Đền thờ tâm hồn - Nâng lên một tầm cao
ĐỀN THỜ TÂM HỒN
“Các ngươi hãy xây cất đền thờ, và như thế sẽ đẹp lòng Ta!”.
Đền Taj Mahal của Ấn Độ,“một kiệt tác”, theoUNESCO;tuy nhiên, một điều gì đó khá ‘mỉa mai’với khởi đầu của nó.Năm 1629, khi người vợ yêu quý của Shah Jahan qua đời, vua ra lệnh xây một ngôi đền tráng lệ để tưởng nhớ bà. Vua đặt quan tài của bà giữa một thửa đất và việc xây dựng ngôi đền, đúng nghĩa đen, bắt đầu chung quanh nó. Thế nhưng, sau vài năm thực hiện, nỗi đau buồn của vua dành cho hoàng hậu đã nhường chỗ cho đam mê kiến trúc. Ngày nọ, khi đang đi khảo sát, vua tình cờ gặp một ‘thùng gỗ’;được biết,một số công nhân đã ném nó ra từ lâu. Đó là chiếc quan tài của hoàng hậu! Mục đích tưởng nhớ đã mất, nhường chỗ cho nghệ thuật!
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một ngôi đền; đúng hơn, một ‘đền thờ tâm hồn’ mà Thiên Chúa hằng mong mỏi nơi mỗi người. Qua miệng Khacgai, Thiên Chúa nói với dân, “Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, và như thế sẽ đẹp lòng Ta!”.
Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cho biết, “Chúa mến chuộng dân Ngài!”. Vì mến chuộng dân Ngài, nên Thiên Chúa đã không ngần ngại tỏ lộ ước muốn Ngài ấp ủ; Ngài ước mong một đền thờ vật chất ở giữa dân, nhắc nhở họ về sự hiện diện của Ngài; nhờ đó, Ngài có thể chiếm cứ ‘đền thờ tâm hồn’ họ. Ngài nói, “Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, và Ta sẽ được tôn vinh!”.
Cũng thế, trên bước đường sứ vụ của mình, điều Chúa Giêsutrăn trở không phải là xây cho được những đền thờ vật chất, nhưng là những ‘đền thờ tâm hồn’; và hẳn, Ngài cũng khát khao tâm hồn của vua Hêrôđê, một nhân vật mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến. Hêrôđê đã cai trị người Do Thái ở Galilê những 42 năm; ông trị vì từ năm thứ 2 trước Công Nguyên và tiếp tục cai trị cho đến khi bị Hoàng đế La Mã lưu đày, năm 37. Trong thời gian ông cầm quyền, hầu hết sứ vụ của Chúa Giêsu đều diễn ra trong lãnh thổ của ông, toàn bộ Galilê. Vì thế,Hêrôđê biết rất rõ về Chúa Giêsu; tiếc thay, Chúa Giêsu bất lực, Ngài không chiếm cứ được tâm hồn ông!
Tin Mừng hôm nay nói đến những thắc mắc của Hêrôđê về Chúa Giêsu; sau đó, Phúc Âm kết thúc, “Vua tìm cách gặp Ngài”. Đúng, như mọi người trong lãnh địa mình, Hêrôđê có thể đến với Chúa Giêsu bất cứ lúc nào; nhưng ông đã không đến. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hêrôđê đến với Chúa Giêsu với một tấm lòng rộng mở! Nếu ông làm được điều đó và thực sự lắng nghe Ngài, hẳn Hêrôđê đã nhận được một trong những quà tặng lớn nhất có thể tưởng tượng, quà tặng của đức tin và sự hoán cải; bấy giờ, ‘đền thờ tâm hồn’ của ông được xây dựng và ông đã bước đi trên con đường hướng tới sự cứu rỗi đời đời. Phải chăng, tự thâm tâm,Hêrôđê biết rằng,gặp Chúa Giêsu, nghe theo Ngài, nghĩa là phải thay đổi. Và rất có thể, ông không muốn thay đổi!
Không muốn thay đổi! Điều này cho chúng ta một bài học mạnh mẽ. Mỗi người chúng ta đều có thể dễ dàng gạt bỏ những lời mời lúc này, lúc khác của Chúa Giêsu; bởi lẽ, từ sâu thẳm tâm hồn, chúng ta không muốn thay đổi ! Vậy mà, Thiên Chúa vẫn đang nhẫn nại ngỏ lời với chúng ta mỗi ngày, và mọi ngày; Ngài không ngừng cung cấp những thông điệp của Ngài, Ngài muốn xây dựng trong chúng ta một ‘đền thờ tâm hồn’ dành riêng cho Ngài…chúng ta có thể cởi mở với điều Ngài nói, đáp ứng những ước ao Ngài mong; thế nhưng, khác nào Hêrôđê, bao lần, chúng ta từ chối ! Chúng ta đã cố ý hoặc vô tình bịt tai! Vậy, chìa khoá để có thể nghe được điều Thiên Chúa muốn, là chúng ta phải có khả năng thay đổi hoàn toàn theo cách Ngài muốn chúng ta thay đổi.
Anh Chị em,
Hêrôđê biết rất rõ về Chúa Giêsu; nhưng tìm gặp Ngài, để hiểu, để đi theo và thuộc về Ngài là điều ông không thể làm được; Hêrôđê không bao giờ xây dựng được tự bên trong một ‘đền thờ tâm hồn’.Hôm nay, chúng ta cùng mục kích một tâm hồn khác; đó là cố Linh mụcJB. Etcharren, một đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam. Lòng đất Huế vừa hân hoan ôm lấy một người con tuyệt vời của nước Pháp. Từ 26 tuổi, cha Etcharren chỉ khát khao một điều, là mangTin Mừng đến cho dân Việt; ‘đền thờ tâm hồn’ của cha là một bầu lửa mến yêu của một vị thừa sai Paris, vốn cống hiến suốt đời cho Giáo Hội Việt Nam. Cha Etcharren thật hạnh phúc vì đã đến, đã ở và đã chết trên mảnh đất truyền giáo mà ngài chọn làm quê hương. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con; và với ân sủng Chúa, con không sợ phải thay đổi, nhờ đó,‘đền thờ tâm hồn’ con cũng bừng cháy vì được Chúa chiếm ngự”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********
NÂNG LÊN MỘT TẦM CAO
“Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, có các môn đệ ở với Ngài!”.
Tại một vùng nông thôn, một con đường mới được xây dựng, đội công binh đang hạ các cây. Tình cờ, viên đội trưởng nhìn lên, thấy một con chim mẹ đang tha mồi vào tổ; ông đánh dấu để cây đó không bị chặt. Vài tuần sau, ông trở lại, đứng trong thùng xe, được nâng cao. Nhìn vào tổ, chim non đã biến mất;rõ ràng, chúng đã học bay. Ông ra lệnh chặt cây! Cây đổ xuống, chiếc tổ rơi ra, một số ‘vật liệu’ văng tung toé. Kìa ! Một mảnh giấy được xé ra từ một cuốn sách giáo lý ngày Chúa Nhật; mảnh giấy vụn có dòng chữ: “Chúa chăm bẵm linh hồn tôi; Ngài nâng tôi lên!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Chúa Giêsu cũng nâng chúng ta lên! Đó là một chi tiết bất ngờ trong Tin Mừng hôm nay khi có một điều gì đó xem ra mâu thuẫn,ngay ở câu mở đầu! Rằng, Chúa Giêsu vừa “cầu nguyện riêng”, vừa có các môn đệ “ở với Ngài”; nói khác đi, Ngài cầu nguyện ‘một mình’ đang khi có các môn đệ ở cùng. Đây là một sự thật thú vị, vốn nói lên một ý nghĩa vô cùng sâu sắc ! Đó là, bản tính nhân loại của chúng ta được Chúa Giêsu ‘nâng lên một tầm cao’ mới trong lời cầu nguyện của Ngài.
Thánh Bêđa giải thích mâu thuẫn hiển nhiên này rằng, “Chỉ một mình Chúa Con mới có khả năng đi vào những bí mật khôn lường trong ý muốn của Chúa Cha!”. Vì thế, ‘ở một mình’ nghĩa là, chỉ một mình Chúa Giêsu mới biết Chúa Cha cách mật thiết và trọn vẹn; và khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong bản tính nhân loại của Ngài, thì một điều gì đó mới mẻ đã xảy ra. Mặc dù Chúa Giêsu ở cùng Cha đời đời, nhưng bản tính nhân loại của Ngài không ở cùng Cha đời đời! Vì thế, khi thông hiệp với Chúa Cha lúc còn trong xác thịt con người, thì ‘bản tính nhân loại’ nơi Chúa Giêsu đột nhiên được ‘nâng lên một tầm cao’ chưa từng có trước đó. Không chỉ Người Con Vĩnh Cửu sống trong sự kết hợp hoàn hảo với Chúa Cha, mà giờ đây, Ngôi Hai ‘rất người’ đó, đã mang ‘bản tính nhân loại’ của Ngài đi vào sự nên một cao cả này.
Mặc dù điều này có vẻ hơi triết lý, nhưng nó chỉ ra một thực tế cực kỳ quan trọng, vốn tác động đến tất cả chúng ta. Qua lời cầu nguyện ‘đầy tính người’ mà Chúa Giêsu dâng lên Cha, tất cả chúng ta được mời gọi kết hợp với Ngài và thông phần vào sự nên một thần linh với Ngài. Con Thiên Chúa cho phép chúng ta chia sẻ việc nâng cao cuộc sống của mình lên tới mức ‘nên một’ với Thiên Chúa là Cha; mặc dù, Ngài luôn duy trì sự kết hợp độc nhất với Cha, nhưng dẫu sao, chúng ta vẫn được mời dự phần, hầu có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tại sao điều này lại quan trọng? Lý do là vì không có sự đáp trả nhân loại nào có thể lớn hơn so với việc chúng ta được chia sẻ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Trong cuộc sống, chúng ta không ngừng tìm kiếm sự hoàn thiện, hạnh phúc…; thế nhưng, hạnh phúc lớn nhất là được chia sẻ lời cầu nguyện ‘mang tính người’ sâu sắc của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha.
Anh Chị em,
Thật xúc động khi chúng ta đọc lại lờicầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, “Lạy Cha Chí Ái, con cầu nguyện cho họ; con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con”;“Xin gìn giữ họ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con!”. Đúng như lời của ai đó vô tình nhận được, “Chúa chăm bẵm linh hồn tôi; Ngài nâng tôi lên!”. Mỗi người chúng ta là một tuyệt tác của Ngài.Và như thế, chúng ta sẽ không còn phải sợ một điều gì nữa một khi kết hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu; sẽ không thiếu gì nữa, một khi kết hiệp với lời cầu nguyện của Ngài. Qua bài đọc Khacgai hôm nay, những lời đầy trấn an của Chúa các đạo binh cũng đang dành cho mỗi người chúng ta; ba lần, “Hãy can đảm!” và một lần, “Đừng sợ!”. Cũng thế, với lời ủi an của Thánh Vịnh đáp ca, “Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Ngài; Ngài là Đấng Cứu Độ, là Thiên Chúa của tôi!”. Như thế, trong Chúa Giêsu, chúng ta được ‘nâng lên một tầm cao’ mới. Chớ gì, lời cầu nguyện của chúng ta ngày càng sâu sắc hơn ! Hãy ước ao ‘ở một mình’ với Chúa, gặp Ngài ‘trong sâu thẳm tâm hồn’ và được kéo đến với Ngài qua chính lời cầu nguyệncủa Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu mến việc cầu nguyện, để con được ‘nâng lên một tầm cao’ mới khi cùng cầu nguyện với Ngài; nhờ đó, con có thể đạt tới sự viên mãn sâu sắc nhất trong đời sống làm con Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: