nghe “Amazing Grace”, Wintley Phipps: https://bit.ly/2Xm0Pug