Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự thương xót cuối cùng - Đầu tư cho sự thánh thiện

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

SỰ THƯƠNG XÓT CUỐI CÙNG

 

“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”.

 

Người ta thường thích những danh ngôn giúp họ sống tốt; nhưng mấy ai để ý đến những danh ngôn giúp họ chết tốt! Chẳng hạn, trước giờ lâm chung, nhà thơ Đức, Heinrich Heine, đã nói, “Chúa sẽ tha thứ cho tôi... Đó là công việc của Ngài!”; hoặc khi Thomas Hooker sắp qua đời, một người bạn nói, “Anh ơi, anh sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình!”, ông khiêm tốn đáp, “Không, tôi sẽ nhận được ‘sự thương xót cuối cùng’ của Ngài!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thomas Hooker thật chí lý khi nói đến ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa dành cho mình. Sự thật này có một ý nghĩa sâu sắc trong ngày chúng ta nhớđến Các Linh Hồn, những người đã chết trong ân sủng Chúa nhưng chưa sẵn sàng để đứng trước nhan Ngài. Giáo Lý Hội Thánh nói đến Luyện Ngục, như là ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa; qua đó, linh hồn “được thanh luyện sau khi chết, đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng”.

 

Thanh tẩy mọi ràng buộc đối với tội lỗi nơi một linh hồn đã qua đời là sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Qua sự thanh luyện cuối cùng này, Thiên Chúa chuẩn bị cho các linh hồn thánh khiết đã chết được hưởng niềm vui vĩnh viễn, niềm vui mà Chúa Giêsu đã hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời”. Thế mà trong tình yêu, Thiên Chúa vẫn không muốn bất kỳ một linh hồn nào sẽ sống đời đời với Ngài lại phải vướng víu dù chỉ là một ràng buộc nhỏ nhất đối với tội lỗi. Ngài muốn tất cả họ được tự do! Sự thật là, mọi tội lỗi trên linh hồn, dù là nhỏ nhất, cũng là lý do đủ để chúng ta bị loại khỏi thiên nhan Đấng Cực Thánh. Vì vậy, Luyện Ngục được xem như một ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa; nhờ đó,linh hồn thoát khỏi mọi gánh nặng sau hết,hầu trong cõi đời đời, chúng ta được hoàn toàn tự do để hiệp nhất với Ngài một cách tuyệt đối và trọn vẹn.

 

Như thế, Luyện Ngục là một quà tặng, một ân sủng, một lòng thương xót. Và biết rằng, bất cứ cuộc vượt qua nào cũng đau đớn, nhưng cuộc vượt qua sau hết cho những tội lỗi chắc chắn sẽ rất đau đớn, nhưng là một sự đau đớn cần thiết đáng giá gấp trăm và hơn thế nữa .Bởi lẽ sau đó, chúng ta trở thành một vị thánh; và đó là điều Thiên Chúa chờ đợi. Sách Khôn Ngoan hôm nay nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”. Luyện Ngục chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa vậy! Chính trong cuộc vượt qua này, các linh hồn đang rất cần chúng ta cầu xin cho các ngài sớm hưởng niềm vui phúc kiến. Đây cũng là cách thức rõ nét nhất để chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công; trong đó, Giáo Hội lữ hành hiệp thông với Giáo Hội khải hoàn để cùng cầu bầu cho các anh chị em đang thuộc Giáo Hội thanh luyện. Lạ thay, các linh hồn không thể cầu cho mình, nhưng lại có thể cầu cho chúng ta; để ngày kia, trên thiên đàng, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết được hiệu quả của những gì chúng ta đã sống cho mầu nhiệm này!

 

Anh Chị em,

 

“Sinh ký, tử quy!”; nhưng “ký” vào đâu, đó là vấn đề! Chúng ta “ký” vào lòng thương xót của Thiên Chúa; bởi lẽ, ý muốn của Ngài thật quá tốt lành, “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”. Như vậy, vấn đề là mỗi người chúng ta phải biết ký thác đời mình vào Thiên Chúa, chuẩn bị tâm hồn từng ngày, từng giờ để có thể “quy” về Ngài trong từng giây phút cũng như mọi quyết định của mình. Đồng thời, năng hướng về những người đang chờ đợi ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa bằng những Thánh Lễ,hy sinh, cầu nguyện, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Như vậy, nhờ vào tất cả những gì chúng ta dành cho các linh hồn, những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ cần thiết của họ sẽ dễ chịu hơn biết bao!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của cuộc thanh luyện sau hết như là ‘sự thương xót cuối cùng’ của Chúa; một cuộc thanh luyện để con và những anh chị emcủa con trở thành những vị thánh”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

ĐẦU TƯ CHO SỰ THÁNH THIỆN

 

“Ai trong các con không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi!”. 

 

Thời sự thế giới trong những tuần qua nóng lên trước quyết định từ bỏ hoàng gia của công chúa Mako,Nhật Bản .Bất chấp sóng gió, Mako kết hôn với Komuro, một luật sư, con của một người mẹ đơn thân. Luật hoàng gia quy định,các thành viên nữ phải từ bỏ tước vị nếu kết hôn với một thường dân; các nghi lễ truyền thống trong đám cưới bị huỷ. Theo truyền thống, các nữ thành viên hoàng gia lập gia đình sẽ nhận được 1,3 triệu Mỹ kim hồi môn; tuy nhiên, Mako đã từ chối.Là một trong những công chúa tài sắc, giới trẻ ngưỡng mộ, Mako chia sẻ, “Chúng tôi nghĩ, mình đã tìm được người bạn đời quý giá, phụ thuộc vào nhau cả lúc hạnh phúc và bất hạnh”;Mako trải lòng,“Những gì tôi muốn, là có một cuộc sống yên ả trong môi trường mới của tôi!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nếu công chúa Mako đã hy sinh tất cả để đầu tư cho tiếng gọi của con tim, thì Tin Mừng hôm nay cũng tiết lộ số vốn ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của người môn đệ Chúa Giêsu quả không hề rẻ và không dễ! Bởi lẽ, không chỉ vật chất, “Tất cả của cải mình có”, mà ngay cả những người thân yêu; thậm chí, bản thân đều phải đứng hàng thứ yếu sau Ngài, “Ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi!”.

 

Minh hoạ kế hoạch đầu tư xây dựng của một người xây tháp, Chúa Giêsu nói đến kế hoạch đầu tư trong đời sống thiêng liêng, ‘đầu tư cho sự thánh thiện’. Điều đó sẽ là gì? Hy sinh nhiều! Thế nhưng, như cảm giác hồi hộp khi cắt băng khánh thành toà tháp đã được thanh toán hoàn toàn và sẵn sàng đưa vào sử dụng, mọi nỗ lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của người môn đệ sẽ mang lại một kết quả tuyệt đẹp đến tận đời đời!

 

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu đưa ra minh hoạ thứ hai, một vị vua sắp đi giao chiến. Ngài cho thấy đâu là mục tiêu tiên kiến của một kế hoạch chiến đấu. Câu trả lời rất đơn giản: Đừng để mình bị đánh bại! Qua đó, người môn đệ cần biết, chiến tranh luôn nghiệt ngã và nếu khả năng bị đánh bại là một điều có thể thấy trước, thì tốt hơn, nên tìm một chiến thuật khác. Cũng thế, với sự thánh thiện, cần nhớ rằng, chúng ta sẽ dễ dàng thắng một số “trận chiến”; đang khi có những “trận chiến” phải tránh hoàn toàn. Vì thế, đừng ngu khờ đánh giá cao năng lực của mình; điều này xảy ra, đặc biệt, khi chúng ta biết mình không thể không phạm tội, và nghĩ rằng, bản thân đủ mạnh để vượt qua chúng; vì đôi khi, chiến lược đối đầu tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là chạy trốn!

 

Nói đến kế hoạch và nguồn lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’, Chúa Giêsu đưa ra một số lời khuyên xem ra khá cực đoan và nghiệt ngã. Ngài khá cường điệu khi đòi chúng ta “từ bỏ mọi của cải” hay “ghét cha mẹ”; những mối quan hệ này dù quan trọng đến đâu cũng không thể chiếm vị trí hàng đầu trong trái tim người môn đệ. Ở đó, ‘một Ai đó’ đã chiếm hữu, một Đấng yêu thương bằng một tình yêu dịu dàng và nồng nàn; Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã để Chúa Cha chiếm trọn trái tim, trọn con người,trọn tâm trí khi Ngài chu toàn ý muốn của Cha một cách triệt để, toàn vẹn, kể cả cái chết trên thập giá; vì thế, Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Vậy mà trớ trêu thay! Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, “từ bỏ mọi của cải” hay “ghét cha mẹ” lại thực sự dẫn đến một tình yêu lớn hơn, hy sinh hơn, phong nhiêu hơnvà trù phú hơn khi người môn đệ được chính Thiên Chúa trả lại “gấp trăm ở đời này” như Ngài đã hứa!

 

Anh Chị em,

 

‘Đầu tư cho sự thánh thiện’ nơi người môn đệ quả không rẻ, cũng không dễ! Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đặt mọi thứ ở vị trí thứ hai. Không ai có thể làm điều này nếu không có sự trợ giúp của ân sủng Chúa. Chúng ta yếu đuối và mãi yếu đuối, nhưng tin rằng, chính Chúa sẽ cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đi vào những lối hẹp của Tin Mừng, lối hẹp của lề luật. Chúng ta ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ bằng cách để Thiên Chúa chiếm trọn con người mình, thực hành yêu thương, vâng phục, như thánh Phaolô nói trong thư Rôma hôm nay, “Yêu thương là chu toàn mọi lề luật”; đồng thời, quảng đại với tha nhân như lời Chúa dạy, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!” như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhủ. Và được như thế, là chúng ta đã đầu tư tốt!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con dám ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ bằng việc chết đi mỗi ngày cho những gì còn vướng bận khiến con không thể chấp cánh bay cao trên ‘bầu trời nên thánh’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)