Chìa khóa cho cuộc sống - Thách thức tận bên trong
CHÌA KHOÁ CHO CUỘC SỐNG
“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi!”.
“Tôi yêu nhân loại; đó là những con người mà tôi không thể chịu đựng được!”. Charlie Brown, một nhân vật truyện tranh, đã phàn nàn như thế. Một lời phàn nàn đáng cho chúng ta suy nghĩ!
Kính thưa Anh Chị em,
Không ít người trong chúng ta đồng cảm với lời phàn nàn của nhân vật truyện tranh kia, “Tôi yêu những người mà tôi không thể chịu đựng được!”. Thế nhưng, cuộc sống không phải là tập truyện tranh; cuộc sống là cuộc sống! Đó là một cuộc sống tương tác; trong đó, mỗi người sống các mối tương quan. Vậy làm sao để có thể sống các mối tương quan? Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tặng trao chúng ta ‘chìa khoá cho cuộc sống’, đó là, “Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi!”.
Tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ một tình yêu trọn vẹn và chung thuỷ. Đối thoại của Chúa Giêsu và người thông luật trong Tin Mừng chỉ ra tình yêu này. Ông hỏi Ngài, đâu là giới răn trọng nhất; Ngài bảo, “Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi!”. Đây là giới răn trọng nhất, là ‘chìa khoá cho cuộc sống’. Dẫu là một nguyên tắc đơn giản, nhưng nó bao trùm mọi nguyên tắc sống; và đây chính xác là những gì mà thế giới “nhấp chuột” hôm nay chờ đợi. Chúng ta muốn đơn giản hoá cuộc sống, và Chúa Giêsu đã làm cho bản đồ cuộc sống chúng ta trở nên đơn giản; đó là, chỉ cần hành động vì tình yêu đối với Thiên Chúa, hợp nhất tất cả sức lực, trái tim, linh hồn và tâm trí trong một nỗ lực duy nhất là yêu mến Ngài; và thế là đủ ! Ý nghĩa thay, Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, là dũng lực con, con yêu mến Ngài!”.
Chúa Giêsu còn nhắc một điều mà sách Nhị Luật hôm nay không nói đến, “Hãy yêu tha nhân như chính mình!”. Không yêu Thiên Chúa hết mình, không ai có thể yêu người khác trọn vẹn. Tình yêu đối với tha nhân phụ thuộc vào tình yêu đối với Thiên Chúa; vì chỉ khi yêu Thiên Chúa hết lòng, tình yêu đó mới có thể tràn sang người khác. Không chỉ nói “Yêu tha nhân”, Chúa Giêsu còn nói, yêu họ “như chính mình”. Vậy yêu chính mìnhbằng cách nào? Bằng cách yêu Thiên Chúa! Yêu Thiên Chúa bằng cả con người là cách tốt nhất để yêu chính mình. Tại sao? Vì chúng ta được tạo dựng cho tình yêu và vì tình yêu của Ngài. Từ khởi điểm này, như là ‘chìa khoá cho cuộc sống’, chúng ta hiểu rõ hơn cách thức yêu tha nhân. Nếu yêu mình được thực hiện bằng cách yêu Chúa, thì khi yêu tha nhân, chúng ta lôi kéo họ vào mối quan hệ yêu thương này. Chúa Giêsu còn mong ước chúng ta đi xa hơn; không chỉ yêu tha nhân như chính mình mà còn yêu tha nhân như Ngài đã yêu.Chúng ta không thể làm gì để yêu người khác hơn là đóng vai trò những chiếc cầu nối giữa họ và Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm; càng trực tiếp đóng vai trò cầu nối, tình yêu chúng ta dành cho họ ngày càng lớn lao và càng thực hiện trọn vẹn giới răn này.
Thư Do Thái hôm nay cho biết, Chúa Giêsu, “Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” hằng chuyển cầu cho chúng ta; cuộc sống trần thế của Ngài trở nên tấm gương hoàn hảo về cách sống của chúng ta. Ngài thể hiện một tình yêu không vẩn đục, một lòng dạ yêu mến Chúa Cha. Noi gương Ngài trong tình yêu đối với Chúa Cha; chúng ta có ‘chìa khoá cho cuộc sống’.
Anh Chị em,
Nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta biết mình được yêu đến mức nào và phải đáp trả tình yêu ấy thế nào. Tình yêu không kể thành công hay thất bại, chiến thắng hay thua cuộc; nó chỉ cần đạt tới người mình yêu. Phải chăng đó là tâm tình Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho nhân loại khi Ngài phó mình đến phải chết. Tình yêu của Ngài không còn là chịu đựng như Charlie Brown;nhưng Ngài đã ôm lấy, gánh lấy, mang lấy, yêu lấy, cứu lấy và sống lấy cuộc sống của cả nhân loại trong đó, có cả kẻ giết chết Ngài. Như Chúa Giêsu, chúng ta hãy đến với Ngài, kín múc nguồn sống hầu có thể tiếp tục yêu như Ngài yêu, ôm lấy như Ngài ôm lấy. Đó chính là ‘chìa khoá cho cuộc sống’. Nhờ đó, chúng ta có thể yêu thương và trổ sinh hoa trái trong gia đình, làng xóm, công sở của mình. Mẹ Têrêxa nói, “Yêu thương là hoa trái trổ sinh cả bốn mùa, ngang tầm với của mọi người”. Và như thế, chúng ta không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho tình yêu con dành cho Chúa chi phối mọi sự đời con; xin tình yêu đó tràn sang mọi tương quan của con với tha nhân; vì đó là ‘chìa khoá cho cuộc sống’ của con”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
THÁCH THỨC TẬN BÊN TRONG
“Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay,Giáo Hội long trọng mừng kính Các Thánh Nam Nữ; Phúc Âm nói đến những Mối Phúc các ngài đã sống; Tin Mừng mời chúng ta tiến lên đỉnh cao của sự thánh thiện, nơi không dành cho những người yếu tim lẫn hạng ơ hờ. Bởi lẽ, các Mối Phúc sẽ ‘thách thức tận bên trong!’. Hôm nay, chúng ta chỉ dừng lại vắn gọn ở Mối Phúc thứ ba.
Mỗi vị thánh, những con người lành thánh ăn ngay ở lànhcủa mọi thời, dù được phong thánh hay không được phong thánh;thậm chí, đã rửa tội hay chưa được rửa tội,đều được tôn vinh trong ngày đại lễ hôm nay. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Họ là những con người đã sống với đôi chân trên đất; đã trải qua những khó nhọc thường ngày của phận người với cả thành công lẫn thất bại, nhưng họ tìm thấy nơi Chúa sức mạnh để luôn đứng dậy và tiếp tục đi tới”. Sách Khải Huyền cho biết, họ là “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi tiếng nói”; “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến”; họ được ‘thách thức tận bên trong’,“Được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế” như thánh Gioan nói trong bài đọc thứ hai. Và “Đó là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa”; trong đó, có thể có những người thân yêu của chúng ta, “Những người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá” như Thánh Vịnh đáp ca cho biết.
Trong số các ngài, không ít người đã sống Mối Phúc thứ ba,“Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an!”. Đây là một hạnh phúc thú vị.Nên thánh nhờ khóc!Hình thức khóc lócthánh thiện này xảy ra khi chúng ta khóc cho tội lỗi mình;điều đó có nghĩa là lương tâm chúng tacòn hoạt động để thừa nhận những hành vi sai trái chống lại Thiên Chúa và ra sức xin Ngài ban ơn để thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta đau buồn khi nhìn thấy những tệ nạn trong thế giới. Ngày nay, khi mọi người chấp nhận tất cả mọi thứ là tốt, tội lỗi trở nên ‘phổ biến và giảm khinh’; điều này dần dần khiến chúng ta hạ thấp bản chất khách quan của tội. Là Kitô hữu, chúng ta phải xa lánh những gì là xấu xa xét về đạo đức; và khi đối mặt với lối sống vô luân, phản ứng của chúng ta phải là đau buồn thánh thiện, chứ không đồng loã, chấp nhận tội trọng. Đau buồn trước những lựa chọn kém cỏi của người khác cũng là một hành động yêu thương thực sự đối với họ!
Cách đây đúng một tuần, 24/10/2021, Giáo Hội phong chân phước cho một thiếu nữ 22 tuổi, người đã sống Mối Phúc thứ ba này, một thánh trẻ mới nhất. Đó là Sandra Sabattini, người đã dành cuộc đời ngắn ngủi cho những ai bị thiệt thòi; cô qua đời vì một tai nạn xe hơi 1984. Mùa hè 1982, khi vấn nạn ma tuý bùng phát ở Ý, Sandra dấn thân hết mình tại những cộng đồng dành cho người nghiện. Là một người trẻ đầy sức sống, đạo đức từ tấm bé, Sandra do dự giữa việc trở thành một tu sĩ truyền giáo Phi Châu hay một bác sĩ y khoa. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu, cô không vào Dòng Truyền Giáo, nhưng quên mình cho các bạn đồng trang đang nghiện ngập và người nghèo.Cô viết, “Sandra, hãy yêu tất cả những gì bạn làm! Yêu sâu sắc đến từng giây phút bạn đang sống, được phép sống. Hãy cảm nhận niềm vui của giây phút hiện tại; dù đó là gì, để không bao giờ bỏ lỡ sự kết nối!”; “Tôi chỉ có thể cho họ niềm vui”; “Hãy quan tâm đến ân sủng được trao cho bạn, làm cho nó đẹp hơn, đầy đủ hơn cho khi tới khi thời gian đến!”. Cô viết cho mẹ, “Con đã làm việc đến gãy lưng, nhưng đó là những người mà con sẽ không bao giờ bỏ rơi!”.
Anh Chị em,
Như Sandra Sabattini, chớ gì mỗi người chúng ta sẽ không ngạc nhiên trước một sự thật cao đẹp rằng, ‘Tôi cũng được kêu gọi để trở thành một vị thánh’. Nhìn vào các vị đại thánh, hoặc gần gũi hơn, nhìn gương lành gương sáng của ông bà, cha mẹ chúng ta; suốt một đời buôn thúng bán bưng, tần tảo nuôi con, không kể nắng mưa… mà bàn tay hầu như không làm gì vấy tội, ai trong chúng ta dám nói họ không phải là thánh. Hãy nhìn vào các ngài và làm tất cả những gì có thể để nội tại hoá những ân sủng Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm các Mối Phúc này! Thiên Chúa cũng sẽ làm những điều kỳ diệu trong cuộc sống chúng ta; và một ngày nào đó, như Sandra, như các thánh, chúng ta biến sự long trọng của ngày lễ hôm nay thành một lễ kỷ niệm thực sự về cuộc sống của mình, người vốn đã sống tốt, đã được ‘thách thức tận bên trong’. Tại sao không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cứ ‘thách thức con tận bên trong’hầu con có thể trở thành một vị thánh thực sự;để Vương Quốc của Chúa có thể vươn xa hơn, ngay hôm nay, đến tận mãi đời đời”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: