Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vẫn luôn tuyệt vời - Một thách đố, một phép thử

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

VẪN LUÔN TUYỆT VỜI

 

“Có nhóm Mười Hai cùng đi với Ngài, có cả mấy phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật”.

 

Có lẽ không nhà soạn nhạc nào chiếm được trái tim và tâm hồn âm nhạc của người Mỹ như Irving Berlin. Một trong những ca khúc được yêu thích nhất của ông là “I’m Dreaming of a White Christmas”, tạm dịch,“Mơ Về Một Giáng Sinh Tuyết Trắng Xoá”. Trong một cuộc phỏng vấn, Berlin được hỏi, “Có câu hỏi nào mà ông chưa từng được hỏi, nhưng lại muốn ai đó đặt ra không?”. Berlin trả lời, “Có, một câu!”; đó là, “Bạn nghĩ sao về nhiều ca khúc đã viết mà chúng không là những ‘điểm nhấn’ nổi tiếng?”.“Câu trả lời của tôi là, tôi chỉnghĩ rằng, chúng ‘vẫn luôn tuyệt vời!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Với Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta ‘vẫn luôn tuyệt vời!’! Đó là niềm vui không thể lay chuyển của Ngài về mỗi môn đệ, về mỗi người chúng ta, dẫu chúng ta không là ‘điểm nhấn’ trong mắt người khác. Tin Mừng hôm nay cho biết, trên bước đường rao giảng của Chúa Giêsu “Có nhóm Mười Hai” và “Có cả mấy phụ nữ” đồng hành; đó là những cộng tác viên thân cận của Ngài. Tuy khác biệt, nhưng có Ngài làm trung tâm, mỗi người trong họ ‘vẫn luôn tuyệt vời’; bởi lẽ, khác biệt của mỗi người lại trở thành điểm mạnh!

 

Việc chọn lựa các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cho thấy tính cách và bản lãnh của Ngài, bản lãnh của một nhà lãnh đạo. Ngài có một tính cách phổ quát, không nề hà; một bản lãnh đầy tư chất của một bậc thầy. Ngài chọn nhóm Mười Hai từ nhiều hoàn cảnh khác nhau; hẳn họ sẽ không là bạn bè của nhau, càng không phải là những người làm việc chung với nhau nếu không vì Ngài, Đấng Kitô của Thiên Chúa, ở giữa họ. Matthêu, thu thuế; Phêrô, Giacôbê và Gioan,những ngư phủ; Giuđa tỏ ra ‘sành sỏi’ hơn. Tuy nhiên, Ngài mời gọi họ trở thành những người cộng tác của mình. Kết quả là, họ hợp tác với nhau, tỏ ra trân trọng và đánh giá cao khả năng của nhau. Một khi có Chúa Giêsu trong bất cứ mối quan hệ nào, những khác biệt của các thành viên không chỉ được khắc phục,nhưng còn có thể trở thành điểm mạnh để họ có thể ‘vẫn luôn tuyệt vời’.

 

Chúa Giêsu không chỉ chọn các ông vốn sẽ là những tông đồ mai ngày, nhưng Phúc Âm còn cho biết, đi theo Ngài, “Có những người phụ nữ đã lấy của cải mình mà giúp Ngài”. Ngài đã giao cho họ những vai trò khác nhau, dẫuviệc Ngài cứu chữa và biến đổi cuộc đời các bà xem ra giống nhau. Hãy nghĩ về Maria Mađalêna,một người bạn thân của Chúa Giêsu; nhưng đừng quên, Ngài đã biến đổi cô với quyền năng và ân sủng khi trục xuất bảy quỷ ra khỏi cô; và rồi đây, cô sẽ là chứng nhân đầu tiên của Đấng Phục Sinh. Một phụ nữ khác theo Ngài là “Bà Gioanna, vợ Chusa, quản lý của Hêrôđê”. Thật ngạc nhiên khi chúng ta nhận ra rằng, Tin Mừng đã bén rễ ngay cả giữa lãnh địa của Hêrôđê, một quận vương chẳng mặn mà gì với Chúa Giêsu. Các phụ nữ hoàn toàn khác biệt nhau này, một khi đã chọn theo Ngài, họ cũng có thể trở thành điểm mạnh và ‘vẫn luôn tuyệt vời’ cho công cuộc loan báo Tin Mừng;ít nữa, họ đã hy sinh của cải và thời giờ của mình.

 

Thông điệp của Chúa Giêsu có khả năng truyền cảm hứng cho những ai theo Ngài trong mọi điều kiện xã hội và hoàn cảnh; cũng thế, chúng ta được kêu gọi xây dựng Nước Chúa ở mọi cấp độ, đấng bậc, trong vị trí của mình. Vấn đề là Chúa Giêsu có trở nên trung tâm cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có thuộc trọn về Ngài không ? Hay đi theo Ngài, nhưng chúng ta lại toan tính một ‘thói đời’ khác, chúng ta không biết mình thuộc về ai, làm gì ! Trong thư Timôtê hôm nay, Phaolô nhắc nhở,“Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này, đã mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau”; Giuđa là một ví dụ. Lời Đáp Ca hôm nay thật ý nghĩa, “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!”; Nước Trời ở đây là chính Chúa Giêsu, trái tim của mọi ơn gọi, để mỗi người ‘vẫn luôn tuyệt vời!’.

 

Anh Chị em,

 

Dưới con mắt Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta mãi mãi ‘vẫn luôn tuyệt vời’; dù chúng ta là ai, có là gì đi nữa;Thánh Kinh đã không gọi chúng ta là ‘con ngươi mắt Chúa’ sao ! Như thế, chúng ta không bao giờ được phép ‘xoá sổ một ai’. Lấy Chúa Giêsu làm trung tâm, điểm quy chiếu cho đời sống, chúng ta trở nên những cộng sự viên của Ngài trong mọi đấng bậc; và bằng một đời sống chứng tá yêu thương, chúng ta đón nhận tất cả mọi người. Với ơn Chúa,không ai không thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, trở thành anh chị em của nhau. Và như thế, những khác biệt không làm chúng ta phân hoá, nhưng ‘vẫn luôn tuyệt vời’ vì có Chúa Giêsu ở giữa, và ở cùng.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Chúa luôn kỳ vọng vào con; để Chúa khỏi thất vọng, xin cho con biết luôn luôn gìn giữ ơn Chúa, hầu trước bao thử thách và cám dỗ, con ‘vẫn luôn tuyệt vời’ trước mặt Chúa”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

************

 

MỘT THÁCH ĐỐ, MỘT PHÉP THỬ

 

“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

 

Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư vĩ đại người Mỹ,người đã có hơn 1.000 công trình lớn trong 70 năm. Thế nhưng vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, ông đã phải đứng trước ‘một thách đố, một phép thử’; đó là lập dự án cho khách sạn Imperial ở Tokyo, một trong những thành phố dễ bị động đất nhất trên thế giới. Cuối cùng,F. L. Wright đã thiết kế một nền móng vững chắc có thể ‘nổi’ trên một lớp bùn mềm,dày hơn 20m; trải dài trên hàng vạn mét vuông bên dưới toà nhà. Lớp ‘đất tốt’ này sẽ cung cấp một điểm tựa chống rung cho một công trình rộng lớn bậc nhất thế giới.Ngay sau khi Imperial Hotel hoàn thành, nó đã phải chịu đựng một trận động đất tồi tệ nhất trong 52 năm, đang khi các toà nhà nhỏ hơn chung quanh nó phải đổ nát.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Như những gì đã thách đố F. L. Wright, trong Tin Mừng hôm nay,Chúa Giêsu cũng đặt trước mỗi người chúng ta‘một thách đố, một phép thử’ khi Ngài gọi bốn loại đất, tượng trưng cho bốn thái độ tiếp nhận Lời, và buộc chúng ta phải chọn lựa cho mình thuộc loại nào để Lời Ngài có thể sinh hoa kết trái:‘đất đường, đất sỏi, đất gai và đất tốt’;Ngài nói, “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

 

Trước hết, đất đường. Đất đường luôn cứng, nên được gọi là ‘đất cứng!’.Đó là mảnh đất đã biến chất, khi tâm hồn chúng ta hoá cứng; Chúa Thánh Thần soi dẫn làm điều đúng đắn, nhưng chúng ta để nó trôi qua, như thể đó không phải là vấn đề gì to tát; và rồi, ma quỷ, như chim chóc chực sẵn, sà xuống cướp đi ân sủng của Thiên Chúa một cách dễ dàng; sự hời hợt và thiếu đức tin ngăn chúng ta phản chiếu và tận dụng ánh sáng của Lời, Lời không ăn sâu vào lòng. Tiếp đến, ‘đất sỏi!’. Chúng ta vui nhận Lời và bước theo Chúa trong ‘thời bình’; nhưng đến ‘thời chiến’, chúng ta sa ngã; bởi lẽ, ân sủng, cội nguồn tâm linh không đâm rễ sâu trong cuộc sống. Thứ ba, ‘đất gai !’. Chúng ta ì ạch trong đời sống tinh thần bởi những lo lắng, giàu sang và thú vui thói đời; đất gai không thể sinh trái chín muồi; chúng ta quên rằng, ân sủng Chúa đòi hỏi phải hy sinh những thú vui riêng. Ngoài thập giá, không có sự thánh thiện nào có thể tăng trưởng! Sau cùng, ‘đất tốt!’. Đất tốt, đất tinh tuyền, luôn được vun xới, thấm đẫm mưa móc; hạt giống Lời Chúa mọc lên tươi tốt, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm; hứa hẹn ‘một mùa bội thu!’.

 

Qua thư Timôtê hôm nay, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, “Con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được!”. Huấn lệnh đó chính là Lời Chúa, là soi dẫn của Chúa Thánh Thần; “thời thuận tiện hay không thuận tiện”, ‘thời chiến hay thời bình’, hạt Lời Chúa vẫn vươn lên. Đến ngày các thiên thần hô to, “Hãy vào trước thánh nhan Chúa giữa tiếng hò reo!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, hẳn chúng ta cũng có thể hoà nhập với đoàn người công chính mà hát ca vui mừng.

 

Anh Chị em,

 

Những ngày dịch bệnh hôm nay, đúng nghĩa, là những ngày của ‘thời chiến’;thời mà đức tin của chúng ta đang đứng trước ‘một thách đố, một phép thử’. Không thể chính xác hơn! Chúng ta đang có cơ hội đi vào khu vườn bí mật của lòng mình; ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân và gặp gỡ chính mình; qua đó, chúng ta nhìn lại các mối tương quan của chúng ta với Trời, với người và với bản thân. “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Cách nhận lãnh và phát triển ân huệ Thiên Chúa ban trong những ngày hôm nay như thế nào là tuỳ vào mỗi người chúng ta. Quả thật, những ngày hôm nay đúng là ‘một thách đố, một phép thử’của Thiên Chúa. Thiên Chúa ước mong chúng ta để cho Lời Ngài biến đổi ngay trong ‘thời chiến’ này. Mỗi người chúng ta hãy can đảm thưa lên, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Lời Chúa là ‘một thách đố, một phép thử ’ đối với con. Xin giải thoát con khỏi những lo lắng và lừa dối của cuộc sống, hầu con kiên nhẫn nhặt đi những sỏi đá và gai gốc trong con mỗi ngày; may ra, sau những ngày hôm nay, con có được ‘một mùa bội thu’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)