Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hoàn toàn theo nghĩa đen - Không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

HOÀN TOÀN THEO NGHĨA ĐEN

 

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác!”; “Các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Sẽ khá ngạc nhiên khi chúng ta biết, những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay,“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác!”; “Các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ!” thì Ngài nói những điều này ‘hoàn toàn theo nghĩa đen’.

 

Khi bảo chúng ta đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác, Ngài có ý trấn an mỗi người khi phải chọn lựa trung thành với Thiên Chúa, không khuất phục trước áp lực từ bỏ Ngài.Ngài muốn chúng ta mạnh mẽ, không do dự, vì Thánh Thần của Ngài sẽ nâng đỡ, “Ơn Ta đủ cho con!”. Và đó là một sự thật mà các thánh tử đạo đã trải nghiệm. Điển hình như thánh Ignatiô Antiokia. Bị bắt,Ignatiô được chuyển đến Rôma, nơi bầy sư tử đang đợi ngài. Trên đường đi, trong một lá thư, Ignatiô van nài các tín hữu đừng‘bác ái không đúng lúc’ với Ngài khi họ nại lên hoàng đế để ngài không bị hành quyết, “Anh em đừng tỏ lòng tốt với tôi một cách vô lý. Hãy để tôi trở nên của ăn cho thú dữ”, ‘hoàn toàn theo nghĩa đen’, “hầu tôi vui hưởng Thiên Chúa”;“Là hạt lúa mì của Chúa, tôi cần được thú dữ nghiền nát để nên tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô”. Ý nghĩa biết bao với Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là chỗ dung thân; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ!”.

 

Ignatiô đã phác hoạ một mối liên hệ giữa cuộc tử đạo sắp tới của mình, lúa mì được xay nát bởi răng thú dữ, và Bí tích Thánh Thể, bánh tinh khiết của Thiên Chúa. Những từ này không chỉ mang tính loại suy khá ghê rợn nhưng còn biểu hiện một lòng đạo đức sâu sắc; đúng hơn, chúng chạm đến ý nghĩa thâm thuý nhất của mầu nhiệm Thánh Thể và sự dự phần của con người vào đó. Bí tích Thánh Thể, chóp đỉnh thờ phượng Thiên Chúa, một Thiên Chúa Nhập Thể, cũng là sự hy sinh thân mình của Chúa Kitô trên thập giá và phục sinh của Ngài. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở nên của lễ được Chúa chấp nhận cùng với những khó khăn và thử thách mỗi ngày,‘hoàn toàn theo nghĩa đen’,để duy trì sự kết hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể.

 

Thánh Têrêxa ÁvilaGiáo Hội kính nhớ hôm nay là một con người đã dâng những khó khăn và thử thách của mình để kết hiệp với Chúa Giêsu một cách tuyệt vời. Têrêxa vào tu viện Ávila’s Carmelite, một tu viện lớn, nghiêm trang;nhưng ở đó quá tiện nghi. Nhiều nữ tu mang theo địa vị xã hộivào đó; họ có bếp, nhà nguyện và phòng khách riêng; khách đến và đi tuỳ ý. Tuy tu viện không gây ra một vụ bê bối nào, nhưng cũng không ‘nặn’ ra một vị thánh nào. Têrêxa sống nhiệm nhặt và dần dần tin rằng, tu viện quá lỏng lẻo; Giáo Hội và Chúa Kitô đòi hỏi nhiều hơn thế, ‘hoàn toàn theo nghĩa đen!’. Têrêxa quyết định lập một tu viện Carmelite mới. Đã có sự phản đối gay gắt từ nhà Dòng. Hành trình của Têrêxa bắt đầu vào giữa những năm 1550, đơm hoa kết trái khi tu viện đầu tiên mở cửa 1562. Các nữ tu của Têrêxa không mang giày, không của hồi môn hay của tặng; hoàn toàn nghèo khó, phải nhịn ăn để hành xác và cầu nguyện mãnh liệt. Nhưng Têrêxa cũng không muốn có những vị thánh u ám;trái lại, vui tươi thánh thiện. Têrêxa đã thanh luyện bản thân, các nữ tu, và sau đó, là Dòng Kín. Têrêxa là nguồn cảm hứng cho các thánh cùng tên vĩ đại theo sau; đó là Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Têrêxa Benedicta Edith Stein, và Têrêxa Calcutta.

 

Anh Chị em,

 

“Đừng sợ! Các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ!”. Dĩ nhiên, Ignatiô và Tiến sĩ Têrêxa và cả chúng ta trọng hơn nhiều con chim sẻ.Thế mà trong cuộc sống, chúng ta coi nhiều thứ nhỏ nhặt là hiển nhiên bởi vì chúng dường như không giá trị gì trong các kế hoạch lớn. “Đàn sẻ quen thuộc, mấy ngày mưa bão này kiếm thức ăn ở đâu?”; “Trên các tuyến quốc lộ, những đoàn người được mệnh danh là “những người bỏ phiếu bằng chân” đã về tới quê chưa? Họ lấy gì ăn?”.“Tiền trong dân còn nhiều, làm sao để huy động được vào sản xuất”, câu nói vô tâm của ông nào đó, hay những câu hỏi trên thậm chí không phải là những câu hỏi của chúng ta; chúng ta có quá nhiều việc quan trọng hơn! Tuy nhiên, một câu hỏi như vậy đủ quan trọng đối với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa dành thời gian để nghĩ về một điều gì đó quá tầm thường trong số tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới, thì Ngài sẽ quan tâm đến nhu cầu của chúng ta biết ngần nào!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cùng bánh rượu trên bàn thờ mỗi ngày, xin cho con dám dâng Chúa những của lễ ‘hoàn toàn theo nghĩa đen’; vì biết rằng,Chúa quan tâm đến từng chi tiết tất cả những gì đang xảy ra cho con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*********

 

KHÔNG ĐỂ CẤT GIỮ, NHƯNG ĐỂ TUYÊN XƯNG

 

“Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”.

 

Trong một tác phẩm của mình, G. Sweeting viết về một tù nhân. Năm 1949, Currier bị kết tội giết người với án chung thân. Sau đó, được giảm án,anh lao động tại một trang trại.Năm 1968, bản án kết thúc, một bức thư mang tin tốt lành được gửi cho anh; nhưng Currier không bao giờ thấy nó, cũng như không biết gì về nó. 10 năm trôi qua, một sĩ quan tìm gặp anh, nói với anh, bản án của anh đã chấm dứt, anh được tự do! Tác giả kết thúc bằng cách hỏi, “Liệu bạn có lấy làm quan trọng nếu ai đó gửi cho bạn một lá thư quan trọng và năm này qua năm khác, sứ điệp không bao giờ được chuyển?Chúng ta đã hưởng nhận đức tin, trải nghiệm sự tự do của con cái Chúa, có trách nhiệm tuyên xưng và rao truyền niềm tin đó cho những người vẫn bị nô lệ bởi tội lỗi. Chúng ta có làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng, mọi người nhận được thông điệp không?”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Câu hỏi của G. Sweeting đặt cho chúng ta thật phù hợp với bối cảnh của phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Đó là đức tin, trung tâm và là trái tim của sự sống làm con cái Thiên Chúa; một điều gì đó vừa riêng tư,vừa công khai; vừa cá nhân,vừa cộng đồng; và nhất là ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng’. Chúa Giêsu nói, “Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”.

 

Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô nói đến đức tin của Abraham, một đức tin thời Cựu Ước. Chúa gọi Abraham; niềm tin của Abraham vào Chúa mang tính cá nhân, riêng tư; nhưng Ngài còn nói với ông, “Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc!”. Đức tin Abraham,bấy giờ,trở nên cộng đồng. Ai tin vào Thiên Chúa là con cháu Abraham. Là con cháu Abraham, chúng ta lãnh nhận đức tin như một ân ban, đức tin đó định hình chúng ta là ai; cốt lõi của nó là mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa. Trải qua năm tháng, chúng ta cố gắng sống mối quan hệ đó một cách trọn vẹn; quan hệ nàylại định hình mọi mối quan hệ khác, tất cả những gì chúng ta nói, mọi việc chúng ta làm. Abrahamđã tin vào giao ước của Chúa,một giao ước không chỉ cho ông, nhưng còn cho cả chúng ta. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.

 

Với Chúa Giêsu, một ‘Abraham mới’, đức tin thời Tân Ước, đòi hỏi ở một cấp độ vượt trội; cấp độ tuyên xưng!Với Ngài, giờ đây đức tin ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng’, “Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”. Ở nơi khác, Ngài còn hứa đưa chúng ta đến dự tiệc vĩnh cửu trong nhà Chúa Cha; và một trong những lời hứa quan trọng nhất của Chúa Giêsu là ban cho chúng ta quàtặng đức tin: chính Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dạy chúng ta điều phải nói, việc phải làm, ngay cả khi chúng ta phải công khai tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt người đời, vua chúa và quan quyền. Rõ ràng đức tin lúc bấy giờ, ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng!’.

 

Anh Chị em,

 

“Ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa!”. Thế mà, chưa bao giờ việc “Xưng nhận Thầy”lại khó khăn như thời buổi hiện tại. Không phải vì lý do cấm cách; thú vị thay, vì tự do! Phải, cuộc sống thời nay quá tự do, phóng túng; và dường như đangcó một áp lực xã hội nhất định nào đó kìm hãm việc tuyên xưng niềm tin của chúng ta, cũng như việc chúng ta không chuyển trao thông điệp quan trọng đã lãnh nhận.Tại sao? Phải chăng vì tâm hồn, trái tim và đầu óc của chúng ta dành chỗ cho Thiên Chúa quá ít! Thay vì Thiên Chúa, chúng ta chất vào đó bao nhiêu thứ không phải là Ngài. Chúa Kitô chưa đầy tràn trong chúng ta; vì thế, chúng ta chưa trào tràn Ngài, chưa tuyên xưng Ngài cũng như chưa nôn nả thông chuyển Ngài cho anh chị em mình. Một khi, Chúa Kitô đến sống tràn đầy trong chúng ta, chúng ta không thể làm chứng cho Ngài, thông chuyển Ngài bằng đời sống mình.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con hồng ân đức tin; rõ ràng, hồng ân đó ‘không để cất giữ, nhưng để tuyên xưng’. Muốn được vậy, xin cho tâm hồn con đầy Chúa, ngập Chúa!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)