Khoảnh khắc dịêu vợi - Sức mạnh và yếu đuối , bất lực và quyền năng
KHOẢNH KHẮC DIỆU VỢI
“Hãy theo Tôi!”; “Ông ấy đứng dậy đi theo Ngài”.
Ngày kia, cánh cổng đan viện Saint-Bernard khép lại, một thanh niên 22 tuổi buồn bã xuống núi; nơi khác, mẹ Bề trên dòng nữ Hôtel-Dieu cũng từ chối một thiếu nữ. Hai người ấy gặp nhau, tình yêu giữa họ chớm nở. Và một sáng mùa hạ, tại nhà thờ Đức Bà Alençon, Louis Martin thành hôn với Zélie Guérin, ‘khoảnh khắc diệu vợi’ đã đến, hai người được Chúa chọn để làm một người cha thánh, một người mẹ thánh của một gia đình thánh; trong đó, có Têrêxa Hài Đồng Giêsu!
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, kính nhớ thánh Matthêu, Tin Mừng cũng thuật lại một ‘khoảnh khắc diệu vợi!’.Khi cảm thấy một điều gì đó giá trị hơn, cao quý hơn, người ta dễ dàng rời bỏ công việc cũ; chẳng hạn, dễ thăng tiến hơn, lương cao hơn, đường đi làm ngắn hơn. Cũng thế, Matthêu rời bỏ công việc của mình để tìm một Ông Chủ tốt hơn; có thể nói, Matthêu, một người ‘mê tiền’, nay ‘mê Chúa’. ‘Khoảnh khắc diệu vợi’ đượcghi lại,“Ngài bảo, “Hãy theo Tôi!”; “Ông ấy đứng dậy đi theo Ngài””.
Chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày, tại Capharnaum, một thị trấn nhộn nhịp, và tại sở thuế, Matthêu đang chuẩn bị công việc của mình; gần đó, một người có tên Giêsu, cũng đang làm những việc thường ngày của mình, chữa một người liệt. Đó là một ngày bình thường với cả hai người. Nhưng sau đó, Giêsu xuống phố, nhìn thấy Matthêu, và… ngày bình thường kết thúc ! Giêsu nói với Matthêu,khá đơn giản nhưng trực tiếp và mạnh mẽ, “Hãy theo Tôi!”. Và ‘khoảnh khắc diệu vợi’ đã xảy ra ! Matthêu đi theo con người ấy. Những đồng xu La Mã có thể đã rơi ra từnắm tay anh; hoặc có thể, anh đã nuốt một ngụm nước bọt vào họng, nhanh chóng chỉnh lại chiếc áo, rồi loạng choạng bước đi trong đám bụi mờ bởi đôi dép của con người ấy đập xuống mặt đất khô khốc ! Từ đó, cuộc đời Matthêu đổi thay mãi mãi. Anh trở thành một người bạn, một môn đệ, một tông đồ… của một ‘Người Đàn Ông Quan Trọng Nhất’ trong lịch sử thế giới, Chúa Giêsu Kitô!
Chúa Kitô đi qua mọi cuộc đời. Mọi người đều có cơ hội nói ‘có’ hoặc ‘không’, ‘ở lại hoặc đi theo’, ‘thay đổi hay giữ nguyên trạng’; khoảnh khắc ấy có thể chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại! Một cuộc sống dường như chỉ có thể vẽ lên hoặc vẽ xuống ‘một đường thẳng’ trên biểu đồ, hơn là tạo ra một góc vuông sắc nét của một đường ngang, một đường dọc với ‘mũi tên chỉ rõ hai hướng!’. Cuộc đời Matthêu đã biến đổi khi quỹ đạo của anh giao nhau với quỹ đạo của Chúa Giêsu. Khoảnh khắc ấy được hoạ sĩ Caravaggio ghi lại như một thước phim quay chậm. Một trục ánh sáng xuyên qua căn phòng trên đầu Chúa Giêsu; ngón tay xương xẩu của Ngài chỉ vào một ‘quý ông’ bảnh trai đang‘ với tay trên đống tiền’. Khung cảnh diễn ra không phải trên con phố nhưng trong một phòng tối. Ánh sáng và bóng tối nô đùa; tội lỗi và đức hạnh ẩu đả; quá khứ, hiện tại và tương lai bỡn nhả, rồi sẽ ra sao! Chúa Giêsu dường như đang nói, ‘Bạn sẽ cầm và ăn, đi và bán, sẽ đến và theo Tôi?’.‘Một thách đố, một phép thử!’. Nhưng quan thuế ấy đã đáp lại,ngặt nghèo nhưng hào hiệp, và chúng ta nhớ đến Matthêu hôm nay,chỉ vì‘khoảnh khắc diệu vợi’ ấy!
Giữ lại ký ức hồng ân ‘lần gọi’ đó, Matthêu đã “Ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi đã lãnh nhận”, “Trở nên con người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Đức Kitô viên mãn” như lời thánh Phaolô qua thư Êphêsô hôm nay. Nhờ quyết định đúng vào một thời điểm thích hợp,Matthêu đã thay đổi cuộc sống; từ đó, Matthêu miệt mài suy gẫm, chiêm ngắm và ghi ghi, chép chép về vị Thầy lạ lùng của mình, một Giêsu ‘rất người và rất Chúa’. Và cùng rao giảng Tin Mừng với các tông đồ, Matthêu đã cống hiến cuốn Phúc Âm tự tay mình viết ra, để hàng triệu người mọi thời, mọi nơi biết Chúa Giêsu, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.
Anh Chị em,
Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối trung thành, rất mực kiên nhẫn và hết lòng yêu thương. Ngài luôn đi tìm từng con người và bao nhiêu lần, đã có sự giao nhaurất thật giữa chúng ta với Ngài. Những khoảnh khắc ấy không chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể từng ngày, từng giờ, trong từng biến cố buồn vui. Dầu muốn hay không, ‘khoảnh khắc diệu vợi’ ấy cũng sẽ xảy ra, hoặc đã xảy ra; chỉ có điều, chúng ta không nhận ra! Nhưng với trái tim của người Thầy; đúng hơn, của một người yêu, Chúa Giêsu vẫn đang đợi chờ, khát khao giây phút ấy xảy đến càng sớm càng tốt, hầu chúng ta không còn loạng choạng nhưng có thể mạnh mẽ bước đi, với hành trang duy nhất là chính Ngài ; tiếp tục công việc của Matthêu, làm cho Tin Mừng vang dội khắp hoàn cầu. Tại sao không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì ngày sống của con được đan kết bởi những ‘khoảnh khắc diệu vợi’, khi con dám đứng lên, quay lưng với tội lỗi , để đi tới một ‘chân trời’ mà Matthêu đã gieo mình vào”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
SỨC MẠNH VÀ YẾU ĐUỐI, BẤT LỰC VÀ QUYỀN NĂNG
“Ngài ban cho các ông sức mạnh và quyền năng”; và Ngài nói, “Các con đừng mang gì cả!”.
Một buổi chiều năm 1865, nội các của A. Lincoln bước vào phòng họp, người ta thấy ông mặt vùi vào tay. “Thưa các ngài, chẳng bao lâu nữa, sẽ có tin quan trọng!”, ông nói. Mọi người xôn xao. “Đêm qua, tôi mơ thấy mình đơn độc trên một chiếc thuyền, không mái chèo, không bánh lái. Tôi bất lực trong một đại dương vô tận!”. Im lặng vần vũ ! Lincoln nói tiếp, “Nhiều lần trong chiến tranh, tôi đã có giấc mơ đó; mỗi lần, một trận chiến lớn lại đến trong một hai ngày. Vâng, có lẽ ngày mai, có lẽ chỉ vài giờ nữa, quý vị sẽ có tin quan trọng!”. Năm giờ sau, ông bị ám sát ! Ấy thế, Lincoln là một trong ba tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, ông trở nên ‘một huyền thoại’, vốn luôn cảm thấy mình bất lực, yếu hèn; thế nhưng, ông thật mạnh mẽ, can trường, trong niềm tin vào Thiên Chúa!
Kính thưa Anh Chị em,
Như những người dân Hoa Kỳ đã nhìn thấy sức mạnh và yếu đuối nơi vị tổng thống thứ 16 của họ, chúng ta cũng sẽ bất ngờ khám phá một nét tương phản nổi bật, nếu không nói là mâu thuẫn trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi trong ‘sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng’; sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, yếu đuối và bất lực của con người.
Sai nhóm Mười Hai lên đường, Chúa Giêsu cho các môn đệ được thông chia những gì Ngài có, “Ngài ban cho các ông sức mạnh và quyền năng”. Thế nhưng, cùng lúc, Ngài buộc họ ra đi trong yếu đuối và khó nghèo; Ngài thu nhỏ vali của họ, gần như không có gì, “Các con đừng mang gì cả!”. Phải chăng, Ngài muốn nói, hành trang của họ chính là Ngài và chỉ một mình Ngài ! Ngài yêu cầu họ hạn chế tối đa để họ nhận biết rằng, sức mạnh sinh hoa kết trái của họ nằm ở tình yêu và lòng tín thác họ dành cho Ngài, hơn là ở tài sản vật chất hay kỹ năng, tài nghệ, riêng của họ.
Qua đó, chúng ta có thể kết luận, chính Chúa Giêsu đang hướng dẫn đường đi nước bước của người môn đệ ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài muốn quyền năng của Ngài được bộc lộ chính trong sự yếu hèn và dễ bị tổn thương của người được sai đi. Vì lẽ, Thiên Chúa thường hoạt động mạnh mẽ qua ‘kinh nghiệm bất lực và yếu đuối’ của con người. Chính trong tình trạng dễ bị tổn thương này, Ngài muốn chúng ta chỉ cậy dựa vào một mình Ngài; nói cách khác, ‘Thiên Chúa là lá chắn’ của người môn đệ, thay cho sự dựa dẫm vào chính mình hay những gì thế giới ban tặng.
Esdra trong bài đọc hôm nay, một con người lấy Thiên Chúa làm lá chắn, “Tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Nhìn nhận sự yếu hèn bất lực, ông van xin, “Tội chúng con đã quá nhiều!”. Ông nhận ra quyền năng và sức mạnh của Chúa khi Ngài đổi lòng vua Ba Tư để vua xót thương dân, hầu dân có thể xây đền thờ Chúa và được định cư. Nhờ đó, họ có thể hát mừng Ngài qua tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng muôn đời hằng sống!”. Esdra trải nghiệm thế nào là ‘sức mạnh và yếu đuối, bất lực và quyền năng’ qua các biến cố.
Anh Chị em,
Chính Chúa Giêsu đã sống sự tương phản và mâu thuẫn này. Nơi Bêlem, Ngài sinh ra trong lạnh lẽo tối tăm; trên đồi Sọ, Ngài chết trong tủi nhục u sầu! Vậy mà chính trong sự yếu đuối và bất lực tột cùng đó, sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. Như các môn đệ, Chúa Giêsu sai chúng ta đi, chia sẻ cho chúng ta sức mạnh từ trời để làm chứng cho Ngài; bao lâu chúng ta không còn bám víu vào bất cứ điều gì khác ngoài Ngài, chúng ta sẽ đủ sức để chiến thắng. Trong những ngày hôm nay, ai trong chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối và bất lực trước dịch bệnh. Như đã yêu cầu các môn đệ bỏ lại những gì mà hầu hết mọi người cậy dựa, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta bỏ lại một điều gì đó trong những ngày hạn chế ‘mới mẻ’ này. Chúng ta phải xa Thánh Thể, xa cộng đoàn; nhưng trong thời điểm mất mát này, quyền năng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta và giữa chúng ta. Thời gian này sẽ nên hữu ích khi nó khiến chúng ta như Esdra,biết quỳ gối trước Thiên Chúa, trở lại với Ngài, Đấng ở với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta tin rằng, Ngài cũng đang nâng đỡ chúng ta ‘từ một khoảng cách kín đáo’;Ngài là chuyên gia,lấy ra điều tốt nhất từ những gì xem ra rủi ro nhất!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sức mạnh và quyền năng Chúa trong yếu đuối và bất lực của con; con biết, Chúa đang đỡ nâng con ‘từ một khoảng cách kín đáo’ nào đó, ngay hôm nay!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: