Một ngày kia, sẽ hoàn thành - Cùng lên Gierusalem
MỘT NGÀY KIA, SẼ HOÀN THÀNH
“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa!”.
Đi du lịch Ý, một người khách đến thăm một ngôi thánh đường đồ sộ vừa được hoàn thành phần ngoài. Vào bên trong, du khách ấy thấy một nghệ sĩ nhỏ bé đang quỳ gối trước một bức tường rộng lớn mà trên đó,anh vừa tạo một bức khảm mosaic; bên cạnh anh, hàng nghìn mảnh gốm màu. Tò mò, du khách hỏi, “Làm sao anh có thể hoàn tất một công trình lớn như thế?”.Nghệ nhân trả lời,“Tôi biết,tôi có thể hoàn thành bao nhiêu trong một ngày. Mỗi sáng, tôi đánh dấu phần sẽ hoàn tất hôm đó, và không lo lắng về những gì còn lại bên ngoài không gian kia. Đó là điều tốt nhất tôi có thể; và nếu tôitận tuỵ làm hết sức mình, bức khảm ‘một ngày kia, sẽ hoàn thành!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Không chỉ bức khảm của ngôi thánh đường ‘một ngày kia, sẽ hoàn thành”, nhưng ơn cứu độ của chúng ta cũng thế ! Dẫu trong Chúa Kitô, nó đã được ban cho nhân loại một cách đầy đủvà trọn vẹn; cũng vậy, Nước Trời vẫn là một thực tại dở dang, mãi cho đến ngày chúng ta hợp hoan với Thiên Chúa Cha trên thiên đàng. Đó cũng là những gì phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy!
Trong thư Rôma hôm nay, thánh Phaolô cho biết, chúng ta sở hữu Chúa Thánh Thần, nhưng Thánh Thần này mới chỉ là hoa trái đầu mùa của sự cứu rỗi;bởi lẽ, “Không chỉ các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta”.Chúng ta chưa phải là tất cả những gì Thiên Chúa định cho mỗi người trở thành. Qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã bắt đầu công việc tốt lành của Ngài trong cuộc sống của mỗi người, công việc đó chưa hoàn tất,nhưng phải đợi đến ‘một ngày kia, sẽ hoàn thành’ trong cõi đời đời. Vì thế, chúng ta luôn luôn sống trong hy vọng, tin yêu; chúng ta đangluôn ở trên đường; chưa đến đích!
Sứ điệp của Phaolô gắn liền với giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến tiềm năng của Vương Quốc Ngài qua hai dụ ngôn. Ngài ví Nước Trời như hạt cải mà người kia đã gieo vào vườn mình; hoặc như men mà phụ nữ nọ trộn vào ba đấu bột. ‘Hạt cải chưa mọc thành cây’,‘chút men chưa làm dậy bột’; tuy nhiên, nhờ sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, công trình của Thiên Chúa đã vận hành trong thế giới và trong cuộc sống mỗi người. Đây là quá trình mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta hợp tác; và nếu mỗi người tiếp tục quảng đại âm thầm dấn thân cho công việc này nơi chính mình và trong thế giới, nhân loại sẽ sớm cảm nghiệm được sự cứu rỗi viên mãn của Thiên Chúa, và sự ngự trị đầy đủ của Vương Quốc Ngài vốn ‘một ngày kia, sẽ hoàn thành’.Bấy giờ, mỗi người sẽ cảm nhận công trình cứu độ vĩ đại của Thiên Chúa như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại!”.
Anh Chị em,
Chúng ta “ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa” và Vương Quốc của Ngài; thế nhưng, Vương Quốc Ngài đang hiển trị nơi tất cả những ai phục tùng quyền năng yêu thương của Ngài trong cuộc sống và trong các mối quan hệ của họ. Chúa Giêsu vừa là biểu tượng,vừa là hiện thân của Vương Quốc này khi qua Ngài, quyền năng yêu thương của Thiên Chúa đã xâm nhập vào cuộc sống của mọi người. Và, trong mức độ họ chấp nhận Ngài và thông điệp của Ngài, Vương Quốc của Thiên Chúa đang trở nên hiện thực. Vì thế, đừng nản lòng nếu nỗ lực của chúng ta không mang lại một kết quả rõ ràng. Đơn giản, chỉ cần cam kết trồng, cam kết gieo, cam kết dậy men lần này lần khác; hãy thoả thích gieo mầm niềm tin và xem đây là sứ mạng của mình! Nếu mỗi người làm tốt điều này trong suốt cuộc đời mình, thì từ thiên đàng, ngày kia, chúng ta sẽ nhìn lại và ngạc nhiên về cách thức Thiên Chúa quyền năng sinh ra Vương Quốc Ngài, một Vương Quốc mà‘một ngày kia, sẽ hoàn thành’ qua những hành động đức tin và tình yêu dường như tầm thường đó.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con vững tin rằng, công trình của Chúa ‘một ngày kia, sẽ hoàn thành’ khi con ra sức xây dựng Vương Quốc Ngài, dù với những hy sinh nhỏ bé nhất, tầm thường nhất”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
****************
CÙNG LÊN GIÊRUSALEM
“Hãy cố vào qua cửa hẹp!”.
Không một giá trị nào đạt được mà không cần nỗ lực! Fritz Kreisler, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Áo; một trong những bậc thầy vĩ cầm vĩ đại nhất của mọi thời,nói, “Cánh cửa hẹp là cánh cửa dẫn đến cuộc đời của một nghệ sĩ vĩ cầm. Giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác và tuần này qua tuần khác… trong nhiều năm, tôi sống với cây vĩ cầm của mình. Rất nhiều điều tôi muốn làm, phải gác lại; rất nhiều nơi tôi muốn đến, phải bỏ lỡ. Cánh cửa tôi bước qua, một cánh cửa thật hẹp; con đường tôi bước đi, một con đường rất hẹp và khó đi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu cánh cửa và đường dẫn Fritz Kreisler đến với ‘thiên đàng âm nhạc’ còn hẹp và khó đi như thế, thì cánh cửa và đường dẫn đến ‘thiên đàng Chúa hứa’ sẽ hẹp và chông gai biết bao! Trong Tin Mừng hôm nay, một chi tiết thú vị chúng ta dễ bỏ qua, là chính bối cảnh của nó ! Đó là,Chúa Giêsu và các môn đệ đang tiến dần lên Giêrusalem. Đang khi Chúa Giêsu rảo qua các phố thị và làng mạc, có người hỏi, phải chăng nhiều người sẽ được cứu?Ngài không trả lời trực tiếp, nhưngbảo, “Hãy cố vào qua cửa hẹp!”. Phải chăng vào qua cửa hẹp là ‘cùng lên Giêrusalem’ vớiNgài !
Với những lời này, “Hãy cố vào qua cửa hẹp!”, điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây, không phải là vấn đề số lượng, vì thiên đàng thì không giới hạn! Đúng hơn, thiên đàng là nơi dành cho những ai đi đúng hướngvà sống đúngcách như Thiên Chúa muốn. Đó không chỉ là đi theo Chúa Giêsu trên danh nghĩa; nhưng là dámđi lốihẹpNgài đi, một lối hẹp có tên “Thập Giá”. Nói cách khác, đó là những con người ‘cùng lên Giêrusalem’ với Ngài; ở đó,Ngài hiến mình,nhưng cũng ở đó,Ngài đạt đến phục sinh vinh quang. Con đường lên Giêrusalem, dĩ nhiên, không rộng thênh thang nhưng là một ngõ hẹp với một cánh cửa rất hẹp; dẫu vậy, qua mọi thời, vẫn có nhiều người chọn đi theo Ngài, “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”.
Tất nhiên,sẽ không đủ nếu chúng ta chỉ thuần tuý đồng hành với Chúa Giêsu, biết Ngài, hoặc nghe lời Ngài; cũng như việc một người được rửa tội,trở thành người Công giáo hoặc ngay cả thường xuyên thi hành một số nghĩa vụ đạo đức như dự Lễ Chúa Nhật và làm đôi việc bác ái… Kitô hữu còn phải hơn thế nhiều ! Họ phải là một Chúa Kitô khác, nghĩa là, mỗi ngày họ thực sự cùng Ngài lên Giêrusalem. ‘Cùng lên Giêrusalem’ là tích cực dấn thân để sống Phúc Âm trong cuộc sống mỗi ngày, hầu ngày kia, được nghe những lời ngọt ngào của Chủ, “Hãy vào hưởng sự vui mừng của Chủ ngươi!”; chứ không phải lấp ló ngoài cửa chỉ để lắng nghe những lời đoản mệnh nhất của một đời người, “Ta không biết các ngươi từ đâu tới, hãy lui ra khỏi mặt Ta!”.
Vậy làm sao để một người có thể bền bỉ mỗi ngày đi vào ngõ hẹp, lối Chúa Giêsu đã đi ? Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô chỉ cho chúng ta một Thầy Dạy, một Đồng Minh, và là một Hướng Đạo; đó là Chúa Thánh Thần. Hãy để, “Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta”; phó mình cho sự dẫn dắt liên lỉ của Ngài; ngay cả việc cầu nguyện, “Vì chúng ta không phải biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”. Chính Chúa Thánh Thần thúc giục, đỡnâng, hướng dẫn và thanh luyện chúng ta để mỗi người có thể làm điều Thiên Chúa muốn và Thánh Thần muốn; nhờ đó, có thể sản sinh hoa trái tốt lành của Ngài, những hoa trái vốn dĩ có được khi chúng ta biết chết đi mỗi ngày nơi chính bản thân để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Tắt một lời, ai dám ‘cùng lên Giêrusalem’ với Chúa Giêsu, người ấy có thể hy vọng phục sinh với Ngài ngay hôm nay và mai ngày,trong niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con tin cậy vào tình thương Chúa!”.
Anh Chị em,
“Hãy cố vào qua cửa hẹp!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm một cách trung thực, để xem, liệu chúng ta có đang nói “Không”với Chúa Giêsu trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống; và để xem, liệu chúng ta có đang để mình quá thoải mái trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống không. Bởi lẽ, sự thoải mái; đặc biệt, trong đời sống thiêng liêng, là một dấu hiệu cho thấy chúng ta không “cố vào qua cửa hẹp!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đổ trên con ân sủng Thánh Thần, giúp con can đảm mỗi ngày ‘cùng lên Giêrusalem’ với Chúa, hầu mai kia khỏi hụt hẫng khi phải nghe, “Cút đi, Ta không biết các ngươi là ai!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: