Quặn lòng cuối năm
QUẶN LÒNG CUỐI NĂM
Chiều, ông anh thân quen ghé thăm Cha Sở. Hàn huyên những câu chuyện đời. Hỏi thăm Anh về tình hình công việc. Anh nói luôn :
"Con tính cho anh em nghỉ 16 nhưng anh em xin đến 25 vì nghỉ sớm quá thì không có lương. Con điện cho Anh H. Anh H nói là cũng phải nghĩ đến ảnh vì bao nhiêu chi phí phải lo. Anh H nói là cậu cũng phải nghĩ cho anh nữa chứ !"
Vì lòng nhân và tình người. Anh em nhà anh H đành phải giữ thợ cho đến 25 hay 26 chứ nếu như cho họ nghỉ sớm quá thì thiệt hại cho họ rất nhiều. Đành bóp bụng với biết bao nhiêu chi phí để cho công nhân trụ lại thêm ít bữa nữa cho có tiền tiêu pha.
Vậy đó ! Đâu có đơn giản. Dẫu là chủ doanh nghiệp nhưng anh H còn đó biết bao nhiêu chuyện phải lo. Vậy là chủ cũng lo, em vợ cũng lo và công nhân cũng lo. Lo nhất là những ngày cuối năm âm lịch đang dần khép lại và cuộc sống ngày một khó khăn.
Đem câu chuyện doanh nghiệp của anh H kể cho chú em kết nghĩa. Chú em nghe vậy cũng nói : Công ty con cũng vậy đó cha. Cả tuần nay hàng họ đứng lại. Con cũng tính cho công nhân nghỉ sớm vì cũng không có việc mà cứ phải trả lương.
Trước đó, cuối giờ sáng hôm nay, người quen cũng chia sẻ : "Bố ơi ! Con cũng đang buồn. Công ty con mới cho 2 người nghỉ việc vì công việc dạo này đứng lại rồi. Con cũng chả biết sao. Công ty cầm cự giờ đến cuối năm có thể đóng cửa ..."
Đó là những câu chuyện đời và câu chuyện người.
Chú em kết nghĩa gửi cho tấm hình của một công ty để rồi khi xem xong là đắng cả lòng. Công ty chuẩn bị phần thưởng cho công nhân thật tươm tất. Tất cả đều được gói và cột lên xe hẳn hoi. Tiếc thay phần thưởng Tết năm nay đó là mũ bảo hiểm, áo chống nắng và găng tay kèm theo túi gạo cộng thùng mì.
Thật thế, khi con Covid nó đến, nó dường như làm đảo lộn cuộc sống của con người.
Những ngày này, ta thấy hình ảnh của một Sài Thành xem chừng đã hồi sinh và sinh hoạt bình thường nhưng xem chừng đó chỉ là những hình ảnh mang tính chất minh họa vì lẽ đàng sau lưng những tấm hình sinh hoạt xem chừng ra nhộn nhịp đó thì lại chất chứa nỗi khó khăn của không biết bao nhiêu người. Có lẽ tâm trạng chung của những ngày này đó là làm sao đủ sinh hoạt phí chứ đừng nói gì đến chuyện dăm ba ngày tết.
Chi phí cho hàng ngày sinh hoạt dường như bị thắt lại chứ đừng nói gì đến Tết. Cứ bước chân ra chợ là đủ hiểu tình hình kinh tế của địa phương. Chị chủ quầy hàng rau quả cá mực cũng than hàng họ ế ẩm. Chị phải cho nhân viên nghỉ bớt vì kỳ này hàng họ như đứng hẳn.
Nếu như những ngày này của những năm trước thì chuyện tàu xe như bị sốt và dường như các hãng tàu xe bị cháy vé. Nhưng đến hôm nay chuyện tàu xe xem chừng ra cũng êm ả vì cũng chẳng có mấy người đi về trong mùa dịch bệnh như thế này.
Những ngày cuối năm âm lịch đang khép lại. Thời gian cứ không ngừng trôi như bao nhiêu lo toan không ngừng ập tới.
Ở nơi xa là như thế, còn quanh đây, nơi tại cái xóm làng này thì chắc có lẽ không cần phải nói. Đơn giản vì là cái nghèo và cái khổ nó cứ như ôm chầm lấy người dân ở nơi đây.
Với cây mì và cây mía ở chỗ đất cằn khô quanh năm suốt tháng nắng cháy da người thì làm sao kinh tế có thể phát triển được. Dòng đời vẫn trôi và còn nặng lòng lắm với những mảnh đời bất hạnh.
Lm. Anmai, CSsR
- Tổng Hơp: