Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Không phải ngẫu nhiên - Trở nên vĩ đại hơn

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

KHÔNG PHẢI NGẪU NHIÊN

 

“Tất cả do bởi ý định của Thiên Chúa!”.

 

Trong “Comme Des Cœurs Brûlants”,“Như Những Trái Tim Nóng Bỏng”, Alexia Vidot, 30 tuổi, kể lại lý do trở lại thú vị của cô cách đây 13 năm.“20 tuổi, sinh viên; tôi cần thinh lặng. Hai cô bạn bán cho tôi “phiếu đi nghỉ” tại một tu viện trên núi. Tôi điện thoại,báocho các soeurs,tôi không đến để cầu nguyện, tôi chưa rửa tội. Họ nói, “Đến đây, chúng tôi chờ cô!”.Ngay tối đầu tiên, qua sự quan tâm và lắng nghe nhân ái của một nữ tu, tôi bồi hồi; nhưng động cơ thực sự là khi tôi nhận ra tình yêu Chúa dành cho tôi. Tôi nhận ra Ngài yêu tôi, Alexia,với một tình yêu duy nhất và đặc biệt. Đức Bênêđictô 16 nói, “‘Không phải ngẫu nhiên’ mà chúng ta hiện hữu như một sản phẩm vô nghĩa của một quá trình tiến hoá. Mỗi chúng ta đều được mong đợi, được yêu thương, mỗi chúng ta là cần thiết!”. Tôi cảm nhận điều này đến tận xương tuỷ!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Cũng thế, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai thánh Timôtê và Titô ngay sau ngày lễ thánh Phaolô; cũng ‘không phải ngẫu nhiên’mà Timôtê và Titô được chọn làm cộng sự viên của ngài; và càng ‘không phải ngẫu nhiên’ khi người đi gieo lại gieo được giống vào đất tốt như Tin Mừng hôm nay nói đến. Vì lẽ, “Tất cả do bởi ý định của Thiên Chúa!”.

 

Timôtê và Titô được gọi là sứ đồ của một Sứ Đồ.Quả vậy, trong thời gian đầy ân sủng của Giáo Hội sơ khai, các tông đồ và Phaolô đã xới được những rãnh sâu đầu tiên vào những vùng đất ngoại giáo các ngài đi qua, gieo vào đó những hạt giống đức tin mà những người kế vịsẽ tưới tẩm, vun xới và thu hoạch. Đó là những Kitô hữu có một nền giáo dục tốt. Bài đọc thứ nhấtcho biết, Phaolô vô cùng cảm kích bà ngoại và người mẹ của Timôtê, họ đã truyền lại đức tin cho Timôtê một cách tuyệt vời. Phaolô viết,“Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê; và cha tin, con cũng có đức tin đó”. Vì thế, “Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa”; “Nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng!”.

 

Như vậy, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà Phaolô chọn Timôtê để đặt tay truyền chức Giám mục; và dĩ nhiên, cả Titô nữa.Lois và Êunikê hôm nay được nhớ lại bởi tất cả chúng ta, những người đọc thư này, và chúng ta có thể mơ về những gì Phaolô sẽ kể về chúng ta nếu ngài viết thư cho con cháu chúng ta và những ai Chúa trao vào tay chúng ta! Chúng ta phải là những người luôn “kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm”, tường thuật những ân huệ của Ngài cho con cháu, cho các thế hệmai sau như Thánh Vịnh đáp ca nhắc đến.

 

Với bài Tin Mừng, dụ ngôn người gieo giống trình bày một loạt các loại hình đất, tiềm năng của từng loại hạt mà người gieo rắc vãi, nơi mà hạt giống rơi xuống gần như tình cờ ! Tuy vậy, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà hạt giống gieo vào mảnh đất này mà không rơi vào mảnh đất khác ! Chúng ta cần ân sủng Chúa để tránh xa những con đường ơ hờ khi hạt Lời Chúa gặp phải một mảnh đất hời hợt; cần khám phá thế nào là một không gian màu mỡ,cung cấp chiều sâu cho việc gieo trồng; và cần phải tách khỏi của cải vốn có nguy cơ làm tắc nghẽn hay làm đứt lìa khỏi thân nho ban sự sống ! Hãy ra sức cộng tác với người gieo, trở nên niềm vui cho người gieo, hầu có thể chung vui với chủ khi ngày mùa về,ngày mà cánh đồng rộ nở một màu lúa chín ửng.

 

Anh Chị em,

 

Alexia Vidot còn nhắc lại lời của Đức Bênêđictô 16, “Gốc ngọn của sự kiện chúng ta là tín hữu Kitô không phải là một quyết định đạo đức hay một ý tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một sự kiện, với một Đấng mang lại cho cuộc sống một chân trời mới; và từ đó, là một định hướng quyết định cho cuộc sống”. Đó đích thực là những gì cô đã sống! Cũng thế, Timôtê, Titô có mặt trên trần gian,trở thànhGiám mục, không phải chỉ do Phaolô đặt tay hay do bà ngoại hoặc người mẹ, hoặc một ai sắp đặt. Chúng ta cũng thế! “Tất cả do bởi ý định của Thiên Chúa!”; nhờ Ngài, chúng ta sống, hoạt động. Chúng ta không ra khỏi vòng tay bao dung và quyền năng của Thiên Chúa, dẫu Ngài luôn ẩn mình. Vấn đề là chúng ta biết giữ cho mình một tâm hồn lặng đủ để lắng nghe Ngài. Chỉ khi mối tương quan giữa chúng ta với Ngài trở nên thâm sâu, chúng ta mới đủ sức tin tưởng, phó thác và mềm mỏng thực hiện ý định yêu thương ngàn đời của Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà giờ này, con đang ở đây. Cho con luôn sống trong tâm tình biết ơn và sám hối, nhất là trong những ngày cuối của một năm sắp khép lại!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**************

 

TRỞ NÊN VĨ ĐẠI HƠN

 

“Ai có, sẽ được cho thêm!”.

 

Tội lỗi, xét cho cùng, là phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa; và thánh thiện, xét cho cùng, là sống minh bạch trước nhan Ngài!Từ đó, Oswald Chambers đưa ra một nhận định khá sâu sắc, “Nếu vào giây phút thức dậy đầu tiên trong ngày, bạn học cách mở cửa trở lại để Chúa vào, mọi thứ công khai sẽ được đóng dấu sự hiện diện của Ngài!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa hôm nay cũng cho biết, Thiên Chúa luôn hiện diện, Ngài luôn nhìn thấy chúng ta! Đây là một sự thật đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ai nhận biết và sống sự thật này, Thiên Chúa vĩ đại, sẽ làm cho người ấy ‘trở nên vĩ đại hơn!’.Chúa đã làm cho Đavít thật nhiều, “Vậy mà Ngài vẫn cho là ít!”; Chúa Giêsu thì nói, “Ai có, sẽ được cho thêm!”.

 

Bài đọc thứ nhất tường thuật buổi chầu của Đavít trước nhan Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này biểu lộ sự trong suốt nơi một con người khiêm hạ vốn phải choáng ngợp trước Đấng nhìn thấy mọi sự. Đavít tỏ ra ngạc nhiên khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa Ngài dành cho Israel trên ông, một con người hèn yếu, “Con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây?”. Vậy mà,Ngài sẽ tiếp tục gầy dựng công trình của Ngài thông qua sự yếu ớt của Đavít, miễn sao con người này biết mình luôn ở dưới mắt Ngài.Đavít nhận ra rằng, chính trong sự yếu hèn của ông, Thiên Chúa vẫn muốn làm cho triều đại ông nhiều hơn, vì Ngài nghĩ, ngần ấy là quá ít! Bởi lẽ, với Thiên Chúa, ai bước vào kế hoạch ngàn đời của Ngài, đều là vĩ đại, đều thuộc về vĩnh hằng. Đavít phó dâng tất cả cho Ngài, khấn xin Ngài chúc phúc,gìn giữ. Quả vậy,rồi đây, nơi Chúa Giêsu, con Đavít, chính Thiên Chúa sẽ làm cho vương triều ông ‘trở nên vĩ đại hơn’ đúng như Thánh Vịnh đáp ca tiên báo, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!”.

 

Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Ai có, sẽ được cho thêm!”. Có cái gì? “Có”Thiên Chúa, “có”sự hiện diện của Ngài;người ấy nhận biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy mọi sự. Chỉ cần Ngài nhìn thấy! Ngài nhìn chúng ta với tình yêu, không ai có thể trốn tránh Ngài, trốn tránh chính mình; và càng không thể trốn tránh người khác. Tắt một lời, chúng ta sống minh bạch trong ánh sáng của Chúa; Ngài là ánh sáng chiếu soi cuộc sống chúng ta hầu mỗi người sống trong Ngài và bước đi trong Ngài. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy sự thật của bản thân, mà không cần phải xấu hổ khi người khác nhìn thấy sự thật của nó.

 

Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta không chỉ dành cho bản thân, “Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng. Đèn phải đặt trên giá!”. Chúng ta được kêu gọi để trở thành một quà tặng cho người khác, một quà tặng dẫn người khác đến với Chúa. Và đây là điều tuyệt vời nhất của cuộc đời mỗi người;được mời gọi để cho đi sự sống, mà sự sống là chính ánh sáng đã đến thế gian, Chúa Giêsu.Chúng ta cho đi sự sống Giêsu bằng cách soirọi Giêsu cho người khác, giúp người khác bước ra ánh sáng và bước đi trong Ngài; đó là một điều có thể trở nên hiện thực khi mỗi người biết từ bỏ chính mình, để chân thành đi về phía ánh sáng và không ngần ngại tỏ cho mọi người ánh sáng Giêsu. Ánh sáng Ngài toả ra từ cuộc sống chúng ta sẽ tạo nên một hiệu ứng thực sự trong chúng ta và nơi tâm hồn những ai chúng ta gặp gỡ. Chính Ngài là Đấng làm cho mọi sự và mọi người ‘trở nên vĩ đại hơn’ một khi họ ở trong ánh sáng của Ngài.

 

Anh Chị em,

 

“Ai có, sẽ được cho thêm!”. Có gì trên trần gian này trường tồn và quý giá cho bằng “Có” Thiên Chúa. Và như vậy, càng “có” Thiên Chúa, chúng ta càng ‘trở nên vĩ đại hơn’.Có ánh sáng của Ngài, mọi sự chúng ta làm đều được đóng dấu sự hiện diện của Ngài; và như thế, ánh sáng của Ngài nơi chúng ta ngày càng thuyết phục. Như vậy, rõ ràng, Thiên Chúa nhìn thấy từng người chúng ta, nhưng Ngài thấy,không phải để trừng phạt, xét xử, nhưng để cho thêm, để thương thêm. Lời Chúa hôm nay thúc giục chúng ta quan tâm đến tha nhân trong ánh sáng của Chúa, dũng cảm chiếu rọi tha nhân bằng chính ánh sáng của Ngài. Có như thế, chúng ta sẽ làm cho những người khác ngày càng ‘trở nên vĩ đại hơn’ trước mặt Chúa.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn bước đi trong ánh sáng Chúa; với Chúa, con sẽ kiến tạo ánh sáng Giêsu nơi các tâm hồn; và như thế, thế giới sẽ bớt tăm tối hơn và con người ‘trở nên vĩ đại hơn!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)