Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một ai đó ở cùng - Gọi tôi bằng tên

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

MỘT AI ĐÓ Ở CÙNG

 

“Thân phụ tôi là Saolê định giết anh!”.

 

Abraham Lincoln là một tổng thống bị nhiều chỉ trích; đặc biệt, trong những năm nội chiến. Dù biết mình có những sai lầm, nhưng ông quyết tâm không bao giờ làm tổn hại đến tính chính trực của mình. Quyết tâm này mạnh mẽ đến nỗi ông nói, “Tôi ước được hoàn thành kế hoạch của chính quyền này,để nếu cuối cùng, khi rời chức vụ, tôi đã đánh mất mọi bạn bè trên trái đất, thì tôi sẽ ít nhất còn lại một người, và người bạn đó sẽ ở bên tôi, trong tôi; ‘một ai đó ở cùng’ tôi!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

‘Một ai đó ở cùng’ Abraham Lincoln, xem ra cũng là ‘một ai đó ở cùng’ Đavít và Chúa Giêsu! Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay cho thấy điều đó. Đavít và ‘Hậu duệ của ông’xem ra không chút run sợ trước cái chết đang rình rập mình.Bởi lẽ, sau khi chiến thắng Gôliát trở về, Đavít gặp phải sự ghen tức cực độ của Saolê, đến nỗi vua tìm cách giết ông; cũng như sau khi Chúa Giêsu chữa lành người bại tay, Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo tìm cách loại trừ.

 

Bài đọc Samuel tiết lộ đầu dây mối nhợ cho tà ýcủa Saolê. Đó là việc các phụ nữ bênxướng, bên hoạ, múa nhảy chào đón người hùng Đavít trở về, “Saolê giết hàng ngàn, Đavít giết hàng vạn!”. Tiếng thơm dân chúng dành cho Đavít khiến Saolê cay cú và lo lắng, “Như vậy, nó chỉ còn thiếu ngai vàng”. Saolê quyết định loại Đavít ! May thay, Gionathan, con của Saolê, cho biết, “Thân phụ tôi là Saolê định giết anh!”. Về phần mình,Gionathan ra sức thuyết phục cha bỏ ý định tà khúc này; và Saolê đã thề, dù chỉ trước mắt, để Đavít lại hầu cận vua. Dĩ nhiên, dù biết dã tâm của Saolê, nhưng Đavít vẫn không tỏ ra khiếp đảm. Bởi lẽ,đã có ‘một ai đó ở cùng’Đavít ! Không ai khác, đó là Chúa các đạo binh, Đấng đã cho Đavít hiển thắng Gôliát. Thánh Vịnh đáp ca hé lộ sự thật này,“Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hãi!”.

 

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Chúa Giêsu ! Một khi Ngài đã trở nên quá thu hút, dân chúng các vùng đổ xô đến Ngài, thì Ngài cũng hiểu rằng, giới biệt phái và nhóm Hêrôđê đã toa rập với nhau, làm nên một liên minh và tôn giáo chính trị kiên quyết tiễu trừ Ngài. Tuy nhiên, như Đavít, Chúa Giêsu nhận thức rằng, đã có ‘một ai đó ở cùng’ Ngài. Đấng ấy chính là Chúa Cha, cũng là Đấng Ngài phó mình cho công trình cứu độ theo kế hoạch của Cha. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn tỏ lộ, giờ của Ngài chưa đến ! Rồi đây, khi giờ đó đến, Ngài sẽ đón nhận nó bằng việc kiên định lên Giêrusalem; dù ở đó, Ngài biết rõthập giá và cái chết đang đợi Ngài.

 

Với Chúa Giêsu, điều khiến Ngài lo lắng chính là sự cứng lòng của một số người, đáng kể nhất là giới lãnh đạo Do Thái; cùng lúc, Ngài lo lắng về sự hời hợt của những kẻ tìm kiếm Ngài.Với Ngài, tìm kiếm Ngài là chưa đủ,Ngài muốn mọi người biết Ngài là ai, và nhất là họ phải nhận ra ‘một ai đó ở cùng’ Ngài, ở trong Ngài. Ngài muốn những cuộc tìm kiếm và gặp gỡ Ngài phải vượt quá những thoả mãn tức thời về nhu cầu vật chất. Ngài đến, mang cho con người một điều gì đó nhiều hơn thế, mở ra cho cuộc đời mỗi người một chân trời rộng lớn hơn. Đó là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, đó là Vương Quốc Nước Trời.

 

Anh Chị em,

 

Nhờ một người bạn, là con vua, ở bên mình, Đavít giữ được mạng sống; chúng ta may mắn hơn Đavít ngàn lần, bạn của chúng ta là Giêsu, Con Một của Vua các vua, Chúa các chúa. Không chỉ ở bên cạnh, Ngài ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Ngài; chúng ta giữ được mạng sống không chỉ ở đời này nhưng được cả sự sống đời đời. Vậy thì ai có thể hãm hại được chúng ta! Phaolô đã trải nghiệm, “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta!”. Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh rằng, các nhà truyền giáo, các vị tử đạo dẫu biết rằng, theo Chúa Giêsu, làm chứng cho Ngài,có thể bị giết chết;nhưng các ngài hầu như không hề tỏ ra sợ hãi, bởi đã tin rằng,‘một Ai Đó ở cùng’ các ngài. Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với bao nhiêu thách thức, khó khăn; dịch bệnh vẫn xám xịt trước mắt… nhưng với tâm thức là con cái Thiên Chúa, chúng ta hãy can đảm đứng vững và dám đương đầu với mọi sự. Vì lẽ, chúng ta tin với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa; rằng, “Ngài luôn ở với chúng ta!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin cho con chỉ biết sợ hãi, một khi con làm mất lòng Chúa; và biết sợ hãi hơn, khi trong con, vắng bóng ‘một Ai Đó ở cùng’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

GỌI TÔI BẰNG TÊN

 

“Hỡi Đavít con ta!”.

 

Một người kia chia sẻ trải nghiệm ngày nhận con nuôi. “Quan toà hỏi tôi, “Có ai ép ông bà nhận trẻ này không?”. Sau khi chúng tôi bảo đảm, chúng tôi làm vậy chỉ vì tình yêu ! Ông tuyên bố, “Kể từ hôm nay, đứa bé là con trai của ông bà. Nó có thể làm ông bà thất vọng, thậm chí đau buồn, nhưng nó là con của ông bà. Mọi thứ ông bà sở hữu, ngày nào đó, sẽ là của nó và nó sẽ mang tên ông”. Quay sang người thư ký, “Yêu cầu đổi giấy khai sinh, đây là cha mẹ của đứa trẻ!”. Đó là lúc tôi nhận ra rằng, Cha Trên Trời yêu tôi rất nhiều; không hề ép buộc, Ngài yêu tôi, trao tất cả cho tôi. Ngày đó, Ngài đã ‘gọi tôi bằng tên’; tôi mang tên Ngài và hình ảnh của Ngài!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Tôi mang tên Ngài và hình ảnh của Ngài”. Sẽ khá bất ngờ vì trải nghiệm của người cha kia lại trùng hợp với Lời Chúa hôm nay khichúng ta nhìn vào hành trình của một ơn gọi. Ơn gọi của Saolê, của Đavít; của các tông đồ, của Giuđa Iscariot; ơn gọi của Chúa Giêsu và ơn gọi của mỗi người chúng ta.Để cuối cùng, chúng ta có thể thấy, dù ở bất cứ đấng bậc nào, mỗi người vẫn có thể nói, “Ngài đã ‘gọi tôi bằng tên’; tôi mang tên Ngài và hình ảnh của Ngài!”.

 

Bài đọc Cựu Ước đưa chúng ta về hành trình ơn gọi của Saolê, của Đavít. Rõ ràng, Saolê, một người mà Thiên Chúa rất kỳ vọng; ông được chọn để trở thành vua đầu tiên của dân. Thế nhưng, Saolê không đi theo đường lối Chúa; Ngài truất phế ông. Bài đọc hôm nay cho thấy phần nào con người của Saolê. Ông đem đến 3.000 quân, tìm giết Đavít, một người ví mình “như một con bọ chét hay một con chó chết”. Vậy mà Đavít là một con người nhân từ, khi ông không nỡ hại kẻ săn bắt mình; và vì lòng kính sợ Chúa, Đavít không hại người được Chúa xức dầu. Để rồi, trong cơn xúc động, chính Saolê đã gọi tên Đavít và chân thành thốt lên, “Hỡi Đavít con ta, con công chính hơn cha!”; và Saolê đã nói tiên tri như nói thay cho Thiên Chúa, “Nay cha biết chắc rằng, con sẽ làm vua, và con sẽ nắm mãi mãi trong tay con vương quốc Israel”.

 

Với bài Tin Mừng, Marcô liệt kê 12 tông đồ được Chúa Giêsu chọn gọi. Ngài gọi mỗi người bằng tên của họ cũng như Ngài đã gọi mỗi người chúng ta. Chúa Kitô không chọn tôi một cách ngẫu hứng để cộng tác với Ngài. Ngài biết tôi; Ngài hiểu tôi, hơn tôi hiểu bản thân mình, bởi “Ngài là Đấng nắn ra tôi khi tôi còn trong dạ mẹ”. Chính vì tình yêu mà Chúa Kitô mời tôi ở bên Ngài, ở cùng Ngài; tôi ‘được gọi để ở cùng’. Khi ‘gọi tôi bằng tên’, Chúa Giêsu đã chạm vào sâu thẳm trái tim và tâm hồn tôi; Ngài đi sâu vào con người tôi, đồng nhất với tôi.‘Gọi tôi bằng tên’, Ngài mời tôi chia sẻ cuộc sống thần linh của Ngài, vì Ngài biết, món quà Ngài muốn chia sẻ với tôi lớn lao như nhường nào!Chúa Kitô không gọi tôi chỉ để tận hưởng cuộc sống hiện tại,Ngài tạo ra tôi vì một mục đích. Ngài ban cho tôi một ơn gọi cụ thể mà chỉ tôi mới có thể hoàn thành. Không ai có thể thay thế tôi; và sẽ không bao giờ có một ‘tôi khác’. Và đó là cơ hội mà tôi có được để chia sẻ trong tình bạn Ngài dành cho tôi. Ai có thể cưỡng lại lời mời cộng tác với một Đấng quá tuyệt vời; với một đề nghị quá thách thức, nhưng lại quá hoàn hảo đến thế?

 

Anh Chị em,

 

“Tôi mang tên Ngài và hình ảnh Ngài”.Về những con người được mang tên Thiên Chúa, Cựu Ước cũng như Tân Ước,Isaia đã nói tiên tri rằng, “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi; ngươi là của riêng Ta!”. Ôi tuyệt vời và vinh dự! Thiên Chúa Tạo Hoá đang gọi đích danh bạn và tôi bằng chính tên Ngài. Chúng ta được dành riêng cho Ngài; có nghĩa là Ngài chấp nhận chúng ta như chúng ta là. Chúng ta có thể là Saolê, có thể là Đavít; có thể là Giuđa và cũng có thể là Phêrô… lúc thánh thiện, lúc tội nhân. Thế nhưng, điều đó không quan trọng ! Điều quan trọng là mỗi người biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa!”; đồng thời, biết cộng tác với ơn Chúa để chu toàn sứ mạng Chúa trao đúng thời, đúng buổi. Điều này chỉ thực hiện được một khi chúng ta dám chia sẻ cuộc sống thần linh của Ngài, ở lại với Ngài mỗi ngày, cũng như biết để Thiên Chúa chạm vào sâu thẳm trái tim mình, nơi của riêng Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa đã ‘gọi con bằng tên’, xin cho con luôn thao thức một điều, là chu toàn ý muốn của Chúa trên con khi Ngài tạo dựng con, gọi tên con”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)