Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Khởi đi từ trời cao - Chứng nhân của dấu chỉ

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

KHỞI ĐI TỪ TRỜI CAO

 

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”; “Ngài cư ngụ giữa chúng ta”.

 

John Hannah nói, “Không ai từng ở trong địa ngục sẽ có thể nói với Chúa, “Ngài đã đặt tôi ở đây!”;cũng không ai ở trên thiên đàng sẽ có thể nói, “Tôi đã đặt mình ở đây!”. Có gì ở dưới thế, được gì ở trên trời, là do chính Con Thiên Chúa, Đấng ‘khởi đi từ trời cao’ ban tặng cho chúng ta!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một điều gì đó‘khởi đi từ trời cao’.Đang khi gia phả tổ tông được tác giả Sáng Thế bắt đầu với Ađam ; gia phả của Giêsu, con Đavít được Matthêu bắt đầu với Abraham, thì gia phả của Ađam mới, Con Thiên Chúa, được Gioan khởi đi từ cung lòng Chúa Cha ! Đang khi Tin Mừng nhất lãm khởi đi từ đất thấp, thì Tin Mừng thứ tư lại ‘khởi đi từ trời cao’, cụ thể là Lời Tựa của Gioan hôm nay, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”;“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, Ngài cư ngụ giữa chúng ta”.

 

Đang khi mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại được Luca trình bày từ biến cố truyền tin cho Đức Maria, đến việc ra đời của Chúa Giêsu tại Bêlem; thì với Gioan, biến cố này được giới thiệu gãy gọn trong mầu nhiệm Ngôi Lời làm người, “Ngài cư ngụ giữa chúng ta”. Trên thực tế, câu chuyện Giáng Sinh của Luca và Lời Tựa của Gioan bổ sung và làm phong phú lẫn nhau; cả hai nói lên một thông điệp, “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài!”.

 

Lời Tựa của Gioan là một áng văn có một không hai của Tân Ước; phân đoạn tuyệt vời này cung cấp một mở đầu mạnh mẽ cho Phúc Âm thứ tư, đưa ra các chủ đề chính của Gioan: Sự Sống, Sự Sáng, Sự Thật, Thế Gian, Chứng Tích và tiền Hiện Hữu của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài là Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng bày tỏ Thiên Chúa là Cha cho chúng ta.Tất cả nói lên mối quan hệ đặc biệt của Ngôi Hai với Thiên Chúa, Cha của Ngài.Lời Tựa của Gioan khác nào những lời đầu tiên trong Cựu Ước, “Lúc khởi đầu…”; nhưng đang khi Sáng Thế nói về sự khởi đầu của vũ trụ thì Gioan lại đi xa hơn,tận sự khởi đầu vô cực của chính Thiên Chúa; một sự ‘khởi đi từ trời cao’. Và trong những khởi đầu đó, Ngôi Lời đã tồn tại vốn cũng đã quan hệ mật thiết với Thiên Chúa Cha và có cùng một bản chất với Ngài. Ngôi Lời đó đến và “cư ngụ giữa chúng ta”.

 

Trong đêm Giáng Sinh, nếu Luca cho biết, “Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”, thì Gioan lại tâm sự, “Ngài đã đến nhà các gia nhân Ngài, và các gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài”. Và nếu vinh quang Chúa chiếu toả khung trời Bêlem, khiến mục đồng kinh sợ; để sau đó, sứ thần bảo họ, “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, là tin mừng cho toàn dân; hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em!”, thì trong Lời Tựa, Gioan lại xác tín, “Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang Ngài nhận được bởi Chúa Cha!”.

 

Anh Chị em,

 

“Ngài cư ngụ giữa chúng ta”. Từ nguồn sống, nguồn sung mãn‘khởi đi từ trời cao’, Con Thiên Chúa ban cho chúng ta những gì phát xuất từ nguồn cội ấy, tức là những gì vĩ đại và vô biênnhất nơi Thiên Chúa; không đến từ đất, Ngài khôngtặng chúng ta những gì thuộc về đất, vốn sẽ rất hạn hẹp, ít ỏi. Trái lại, Ngài đến từ trời, “Từ nguồn sung mãn của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”. Hôm nay, ngày cuối năm Dương lịch, một năm biến động, bão tố, nhưng chúng ta vẫn đang sống; không những sống dồi dào sự sống thể lý mà cả sự sống thần linh với bao ân huệ thiêng liêng khác. Đó là tất cả những gìchúng ta nhận được doĐấng từ trời ban tặng; nhờ Ngài, chúng ta được ngụp lặn trong Đấng Vô Biên. Hãy đến với Chúa Giêsu, Đấng đang ở giữa chúng ta, trong Lời Chúa, trong Thánh Thể và trong Hội Thánh, để múc lấy mạch sống vô biên; đồng thời, đem chia sẻ cho anh chị em chung quanh quà tặng ân sủng Giêsu này!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ước chi mỗi ngày, mọi lời, mọi việc, và cả mọi suy tưởng của con cũng đều ‘khởi đi từ trời cao’. Được như thế, con sẽ bớt lệt đệt la đà dưới đất thấp và sẽ sớm nên thánh!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

CHỨNG NHÂN CỦA DẤU CHỈ

 

“Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa”.

 

Robert Slater nói, “Không nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn của một quả phụ đi bộ hàng ngày đến nghĩa trang gần đó, để đứng lặng trân một vài phút… trước khi bắt đầu công việc một ngày. Cô ấy biết, một phần của cô đang ở nghĩa trang;và phần kia,ở trong bổn phậnthường nhật”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Hoàn toàn khác với quả phụ u sầu của Robert Slater, Tin Mừng hôm nay nói đến Anna, một phụ nữ goá bụa mà lòng bà vui như hội! Sau 7 năm sống với chồng, phần còn lại 77 năm đời mình, “Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa”. Bà là người chờ đợi, đọc ra dấu chỉ và là ‘chứng nhân của Dấu Chỉ’. Nhân vật độc đáo này đáng cho chúng ta suy gẫm!

 

Người phụ nữ này không giấu tuổi tác ! Phúc Âm cho biết, như Simêon, từng ngày, bà chờ đợi Chúa với niềm tin tuyệt đối trong hàng chục thập kỷ. Bà ao ước gặp Ngài như để nắm bắt một dấu chỉ. Có lẽ bà sẽ cam chịu cho đến chết, vì lẽ, sự chờ đợi bền bỉ đó vẫn tiếp tục chiếm trọn cuộc đời bà; với bà, không có cam kết nào quan trọng hơn là chờ đợi Chúa và cầu nguyện. Vì thế, khi thánh gia lên đền thờ để chu tất lề luật, thì cùng Simêon, Anna đã nhanh chóng có mặt dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Gánh nặng tuổi tác và sự chờ đợi biến mất ! Họ khám phá ra Hài Nhi, một sức mạnh mới, đòi hỏi ở họ một nhiệm vụ mới. Đó là trở nên ‘chứng nhân của Dấu Chỉ’ Giêsu!

 

Nhà của Chúa là nhà của bà ! Dường như bà đã sống trót đời ở đó.Sự tận tâm của bà đối với Thiên Chúa khiến bà nhạy cảm với sự xuất hiện của Ngài. Nhìn Simêon ẵm đứa bé trong tay, bà lập tức nhận ra đứa trẻ ấy là ai; bà bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa cũng như nói về trẻ ấy cho người khác. Phản ứng của bàphát triển theo hai hướng, bà hướng về Chúa trong ngợi khen, và hướng về người khác để nói cho họ biết, Chúa đã đến, giải cứu dân Ngài qua trẻ này. Bà nhạy cảm với những kinh ngạc đến từ Thiên Chúa, và trở thành ‘chứng nhân của Dấu Chỉ’Thiên Chúa tỏ hiện.

 

Việc cầu nguyện đã mang lại cho Anna một tầm nhìn thiêng liêng để nhận ra và loan báo Đấng Messia.Như vậy, bà đã trở thành một trong những người đầu tiên rao giảng Tin Mừng. Bà goá 84 tuổi này là nhà truyền giáo thực thụ đầu tiên trong hai tác phẩm của Luca, Phúc Âm và Công Vụ Tông Đồ. Bà chứng tỏ rằng, trung thành với việc cầu nguyện sẽ giúp mỗi người đọc ra dấu chỉ của Thiên Chúa,biết Ngài hoạt động thế nào; và sau đó, rao truyền điều Ngài muốn!

 

Với thuật ngữ “phụng sự Chúa”, chúng ta thường nghĩ đến các hình thức bác ái. Với Anna, cầu nguyện và ăn chay là một trong những hình thức “phụng sự Chúa” trọn hảo nhất; khi cầu nguyện, chúng ta dành thời giờ, sự tập trung, và chú ý vào Chúa,hiến dâng chính mình cho Ngài.Đời sống của bà đã khiến Anna trở thành một nhân chứng hùng hồn. Bà cho thấy, một trong những cách thức để phụng sự Ngài là cầu nguyện và hiến dâng chính mình.

 

Anh Chị em,

 

Chỉ một câu, Luca ghi lại bốn việc về bà Anna,“Bà không rời đền thờ, ăn chay, cầu nguyện và phụng sự Thiên Chúa”. Cuộc đời goá bụa của bà khác xa cuộc đời của quả phụ Robert Slater mô tả. Nó ý nghĩa hơn nhiều! Bà luôn ở trong đền thờ, hướng về Chúa trong ngợi ca, cầu nguyện; để rồi có thể hướng về tha nhân, nói về Chúa cho họ. Như bà, Thiên Chúa ước mong trái tim mỗi người chúng ta cũng luôn quy hướng về Ngài, để có thể nhạy cảm với bao dấu chỉ Thiên Chúa đang thực hiện, hầu mỗi người có khả năng đọc ra và trở thành ‘chứng nhân của Dấu Chỉ’. Chúng ta đang sống trong một khúc ngoặt xám xịt của lịch sử; với tình thế hiện nay, rất nhiều người đang sống trong buông xuôi,thất vọng. Hãy mang đến cho họ một tia hy vọng từ chính đời sống chứng tá của chúng ta! Hãy như Anna, đến với đền thờ, trung thành cầu nguyện và phụng sự Thiên Chúa trong chay tịnh để có thể chia sẻ cho người khác dấu chỉ quan trọng nhất, Dấu Chỉ Giêsu!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thích đời sống cầu nguyện; nhờ đó, con có thể nhạy bén với những dấu chỉ của Chúa, và nhất là trở nên ‘chứng nhân của Dấu Chỉ’ Giêsu cho anh chị em con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)