Ki-tô hữu và chiếc thẻ bài mang tên Ki-tô hữu
KITÔ HỮU VÀ CHIẾC "THẺ BÀI" MANG TÊN KITÔ HỮU
Thời chiến tranh, mỗi quân nhân được cấp cho một miếng gọi là thẻ bài quân nhân. Thẻ bài quân nhân là tên chính thức cho các thẻ định danh mà được đeo bởi nhân viên quân sự hoặc binh lính.
Một số loại thẻ bài được sử dụng cho người dân để nhận dạng người đeo và xác định tình trạng sức khỏe.
Thẻ bài quân nhân gần đây đã trở thành một loại hình thời trang của giới trẻ và thường được in lên thông tin của người đeo nó, nickname, câu nói yêu thích, nhóm máu...
Như một người lính khi tham gia quân đội, người Kitô hữu được cấp 1 chiếc "thẻ bài" như vậy.
"Thẻ bài" của người Kitô hữu ghi dấu ngày người đó được lãnh Bí Tích Thanh Tẩy. Ngày sinh là ngày rất quan trọng nhưng rồi ngày nhận phép rửa quan trọng không kém vì ngày hôm đó người nhận được đón nhận ơn tái sinh, được trở thành con cái Chúa và được gia nhập vào gia đình của Chúa.
Với ơn tái sinh, người Kitô hữu có ngay 3 đặc ân đó là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Với tư tế ngôn sứ, người Kitô hữu mang trong mình sứ mạng truyền giáo. Sứ mạng này cũng chính là sứ mạng của Giáo Hội. Không chỉ là sứ mạng mà còn là bổn phận và trách nhiệm của Giáo Hội cũng như của mỗi phần tử trong gia đình Giáo Hội.
Khi mang trong mình chiếc thẻ bài, người lính không chỉ hãnh diện mà còn làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình khi trở thành lính. Người lính ra trận luôn ý thức sứ mạng cũng như trang bị cho mình những gì cần thiết, tránh rườm rà, hình thức bề ngoài. Càng đơn giản và cần có vũ khí chiến lược thì mới thắng trận được. Nếu chỉ khư khư với bề ngoài thì e rằng sẽ cản trở cho đời lính.
Kitô hữu cũng vậy ! Kitô hữu luôn luôn được nhắc nhở sứ mạng truyền giáo của mình. Kitô hữu cần trang bị cho mình sự nhẹ nhàng thanh thoát với thế gian, giản dị và nghèo khó bởi Giáo Hội là Giáo Hội của những người nghèo.
Trải dài nhiều thập kỷ. Tỷ lệ người Công Giáo trên toàn thế giới có gia tăng nhưng cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Ngay cả ở Việt Nam cũng vậy, con số tròm trèm 7% dường như cứ đứng ở đó mãi không chịu nhích lên.
Thời buổi kinh tế phát triển, ta không thể phủ nhận sự phát triển về Đền Thờ, về nơi phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo. Đây là điều vui, niềm vui nhưng đàng sau lưng niềm vui ấy lại là nỗi buồn hay là nỗi lo nói đúng nghĩa hơn.
Giáo Hội nếu không cẩn thận sẽ đi theo con đường vụ hình thức bên ngoài, siêng năng rước sách và nghinh kiệu. Tất cả những điều đó dường như chỉ tôn vinh cái vẻ hoành tráng ở bên ngoài.
Như lời phát biểu của vị Tổng Giám Mục kia trong ngày khánh thành Trung Tâm Mục Vụ của một Giáo Phận xem chừng ra hết hồn. Ngài ca tụng rằng ở cái Trung Tâm Mục vụ này cái gì cũng nhất ... kể cả bữa ăn cũng nhất.
Đáng mừng nhưng cũng đáng lo khi đền đài xây to quá, kinh khủng quá ! Tiếc thay là đàng sau những đền đài đó là những ngôi nhà thờ trong những vùng nghèo sao mà thương quá. Gọi là nhà thờ nhưng xem chừng thua một ngôi nhà ở của một gia đình bình thường vì xung quanh cột cây siêu vẹo cùng những tấm tôn chấp vá.
Xã hội phân cấp đã đành. Giáo Hội dường như không cẩn thận cũng sẽ phân tầng như vậy với những vùng miền xa vắng. Nơi thì hoành tráng quá, chỗ thì chẳng có chi.
Và nếu cứ chạy theo cái vẻ bên ngoài thì coi chừng sẽ bị mất chất ! Giáo Hội : "Đường hay pháo đài" như thao thức của ai đó như nhắc nhớ mạng của Giáo Hội. Khi Giáo Hội chỉ chăm chú vào chuyện xây cất, hình thức thì sẽ xa rời những người nghèo và khi đó những người nghèo dĩ nhiên xa Giáo Hội.
Giáo Hội là Giáo Hội của những người nghèo để rồi càng giản dị, càng đơn sơ thì mới toát lên được bản chất của Đức Kitô thanh thoát với trần gian. Khi bị cuốn hút bởi những hình thức bên ngoài, rước sách thì những người nghèo không có chỗ và những người trong đoàn rước lại không có tâm tình thật sự vì ngay bản thân họ chỉ lo chau chuốc cho bên ngoài. Sau kỳ lễ hội, rước sách, hành hương thì cuộc sống trở về như trước và có khi còn tệ hơn trước bởi sính cái vẻ bên ngoài.
Mỗi lần bước chân đến những ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy chân tôi có cảm giác lành lạnh. Xung quanh còn nhiều người nghèo quá thì không biết Chúa có vui không ?
Một vị thiền sư chia sẻ : "Với tôi, chuyện không phải chùa này cao, chùa kia lớn hay chùa nọ có cái chuông to. Điều cần thiết là khi người ta đến chùa của tôi về tâm người ta có an hay không ?"
Tư tưởng dễ thương quá đi chứ ! Và như vậy, chuyện cần thiết của một Giáo Hội không phải là xây 1 "pháo đài" cho thật to nhưng là làm "con đường" cho thật ý nghĩa để con đường đó thật sự dẫn người ta đến với Chúa.
7 % ! Con số nhẹ nhàng và lặng lẽ luôn nhắc nhớ mỗi Kitô hữu ! Kitô hữu là ai và Kitô hữu có sống đúng với sứ mạng chiếc "thẻ bài" mà mình có hay không ?
Trong bữa cơm, con bé ở trọ chung nhà nói : "Chuyện người Kitô hữu sống chết chả quan trọng ! Quan trọng là sau khi chết có được lên thiên đàng hay không ?"
Ờ hay nhỉ ! Con bé nhỏ nhưng suy nghĩ đúng và sâu sắc. Cả đời người Kitô hữu mang trong mình chiếc "thẻ bài" là bí tích rửa tội để rồi sống như thế nào để sau này có chổ trong Nước Trời mới là quan trọng. Khi và chỉ khi người Kitô hữu sống trọn vẹn sứ mạng của mình thì khi đó người khác nhìn vào mới trân quý và mới xin theo đạo được.
Khánh nhật truyền giáo
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: