Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nặng gánh gia đình

Tác giả: 
Lm Anmai, CSsR

 

 

NẶNG GÁNH GIA ĐÌNH

 

          Xa quê hương, nhớ mẹ hiền !

 

          Người bạn tâm sự như vậy và nhiều điều khác nữa. Trong tình thân, người đó chia sẻ rằng phải "cày" mới đủ để chi cái này, lo cái kia.

 

          Hôm kia, Chị nhận tin nhắn từ mẹ ở VN gửi Chị không vui. Đại loại là bà nói dạo này ăn thịt ngán quá ! Tết này chắc ăn cua ghẹ ...

 

          Chị nghe như vậy và Chị buồn. Chị nói ông xã người Mỹ nên không hiểu chuyện phải gửi quà hay tiền về VN. Chị cũng nói là Chị mới gửi 4 thùng hàng về chứ có ít đâu ...

 

          Một người khác, Bà cô năm nay ngoài 70.

 

          Cô chia sẻ gánh nặng gia đình suốt 50 năm qua. Cô nói Cô như bà góa thành Sarepta trong Thánh Kinh vậy. Năm nay oằn vai nên thôi ngưng không lì xì nữa. Cô kể mỗi năm như vậy là cũng hơn 20 triệu cho hơn 20 thành viên trong gia đình.

 

          Cô dặn là đừng có cười Cô khi Cô kể chuyện gia đình.

 

          Làm sao cười trên nỗi đau của người khác được. Giờ này chỉ trông chờ vào quỹ lương hưu nhưng rồi trên đôi vai còn quá nhiều gánh nặng.

 

          Chưa hết, em của Cô còn ganh tỵ này nọ rằng Chị thương người này hơn, chị cho người kia hơn ...

 

          Cũng là tâm sự buồn của một tâm sự của một người Việt xa xứ.

 

          Người nữa thì kể : "Mới moi nó (đứa chị song sinh) được 100 để gửi cho ngoại đó !"

 

          Người kể cũng còn nặng gánh gia đình khi 2 đứa con còn phải đi học chưa giúp gì cho ba mẹ. Quần quần với cái nghề nail để đắp đổi qua ngày chứ có sướng gì đâu. Khổ một nỗi là đi làm gặp bà chủ oái ăm đến độ khó chấp nhận được. Dù tiệm thiếu thợ nhưng bà chủ vẫn cáu gắt. Thế nhưng rồi vì kế sinh nhai cũng như tình cảm nên chưa rứt ra được cái tiệm đang làm đó.

 

          Vậy đó ! Dù xa quê hương, dù có thể nói rằng được sống trong khung cảnh vật chất tương đối đầy đủ hơn nhưng họ còn phải bươn chải và bôn ba với cuộc sống. Ở Mỹ - tiền đâu phải dễ kiếm như những ai đó nghĩ. Để kiếm được đồng tiền chân chính thì ở bất cứ nơi đâu con người ta cũng phải cật lực thì mới có được.

 

          Mỗi người, không ai có thể thoát khỏi gánh nặng của gia đình mình, của người thân để rồi mỗi người mỗi cảnh và mỗi nỗi lo khác nhau.

 

          Cứ tưởng nghĩ nơi đất khách quê người thì người thân của mình sướng lắm để rồi có những người cứ vô tư moi móc.

 

          Người phải lo cho mẹ nói : "Cha biết không ! Con phải chặn số zalo của người em họ. Cứ mượn tiền hoài không trả nên con không còn cách nào hơn". Chưa hết, Cô tâm sự : "Con nói Cha nghe ! Mỗi lần con nghe bên nhà gọi hay nhắn tin là con rùng mình vì mỗi lần nhắn hay gọi là mỗi lần than với thở cũng như xin này nọ ..."

 

          Con người mà, cho thì cho biết bao giờ mới đủ nếu như ai nào đó không biết chân nhận giá trị của cuộc sống. Họ đâu biết được rằng để dành dụm ít quà cáp hay ít ngân khoản nào đó để gửi về cho gia đình thì người thân của họ phải vất vả cũng như chắt chiu lắm.

 

          Người Việt xa quê hương hay người thân phận di dân để kiếm sống mùa Tết này lại có thêm nhiều nỗi lo. Việt kiều thì lo làm sao đó để có chút gì đó gửi về cho gia đình,cho người thân. Những di dân vì hoàn cảnh gia đình phải xa xứ để gom góp chút gì đó về thăm quê nhà. Thế nhưng rồi tình hình dịch cúm như thế này thì những công nhân coi như khốn đốn. Mọi năm họ đã gồng gánh nhiều sự và năm nay quang gánh ấy lại nặng nề hơn.

 

          Trong thân phận làm người, như cây mỗi màu, hoa mỗi sắc và người mỗi cảnh, ai ai cũng nặng đôi gánh của gia đình.

 

Lm. Anmai, CSsR