Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đừng đợi đến mất rồi tiếc

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

ĐỪNG ĐỢI ĐẾN MẤT RỒI TIẾC !

 

        Đợi gia đình lo tang lễ cho ông xong tôi mới gọi chia sẻ. Dĩ nhiên là khi hay tin ông qua đời thì đã hiệp nguyện, dâng Lễ, gửi điện thư chia buồn với gia đình nhà hiếu.

 

        Trong câu chuyện chia sẻ về sự ra đi của người quá cố, con gái út của ông cứ nấc và nghẹn lòng. Đơn giản là cô gái út cảm thấy có lỗi vì trong thời gian nuôi bệnh do thương Bố quá nên đã không ít lần ép Bố ăn, uống sữa ...

 

        Cố minh giải rằng thì là người già và người bệnh nên bị khó chịu trong người nên rồi cũng đừng lo lắm nhưng người con gái nấc lên và tự cho rằng mình đã quá lời cũng như nặng nề khi chăm sóc cha. Cứ như thế, từng cơn nấc khi nói về những tiếc nuối mà Cô đã làm cho cha khi cha cô còn sống. Giờ này đây thì cô ân hận cũng như tiếc nuối cũng như sẽ tìm thời gian nhanh nhất để đi lãnh bí tích Hòa Giải.

 

        Ngược thời gian, một cô gái khóc nức nở khi đến gặp. Chuyện là mẹ của cô ấy mất được 2 tháng nhưng lòng vẫn day dứt về chuyện không tròn chữ hiếu.

 

        Những ngày tháng già nua tuổi tác cũng như bệnh tật, điều mong mỏi nhất nơi người mẹ đó chính là sự chăm sóc, sự hiện diện bên mẹ để cho bà đừng thấy cô đơn. Chả biết sao lúc đó cô lại ham đi sinh hoạt ca đoàn đến độ không quản thời gian. Cô mê sinh hoạt đến mức để lăn lóc mẹ ở nhà một mình. Chỉ đến khi mẹ mất rồi thì cô ta mới cảm thấy như mất điều gì đó quý nhất trong cuộc đời.

 

        Vậy đó, người thân chúng ta, có thể là cha là mẹ, là anh chị em hay là người bạn tri kỷ khi đang còn ở bên cạnh ta thì có khi ta chẳng thấy gì là trân quý. Thế nhưng rồi đến lúc mất đi ta mới cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc và khi đó đã là muộn.

 

        Nói chuyện với người bạn, vài trăm ngày qua đi, Bà đã về với Chúa nhưng có thể nói rằng còn may mắn vì ngày Bà mất nó rơi vào những ngày phong tỏa "nhẹ".

 

        Ngày ấy, Bà vẫn được quàng ở gia đình, Bà vẫn ở trong ngôi nhà mà Bà đã nhiều năm sinh sống trước khi ly biệt được vài hôm. Nhớ lại những ngày cao điểm của dịch bệnh, nhiều người ra đi trong cõi lắng và cõi lặng cũng như niềm đau khôn tả của nhiều người thân trong gia đình vì không được nhìn nhau lần cuối. Sau nhiều ngày chờ đợi, gia đình nhận phần "quà biếu" được gói ghém hết cẩn thận mà trong lòng chả ai muốn nhận phần "quà này".

 

        Những người có trách nhiệm lo phần hậu sự và sau khi hoàn thành họ tìm đến địa chỉ để giao cho thân chủ dúm tro tàn. Phận con người trong thời điểm dịch bệnh sao mà thê lương quá. Có những người con đi làm ăn xa hay có những linh mục vì hoàn cảnh mục vụ xa xứ cũng chả thể về nhà hay giáo xứ nơi gia đình ở để cùng dâng Thánh Lễ an táng cho thân phụ mẫu của mình.

 

        Tiếc thương cũng rồi ! Phận con người quả thật vốn dĩ đã mong manh nay còn mong manh hơn nữa trước cơn ôn dịch.

 

        Nhiều người vẫn thốt lên một câu rất chân thành : "Hạnh phúc là sáng mở cửa chưa thấy phường đến giăng dây !". Chưa phải vậy, "Hạnh phúc là khi gọi điện thoại mà đầu dây bên đó còn đổ chuông cũng như còn nghe giọng nói" như mấy người vẫn thường nói khi gọi cho tôi.

 

        Thật vậy, chỉ những ai ở trong hoàn cảnh ly biệt người thân yêu mới cảm thấy tiếc nuối như thế nào và dù tiếc nuối cũng không thể nào làm khác được.

 

        2 trong nhiều người đã tiếc nuối vì đã không tròn bổn phận làm con khi cha mẹ con sống. Giờ này đây họ cảm thấy như có điều gì đó hối hận và muốn làm lại cuộc đời nhưng e rằng đã muộn.

 

        Mỗi chúng ta ít nhiều gì cũng có cha mẹ già, có những người thân đau bệnh như những chứng mà ngày nay gọi là bệnh nền để thấy sự mong manh của phận người thật sự quá mong manh. Mỗi chúng ta cũng hãy nghĩ về phận người, về tình yêu thương để rồi hãy cố gắng bỏ qua tất cả những gì là phiền muộn để có thể gọi là cố yêu người mà sống vì lâu rồi đời mình cũng sẽ qua.

 

Lm. Anmai, CSsR