Cuộc viếng thăm lần ba - Thổi cho nó bùng lên
CUỘC VIẾNG THĂM LẦN BA
“Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi chúng ta nói đến những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ của Chúa Giêsu,nhân việc Ngài gợi lên hình ảnh ‘trộm viếng đêm khuya’ qua Tin Mừng hôm nay, “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức”.
Tiếp nối dụ ngôn ông chủ đi ăn cưới về bất chợt giữa đêm của Phúc Âm hôm qua; Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta phải tỉnh thức vì không biết giờ nào, ngày nào, Ngài đến với mỗi người. Ngài đã đến với nhân loại lần thứ nhất vào ngày Giáng Sinh; sẽ đến với thế giới lần thứ hai trong ngày thế mạt; giữa hai lần đến đó,Chúa Giêsu vẫn liên tục đến với chúng ta qua những ‘cuộc viếng thăm lần ba!’.
Những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ của Chúa Giêsu đến với chúng ta xảy ra liên lỉ, hằng giây, hằng phút trong đời sống mỗi người. Trước hết, khi chúng ta cầu nguyện bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào; khi chúng ta dâng tâm hồn lên Chúa,phụng thờ Ngài và lắng nghe Lời Ngài. Những cuộc viếng thăm này còn được gọi là những cuộc viếng thăm của ân sủng, chúng đang diễn ra mỗi ngày trên các bàn thờ khi chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ; ở đó, cùng với Chúa Giêsu Tư Tế, Linh mục Thượng Phẩm, chúng ta dâng lên Chúa Cha hy tế đời mình hiệp với hy tế tử nạn của Con Thiên Chúa. Những cuộc viếng thăm của Ngài còn diễn ra qua các Bí tích, khi chúng ta hưởng nhận ân sủng của Ngài cách này, cách khác; chẳng hạn, Bí tích Giải Tội, qua đó, chính Chúa Giêsu đang ban ơn tha thứ và chữa lành chúng ta. Những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ này còn diễn ra trong cuộc sống mỗi ngày,khi chúng ta gặp gỡ tha nhân;cách riêng, những người nghèo khó với ý thức rằng, chính những anh chị em này là hiện thân của Ngài.
Qua thư Rôma hôm nay, thánh Phaolô cũng nói đến một cảm thức về việc được Thiên Chúa viếng thăm; một cuộc viếng thăm với ân sủng dư tràn. Ân sủng lớn nhất của Ngài là cứu thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi, “Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em”;để từ đó, chúng ta trở nên công chính trong ơn nghĩa Chúa, trở nên tôi tớ phục vụ Ngài, “Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em được nhận vào phục vụ đức công chính”.Rõ ràng, “Ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa!” như tâm tình biết ơn của Thánh Vịnh đáp ca.
Mỗi lần viếng thăm, Chúa Giêsu mang theo ân sủng. Suối nguồn ân sủng Giêsu đang đến với chúng ta như dòng suối đi tìm con người; dòng suối lượn lờ, va đập, gõ vào tim chúng ta hằng giây hằng phút. Ngài mong mỏi chúng ta mở ngay cửa cho Ngài, và Ngài sẵn sàng ùa vào, dùng bữa tối với chúng ta. Ở đây, ngạc nhiên thay, cuộc đón tiếp lại đổi vai; không phải chúng ta đón lấy Giêsu; nhưng chính Ngài, dòng suối ấy lại đón lấy chúng ta, ôm ấp và rửa sạch chúng ta.Chính Ngài đã từng nói, “Chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng”.
Ngày kia, Tổng thống Gerald Ford đến thăm Đại học Northeastern State ở Oklahoma.Khi ông chuẩn bị điểm tâm với một số đại diện sinh viên và học sinh Trung học, thì một trong các nữ sinh vướng vào thảm cỏ; cô ấy đâm sầm vào Ford. Cô liên tục xin lỗi khi Tổng thống giúp cô đứng lên; ông mỉm cười thông cảm và nói nhỏ vào tai cô, “Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”.
Anh Chị em,
“Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đang thì thầm với chúng ta trong những ‘cuộc viếng thăm lần ba’ của Ngài; và còn hơn thế nữa, Ngài không chỉ không trách chúng ta giả vờ đâm sầm vào Ngài, nhưng muốn chúng ta mạnh dạn ôm chầm Ngài. Vòng tay Ngài đang dang ra, chờ đợi chúng ta. Đừng sợ ! Hãy can đảm trước Ngài, dẫu chúng ta có bất xứng yếu hèn đến đâu. Ngài sẽ sẵn sàng bổ sức, ban ân sủng, vỗ về chúng ta, để chúng ta mạnh mẽ trở nên những tôi tớ trung thành của Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đến thăm con mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, nhưng buồn thay, không mấy lần, con nhận ra Ngài; bằng chứng là con chưa nên thánh. Xin mở mắt đức tin cho con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
THỔI CHO NÓ BÙNG LÊN!
“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên!”.
