Đứng dậy với dáng dấp Phục Sinh - Đầy sức sống và niềm vui
ĐỨNG DẬY VỚI DÁNG DẤP PHỤC SINH
“Ông đứng dậy, đi theo Ngài !”.
Cheryl Reimold, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, đã từng nói, “Nếu bạn đứng để nói chuyện với một người ngồi, bạn sẽ có được chiều cao và một sức mạnh tạm thời nhất định. Nhưng nếu bạn đối mặt trực tiếp với một người, ở cấp độ của người đó, dù đang ngồi hay đang đứng, bạn sẽ có nhiều khả năng thiết lập một giao tiếp tốt hơn!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hẳn Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã áp dụng ngôn ngữ cơ thể của Cheryl Reimold, có lẽ Ngài đã khiêm tốn khom người xuống, nhìn vào mắt Matthêu, rồi nói rất nhỏ với ông những lời ngắn gọn nhưng mạnh mẽ này, “Hãy theo Tôi!”. Lập tức, “Ông đứng dậy, đi theo Ngài!”. Thế nhưng, việc đứng dậy của Matthêu ở đây còn mang một ý nghĩa khác, ‘đứng dậy với dáng dấp phục sinh!’.
Nói đến sự nhanh chóng của Matthêu, Đức Bênêđictô XVI giải thích, “Trong hành động “đứng dậy” này, người ta có thể thấy sự tách rời khỏi hoàn cảnh tội lỗi; và cùng lúc, ý thức gắn bó với một đời sống mới, ngay thẳng, hiệp thông với Chúa Giêsu”.Thánh thiện không đơn thuần là tách biệt khỏi những gì tội lỗi, nhưng còn là tham dự vào tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nó không chỉ là sự “đứng dậy” để tách khỏi một cái gì đó, nhưng là “đứng dậy” để biến thành một ai đó mà Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta để trở thành; đó là một sự ‘đứng dậy với dáng dấp phục sinh!’.
Khi kêu gọiai, Chúa Giêsu không bao giờ trao cho họ một tấm bản đồ; thay vào đó,một chiếc la bàn. Chúng ta không thấy toàn cảnh bức tranh; đơn giản,chỉ biết phương hướng! Mỗi ngày, Ngài gọi chúng ta đi theo Ngài, để làm sâu sắc thêm mối hiệp thông với Ngài, để mắt chúng ta nhìn vào mắt Ngài như“đèn chiếu sáng trong tối tăm”. Matthêu không biết cuộc sống mình rồi sẽ kết thúc ở đâu, nhưng ông biết, nó phải thay đổi; và sự thay đổi đó cần bắt đầu từ đâu và bắt đầu thế nào.
Cũng thế, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, qua Samuel, Thiên Chúa chọn Saolê “đứng dậy” làm vua trị vì dân, như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng”. Saolê,với tư cách vị vua đầu tiên, rõ ràng là sự lựa chọn của Ngài. Thế nhưng,như những con lừa của ông Cis đã đi lang thang đâu đó và Saolê được sai đi tìmcho cha, nhưng rốt cuộc, không tìm ra; thì một điều gì đó báo trước cho việc Saolê rồi đây, sẽ làngười có xu hướng đi lạc. Ông sẽ là vua, nhưng là vua của một dân tộc nổi loạn. Thật khác với Matthêu, Saolê đã “đứng dậy”, nhưng không đi đến cùng, không để mắt vào Chúa, không tìm kiếm Ngài; và Thiên Chúa đã cất ông đi!
Trở lại với Matthêu, Tin Mừng nói đến những gì xảy ra sau đó. Chúa Giêsu và môn đệ dùng bữa tại nhà ông; đồng bàn, còn có những người thu thuế và tội lỗi. Họ ănmừng‘lễ tiên khấn, cũng là vĩnh khấn’của Matthêu. Matthêu có thể đã nói ‘không’, hoặc ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’; nhưng nếu một lời từ chối như vậy đã xảy ra, hẳn sẽ không có bữa tiệc tối nào; và dĩ nhiên, nhiều người bạn của Matthêu đã bỏ lỡ vĩnh viễn cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ có thể đã thay đổi một số cuộc đời của họ. Chúa Giêsu gõ cửa cuộc đời Matthêu, Matthêu mở rộng cửa cho Ngài; sau đó, như người phụ nữ Samaria, Matthêuđi tìm những người khác để họ cũng có thể gặp Chúa Giêsu; đó cũng là sự ‘đứng dậy với dáng dấp phục sinh’ thiết thực nhất.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu đã gọi, Matthêu đi theo Ngài;nhưng một khi đã thuyết phục được ông, Ngài đổi vai!Chúa Giêsu đã“đứng dậy” theo Matthêu về nhà ông, nơi ông ‘đang là’; để từ đó, Matthêu trở nên ngang hàng với Ngài và một tương quan tốt nhất được thiết lập. Chưa dừng ở đó, Chúa Giêsu không đứng cao hơn, nhưng coi Matthêu như ngang hàng, để ông có thể theo Ngài ngược xuôi trên mọi nẻo đường; cuối cùng,là chết như Ngài và chắc chắn,Matthêu cũng sẽ được phục sinh như Thầy mình.Bấy giờ, việc “đứng dậy” của Matthêu không còn mang dáng dấp phục sinh, nhưng là phục sinh thật ! Cả chúng ta, như Matthêu, hãy ao ước “đứng dậy” nhanh chóng mỗi ngày, để cũng có thể trở nên khí cụ ân sủng của Ngài và ngày kia, hợp mừng với đoàn người phục sinh!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa,xin đừng để con ươn ế trước lời mời gọi của Chúa mỗi ngày, cho con mau mắn đứng dậy, trở nên một Giêsu khác, một Matthêu khác cho anh chị em con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*************
ĐẦY SỨC SỐNG VÀ NIỀM VUI
“Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.
James Flora cho biết, “Một nhóm kỹ sư điện ảnh phân loại mười âm thanh ấn tượng nhất trong phim: khóc chào đời; còi báo động; sấm phá đá; cháy rừng; còi tàu trong sương; nước rầm rì; vó ngựa phi; còi tàu rời bến; chó tru; và tiếng ồn tiệc cưới. Nhưng một âm thanh sâu sắc hơn bất cứ âm thanh nào khác, có sức mạnh thể hiện mọi cảm xúc con người, như buồn bã, ghen tị, hối tiếc, xót xa, nước mắt, cũng như niềm vui tột độ, thì đó là âm thanh của tiệc cưới ! Giàu cảm xúc nhất!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, ngay tại nơi phát ra loại “âm thanh giàu cảm xúc nhất”đó, Chúa Giêsu, các môn đệ của Ngài và Mẹ Maria đang có mặt! Thông điệp của các bài đọc Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng, Kitô giáo là một tôn giáo ‘đầy sức sống và niềm vui!’.
Vậy thử hỏi, là một người Công giáo, “Có bao giờ bạn ‘cảm thấy tồi tệ’ khi đời sống Kitô hữu của bạn thoải mái, vui tươi?”. Bởi lẽ, với một số người hoặc với nhiều người, họcó thể nghĩ rằng, để trở thành một người Công giáo ‘tốt lành’, họ phải luôn từ bỏ chính mình; nghĩa là phải luôn ‘hy sinh’ điều này, ‘hy sinh’ điều kia. Nếu được dịp nghỉ ngơi, có một khoảng thời gian dừng hết mọi công việc… thì khi quay trở về, họ cảm thấy mình tội lỗi. Hoặc nếu họ nghĩ, họ đang thực sự tận hưởng cuộc sống, thì chắc chắn, có điều gì đó không ổn; vì họ cho rằng, họ đang ‘quá thế gian!’.
Nếu vậy thì những gì xảy ra trong Tin Mừng hôm nay quả là một điều gì đó khó chấp nhận! Kìa, Chúa Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ dự tiệc cưới của một người bạn. Lẽ ra, Ngài chỉ nên tham dự ‘phần nghi lễ’ ở đâu đó, và tránh xa tiệc tùng; hoặc cũng không nên chút nào khi các tông đồ hoặc Đức Mẹ thưởng thức một hoặc hai ly rượu vang? Hoàn toàn không phải thế! Ngược lại là khác, bằng chứng là khi chủ nhà hết rượu, Chúa Giêsu lại là người cung cấp thêm cho họ; trên thực tế, Ngài cung cấp nhiều đến mức họ không thể uống hết. Ở đây, với Chúa Giêsu, Thiên Chúa mở ra cho nhân loại một xa lộ thênh thang, bất tận trong Vương Quốc Ngài. Nước lã biến thành rượu ngon cho thấy, nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã lập nên một hôn ước vĩnh cửu với nhân loại này; để từ nay, không những con người được ‘đầy sức sống và niềm vui’ trong sự sung mãn của con cái Thiên Chúa, nhưng con người còn là niềm vui cho chính Ngài!
Để con cái Chúa có thể luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’, chính Thánh Thần Thiên Chúa luôn ban cho Hội Thánh các đặc sủng; thánh Phaolô đã nói đến sự phong phú đó qua thư Côrintô hôm nay. Trong Chúa Thánh Thần, người thì được ơn làm thầy dạy, kẻ làm tiên tri, kẻ khác được ơn chữa bệnh, làm phép lạ… để con cái Hội Thánh, và qua họ, tất cả người tin hay không tin được hưởng nhờ. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân!”. Những quà tặng đặc sủng này chỉ nhằm mục đích xây dựng Hội Thánh ngày càng có một cuộc sống viên mãn hơn. Vì thế, Kitô hữu phải là người hạnh phúc nhất, ‘giàu có’ nhất, dẫu không miễn cho họ bất cứ một thử thách nào, kể cả thập giá mỗi ngày; Hội Thánh đó là Hiền Thê của Chúa Kitô. Thật tuyệt vời, Isaia trong bài đọc thứ nhất đã tiên báo hình ảnh Hội Thánh này, “Con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; như người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.
Anh Chị em,
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Mọi sự một khi được Đức Kitô chạm tới đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống”. Sáu chum nước lã dùng để tẩy uế đã trở nên của uống làm vui say lòng người; cũng thế, cho dù cuộc đời chúng ta có nhạt nhẽo, vô vị đến đâu, nhưng nếu được Chúa Giêsu chạm vào, chúng ta vẫn sẽ có khả năng trải nghiệm một cuộc sống mới, một hạnh phúc mới, một bình an mới, một mối tương quan mới ‘đầy sức sống và niềm vui’ với Thiên Chúa và với tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta luôn mặc lấy thái độ và tâm tình hân hoan của một người con cái Chúa đi dự tiệc, một người luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’hầu có thể tận hưởng niềm vui làm con cái Chúa; đồng thời, đem chia sẻ niềm vui ấy cho những người chúng ta gặp gỡ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con u sầu ủ dột vì bất cứ lý do gì; xin lửa Thánh Thần thiêu đốt con, để ai nhìn thấy con, họ nhìn thấy một Giêsu, một Hội Thánh ‘đầy sức sống và niềm vui!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Thể loại khác: