Hai sức mạnh đối nghịch - Tôn vinh những con người
HAI SỨC MẠNH ĐỐI NGHỊCH
“Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu!”; “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải!”.
John Newton nhận xét, “Hiếm khi Satan tấn công người Kitô hữu bằng một cám dỗ thô bạo. Một khúc gỗ tươi có thể an toàn đứng cạnh một ngọn nến; nhưng với một vài mảnh vụn, vài que củi nhỏ, bạn có thể biến khúc gỗ tươi thành tro và lửa của nó có thể thiêu rụi một cánh rừng. Cũng thế, gương xấu bạn tạo ra là những que củi có thể dẫn đến việc làm hỏng cả một thế hệ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
John Newton thật chí lý ! Chỉ vài mảnh vụn, vài que củi,một cánh rừng có thể bị thiêu rụi; cũng thế, gương xấu của người lớn, tuy nhỏ,vẫn có thể đốt cháy một cuộc đời trẻ thơ, và có thể, một thế hệ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến gương xấu; nhưng bên cạnh đó,nói đến đức tin, như ‘hai sức mạnh đối nghịch’ đang hoạt động trong một con người. Sức mạnh của cám dỗ dẫn con người đến tội lỗi; sức mạnh của đức tin giúp nó vượt qua những trở ngại và gương xấu.
Bài đọc sách Khôn Ngoan nói đến ‘hai sức mạnh đối nghịch’ này khi con người để cho “những tà ý làm xa cách Chúa”, đang khi sự khôn ngoan của Ngài “sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác”. Vì thế, hãy để cho Thần Trí Khôn Ngoan của Thiên Chúa chiếm ngự, “Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay lành”; vì “Thần Trí Khôn Ngoan thì nhân hậu… Ngài nắm giữ mọi sự, và thông biết mọi lời”.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến gương xấu như một sức mạnh dẫn con người đến điều dữ. “Gương xấu” với ý nghĩa ban đầu là một cái bẫy, một vật chướng ngại khiến người ta vấp phải và sa ngã. Tác động của nó dẫn đến tội lỗi; có thể là xúc phạm Thiên Chúa, phương hại cho lương tâm, linh hồn; làm chai cứng con tim, hình thành thói quen xấu, đánh mất ân sủng; làm tê liệt ý chí, tạo khó khăn trong cầu nguyện… Thế nhưng, không gương xấu nào tác hại hơn việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để nên thánh và giúp những người khác nên thánh; đàng này, gương xấu làm sai lệch thiên chức và sứ mệnh của mỗi người. Ai trong chúng ta cũng có “những trẻ nhỏ” được giao phó; trẻ em, người thân, những người dễ bị tổn thương, những người láng giềng với đức tin non yếu… Nếu chúng ta phạm tội; đến lượt họ, họ có thể dạy người khác, cho đến khi đoàn tàu tội lỗi bắt đầu chuyển động mà không có kết thúc. Không lạ, Chúa Giêsu nói, “Thà buộc cối đá vào cổ, xô xuống biển còn hơn!”.
May thay, Ngài cũng đưa ra một sức mạnh đối nghịch để nhờ đó, chúng ta có thể vượt qua những chướng ngại. Đó là đức tin, dù nhỏ bé, vẫn có thể di chuyển cây cối; với Matthêu và Marcô, cả núi non. Thuật ngữ “dời cây”, “chuyển núi” hàm ý một người có thể giải quyết các khó khăn lớn. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa giúp con người nhận biết và hiểu rõ ý muốn của Ngài; đức tin giúp nó tự do sống trong tình yêu và lòng thương xót Chúa; nên giống Ngài, thánh thiện, yêu thương và khôn ngoan. Bên cạnh đó, Thiên Chúa ban ân sủng và sức mạnh Thánh Thần; nhờ đó, chúng ta lớn lên trong đức tin, kiên trì trong hy vọng và bền chí trong tình yêu. Đức tin là chìa khoá mở ra quyền năng của Thiên Chúa, là phương dược loại bỏ những trở ngại. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời van xin thật thâm trầm, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời!”.
Anh Chị em,
Gương xấu để lại một hậu quả khôn lường; đức tin cũng đưa đến một hồi kết vĩ đại. Thánh Phaolô xác tín, ‘Chúng ta được cứu độ, không phải do công việc mình làm, nhưng nhờ lòng tin vào Đức Kitô’. Đúng thế, cố gắng của con người dù lớn lao đến đâu cũng không thể làm cho nó nên thánh; vì khôn ngoan của nó lại là điều ngu xuẩn trước mặt Thiên Chúa. Thế nhưng, Thiên Chúa cần nỗ lực hết sức của con người; Ngài muốn nó hành động trong khiêm tốn, nguyện cầu trong tin yêu, phó thác trong Thánh Thần. Và như thế,sẽ không bao giờ chúng ta sợ phải lầm lạc. Mẹ Têrêxa nói, “Nếu một ngày có nhiều hơn 24 giờ, tôi vẫn cần Thiên Chúa, tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện những giờ phụ trội đó!”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vừa khiêm tốn, vừa vui mừng trước ‘hai sức mạnh đối nghịch’ trong con người mình. Ơn Chúa dư tràn, miễn là chúng ta nhận ra; từ đó, trỗi dậy, xin ơn tha thứ và ra sức cộng tác với sức mạnh thanh luyện của lửa Thánh Thần.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để luôn chọn điều tốt và từ chối điều sai. Xin tình yêu Chúa cai trị trái tim con, hầu con có thể nêu gương tốt cho người khác, và dẫn họ về cùng Chúa”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
TÔN VINH NHỮNG CON NGƯỜI
“Đem những thứ này đi khỏi đây, đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán!”.
Một trong những con người ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là một triết gia lừng danh cùng thời, Victorinus. Là thầy của nhiều nghị sĩ và bậc quyền quý, Victorinus nổi tiếng cho đến độ người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma. Khi về già, ông nghiền ngẫm Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm một người bạn, Simplicianus, Victorinus nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”. Bạn ông trả lời, “Tôi không bao giờ tin điều đó cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”. Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó ông học đạo và trở lại công khai;cả thành Rôma sửng sốt, các Kitô hữu vui mừng!
Kính thưa Anh Chị em,
Đúng như Victorinus hiểu, “Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Hôm nay, kỷ niệm ngày Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường,đầu và là mẹ tất cả thánh đường của Hội Thánh, nhưng còn ‘tôn vinh những con người’, các Kitô hữu, làm nên Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô!
Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu vào đền thờ, dùng roi đánh đuổi những người đổi tiền và các con vật; Ngài la lên, “Đem những thứ này đi khỏi đây, đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán!”. Chúa Giêsu yêu Hội Thánh như yêu Thân Thể Ngài, vì Hội Thánh quả là như vậy. Với tư cách là Thân Thể của Ngài, các thành viên trong Hội Thánhđược kêu gọi, được sai đi để cùng Chúa Kitô hoạt động như những công cụ cứu rỗi của Chúa Cha. Vì thế, khi tôn vinh đền thờ Latêranô, biểu tượng của Hội Thánh; có thể nói, chúng ta tôn vinh chính mình,‘trong chừng mực’chúng ta là thành viên của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Việc Ngài thanh tẩy đền thờ hôm nay nhắc chúng ta phải thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình, như Ngài hằng muốn thanh tẩy Giáo Hội!
Hội Thánh được thanh tẩy thế nào? Tại sao phải thanh tẩy? Hội Thánh được thanh tẩy qua việc thanh tẩy các thành viên; Chúa Kitô muốn xua trừtriệt để mọi tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng ta, tẩy sạch mọi uế nhơ khỏi đền thờ tâm hồn mỗi người.Bởi lẽ, đôi khi, chúng ta trở nên chểnh mảng trong việc cam kết thanh tẩy chính mình; chúng ta dễ dãi với tội lỗi, hình thành những thói quen xấu khó phá vỡ. Bài đọc Êzêkiel hôm nay tiên báo Hội Thánh là một Giêrusalem mới, nơi có dòng nước mang lại sự sống và màu mỡ cho bất cứ nơi nào nó chảy đến; dòng nước này phải sạch tinh, không thể bị nhiễm uế! Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm naycũng đồng tình khi nói, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh; chính anh em là đền thờ ấy!”. Vì thế, mỗi ngày,chúng ta cần thanh tẩy chính mình để thân mình Hội Thánh, Hiền Thê của Chúa Kitô nên xinh đẹp, sạch trong,không tỳ ố, không nếp nhăn. Hội Thánh là Giêrusalem mới, nơi dòng suối ân sủng của Thiên Chúa tiếp tục đem sự sống cho thế giới; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Một dòng sông chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời, đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao!”.
Anh Chị em,
‘Tôn vinh những con người’ là chủ đề của một vài suy tư nhân ngày lễ hôm nay. Những con người được tôn vinh đó không chỉ có cùng một tên gọi như nhau,“Một Giêsu Khác”; nhưng còn cùng nhau được thanh tẩy mỗi ngày. Bởi lẽ, chính Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi họ, cũng đã chịu thanh tẩy không chỉ bằng nước nhưng bằng máu. Nhờ Máu Ngài đổ ra, chúng ta được thứ tha tất cả mọi tội lỗi, được thanh sạch mà đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa, Đền Thờ ấy cũng đã bị đập tan tành;nhưng nhờ đó, Ngài xô đổ mọi bức tường ngăn cách là sự thù ghét; đồng thời, tuôn chảy dòng suối cứu độ cho cả nhân loại. Cũng thế, “Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”, như Chúa Kitô,cả chúng ta, Kitô hữu, cũng phải phá đổ những bức tường ngăn cách khiến con người và cả chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa, cũng chẳng nhìn rõ tha nhân. Để từ đó, mỗi chúng ta là một đền thờ mới mẻ, sống động,hầuThiên Chúa có thể hiện diện giữa thế giới, giữa dân Ngài.Vậy, nếu chúng ta thật sự để Chúa Thánh Thần thanh tẩy, đập phá… chúng ta cũng được trở nên trong sạch và thánh thiện. Có như thế, khi ‘tôn vinh những con người’ làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, không ai trong chúng ta cảm thấy phải hổ thẹn; ngược lại, rất vui mừng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước muốn sâu xa của Chúa là tẩy sạch con khỏi mọi tội lỗi trong ngoài. Xin mở rộng tâm trí và ý chí của con cho tất cả những gì Chúa muốn. Này linh hồn con, đền thờ thanh sạch của Ngài, xin cứ đến chiếm ngự!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: