Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Trải nghiệm buông bỏ - Đến từng chi tiết

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

TRẢI NGHIỆM BUÔNG BỎ

 

“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”.

 

Năm 1986, Elie Wiesel, một ‘sứ giả’ sống sót từ trại Auschwitz, được trao giải Nobel Hoà Bình.Tiếc thay! Tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm giải thoát trại tử thần này, ông đã cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, dù biết rằng, Chúa giàu lòng thương xót; nhưng xin Chúa đừng xót thương những người đã tạo ra nơi này!”. Ôi, lẽ ra, ông phải cầu xin điều ngược lại! Nelson Mandela nói, “Nếu còn thù hận, khác nào tôi đang ở trong tù!”. Elie Wieselkhông có một ‘trải nghiệm buông bỏ!’.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Trải nghiệm đi theo Chúa Giêsu, nên giống Ngài, là một ‘trải nghiệm buông bỏ’. Elie Wiesel không có trải nghiệm đó, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu thì có. Lời Chúa ngày lễ kính thánh Anrê hôm nay cho thấy điều đó. Trở thành Kitô hữu, là trở thành một người buông bỏ, một người tự do!

 

Tin Mừng tường thuật ơn gọi đi theo Chúa Giêsu của bốn môn đệ tiên khởi. Ngài bảo các ông, “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!”. Lập tức, họ bỏ chài, bỏ cha mà đi theo Ngài! Đây là cách thức Matthêu kể lại lần gặp đầu tiên của Chúa Giêsu với những con người rồi đây, sẽ trở nên những đầu tàu. Điều đánh động nhất trong hai cuộc gặp gỡ ấy là tính đơn sơ đến ngạc nhiên của chúng; Ngài thấy, Ngài gọi, họ đi theo Ngài. Thế thôi! Họ đã bỏ lại sự an toàn, phương tiện kiếm sống và thậm chí, cả gia đình; họ tin tưởng bước theo một người có tên Giêsu, dù không biết Ngài sẽ đi đâu và điều gì sẽ xảy đến. Tuy nhiên, câu chuyện mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế; bởi lẽ, về sau, họ sẽ có dịp trở lại ghe thuyền, sẽ đánh cá và thăm gia đình. Rất sớm, Phêrô đã nhờ Thầy chữa bà mẹ vợ cho khỏi cơn sốt. Vì thế, điều quan trọng không chỉ là những hành vi bên ngoài, nhưng là thái độ bên trong; họ có thể sử dụng mọi thứ một cách tự do, không lệ thuộc, không đeo bám; và đây là một ‘trải nghiệm buông bỏ!’.

 

Với Tin Mừng Gioan, cuộc gọi này có nhiều ý nghĩa hơn ! Anrê được Chúa Giêsu gọi trực tiếp; đang khi Phêrô, em ông, được gọi qua Anrê, người đưa ông đến gặp Ngài. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này, là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng”.Thông thường, một người thấp kém hơn có thể là công cụ để Thiên Chúa kêu gọi một ai đó làm những việc lớn lao cho Ngài.Đây cũng là một ‘trải nghiệm buông bỏ’ ở một cấp độ cao hơn ! Anrê được mời gọi hưởng nhận “Kho Báu Thiêng Liêng”, “Đấng Messia”, trở nên tông đồ của Ngài, không phải vì Anrê ‘là gì’ hay ‘có gì’; mọi sự do tình yêu Ngài dành cho Anrê. Như vậy, không ai có thể cậy mình, tự cao tự đại trước Ngài.

 

Ý tưởng ‘trải nghiệm buông bỏ’ cũng được tìm thấy trong thư Rôma hôm nay. Phaolô nhấn mạnh sự cấp thiết phải loan báo Tin Mừng, “Người ta kêu cầu thế nào được với Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin được Đấng mà họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng? Mà rao giảng thế nào được, nếu không được ai sai đi?”. Đúng vậy, nếu từ đầu, Thiên Chúa mặc khải tất cả cho mọi người, chắc Ngài không cần đến ai! Có lẽ, sẽ không có các tông đồ, để “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu” như lời Thánh Vịnh đáp ca! Chính thế giới không tin là tác nhân quan trọng, mà các tông đồ và chúng ta được kêu gọi và được sai đi!

 

Anh Chị em,

 

“Hãy theo Tôi!”. Đi theo Chúa Giêsu là một hành trình liên lỉ chọn lại Ngài. Ngài phải được đặt lên trên hết tất cả mọi chọn lựa,cân nhắc, hơn thua của chúng ta. Điều này đồng nghĩa với việc phải liên tục ‘trải nghiệm buông bỏ’ những gì không phải là Giêsu, cũng như những gì không phù hợp với tinh thần của Tin Mừng. Câu chuyện ơn gọi của Anrê khá thích hợp cho những ngày đầu của Mùa Vọng; bởi lẽ, Mùa Vọng là mùa nghe Chúa Giêsu gọi chúng ta một lần nữa. Nó phải là một khởi đầu mới cho một chuyển đổi mới mẻ đối với mỗi người. Hãy dâng mình hoàn toàn cho kế hoạch và mục đích thiêng liêng của Thiên Chúa. Câu trả lời của chúng ta đầu Mùa Vọng, phải như Anrê; không do dự, bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta phải từ bỏ bất cứ điều gì và mọi thứ ngăn cản chúng ta đáp lại tiếng Ngài; nó có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu muốn và sẵn sàng làm điều đó ngay khi Ngài yêu cầu.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Chúa đã gọi và tiếp tục gọi con trong Mùa Vọng này, xin cho con biết sống ‘trải nghiệm buông bỏ’ như Anrê. Cho con thấy điều Chúa muốn, và can đảm chu toàn, bất kể giá nào!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

*************

 

ĐẾN TỪNG CHI TIẾT

 

“Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa; Ngài lên núi và ngồi ở đó; dân chúng lũ lượt đến cùng Ngài, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác!”.

 

Thánh Gioan Thánh Giá nói, “Hãy trút mọi lo âu cho Chúa, vì bạn là của Ngài! Thiên Chúa không bao giờ quên bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng, Ngài bỏ mặc bạn một mình, vì điều đó có nghĩa là, bạn đang đổ tiếng xấu cho Ngài. Dù ở trong bóng tối, hãy sống trong đức tin và hy vọng; vì ngay trong sự mờ mịt đó, Thiên Chúa vẫn đang chở che linh hồn bạn ‘đến từng chi tiết!’”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Thiên Chúa vẫn đang chở che linh hồn bạn ‘đến từng chi tiết!”. Những lời của Gioan Thánh Giá có thật không? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay bảo đảm với chúng ta điều đó! Và sẽ thật ý nghĩa, nếu chúng ta nhìn đoàn người tìm đến Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là nhóm người đại diện cho một nhân loại kiếm tìm Thiên Chúa. Ngài là tâm điểm của lịch sử, cũng là tâm điểm mọi khát vọng của nhân loại đó; một nhân loại tân toan, phiêu bạt, có đủ mọi hạng người.

 

Tin Mừng nói, Chúa Giêsu sải bước đến gần biển Galilêa; Ngài lên núi, ngồi xuống, và dân chúng đến với Ngài, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và các bệnh tật khác.Ngài không thẩm vấn họ về quá khứ, hoặc lên án họ về tội lỗi họ đã gây ra,Ngài chỉ đơn giản cung cấp cho mỗi người những gì họ cần: người mù được quà tặng nhìn thấy; người câm với món quà được nói; người điếc, món quà được nghe; người què nhảy nhót như nai… và sau đó, Ngài cho họ ăn. Tuyệt vời, điều Isaia tuyên sấm hơn 700 năm trước về bữa tiệc trên núiThiên Chúa sẽ khoản đãi như bài đọc hôm nay cho biết, nay, với Chúa Giêsu, đã ứng nghiệm, “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon!”.

 

Thế nhưng, phép lạ nuôi ‘nhân loại’ trên núi ngày ấy mới chỉ là khúc dạo đầu cho một phép lạ thậm chí còn vĩ đại hơn mà Chúa Giêsu dự định sẽ thực hiện. Ngài biết những khao khát trong lòng nhân loại, và Ngài cũng biết giới hạn của lương thực vật chất, cả khi nó dồi dào. Ngài sẽ cung cấp những gì mà nhân loại thực sự cần, vì thế, Ngài đã hạ mình để trở nên chính của ăn của uống để nhân loạiđó sẽ không còn đói,còn khát. Quả thế, ngay hôm nay, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Thiên Chúa tiếp tục thết đãi nhân loại đáng thương đó bằng những bữa tiệc Thánh Thể liên lỉ với chính Thịt Máu Con Một yêu dấu của Ngài. Rõ ràng, nếu Thiên Chúa quan tâm thể xác con người đến thế, thì Ngài lại càng quan tâm nhiều hơn ‘đến từng chi tiết’ linh hồn của nó biết bao; Ngài muốn nó được chữa lành mọi thương tích, vướngbận. Tắt một lời, Ngài muốn mọi linh hồn bằng an!

 

Anh Chị em,

 

Cuộc đời con người vẫn mãi là một cuộc tìm kiếm,vì không gì có thể khoả lấp nỗi khát khao của nó. Chúa Giêsu là tâm điểm mọi khát vọng của nhân loại, và chỉ một mình Ngài mới là Đấng thoả mãn tất cả khát vọng đó. Những ngày đầu Mùa Vọng, chúng ta hãy hình dung trong giây lát về ‘khối nhân loại’ đang vây quanh Chúa Giêsu trên núi ngày ấy. Nhân loại đó giờ đây đang khổ đau vì dịch bệnh, đang bươn chải để sống còn; chúng ta, những người tin Chúa, khẩn khoản nài xin Ngài xót thương, và tin rằng, Ngài sẽ có cách, Ngài không bỏ mặc chúng ta. Mọi sự vẫn nằm trong quỹ đạo quan phòng yêu thương của Ngài. Và sẽ ý nghĩa hơn cũng như cần kíp hơn, mỗi người hãy đặt mình vào trong chính nhân loại đó! Đến lượt chúng ta, đột nhiên như thể đám đông biến mất và mỗi người sẽ ở một mình với Chúa Giêsu. Ngài đang nhìn vào mắt chúng ta với sự quan tâm yêu thương; Ngài đang hỏi mỗi người chúng ta rằng, chúng ta đang tìm kiếm gì, mặc dù Ngài biết rõ điều đó ‘đến từng chi tiết’. Điều Ngài muốn nơi chúng ta, là Ngài có thể chữa lành chúng ta. Hãy nói với Ngài bệnh tật của mình, phần xác, phần hồn; đó cũng có thể là những tội lỗi đang chia cắt chúng ta với Chúa, với anh chị em mình mà chúng ta muốn vượt thắng trong những ngày này.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu, Đấng con đang tìm kiếm; con tin Chúa chăm sóc con ‘đến từng chi tiết’. Xin chữa lành con, xin đừng để bất cứ tội lỗi nào chia cắt con với Chúa ngay hôm nay!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)