Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kìa , Ngài gọi anh ! - Đứng thẳng trở lại

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

“KÌA, NGÀI GỌI ANH!”

 

“Hãy vững tâm đứng dậy.Kìa, Ngài gọi anh!”.

 

Một câu tiếng Pháp khá quen thuộc chúng ta thường nghe, “Aide-toi, le Ciel t’aidera!”, “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy một thanh niên, tuy mù loà, nhưng tính cách của anh thật mạnh mẽ đúng như câu nói ấy,“Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”. Và không chỉ Trời sẽ giúp, mà cả người cũng sẽ giúp; đó là những kẻ trước đó, mắng anh, bảo anh im đi,vì anh quấy rầy họ, quấy rầy Chúa Giêsu; nhưng sau khi Ngài dừng lại, họ nói với anh, “Kìa, Ngài gọi anh!”.

 

Đó là Bartimê,một người ngồi ăn xin bên cổng thành, nơi Chúa Giêsu và một đoàn người vừa đi ra.Là một người ăn xin, Bartimê đủ nhạy bén để nhận ra rằng,việc làm phiền những người anh cần cầu xin là điều không tốt; tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi qua, anh không thểim lặng.Ngay cả khi bị ‘khách hàng’ của anh quở mắng, anh vẫn la lên, “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!”. Bartimê được thúc đẩy bởi một niềm tin chắc chắn rằng, con người có tên Chúa Giêsu ấy có thể thay đổi rất nhiều điều trong cuộc sống của anh. Vì vậy, không ai và không gì có thể ngăn anh khỏi mục tiêu gặp gỡ bằng được Ngài; họ càng cản ngăn, tiếng anh càng lớn,“Hỡi Con vua Đavít, xin thương xót tôi!”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Đây là một lời cầu nguyện tuyệt vời hơn bất cứ lời qua tiếng lại nào của bất kỳ một cuộc thảo luận nào! Đó là tiếng nói của một trái tim nhân loại đang kêu lên; và tất cả chúng ta đều có tiếng nói này tự bên trong mình. Một tiếng nói phát ra tự nhiên mà không cần ai phải tác động, một tiếng nói tự hỏi về ý nghĩa cuộc hành trình của mỗi người trên trái đất, nhất là khi chúng ta thấy mình đang ở trong bóng tối, “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Xin thương xót con”. Quả đây là một lời cầu nguyện đẹp nhất!”.

 

Với tiếng la inh ỏi của anh mù, có hai thái độ hoàn toàn khác nhau trước và sau đó nơi những người tháp tùng Ngài. Trước đó, “nhiều người mắng anh, bảo anh im đi”; nhưng khi Chúa Giêsu dừng lại, truyền gọi anh, họ đổi ngay thái độ, “Hãy vững tâm đứng dậy.Kìa, Ngài gọi anh!”.

 

“Kìa, Ngài gọi anh!”; một lời mách bảo giàu ý nghĩa trong Chúa Nhật, Khánh Nhật Truyền Giáo . Đó là những lời mà tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, phải nói cho anh chị em mình.Trong bài đọc thứ nhất, Giêrêmia đã thấy trước ngày hân hoan ấy khi Chúa dẫn dân Ngài về lại thánh đô, “Này, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất Bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất!”. Chính Israel dân Chúa, sẽ nói cho những người thuộc dân ngoại rằng,“Kìa, Ngài gọi anh!”; và tất cả sẽ hân hoan trong Ngài khi cảm nhận được lòng thương xót Chúa, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!”.

 

Anh Chị em,

 

“Kìa, Ngài gọi anh!”. Như Bartimê bên vệ đường cổng thành, biết bao nhiêu người giờ đây đang ngồi ‘bên lề cuộc đời’ của chính họ, hay bên lề xã hội, cần lắng nghe những lời động viên phấn khích và hy vọng ấy! Đó là những bệnh nhân ung thư, những người trầm cảm,những con người vô danh không có tiếng nói mà Đặng Hoàng Giang vừa nói thay cho họ trong cuốn “Đại Dương Đen” của anh; đó là hàng triệu người đang xác xơ tất tưởi sau những tháng ngày dịch bệnh; những người thất nghiệp, những người tuyệt vọng; những người đang lung lạc đức tin hay những người đang đắm chìm trong tội lỗi… và Anh Chị em, quan trọng hơn, đó cũng có thể là mỗi người chúng ta, những kẻ cần lắng nghe hơn ai hết những lời thiết tha này, “Kìa, Ngài gọi anh!”.“Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp!”. Như anh mù, chúng ta hãy tự giúp mình bằng cách la lên, “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!”, và vứt lại ‘những chiếc áo vướng bận’ của mình để đến với Ngài; và chắc chắn, cũng sẽ hưởng nhận những gì cần thiết để tạo nên một sự khác biệt!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin thương xót con, xin chữa lành con! Nhờ đó, con có thể bước đi trên đường Chúa đi; và có thể giúp cho những anh chị em đang tổn thương biết rằng, “Kìa, Ngài gọi anh!””, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

ĐỨNG THẲNG TRỞ LẠI

 

“Ngài đặt tay trên bà, tức thì bà đứng thẳng lên!”.

 

“Bán chó con”, tấm biển đong đưa. Một cậu bé gõ cửa, “Cháu muốn một con, nếu không quá đắt!”. Chủ nhà đáp, “Con trai, 25 đô la!”. Cậu bé như bị nghiền nát. “Cháu chỉ có hai đô la và năm xu. Cháu có thể xem?”. “Tất nhiên ! Có thể cũng giải quyết được điều gì đó”. Đôi mắt cậu bé nhảy múa khi nhìn thấy năm quả bóng lông tuyệt vời. “Cháu nghe, có một con bị tật, không đứng thẳng được”; “Đúng vậy, ‘cô ấy’chắc sẽ tàn tật suốt đời!”; “Ôi, đó là con chó cháu muốn. Cháu có thể trả mỗi lần một ít được không?”. Người đàn ông trả lời, “Nhưng ‘cô ấy’ sẽ luôn đi khập khiễng”. Mỉm cười một cách dũng cảm, cậu bé kéo một ống chân lên, để lộ một cái nẹp. “Cháu cũng không đứng thẳng!”. Sau đó, nhìn con chó một cách trìu mến, cậu bé nói, “‘Cô ấy’ sẽ cần rất nhiều tình yêu và sự chăm sóc. Nhất định rồi. Không dễ tàn tật như vậy, ‘cô ấy’ sẽ đứng thẳng!”.“Đây, đưa cô ấy đi!”,người đàn ông nói. “Tôi biết ‘cô ấy’sẽ có một người bạn tốt. Và chỉ cần, quên tiền đi!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Cô ấy sẽ đứng thẳng!”,ở đây không phải là ‘cô cún’ mà cậu bé tật nguyền chọn cho mình, nhưng là một phụ nữ được Chúa Giêsu chữa lành trong Tin Mừng hôm nay. Một chi tiết khá thú vị là, có những mẫu chuyện về phụ nữ không thấy ở đâu khác trong Phúc Âm,lại chỉ được tìm thấy ở Tin Mừng Luca. Câu chuyện người phụ nữ còng lưng hôm nay là một trong số ấy. Chúa Giêsu chạm vào cô, khác nào Ngài chạm vào cuộc đời cô,và cô đã có thể ‘đứng thẳng trở lại!’.

 

Chắc hẳn,mỗi phép lạ Chúa Giêsu làm đều là một hành động của lòng thương xót; thế nhưng, câu chuyện của “người con gái Abraham” còng lưng 18 năm này sẽ còn nhiều điều thú vị hơn thế; nó mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc hơn chúng ta tưởng!

 

Trước hết, dù một số phép lạ được thực hiện theo lời khẩn xin hoặc theo yêu cầu; nhưng phép lạ Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ này chỉ đơn giản xảy ra nhờ vào lòng nhân ái của Ngài. Dường như cô không tìm kiếm một sự chữa lành nào; nhưng nhìn thấy cô, xem ra trái tim của Chúa Giêsu ngừng đập và Ngài nhất định phải ra tay!Trên thực tế, gần như tất cả các cuộc cứu chữa của Ngài đều mang một ý nghĩa biểu tượng cho những đau khổ sâu sắc hơn mà con người có thể cùng lúc phải chịu ! Điếc, không thể nghe Lời Chúa và tiếng nói của Thánh Thần; mù, không thể thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, trong tha nhân; câm, không thể nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài; liệt, không thể làm những gì ân sủng thúc giục; hủi, bị cắt đứt hoặc tự cắt đứt các mối quan hệ; và quỷ ám, bị kìm kẹp bởi tội lỗi, nghiện ngập… Tất cả những thiểu năng thương tật ấy không cho chúng ta có năng ‘đứng thẳng’được!

 

Thông điệp thứ hai là,sau khi được chạm đến,phụ nữ này đã ‘đứng thẳng trở lại’. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng cho những gì mà ân sủng của Thiên Chúa đã chạm tới! Khi Thiên Chúa chạm vào ai, người ấy có thể ‘đứng thẳng trở lại’; họ tự tin bước đi như những con trai, con gái của Thiên Chúa. Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác tín, “Chúng ta có thể kêu lên, ‘Abba, Cha ơi’. Vì chính Thánh Thần đã làm chứng rằng, chúng ta là con cái Thiên Chúa”; để mỗi người có thể cất lên, “Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ!”, như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

 

Anh Chị em,

 

“Cô ấy sẽ đứng thẳng!”.Có một biểu tượng nhất định trong việc cô ấy phải còng lưng và không thể đứng thẳng. Về mặt tâm linh, đó không phải là vấn đề của chúng ta sao? Rất nhiều người trong chúng ta đang co quắp với những gánh nặng triền miên trong cuộc sống. Đó có thể là một vết thương lòng, một nỗi luyến nhớ,một tội lỗi nào đótrong quá khứ… tất cả những điều đó có thể khiến chúng ta dị tật và không ‘đứng thẳng’ được. Chúa Giêsu không chỉ chạm đến, Ngài còn ôm ấp; không chỉ ôm ấp, Ngài còn mang lấy thương tật của chúng ta đến nỗi chết trên thập giá. Hãy tìm đến Ngài, trân quý những phút giây đối diện với Ngài; Ngài cũng sẽ nhìn thấy chúng ta và biết chúng ta cần gì; và hẳn Ngài cũng sẽ chữa lành để chúng ta có thể ‘đứng thẳng trở lại’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, chỉ mình Chúa biết con đang thương tật làm sao khiến con không ngẩng lên được; xin thương chạm đến con, chữa lành con,hầu con cũng có thể ‘đứng thẳng trở lại’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)