Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự khác biệt giữa đức trông cậy và sự lạc quan

Tác giả: 
Phạm Văn Trung

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĐỨC TRÔNG CẬY

VÀ SỰ LẠC QUAN

Jesus Helping Hand Concept: World Peace Day Help Hand on Sunset Background  Stock Photo - Image of friday, abstract: 132992788

 

Điều gì phân biệt đức trông cậy với thái độ lạc quan, và chúng ta có thể áp dụng chúng như thế nào?

 

Sự trông cậy hoặc niềm hy vọng Kitô giáo là một nhân đức đối thần - nhân đức trông cậy - cho phép chúng ta đặt niềm tin vào những lời hứa của Chúa Giêsu và đặc biệt là tin vào điều vĩ đại nhất: đạt đến hạnh phúc muôn đời.

 

Hơn nữa, đức trông cậy mang lại sự chắc chắn rằng ân sủng của Thiên Chúa rồi ra sẽ không bao giờ thất bại. Đức trông cậy cho phép các tín hữu dấn thân vào cuộc sống với sự quyết tâm, sáng suốt và vui vẻ ngay cả trong những thử thách của cuộc sống, nhất là trong cơn đại dịch Côvít 19 chưa biết ngày nào chấm dứt này, như Lời Chúa Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10, 42-45). Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng 06.11. 2015, tại nhà nguyện thánh Marta, chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy rất vui và đánh động, vì trong thánh lễ hôm nay đã có những linh mục đến chào tôi và nói: “Đức Thánh Cha ơi, hôm nay con đến đây để tìm người của con, vì con đã đi truyền giáo ở Amazon 40 năm trời nay rồi”. Niềm vui và xúc động cũng trào dâng trong tôi khi nghe một nữ tu nói: “Con đã làm việc suốt 30 năm trong một bệnh viện ở Châu Phi”; hay một nữ tu khác đã trải qua 40 năm làm việc trong một bệnh viện dành cho người khuyết tật, và vị nữ tu ấy luôn tươi nở nụ cười trên môi. Đây là lời mời gọi phục vụ và đây cũng là niềm vui trong Giáo hội: hãy bước ra ngoài và lên đường phục vụ tha nhân, hãy đến với người khác và trao hiến thân mình cho họ.” [1]

 

Trong khi đó, lạc quan là một khuynh hướng tư duy thuần lý, đậm nét tâm lý chủ quan, vì lấy giác quan làm nguồn gốc cho suy tưởng, và kích thích hành động.

 

Thái độ lạc quan như thế đã phát triển đáng kể từ thứ thế kỷ XVIII, Kỷ nguyên Khai Sáng – Age of Enlightment, hoặc Thế kỷ Ánh sáng – Siècle des Lumières, là giai đoạn chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong hiểu biết của con người và cách vận dụng tri thức khoa học hơn, là niềm tin tôn giáo, để lý giải các hiện tượng tự nhiên. Nhà tư tưởng tiêu biểu của thời đại này như triết gia Immanuel Kant, cùng với Thomas Paine, Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, và David Hume đặt vấn đề và tấn công các thể chế lúc đó của cả Giáo hội và Nhà nước. Phong trào Khai sáng coi sự thống trị của lý trí và chứng cứ bằng giác quan là những nguồn chính của tri thức, cũng như cổ xúy tự do, tiến bộ, hiến pháp và tách biệt giáo hội và nhà nước.

Khai sáng cũng nhấn mạnh tới phương pháp khoa học, và như thế nghi vấn về tính chính thống của tôn giáo, một thái độ có trong tiểu luận Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? của Immanuel Kant. Và đây là cách định nghĩa Khai sáng rất nổi tiếng của Kant: “Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành do chính con người gây ra. Tình trạng chưa trưởng thành là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng chưa trưởng thành này là do tự mình gây ra, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude ! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình! đó là câu phương châm của Khai sáng.” Dù Kant nhận định rằng thời đại của ông không phải là thời đại khai sáng nhưng ông tin rằng “một mảnh ruộng đã được khai quang cho mầm khai sáng được mọc lên và tiếp tục đơm hoa kết trái.” [2]

 

Đức Hồng Y Ratzinger, tức Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sau này, nhận xét rằng sự lạc quan như thế của phong trào khai sáng là biểu hiện của niềm tin vào sự tiến bộ không thể cưỡng lại, tự biểu hiện như một sự “thế tục hóa niềm hy vọng về triều đại Thiên Chúa trong Kinh thánh”, thay thế “triều đại thực sự của Thiên Chúa bằng niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, ngay trên trần gian”. Đức Hồng Y nói: “Chúng ta thấy có một sự lừa dối cố hữu trong ý niệm về một “thế giới tốt đẹp hơn”, tuy hiện nay vẫn đang được một số Kitô hữu coi như mục tiêu thực sự cho niềm hy vọng của chúng ta và là tiêu chuẩn đạo đức chính đáng. Theo như tôi thấy, “Nước của Thiên Chúa” theo lý lẽ thông thường (common sense) hầu như đã bị thay thế bằng Điều Không Tưởng (utopia) về một thế giới tương lai tốt đẹp hơn mà chúng ta đang khổ công tìm kiếm và trở thành điểm tham chiếu đích thực cho luân lý - một nền luân lý, một lần nữa, bị pha trộn với thứ triết lý về tiến hóa và lịch sử, và tạo ra các quy tắc cho chính nó bằng cách tính toán xem điều gì có thể cung cấp được điều kiện sống tốt đẹp hơn.” [3]

 

Thứ tôn giáo đó nại vào những tiến bộ đang thống trị nền văn hóa hiện tại của chúng ta, như Đức Hồng Y Ratzinger nhận định: “Sự bi quan là tội lỗi của mọi tội lỗi, bởi vì nó nghi ngờ sự lạc quan vào sự tiến bộ, vào sự không tưởng, tạo thành một cuộc tấn công trực diện vào tinh thần của thời hiện đại, đó là một thách thức đối với tín điều cơ bản của nó.” Do đó, sự lạc quan kiểu đó là hệ quả của ảo tưởng về một “tương lai tươi sáng”, là kết quả tất yếu của tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự tích lũy của cải kinh tế.

 

Lạc quan như thế là một hành động tin tưởng vào thứ tôn giáo của sự tiến bộ vốn bỏ qua thực tế của các sự kiện; nó bỏ qua khía cạnh đạo đức và môi trường xung quanh của sự tiến bộ này. Bernanos nói rằng “Sự khác biệt duy nhất giữa người lạc quan và người bi quan đó là người lạc quan là kẻ ngốc hạnh phúc và người bi quan là kẻ ngốc buồn bã vì người bi quan và người lạc quan đều giống nhau ở chỗ họ không nhìn mọi thứ như chúng vốn có”. [4] Chính Kant, vốn thường được xem là đại biểu của quan niệm lạc quan về sự tiến bộ, nhưng nếu được đọc kỹ, lại không hề là một nhà lạc quan dễ dãi. Ông không che dấu cái nhìn khá “bi quan” về thân phận mỗi cá nhân: “Hoàn cảnh hiện thời của mỗi cá nhân bao giờ cũng tồi tệ so với hoàn cảnh tương lai mà họ hăng hái bước vào. Hình dung về một sự tiến bộ không ngừng hướng đến cứu cánh tối hậu không khỏi đồng thời hình dung cái viễn cảnh về chuỗi dài những điều tồi tệ, không để cho con người có sự hài lòng, thỏa mãn nào cả”. [5]

 

Trong khi đó, nhân đức trông cậy mang lại sự chắc chắn cho Kitô hữu rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc thế giới này. Người Kitô hữu có thể có tâm lý khá nửa vời, “vừa lạc quan” hoặc “vừa bi quan”. Nhưng khi người ấy nhìn xem thế giới, người ấy phải nhìn nó theo đúng thực tế của nó, theo cách khách quan nhất có thể. Người ấy nhìn thế giới này qua những hành động từ thiện, những thành tựu tích cực của con người, những tiến bộ kỹ thuật mang lại lợi ích cho con người. Nhưng người ấy cũng nhìn thấy những thất bại đau đớn của nó, những bất công mà nó “kêu oán tới trời”, những  bạo tàn của nó. Tuy nhiên, xét theo thực tế, người ấy biết - với một sự chắc chắn không thể lay chuyển có được từ đức trông cậy - rằng Chúa Kitô đã cứu chuộc thế giới này, rằng chiến thắng trước sự dữ đã đạt được hoàn toàn và tình yêu sẽ có lời phán quyết cuối cùng.

 

Gustave Thibon trả lời một linh mục gọi ông là “kẻ bi quan” khi đối mặt với những phân tích ảm đạm của ông về thời điểm hiện tại, “Có thể coi là bi quan khi nhìn thấy những điều xấu xa và nguy hiểm và tìm kiếm biện pháp khắc phục chúng không? Nhân đức trông cậy không liên quan gì đến sự lạc quan mù quáng và sự lạc quan vốn bưng tai che mắt khỏi điều ác và tưởng tượng rằng […] mọi thứ chắc chắn sẽ ngày càng tốt hơn; đúng hơn, nhân đức trông cậy bao gồm việc không bao giờ nản lòng, cũng như không nao giờ để mất điểm tựa, bất kể sự ác có sâu thẳm thế nào và mối nguy hiểm có nặng nề ra sao… Còn chủ nghĩa hoài nghi là từ chối đưa ra phán quyết cuối cùng về các sự kiện và con người.” [6]

 

Và “Người bi quan sáng suốt biết rằng Thiên Chúa và thiên nhiên chẳng mắc nợ gì anh ta cả. Vì vậy, người ấy hoan nghênh những ân huệ nhỏ nhất của số phận như những món quà cho không và đầy ngạc nhiên - ý thức về sự mong manh của niềm vui của chúng ta giống như sự chiếu tỏa của vĩnh cửu trong thời gian - và, khi trái gió trở trời, người ấy buông bỏ, không cáo buộc các vị thần là bất công, cũng không cáo buộc những tệ nạn mà người ấy biết chúng vốn cố hữu trong thân phận con người. Vì vậy, người ấy càng đòi hỏi ít hơn thì lại càng nhận được nhiều hơn - và nhìn chung, cuộc sống của anh ta cân bằng và hạnh phúc hơn so với những chủ nợ thiếu kiên nhẫn với số phận, vì họ càng cảm thấy họ có quyền trên số phận thì định mệnh của họ lại càng luôn luôn là thất bại.” [7]

 

Gustave Thibon đúc kết: “Đây là những từ cuối cùng về sự lạc quan: từ tro tàn Thiên Chúa sẽ tái sinh ngay cả những thứ hư vô nhất. Niềm tin này an ủi tôi khi thấy con người hóa thành cát bụi.” [8]

 

Và niềm tin đó chính là đức trông cậy, là niềm hy vọng, mà Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, mang đến cho con người, vượt trên bất cứ sự tiến bộ trong bất cứ lãnh vực trần thế nào của họ. Chính đức trông cậy này giúp cho con người vững tin và hy vọng rằng những nỗ lực nhằm xây dựng cuộc sống phàm nhân hiện tại ngay trên trần thế này của họ, nhiều khi rất cực nhọc và mất rất nhiều thời gian, không dừng lại, để rồi sau đó sớm muộn bị rơi vào một thứ tâm cảm day dứt triền miên về cuộc hiện sinh phi lý và vô nghĩa của kiếp người, như mắc kẹt trong một ngõ cụt, vô thường, phù vân, không còn lại gì! Trái lại cuộc sống của con người có được một ý nghĩa tối hậu và một mục tiêu đích thực.

 

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 301 -303, viết: “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Ngài còn luôn giữ gìn chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích. Một trong những nguồn mạch khôn ngoan và tự do, niềm vui và niềm cậy trông của con người là nhận ra mọi sự tùy thuộc hoàn toàn vào Đấng tạo hóa. Công trình sáng tạo có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi được dựng nên. Vạn vật đang ở trong một "tiến trình" hướng đến sự trọn hảo tối hậu do Thiên chúa định sẵn. Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối Ngài xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó. Nhờ sự quan phòng của Ngài, Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Ngài đã sáng tạo, "biểu dương sức mạnh trên khắp địa cầu và dịu dàng xếp đặt tất cả" (Kn 8,1). Vì "tất cả mọi sự đều trần trụi và phơi bày ra trước mặt Ngài" (Dt 4,13), kể cả những điều do hành động tự do của con người tạo ra (CĐ Vatican I: DS 3003). Chứng từ của Thánh Kinh đều đồng nhất: Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp, từ những cái nhỏ nhất đến những biến cố vĩ đại của thế giới và lịch sử. Các Sách Thánh xác quyết mạnh mẽ quyền tối thượng của Thiên Chúa trong mọi biến cố: "Thiên Chúa chúng ta, trên trời, dưới đất, Ngài làm những gì Ngài muốn"(Tv 115,3). Sách Thánh cũng nói về Chúa Kitô: "Ngài mở ra thì không ai đóng được, Ngài đóng lại thì không ai mở được" (Kh 3,7) ; "Con người có nhiều kế hoạch, nhưng duy chỉ có ý định của Thiên Chúa là sẽ thực hiện" (Châm ngôn 19, 21)”.

 

Đức trông cậy mà Chúa Kitô yêu cầu những ai theo Ngài cần phải có cũng là: “Phó thác với tình con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng chăm sóc đến những nhu cầu nhỏ bé nhất của con cái: "Anh em đừng quá lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì ? uống gì? Cha anh em Đấng ngự trên trời, biết anh em cần những thứ đó. Vậy, trước hết phải lo tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ kia, Ngài sẽ ban thêm cho" (Mt 6,31-33; 10, 29-31)” [9].

Thiên Chúa còn ban cho con người khả năng tự do tham dự vào sự quan phòng

của Ngài khi trao cho họ trách nhiệm "làm chủ" trái đất và thống trị nó (St 1, 26-28); như thế con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn tất công trình sáng tạo, làm cho công trình ấy được hài hòa trọn vẹn hầu mưu ích cho mình và cho tha nhân. Con người thường cộng tác với Thiên Chúa mà không ý thức nhưng có thể hội nhập một cách ý thức vào chương trình của Thiên Chúa bằng hành động, bằng lời cầu nguyện, bằng chính đau khổ của mình (Cl 1, 24). Khi đó, họ hoàn toàn trở thành "những cộng tác viên của Thiên Chúa" (1Cr 3,9; 1Th 3,2) và của Nước Trời (Cl 4,11). [10]

 

Rất nhiều cuộc nghiên cứu khoa học giúp con người hiểu biết sâu rộng về độ tuổi và các chiều kích của vũ trụ, về sự biến hóa của các dạng sống, về sự xuất hiện của loài người. Những khám phá này là có giá trị, nhưng chỉ có thể vượt lên trên cõi tạm nhân sinh này khi chúng mời gọi con người “thêm lòng cảm phục sự cao cả của Đấng Tạo Hóa, tri ân vì các công trình của Ngài, vì trí thông minh và khôn ngoan Ngài ban cho các nhà bác học và các nhà nghiên cứu”. Như Salômon nói trong sách Khôn ngoan: “Chính Ngài đã cho tôi hiểu biết đích thực về sự vật, cho tôi biết cấu trúc của thế giới và đặc tính của các yếu tố ... Vì chính Đấng Khôn Ngoan, là tác giả của mọi sự đã dạy tôi” (7,17-21).

 

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tín thác của con cái: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5: 3). Sự khó nghèo không phải chỉ giới hạn vào lãnh vực tài sản, nhưng trước hết nó là một thái độ khiêm hạ của con người trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo đồng nghĩa với người có tinh thần khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa: “Kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ” (Isaia 66, 2), chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Sự khó nghèo về tài sản vật chất trong Bài Giảng Trên Núi chỉ là một dấu hiệu biểu lộ sự tín thác cậy trông hoàn toàn nơi sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng đã nuôi chim trời và trang điểm cho hoa ngoài đồng: Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?...Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho.” (Mt 6: 25-34).

 

Ngài không khuyến khích chúng ta thụ động, nhưng muốn chúng ta cộng tác với Cha là Thiên Chúa Quan Phòng và giải thoát ta khỏi mọi lo lắng và bận tâm. Ngài dạy ta sống tâm tình phó thác của con cái Thiên Chúa: “Đối với những ai lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa, Ngài hứa sẽ ban cho họ đủ mọi sự. Mọi sự đều là của Chúa: ai có được Thiên Chúa thì có mọi sự, miễn là Thiên Chúa có được người ấy” (Thánh Cyprianô).

 

Con người tự cho mình là lạc quan khi họ cậy dựa vào những thành tựu mọi mặt bởi sức lực của chính mình. Tuy nhiên sức lực ấy vốn không bền bỉ hoặc tồn tại mãi mãi, vì mọi sự trần thế đều có kết thúc của chúng. Khi ấy họ lại trở nên bi quan! Lòng tin "thế tục hóa" luôn xung đột với sự "bất tất, mong manh" của kiếp người.

 

Trái lại, người có đức trông cậy, nghĩa là có niềm hy vọng, nương tựa vào lỏng tin và vào tình thương quyền năng của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô trong trần thế, nhưng vượt qua tất cả những gì là trần thế để tiến xa hơn nữa vào một “trời mới đất mới” của Đấng phán rằng: “Ta là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng… Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22: 13, 20), nơi “trời mới đất mới” đó sẽ “không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22: 5).

Khi bị bắt đưa ra tòa để tra hỏi, thánh Phaolô đã mạnh dạn tuyên xưng: “Và giờ đây tôi bị đưa ra toà chính là vì hy vọng điều Thiên Chúa đã hứa cho cha ông chúng tôi… chính vì niềm hy vọng đó mà tôi bị người Do thái tố cáo” (Cv 26, 6-7).

 

Niềm vui đời Kitô hữu là được sống trong niềm hy vọng nhờ lòng Chúa thương xót và niềm hy vọng đó được loan truyền cho mọi người, nhất là những người còn nằm trong bóng tối sự chết. Thánh Phaolô khuyên nhủ:“Vì Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức… vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu” (1Tm 4,8-10).

 

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã xác tín về đức Hy Vọng như sau: “Người hy vọng là người cầu nguyện. Ðối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài… Có hạng “công giáo đợi chờ”, khoanh tay đợi niềm hy vọng đến. Có hạng “công giáo thụ động”, “trốn tránh, vô trách nhiệm”. Họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến,”nhìn chung quanh” để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay! Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới”. [11]

 

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng 29.10.2019, tại nhà nguyện thánh Marta, chia sẻ rằng:

 

“Cậy trông giống như ném chiếc mỏ neo sang bờ bên kia và bám vào sợi dây bên này. Nhưng “không chỉ một mình chúng ta”, mà toàn thể thụ tạo cũng hy vọng được giải thoát, để bước vào vinh quang dành cho con cái Thiên Chúa. Và cả chúng ta nữa, những người lãnh nhận “những ân huệ đầu tiên của Thánh Thần”, cũng đang rên xiết trong lòng trong khi mong đợi ngày vinh quang. Hy vọng chính là luôn sống trong khắc khoải và mong đợi, trong khi biết rằng chúng ta không “làm tổ” ở nơi này. Cuộc sống của Kitô hữu là “cuộc sống không ngừng khắc khoải”. Nếu một Kitô hữu mất đi viễn tượng này, cuộc sống của người ấy trở nên ngưng trệ…Với người ấy, cuộc đời Kitô hữu sẽ chỉ là một học thuyết triết học mà thôi. Và một khi sống như thế, người ấy sẽ nói rằng có đức tin nhưng chẳng hề có cậy trông và hy vọng. Nhưng nếu chúng ta muốn trở thành những con người của cậy trông và hy vọng, chúng ta phải là những người nghèo, những người nghèo không gắn bó với bất cứ điều gì. Trở nên nghèo và mở ra với bờ bên kia. Cậy trông là khiêm tốn, và đó là nhân đức mà chúng ta cần phải sống mỗi ngày…và rằng chính Thánh Thần làm việc trong chúng ta với những điều nhỏ bé. Vì thế, hy vọng và cậy trông là một nhân đức không dễ để hiểu và cũng chẳng dễ sống. Cậy trông và hy vọng chính là không khí để người Kitô hữu hít thở. Ngược lại, người ấy sẽ không thể tiến bước vì không biết mình phải đi đâu. Chính hy vọng mang lại cho chúng ta sự bảo đảm: cậy trông không làm ta thất vọng…dù sống trong mối giằng co và căng thẳng. Đó không phải là vấn đề thần kinh và não bộ, mà là bởi Thánh Thần “ném” chúng ta sang bờ bên kia và giữ gìn chúng ta trong cậy trông và hy vọng.” [12]

 

Và như vậy, người có đức trông cậy tin tưởng vào một tương lai chắc chắn tốt lành, dù bây giờ chưa rõ, vì họ tín thác vào hoạt động quan phòng đầy yêu thương của một Thiên Chúa quyền năng đang dẫn đưa họ đến nơi nghỉ ngơi an bình:

 

Chúng ta tin vững vàng rằng Thiên Chúa là chủ tể thế giới và lịch sử. Nhưng thường chúng ta không biết được đường lối của Thiên Chúa quan phòng. Chỉ khi nào tới chung cuộc, lúc mà sự hiểu biết phiến diện của chúng ta kết thúc, khi chúng ta thấy Chúa “diện đối diện” (1Cr 13,12) chúng ta sẽ hiểu biết một cách trọn vẹn các đường lối này, mà Thiên Chúa đã dùng để dẫn đưa cuộc sáng tạo, dù có phải trải qua các tham trạng của sự dữ và tội, tới sự yên nghỉ của ngày Sabát (Sáng thế ký: 2,2) chung cuộc, ngày mà Thiên Chúa đã nhắm đến khi tạo dựng trời và đất.” [13]

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Tham khảo:

[1] Hải Đăng, theo History.com, Live Science, Stanford Encyclopedia of Philosophy.

[2] Thái Kim Lan, Khai sáng và tiến bộ, openedu.vn. I. Kant, “Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?”

[3] Bài Diễn Văn của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, tại Cuộc Gặp Gỡ Các Ủy Ban Giáo Lý của Âu Châu, tại Luxemburg, 2 tháng Năm, 1989.

[4] Georges Bernanos, La Liberte Pour Quoi Faire ? Tự do, để làm gì? Collection Blanche, Gallimard xuất bản ngày 18-03-1953, tái bản ngày 23, tháng Năm, 1995.

[5] Người Đô Thị, Bộ mới, số 26, 24.07.2014, tiasang.com.

[6] Gustave Thibon, Jacob's Ladder – Chiếc thang Giacóp, trang 79, nhà xuất bản Boréal Express, 1984.

[7] Gustave Thibon, L'ignorance étoilée - Sự ngu dốt có ánh sao, nhà xuất bản Fayard.

[8] Gustave Thibon, Jacob's Ladder – Chiếc thang Giacóp, trang 79, nhà xuất bản Boréal Express, 1984.

[9] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 305.

[10] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 307.

[11] ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng.

[12] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng thánh lễ sáng 29.10.2019.

[13] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 317.