Năm 1831, nhà văn Pháp,Alexis de Tocqueville, sau khi thăm nước Mỹ, đã nói, “Tôi tìm kiếm sự vĩ đại của Hoa Kỳ, một ‘mệnh phụ kỳ bí’, ở những bến cảng giàu có, những con sông rộng, những cánh đồng màu mỡ và những cánh rừng vô tận của bà… và nó không có ở đó! Tôi tìm kiếm nó ở những khu mỏ trù phú, các trung tâm thương mại sầm uất, các đại học lừng lẫy… nó không có ở đó! Tôi tìm kiếm nó trong Quốc Hội, cả bản Hiến Pháp dân chủ… nó cũng không có ở đó ! Mãi cho đến khi tôi đi vào các nhà thờ, nghe từ bục giảng những Lời Hằng Sống ‘thổi cho nó bùng lên’ lửa yêu thương và sự chính trực; tôi đã hiểu được bí mật về thiên tài và sức mạnh của bà! Nước Mỹ vĩ đại vì nước Mỹ tốt; và khi nước Mỹ không còn tốt, nước Mỹ sẽ không còn vĩ đại!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu bí mật về thiên tài và sức mạnh của Hoa Kỳ nằm ở lửa yêu thương và sự chính trực, thì Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ một bí ẩn nơi Chúa Giêsu, một dằn vặt mãnh liệt, một khát khao cháy bỏng trong Ngài ! Ngài nóng lòng ‘thổi cho nó bùng lên’ lửa tình yêu trong trái tim mỗi người. Ngài nói, “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên!”.
Để có thể đốt lên ngọn lửa yêu thương của Thánh Thần, Chúa Giêsu đã phải đắm chìm trong phép rửa đớn đau tột cùng của thập giá.Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh, Ngài thắp lên trong chúng ta một tia lửa mới khi chúng ta chết và sống lại trong Ngài, quaphép Rửatái sinh. Ngài muốn tia lửa ấy cháy lên, phát ra một sức thiêng trong đời sống mới của những con cái Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta quan tâm đến việc đào tạo những tia lửa ấy thành một ngọn lửa ngày càng gia tăng sự thánh thiện,lan toả tình yêu;‘thổi cho nó bùng lên’,và không bao giờ cho phép những áp lực bên ngoài, hoặc bất cứ những gì tầm thường dập tắt nó, kể cả những tương quan ruột thịt !
Thế nhưng, để có thể chiếu sáng, sưởi ấm và toả lan; trước hết, lửa này phải là lửa thanh tẩy ! Thánh Gioan Thánh Giá giải thích, việc chúng ta được thông hiệp vào sự sống thần linh của Thiên Chúa tựa một khúc gỗ được đưa vào lò.Thoạt tiên, khúc gỗ nứt ra và nổ lốp bốp bởi các tạp chất như hơi ẩm hoặc nhựa cây, chúng không cháy khi gỗ cháy. Thế nhưng,nếu tiếp tục cháy, cuối cùng,tất cả các tạp chất của khúc gỗ bị đốt cháy;bấy giờ,gỗ quyện trong lửa và chỉ còn là ngọn lửa. Nó lấp lánh, phát ra ánh sáng và sức nóng.
Như vậy, ước muốn ‘đốt cháy thế gian’bằng lửa Thánh Thần tình yêu của Đấng Phục Sinh phải được bắt đầu bằng việc thanh tẩy linh hồn,và điều này chỉ có thể thực hiện nếu mỗi Kitô hữu dám để lửa ấy thanh luyện linh hồn mình . Đây cũng là điều mà thánh Phaolô muốn ‘thổi cho nó bùng lên’ qua thư Rôma hôm nay, “Anh em hãy phục vụ đức công chính, hầu trở nên thánh thiện”. Sự thiêu rụi nào cũng tiêu hao và xót xa, nhưng ai cậy trông vào Chúa, người ấy sẽ chiến thắng; Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.
Anh Chị em,
“Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên!”. Vậy mà, trong hành trình đức tin, chúng ta thường hài lòng với những gì khá là tầm thường. Chúng ta cầu nguyện, dự lễ Chúa Nhật và cố gắng trở nên tốt; nhưng đó không phải là tất cả những gì Thiên Chúa chờ đợi. Ngài luôn muốn nhiều hơn! Cuộc sống của chúng ta phải được đốt cháy hoàn toàn bởi lửa Thánh Thần của Ngài; Ngài muốn thanh luyện chúng ta khỏi mọi tội lỗi, đến nỗi có thể hoà quyện nên một với Ngài,hầu cùng Ngài ‘thổi cho nó bùng lên’, toả chiếu vinh quang Ngài cho mọi người “dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì”.Đừng ngại đưa ra một quyết định triệt để hầu cho phép lửa xót thương của Ngài biến đổi đời mình; và đừng đợi đến ngày mai để bắt đầu. Hãy đốt cháy lửa ấy ngay hôm nay!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước chi từ trong sâu thẳm lòng con, lửa yêu thương của Chúa rực sáng. Nhờ đó, con tiếp tục ‘thổi cho nó bùng lên’, mang hơi ấm tình yêu Chúa đến tận mút chân trời thế giới!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: