Không đọc ra dấu chỉ - Thay vì giải thoát, nó trói buộc
KHÔNG ĐỌC RA DẤU CHỈ
“Sẽ không ban cho họ dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của tiên tri Giôna!”.
Một gia đình nọ, cả thảy 5 người, được đưa đi cấp cứu, khi con mèo của họ co thắt bụng dữ dội. Họ được súc ruột, vì con mèo đã ăn một món nấm như họ. Và dù cả 5 người không có dấu hiệu bệnh, bác sĩ vẫn buộc họ đi bệnh viện. Về nhà, họ thấy con mèo khoẻ lại, nằm cạnh 5 chú mèo con lúc nhúc. Không chỉ bác sĩ, cả nhà họ đều đã ‘không đọc ra dấu chỉ’ chuyển dạ của mèo mẹ!
Kính thưa Anh Chị em,
Việc những bệnh nhân bất đắc dĩ ‘không đọc ra dấu chỉ’ dẫn đến những sai lầm buồn cười không đáng có. Thế nhưng, trong cuộc sống, không ít lần, chúng ta cũng đã có những quyết định sai lạc, vì ‘không đọc ra dấu chỉ’ của Chúa; chúng ta đã không có những hướng đi rõ rệt, dứt khoát!
Như những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đi tìm những dấu chỉ; thế nhưng, Chúa Giêsu cho biết, “Sẽ không ban cho họ dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của tiên tri Giôna. Vì Giôna đã nên dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho dòng giống này như vậy”. Phép lạ Giôna ám chỉ việc Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, chịu chết, chôn trong mồ ba ngày và phục sinh vinh hiển. Như Giôna đã trải qua ba ngày trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày như vậy.
Với chúng ta, điều cốt yếu là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là dấu chỉ vĩ đại đã được ban cho chúng ta, và cũng là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta không cần và không nên tìm kiếm một điều gì khác ngoài dấu chỉ này. Mọi thắc mắc, mọi nan đề, băn khoăn, bối rối… đều có thể được giải đáp và giải quyết nếu chúng ta chỉ đơn giản chiêm ngắm mầu nhiệm cứu chuộc cao cả này, bằng cách bước vào sự sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Tìm kiếm một dấu chỉ khác ngoài dấu chỉ này sẽ thật sự là một sai lầm; và cách nào đó, chúng ta cho rằng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là không đủ.
Khởi đầu thư Rôma hôm nay, thánh Phaolô gọi các Kitô hữu là “Những người được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha, và của Đức Giêsu Kitô”, Đấng đã sinh ra theo huyết nhục “Bởi dòng dõi Đavít… đã sống lại từ cõi chết”. Chúa Kitô là dấu chỉ lớn nhất, trọng tâm nhất cho đời sống đức tin của chúng ta. Và như thế, rõ ràng, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!” không chỉ cho những kẻ Ngài yêu nhưng còn cho tất cả nhân loại, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.
Anh Chị em,
Biết bao lần, chúng ta thấy mình phải vật lộn với những vấn nạn trong cuộc sống, vấn nạn khổ đau, vấn nạn sự chết và cả vấn nạn tội lỗi của chính mình hay của người khác. Chẳng hạn, trong những ngày này; từ Sài Gòn, hàng trăm nghìn người đang tuôn trở về các tỉnh, đó là quyền thiêng liêng của mỗi người mà không ai có quyền cấm cản. Và theo dự đoán, con số của những cuộc thiên di hồi hương này có thể lên đến hàng triệu vào những ngày sắp tới. Vậy Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì trước dấu chỉ của thời đại này; nói cách khác, trước thập giá đầy thách đố này? Đúng! Thập giá của những gia đình nghèo, thập giá của những người thân yêu hay cũng có thể là thập giá của chính của chúng ta; và nó còn là ‘thập giá sỉ diện nhức nhối của một đất nước!’. Nếu không hướng mắt nhìn lên thập giá Chúa Kitô, chúng ta sẽ ‘không đọc ra dấu chỉ’, cũng không tìm được câu trả lời. Phải chăng, Chúa muốn chúng ta bớt sống ích kỷ, bớt bám víu vào của cải và biết tựa nương vào Ngài hơn; đồng thời, có thể Ngài lại đang mời gọi chúng ta làm một điều gì đó cụ thể cho những anh chị em kém may mắn chung quanh chúng ta, ngay hôm nay.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin dạy con sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa; cho con biết lấy đó làm thước đo của các vấn nạn. Nhờ đó, con sẽ tránh được việc ‘không đọc ra dấu chỉ’ Chúa gửi đến mỗi ngày!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
THAY VÌ GIẢI THOÁT, NÓ TRÓI BUỘC
“Thật là ngốc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là ngốc, nhưng “Thật là ngốc!”, chính xác là những gì Ngài đã nói với người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay! Tại sao? Vì Ngài thấy, ở người biệt phái này, lề luật ‘thay vì giải thoát, nó trói buộc’, và trở nên chiếc bẫy mà kẻ thi hành nó rơi vào!
Tin Mừng tường thuật việc một biệt phái mời Chúa Giêsu dùng bữa; chủ nhà trách Ngài không rửa tay. Nhân cơ hội này, Ngài nói cho người ấy biết, ông đã hiểu sai lề luật. Lề luật bảo vệ và giải thoát để con người thờ phượng cách đúng đắn, giải thoát nó khỏi nô lệ các thần ngoại và tội lỗi; thế nhưng, một khi lề luật tự nó trở thành mục đích, bị cắt xén và tách rời khỏi Đấng mà lẽ ra nó con người hướng về, thì nó trở nên chiếc bẫy. Cũng thế, ngày nay, Giáo Hội Công Giáo có đủ luật lệ, tập tục và quy định khiến cả những Pharisêu khắt khe nhất cũng phải tự hào. Thế nhưng, nguy hiểm ở chỗ, Kitô hữu có thể rơi vào một trong hai cạm bẫy. Trước tiên, chúng ta tuân theo lề luật một cách mãnh liệt đến nỗi không còn nhìn thấy Đấng mà nó bảo vệ và hướng về. Chúng ta không để trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi nó; nó được tuân giữ một cách mù quáng; và ‘thay vì giải thoát, nó trói buộc’; nghĩa là chỉ làm sạch bên ngoài chiếc cốc và dừng lại ở đó, mà không tiếp tục nhìn thấy tình yêu vốn đang thanh tẩy và thánh hoá bên trong.
Cạm bẫy thứ hai, chúng ta có thể rơi vào một thái cực khác. Đó là dễ dãi với bản thân khi cho rằng, “Nếu trái tim tôi đặt đúng chỗ, tôi không cần phải lo lắng về tất cả những quy tắc này và những điều tương tự!”. Với một thái độ lỏng lẻo, chúng ta cho phép mình coi nhẹ những lề luật mà thực sự, nó sẽ giải thoát chúng ta. “Tôi biết hôm nay là Chúa Nhật, tôi phải đi lễ; nhưng đó là kỳ nghỉ! Chỉ Chúa mới biết tôi là người tốt!”. Vậy mà, chính trong Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta nhận được những ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt” đó!
Phaolô cũng đã tố cáo thái độ biệt phái này một cách mạnh mẽ trong thư Rôma hôm nay. Ngài gọi họ là “Những con người cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà”. Và thật thú vị, lời lẽ của Phaolô còn quyết liệt hơn cả Chúa Giêsu, “Họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng đã hoá ra điên dại!”.
Thế kỷ 18, thế giới biết đến Jean-Jacques Rousseau, một triết gia người Pháp, với lối sống hợm hĩnh của ông. Sự lừa dối được nhìn thấy một cách sinh động suốt đời ông. Ông tuyên bố, “Trước ngai Thiên Chúa, nào ai dám nói, ‘Tôi tốt hơn Rousseau!’”. Trước khi chết, ông tự hào, “Ôi hạnh phúc! Một người không có lý do gì để hối hận hay tự trách mình!”. Sau đó, ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, tôi trả lại linh hồn trong sáng cho Ngài như khi nó xuất phát từ Ngài; hãy để nó chung phần hạnh phúc với Ngài!”. Trong các tác phẩm, ông chủ trương ngoại tình và tự tử; và hơn 20 năm sống trong sự phô trương, hầu hết những đứa con của ông được sinh ra ngoài giá thú và lớn lên từ nhà trẻ mồ côi. Ông được biết đến như một người xấu tính, bội bạc, đạo đức giả và báng bổ!
Anh Chị em,
“Thật là ngốc!”. Hẳn Chúa Giêsu cũng sẽ nói với Jean-Jacques Rousseau như thế. Không ai trong chúng ta muốn nghe những lời này. Tuy nhiên, hãy thử lắng nghe, đừng để mình cảm thấy bị xúc phạm! Đó là những lời yêu thương thiết thực của Chúa Giêsu. Hãy khiêm tốn cho phép mình hưởng lợi từ những lời quở trách thực lòng này. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm sạch chiếc cốc tâm hồn mình từ bên trong, đó là biến đổi nội tâm hoàn toàn. Hãy để những lời này tiết lộ cho chúng ta những gì cần đổi thay. Có thể đó là lòng kiêu hãnh vốn đã làm chệch hướng các thực hành nội tâm và cách giữ luật Chúa nơi chúng ta, ‘thay vì giải thoát, nó trói buộc’ chúng ta, trói buộc tha nhân; có lẽ nó đã khiến chúng ta mù quáng hoặc quá dễ dãi trước những tội lỗi cần phải thú nhận. Hãy nghe cho được những lời này, và mắt tâm hồn chúng ta sẽ mở ra với những gì cần biến đổi. Đừng ngoảnh mặt làm ngơ; hãy cởi mở, khiêm tốn và lắng nghe! Nhờ đó, với những người công chính, chúng ta có thể cùng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con dám để Chúa quở trách, hầu con biết sống luật Chúa. Bấy giờ, ‘thay vì trói buộc, nó sẽ giải thoát con’, hướng con đến chỗ thờ phượng Chúa một cách tinh tuyền”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết: