Thức nhau dậy - Chiều kích vô cùng
THỨC NHAU DẬY
“Các con hãy tỉnh thức!”.
Herb Caen, một nhà viết kịch bản đã viết trong “Chuyên Mục San Francisco” rằng, “Mỗi buổi sáng ở Phi Châu, một con linh dương thức dậy. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất; nếu không, nó sẽ bị giết. Mỗi sáng thức dậy, cũng thế, một con sư tử. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất; nếu không, nó sẽ chết đói. Không quan trọng các bạn là sư tử hay linh dương; khi mặt trời mọc, các bạn nên ‘thức nhau dậy’ để chạy!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, hôm nay, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta ‘thức nhau dậy’ khi chúng ta cùng nhau khai mạc một năm phụng vụ mới của Giáo Hội; đặc biệt, cùng với các Giáo Phận Việt Nam, chúng ta khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới cấp Giáo Phận, cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng khi chúng ta cùng sống mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong ba năm, bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng.
Tại sao bốn tuần trước lễ Giáng Sinh được gọi là “Mùa Vọng?”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Latin, “Adventus”, có nghĩa là ‘đến’. Khi nói “đến”, chúng ta nghĩ ngay về sự xuất hiện của Chúa Giêsu vào lễ Giáng Sinh, chính xác! Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Thực tế, sẽ thú vị hơn nhiều, chúng ta có tới ba lần Chúa Giêsu đến; cả ba bài đọc hôm nay đều nói đến điều đó.
Trước hết, bài đọc thứ nhất, Giêrêmia nói về một Đấng Công Chính sẽ đến; Ngài là Vua, Đấng Cứu Độ chúng ta, “Đã đến ngày Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đavít một chồi công chính”; đó là sự xuất hiện của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem mà chúng ta đang chuẩn bị mừng lần đến thứ nhất của Ngài. Tin Mừng thì nói đến ngày tận thế, ngày đáng quan ngại “như chiếc lưới chụp xuống” mà chúng ta phải tỉnh thức và ‘thức nhau dậy’ để đón cuộc tái lâm lần thứ hai của Chúa Giêsu, “Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”. Giữa hai lần đến đó, tuy nhiên, vẫn còn sự xuất hiện của Ngài vào những lần đến thứ ba, tạo thành một liên kết quan trọng và không thể thiếu giữa hai lần đến trước và lần đến sau. Đó là sự chào đón Chúa Giêsu vào cuộc sống của chúng ta ‘ở đây và lúc này’, đó là điều mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc thứ hai; những cuộc gặp gỡ, chào đón đang diễn ra hàng ngày khi chúng ta đón nhận nhau, “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người!”. Bằng việc yêu thương đón nhận nhau, chúng ta thừa nhận sự ra đời của Chúa Giêsu tại Bêlem và chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài vào ngày Ngài đến.
Vậy trong tinh thần “hiệp hành”, chúng ta sẽ làm gì suốt Mùa Vọng đặc biệt này? Trước hết, như Phaolô nói, chúng ta đón nhận nhau như đón nhận Chúa Giêsu, cụ thể, chúng ta chăm sóc những ai đang tổn thương tinh thần và thể xác, những ai đang rất khó khăn giữa những ngày dịch bệnh khi đông về và công việc làm ăn lại quá khó khăn; và theo lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ‘thức nhau dậy’, không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa. “Say sưa” ở đây không chỉ nhắm đến các đồ ăn thức uống, nhưng còn là những gì làm cho lòng người ra chếnh choáng, những đam mê tội lỗi, những tính hư nết xấu khiến chúng ta xa lìa Thiên Chúa và xa cách anh chị em mình.
Anh Chị em,
“Các con hãy tỉnh thức!”. Không chỉ một mình chúng ta tỉnh thức, chúng ta còn phải ‘thức nhau dậy’, giúp nhau tìm đến với Chúa Giêsu, hiệp thông với Ngài và với nhau trong việc yêu mến và lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể; cùng nhau lắng nghe Lời Chúa; phân định những soi rọi của Chúa Thánh Thần, cùng nhau lắng nghe không chỉ Chúa Thánh Thần, chúng ta còn phải biết lắng nghe nhau, cùng nhau tìm điều đẹp lòng Chúa nhất để sống và làm theo ý Ngài. Trong tình hình dịch bệnh ngày càng khốc liệt với biến chủng mới, ngày mai sẽ ra sao, biết bao lo âu đang phủ bóng ! Hầu như ai ai cũng đang khắc khoải với những tân toan, khó khăn… Thế nhưng, là con cái Thiên Chúa, và biết rằng, Ngài là Cha chúng ta, chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Ngài; hãy đứng lên, ra khỏi những bận tâm tiêu cực đó. Chúa muốn chúng ta đánh thức thế giới, đánh ‘thức nhau dậy’, bằng cách trao ban tình yêu với một thái độ sống đầy tín thác vào Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để mùa hồng ân này trôi qua một cách vô ích đối với con; cho con và anh chị em con, biết ‘thức nhau dậy’ để cùng hiệp hành vui sống Tin Mừng, chờ ngày Chúa đến!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
**********
CHIỀU KÍCH VÔ CÙNG
“Các dân nước sẽ đổ về đó!”.
Trong cuốn “The Fight”, “Cuộc Chiến”, John White viết, “Một nhân chứng tốt, khác với một người bán hàng; người ta nhấn mạnh vào một con người hơn là một sản phẩm! Người ấy như một bảng chỉ dẫn; không quan trọng già, trẻ, đẹp, xấu; chỉ cần nó chỉ đúng hướng và dễ hiểu. Là nhân chứng của Chúa Kitô, chúng ta phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mùa Vọng, mùa gẫm suy ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi dân, mọi nước. Bàn tiệc Lời Chúa của Mùa Vọng cống hiến những món ăn tuyệt vời từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với ngôn sứ Isaia. Chẳng hạn hôm nay, Isaia và Matthêu mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đã đến giữa loài người, với tư cách một con người; ‘một chồi lộc Đavít’ được sinh ra trong khung cảnh tăm tối của Bêlem, rồi đây sẽ trở thành Ánh Sáng Muôn Dân !
Isaia nói đến “Núi nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, muôn dân nước sẽ đổ về đó”. Ở Cận Đông cổ đại, các ngọn núi được coi là nơi sinh sống của bậc thần linh. Isaia nghĩ đến núi nhà Chúa ở Giêrusalem, nơi ông nhìn thấy các dân tộc từ khắp nơi tuôn về để tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa. Mùa Vọng, mùa chúng ta nghĩ đến đền thờ của giao ước mới, Đền Thờ Giêsu; Ngài đã sống lại vinh quang “cao hơn những ngọn núi, vượt trên mọi ngọn đồi”. Nơi Đền Thờ Giêsu, qua nhiều thế kỷ, các quốc gia và các dân tộc với con số vô ngần đã tìm về. Trong những ngày đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’ người, một con số không có trong bất kỳ từ vựng nào vào thời đó !
Sau khi các môn đệ của Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, từ Giêrusalem, Tin Mừng đã loan truyền đến mọi hang cùng ngõ hẻm, bất chấp mọi biên cương, vượt quá mọi lãnh thổ, đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’, kể cả các tâm hồn. Và thật lạ lùng, Giêrusalem không còn là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có các cộng đoàn Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ, Đền Thờ chính là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Thông điệp được rao truyền là thông điệp yêu thương và hoà bình, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, một thông điệp được lắng nghe nhưng cần được lắng nghe nhiều hơn nữa! Là Kitô hữu, chúng ta có rất nhiều việc phải làm để mang Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài cho bao người chưa nhận biết ơn cứu độ. Để làm điều đó cách hiệu quả, chúng ta cần đón nhận Ngài, mời Ngài vào nhà mình và rồi, cùng Ngài ra đi, đến với các tâm hồn; nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”; để cùng họ cất lên, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!
Tin Mừng hôm nay nói đến việc mời Chúa Giêsu vào nhà của viên đại đội trưởng, một người thuộc dân ngoại, khi ông cầu xin Ngài chữa lành cho đứa đầy tớ. Trước niềm tin của ông, Chúa Giêsu sững sờ, “Nghe vậy, Ngài ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Ngài, “Quả thật, Tôi bảo các ông, Tôi không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Tôi cũng nói cho các ông biết, nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời””. Bữa tiệc Chúa Giêsu nói đến là bữa tiệc trong Vương Quốc của Cha, bữa tiệc mà thực khách đến từ phương đông, phương tâyvốn sẽ nói lên ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ!
Anh Chị em,
“Nhân chứng như một bảng hướng dẫn,chỉ cần chỉ đúng hướng và dễ hiểu!”.Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến, sống, và hoạt động giữa chúng ta, là thông điệp trọng tâm của lễ Giáng Sinh mà chúng ta phải chỉ cho người khác. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta coi lại sự hiện diện của Ngài trong trái tim mình! Bằng cách tự coi mình không xứng đáng, viên đại đội trưởng vô tình tỏ ra rất xứng đáng để Chúa Giêsu không chỉ đến nhà ông mà còn vào trong lòng ông; vì vào nhà mà không vào lòng cũng bằng không. Ngài đã từng vào nhà một người biệt phái kiêu hãnh, Simôn, nhưng chẳng có chỗ trong lòng ông. Như vậy, ngay khi có Ngài trong nhà, nếu không có chỗ cho Ngài trong lòng, Ngài cũng chẳng có lấy “một nơi để gối đầu!”. Thế nhưng, một khi đã đầy ắp Ngài, chúng ta được cứu độ, và ra đi đến mọi nơi, gặp mọi người, biến Nước Trời thành hiện thực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để cách sống của con khiến Tin Mừng bị mai một; cho con trở thành chứng nhân, để khi nhìn vào con, mọi người nhìn thấy một ‘chiều kích vô cùng’ của ơn Ngài cứu độ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: