Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một nỗi đau thánh - Ai khiêm nhường, người ấy tự do!

Tác giả: 
Lm Minh Anh

MỘT NỖI ĐAU THÁNH

“Tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn!”.

 

Khi về hưu, Thomas Jefferson thành lập Đại học Virginia. Vị cựu Tổng thống tin rằng, sinh viên sẽ học tập nghiêm túc, bằng chứng là nội quy kỷ luật nhà trường khá nhẹ. Thật không may, lòng tin của ông đặt không đúng chỗ, một cuộc bạo động dẫn đến đổ máu đã xảy ra; trong đó, các giáo sư bị tấn công. Hôm sau, một cuộc họp được tổ chức, Jefferson có mặt; và dĩ nhiên, có cả các sinh viên bất trị. Jefferson nói, “Đây là một trong những sự kiện đau đớn nhất suốt cả đời tôi!”, và ông bật khóc. Giám thị yêu cầu những kẻ bạo động tiến lên; tất cả đều nhận lỗi. Sau đó, một sinh viên trong số ấy nói, “Đó không phải là lời nói của Jefferson, nhưng là nước mắt của ông ấy!”.  

 

Kính thưa Anh Chị em,

Jefferson đau đớn! Thế nhưng, phụng vụ Lời Chúa hôm nay còn cho thấy một nỗi đau lớn hơn. Đó là nỗi đau của Chúa Giêsu cộng với nỗi đau của thánh Phaolô, làm thành ‘một nỗi đau thánh’ trước sự cứng lòng của những người đương thời, khi họ nhất mực từ chối sứ điệp thiên sai của Con Thiên Chúa. Phaolô than thở, “Tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn!”.

 

Trong thư Rôma hôm nay, một lý do khiến Phaolô vô cùng đau khổ, là việc đa số những người Do Thái từ chối Chúa Giêsu là Đấng Messia; ở một số nơi, họ hành động mạnh mẽ chống lại các Kitô hữu, những người mà họ coi là phản bội hoặc dị giáo. Phaolô nhấn mạnh, đây không phải là những lời nói suông, “Lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần; tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn”, nhưng là một nỗi đau thực sự khi ngài phải lo lắng cho tương lai thiêng liêng của dân tộc mình, đến nỗi Phaolô sẵn sàng tách khỏi Chúa Kitô hoàn toàn nếu điều này có lợi cho đồng bào mình; theo nghĩa đen, Phaolô tự nguyện trở thành tù nhân, bị nguyền rủa và bị loại trừ để anh em ngài nhận biết Chúa Giêsu. Đó quả là ‘một nỗi đau thánh’ thực sự!

 

Như Phaolô, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng trải nghiệm một nỗi đau tương tự. Một ngày Sabbat, một thủ lãnh biệt phái mời Ngài dùng bữa, họ rình rập dò xét Ngài. Một người mắc bệnh thuỷ thũng xuất hiện. Người bệnh này từ đâu ra? Bất cứ ai cũng có quyền nghĩ rằng, đây có thể là một sự sắp đặt của chủ nhà. Và dẫu cho đó là sự thật, thì Chúa Giêsu vẫn quyết tâm đến cùng để tỏ cho họ thấy lòng thương xót của Ngài, không chỉ đối với người bệnh nhưng còn cho cả những ai đang toan tính hại Ngài. Ngài hỏi họ, “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa lành không?”. Tin Mừng nói, “Họ làm thinh!”. Chính sự làm thinh lại phơi trần ác tâm trong họ; nhưng về phía Chúa Giêsu, “Ngài kéo kẻ ấy lại, chữa lành, rồi cho về”. Sau đó, Ngài đau đớn đặt câu hỏi, “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”; và họ tiếp tục làm thinh, để lại cho Ngài ‘một nỗi đau thánh!’.

 

Trong một thế giới, một môi trường từ chối Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài, tâm hồn các môn đệ mọi thời của Ngài phải là nơi ẩn tàng ‘một nỗi đau thánh’. Như các biệt phái đã vin vào truyền thống và tập tục ngày Sabbat đến nỗi trở nên lạnh lùng trước nỗi thống khổ của tha nhân, và quan trọng hơn, đàng sau, là thách thức Chúa Giêsu; thì thế giới hôm nay, với lý do này, lý do khác, từ chối chính Ngài và sứ điệp của Ngài, Giáo Hội cũng đang đối mặt với bao thách thức. Vấn đề trợ tử, phá thai, hôn nhân đồng tính, nan đề di dân và nạn buôn người… tất cả đang thực sự là những nhức nhối. Thế nhưng, lập trường của Chúa Giêsu và Giáo Hội thật rõ ràng, phẩm giá và sự sống con người có giá trị vô song; và việc nâng con người lên, chữa lành nó, phải là ưu tiên hàng đầu! 

 

Anh Chị em,

Trước những sự kiện đau lòng của thế giới, của Giáo Hội hay của các cộng đoàn, các gia đình… liệu chúng ta có một cảm thức đau xót nào không? Hay đó không phải là vấn đề của tôi! Cụ thể, trước sự cứng cỏi của những người chúng ta quen biết, khi họ từ chối niềm tin Công giáo hay đang đắm chìm trong một tội lỗi nào đó… hoặc gần gũi hơn, sau những ngày dịch bệnh, không ít người bỏ luôn nhà thờ, bỏ đạo; thử hỏi, chúng ta có đau ‘một nỗi đau thánh’ nào không? Và quan trọng hơn, chúng ta đã làm gì? Chúng ta có cầu nguyện, hy sinh, thăm viếng, khuyên nhủ và thiết thực nhất, có ra sức sống thánh mỗi ngày để làm gương sáng cho những anh chị em đó không?  

 

Chúng ta có thể cầu nguyện, 

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết vui khi Chúa vui, buồn khi Chúa buồn; và nhất là biết đau khi Chúa đau, bởi ‘một nỗi đau thánh’ nào đó!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)

 

“AI KHIÊM NHƯỜNG, NGƯỜI ẤY TỰ DO!”

“Xin ông nhường chỗ cho người này!”.

 

William Temple, Tổng giám mục Canterbury đã từng nói, “Khiêm nhường không có nghĩa là suy nghĩ về bản thân mình kém hơn người khác; cũng không có nghĩa là đánh giá thấp về những quà tặng của riêng mình. Nó có nghĩa là tự do không nghĩ về bản thân theo cách này hay cách khác. ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai khiêm nhường, người ấy tự do!”, câu nói của Đức Cha William Temple sẽ được Chúa Giêsu và thánh Phaolô khai triển một cách tài tình trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Từ đó, chúng ta có thể rút ra được những bài học bổ ích đầy lý thú.

 

Được mời dùng bữa, Chúa Giêsu thấy nhiều người chọn cỗ nhất, Ngài khéo dạy họ đừng làm thế, vì chủ nhà có thể mời họ xuống cỗ dưới, và họ xấu hổ! Sẽ rất thú vị khi chúng ta biết rằng, một vị thánh chân chính sẽ không cảm thấy hổ ngươi trước sự sỉ nhục khi nghe những lời ấy, “Xin ông nhường chỗ cho người này!”; thay vào đó, họ sẽ vui vẻ nhường ghế danh dự của mình cho người khác. Thực tế, rất có thể những vị thánh này đã ‘chiếm chỗ’ “thấp nhất”; bởi lẽ, vinh dự bên ngoài của thế gian chẳng nghĩa lý gì đối với họ. Thế nhưng, ở đây, Chúa Giêsu không nói với các ‘thánh sống’; Ngài nói với những con người đang giành giật cho mình những vinh dự phù phiếm thế gian. Điều này, cách nào đó, cho thấy bên trong họ, đang rất bất an và thiếu tự trọng.

