Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một đời không ngủ - Tận cùng thế giới

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT ĐỜI KHÔNG NGỦ

 

“Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy!”.

 

Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, thế giới biết đến một vị tướng ‘huyền thoại’, mệnh danh “Bức Tường Đá”, đúng như tên gọi của ông, Stonewall Jackson. Ông uy dũng chỉ huy hầu hết những cuộc chiến quan trọng tại bờ Đông. Các sử gia quân sự coi Stonewall là một trong những chỉ huy tài năng nhất của lịch sử Hoa Kỳ.Sử gia M. Brinsley viết, “Chiến trường là nơi chết chóc, ngay cả với các tướng lĩnh; thế nhưng, sẽ thật là ngây thơ nếu cho rằng , Stonewall chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi trước cái chết. Tuy nhiên, ông luôn bình tĩnh dưới lửa đạn, một sự bình tĩnh phi thường,sâu sắc,bậc thầy,không thể tin được. Việc ông lãng quên hiểm nguy là một bí ẩn! Sau trận Manassas, ai đó đã hỏi, sao có thể như thế ! Ông trả lời, “Niềm tin vào Chúa làm tôi an lòng;Chúa biết giờ chết của tôi, tôi không quan tâm nó; nhưng tôi luôn sẵn sàng, Ngài canh thức tôi!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ngài canh thức tôi!”, “Tôi luôn sẵn sàng!”, khác nào, ‘Ngài không ngủ vì tôi’, ‘Tôi không ngủ vì Ngài!’. Và sẽ rất thú vị, nếu “những canh khuya” Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay là ba giai đoạn ‘không ngủ’ của một cuộc đời: Tuổi trẻ, canh một không ngủ; trung niên, canh hai không ngủ; và tuổi già, canh ba không ngủ.“Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy!”. Như vậy , một đời theo Chúa, quả là ‘một đời không ngủ!’.

 

Vì rằng, giữa “những canh khuya” cuộc đời,chủ có thể trở về bất chợt ; Chúa Giêsu căn dặn, “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay!”. “Hãy thắt lưng!”nghĩa là ‘buộc chặt thắt lưng’.Cụm từ này nói đến một người với chiếc áo choàng dài, khó khăn trong việc di chuyển;vì vậy, cần buộc chặt thắt lưng để chuẩn bị cho một số hoạt động thể chất ;  với người lính, là chuẩn bị để chiến đấu; nghĩa là sẵn sàng cho một điều gì đó khó khăn hoặc thử thách. “Hãy cầm đèn cháy sáng!”,nghĩa là, “Đừng ở trong bóng tối tội lỗi hoặc sự ngu dốt!”, “Hãy để ánh sáng bác ái chiếu rọi khi bạn đi qua cuộc đời!”, hay “Hãy để lẽ thật chiếu rọi tâm trí!”. Như vậy, nhờ ánh sáng đức tin, Kitô hữu chuẩn bị và sẵn sàng làm tất cả những gì Chúa muốn.

 

Với những ý nghĩa trên, Lời Chúa mời gọi hôm nay chúng ta cảnh giác trong đức tin ở mọi thời điểm cuộc đời. Vậy, sẽ rất hữu ích khi nhìn lại đời mình để tự hỏi, tôi đã trung thành thế nàoở mỗi giai đoạn? Thiên Chúa sử dụng mỗi ngườitheo nhiều cách, thời thơ ấu, buổi trung niên và cả tuổi già. Hành trình cuộc đời là một hành trình đức tin không bao giờ kết thúc,nhưng liên tục tiến đến chỗ sâu sắc hơn theo năm tháng. Vậy mà, điều này chỉ có thể thực hiện, nếu chúng ta biết “thắt lưng” và “cầm đèn cháy sáng” suốt cả cuộc đời; nghĩa là phải liên tục chú ý đến ánh sáng đức tin, và sẵn sàng hành động mỗi khi Thiên Chúagợi hứng. Có thể nói, bất cứ lúc nào, làm sao mỗi người đều có thể thưa lên,“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca. Và nếu được như thế,đời Kitô hữu quả là ‘một đời không ngủ!’.

 

‘Một đời không ngủ’còn mang một ý nghĩa tuyệt vời khác là sống trong ân sủng Chúa. Thư Rôma hôm nay cho biết, ‘Do một người mà tội đã nhập vào thế gian; cũng do một người mà ân sủng đổ xuống đầy tràn’. Chúa Kitô, Đấng ban ân sủng; ai sống trong ân sủng Ngài, ai tỉnh thức, giữ mình sạch tội… người ấy sống sự sống mới của con cái Thiên Chúa.

 

Anh Chị em,

 

“Phúc cho các đầy tớ ấy!”, nghĩa là phúc cho những tôi tớ ‘một đời không ngủ!’. Như vậy, Kitô hữu,không đơn giản là được sinh ra trong đức tin, nhưng Kitô hữu còn làm điều Chúa muốn trong mỗi giai đoạn đời mình, mỗi ngày một đào sâu và củng cố đức tin đó. Nếu tôi thực sự trung thành ở những giai đoạn đời mình, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục; nhược bằng tôi thiếu đức tin,mất cảnh giác với điều Chúa muốn, hãy thống hối và đặt điều đó trong bàn tay thương xót của Ngài và quyết tâm từ nay, sẽ làm tất cả những gì có thể để đáp lại Ngài. Đừng sợ, ‘Ngài không ngủ vì tôi!’. Chúa Giêsu luôn canh thức để bổ sức cho chúng ta; Lời Ngài soi sáng; Thánh Thần Ngài dẫn dắt; và Thánh Thể Ngài nuôi dưỡng… miễn sao chúng ta biết mở lòng mình ra để đón nhận!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ‘Chúa không ngủ vì con’, xin cho con dám nói, ‘Con cũng không ngủ vì Chúa’ hầu con có thể làm tất cả những gì Chúa muốn; và điều Chúa muốn là… con nên thánh!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

TẬN CÙNG THẾ GIỚI

 

“Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật đáng kinh ngạc, thánh Luca hôm nay Giáo Hội mừng kính,tuy chỉ là một tân tòng trở lại; nhưng với ơn Chúa, Luca đã trở nên một nhà truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như một công cụcủa Thiên Chúa, Luca mang thông điệp cứu độ của Ngài, tác động thay đổi cuộc sống nhiều người, mọi giới, mọi thời, cho đến ‘tận cùng thế giới’.

 

Là một thầy thuốc Hy Lạp ngoại giáo,Luca say mê thánh Phaolô. Tại Troa , khi Phaolô đang giảng, Luca xin trở lại và làm môn đệ ngài. Trong thư Timôtê hôm nay, Luca được Phaolô nhắc đến như một đồ đệ trung tín, “Chỉ một mình Luca ở với cha”.Là môn đồ thuộc thế hệ thứ nhất, Luca đã cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ, “nhật ký” của Giáo Hội sơ khai. Tin Mừng Luca không thể hiện một sự hiểu biết đầy đủ về niềm tin và phong tục Do Thái ; tuy nhiên,Luca lại chú tâm vào những gì cần thiết cho các anh em ngoại giáo; đó là một Thiên Chúa xót thương, chữa lành. Trong Tin Mừng hôm nay, Luca cho biết, “Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi”. Chỉ Luca đề cập đến việc sai đi quy mô với con số72; các Tin Mừng khác chỉ nói đến nhóm Mười Hai. Mặc dù nhiều người trong số 72 này đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng chắc chắn, một số đã đến những lãnh địa không phải là Do Thái; vì thế, ‘nhóm 72’ đông đảo này là biểu tượng cho sự chuẩn bị tất cả mọi anh em lương dân ‘tận cùng thế giới’ đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

 

Với chỉ một mình Luca, chúng ta nợ ngài về những kiến ​​thức của mầu nhiệm Nhập Thể; đặc biệt với những khoản nợ rõ ràng như kinh Magnificat, Benedictus và Nuncdimittis mà Giáo Hội đọc mỗi ngày. Với biến cố Truyền Tin, cứ như thể Luca lấp ló sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh đẹp, nơi Tổng lãnh thiên thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Giêsu; bối cảnh này cũng lànền tảng của kinh “Kính Mừng”. Và cũng chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong buổi phôi thai của Hội Thánh.

 

Qua Công Vụ Tông Đồ, Luca được cho là một người quan sát rất chính xác, khéo liên kết các sự kiện thiêng liêng với lịch sử thế tục. Nhiều chi tiết của Luca đã được khoa khảo cổ học xác nhận; các học giả nổi tiếng của thế giới đánh giá cao Luca. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay nhận xét, “Luca là một nhà sử học hạng nhất; những tuyên bố thực tế của ông đáng tin cậy... Luca đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E.M. Blaiklock, giáo sư kinh điển Đại học Auckland nói, “Luca là một nhà sử học xuất sắc, được xếp ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; tiến sĩ Norman L. Geisler cho biết, “Nói chung, Luca đã kể tên ba mươi hai miền, năm mươi bốn thành phố và chín hòn đảo mà không có một sai sót thực tế hoặc lịch sử nào!”.Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong sự nghiệp cầm bút của mình, Luca không viết với tư cách một nhà sử học mà là một nhà truyền giáo; Luca công bố sứ điệp của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài cho đến ‘tận cùng thế giới’. Có truyền thống cho rằng, Luca còn là một hoạ sĩ; một tác phẩm nổi tiếng về Đức Maria đã được gán cho Luca, nhưng ít khẳng định về tính chính xác lịch sử; dẫu sao,chi tiết này cũng cho biết lý do tại sao Luca được gọi là người bảo trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.

 

Anh Chị em,

 

Nhân ngày kính thánh Luca,chúng ta đọc lại trình thuật ‘nhóm 72’ được sai đi, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều được sai đi,đến với những người cùng chung đức tin và cả những người chưa biết Chúa. Hãy đặc biệt cầu nguyện cho một ai đó, cho một số người nào đó và đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo cho họ như thánh Luca với những phương tiện tuyệt vời ngày nay. Khi làm vậy, chúng ta vẫn có thể tạo ra một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào đó; và như Luca,mỗi người chúng ta sẽ tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, lòng thương xót của Ngài,cho đến ‘tận cùng thế giới’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin đừng để con lơi lỏng, dù chỉ một ngày, trong việc chuyển trao Lời Chúa đến ‘tận cùng thế giới’ cho anh chị em con. Lạy thánh Luca, quan thầy của các nghệ sĩ, xin truyền cảm hứng cho con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)