 

Điều thú vị ở đây là, những đối tượng đang nghe Chúa Giêsu là những người đang chiếm cứ những cỗ bàn chông chênh đó. Ngài nhẹ nhàng chia sẻ với họ một sự thật rằng, niềm vui và danh dự thực sự chỉ được tìm thấy ở chỗ hạ mình và nâng cao người khác. Đây quả là bài học không dễ! Bởi lẽ, hầu hết chúng ta thường hay so sánh; “Cô ấy xinh hơn!”, “Anh ấy thành công hơn!”, hoặc “Họ rất học thức!”… Xu hướng phổ biến này phát xuất từ việc cá nhân chúng ta cảm thấy một điều gì đó bất ổn. Trẻ em luôn luôn tự do và cảm thấy rất an toàn vì trẻ em không so sánh! Vậy mà, khi chúng ta biết yêu bản thân theo cách Thiên Chúa yêu chúng ta, chúng ta có thể hoàn toàn bình an với con người mình, và sẽ tự do hơn rất nhiều khi chúng ta yêu người khác; chúng ta khiêm tốn trân trọng phẩm giá tha nhân, thậm chí vui mừng vì sự thành công và hoa lệ của họ. Và như thế, rõ ràng, ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’.

 

Cũng một chủ đề, qua thư Rôma hôm nay, Phaolô xác định “Chúa không ruồng rẫy dân Ngài!” như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, cho dù xem ra Ngài quay sang ủng hộ dân ngoại. Bằng chứng là chính Phaolô, một người Do Thái thuần huyết, dòng dõi Abraham, chi tộc Bengiamin, đã nghe và khiêm tốn đáp lại lời cứu độ của Ngài. Sự không tin của người Do Thái chỉ là bước đầu Thiên Chúa cho xảy ra với mục đích khiến họ “ghen tị” với những người ngoại; thế nhưng, làm sao Ngài bỏ họ được! Trước đó, qua thư Rôma, Phaolô đã trích dẫn lời Môisen, “Ta sẽ làm cho các ngươi ganh tị với một dân không đáng gọi là dân, tức giận một dân được coi là ngu đần”. Từ bài học đó, người Do Thái biết ăn năn, khiêm tốn đón nhận Chúa Kitô và sứ điệp của Ngài, và họ sẽ được lại tự do của con cái Chúa; và như thế, đúng với sự thật, ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’.

 

Anh Chị em,

“Xin ông nhường chỗ cho người này!”. Chúa Giêsu không muốn ai trong chúng ta phải nghe những lời bất tiện ấy; Ngài muốn ngay từ đầu, chúng ta nhường ‘chỗ tốt’ cho người khác. Noi gương Ngài, chúng ta chiếm chỗ “rốt hết”, thật tự do, an toàn; chỗ của phục vụ, của hạ mình, của yêu thương! Trong thư Philipphê, Phaolô nói, “Phận là phận của một vì Thiên Chúa, Ngài đã trút bỏ hết mọi vinh quang”, chọn chỗ rốt hết trên thập giá; và “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài!”. Nhờ đó “Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”. Cũng thế, với chúng ta, khiêm tốn, đơn giản là nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng theo cách Thiên Chúa nhìn mình; không cần sự khen ngợi và quý trọng của người khác; chỉ tình yêu Ngài dành cho chúng ta là đủ. Vì thế, như Chúa Giêsu, người khiêm nhường được tự do để hoàn toàn chú ý đến lợi ích của người khác. Tình yêu này thật trong sáng, và chỉ có được khi mỗi người biết sống khiêm nhường cách trọn vẹn. Như vậy, rõ ràng, ‘Ai khiêm nhường, người ấy tự do!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con oằn vai vì gánh nặng ham muốn méo mó về danh dự trần thế và sự quý trọng của thế gian; con muốn được tự do, vì thế, xin dạy con sống khiêm nhường!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)