Tầm nhìn và cách nhìn - Được gọi để chuyển trao
TẦM NHÌN VÀ CÁCH NHÌN
“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”; “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”.
Nói đến sự quan trọng của tầm nhìn, minh hoạ của Cedric Gowler thật thú vị, “Tiền thường xen vào giữa Chúa và người. Chỉ cần giữ hai xu nhỏ trước mắt, bạn sẽ không nhìn thấy những ngọn núi. Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa chúng ta với Thiên Chúa; chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hiệu quả sẽ che khuất tầm nhìn, và chúng ta không bao giờ thấy Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chỉ một chút, đặt không đúng vị trí, hiệu quả sẽ che khuất tầm nhìn!”. Hôm nay, ngày đầu Năm Mới, Lời Chúa cho chúng ta hai chọn lựa: chọn ‘tầm nhìn và cách nhìn’ cuộc sống mà Chúa Giêsu đề nghị hay chọn kiểu người đời, vốn chỉ bận tâm về tiền bạc, của cải. Hai điều này không bao giờ tương thích; đó là “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”, và “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”.
Hai chọn lựa này liên quan đến những mục tiêu và những tầm nhìn trái ngược trong cuộc sống về điều gì là quan trọng nhất. Chọn lựa này quyết định mục đích sống, hướng đi và hạnh phúc của chúng ta. Với ai thực sự cho vật chất là quan trọng, với vẻ bên ngoài,họ có thể là một Kitô hữu sống đạo;nhưng thực chất, họ không thể là một Kitô hữu thực sự dấn thân, và ngược lại.
Chúa Giêsu dạy điều mà thánh Ignatiô Loyola gọi là ‘dửng dưng’ đối với vật chất. Rõ ràng, một số vật chất như cơm ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng thái độ ‘dửng dưng’ đối với vật chất không phải là người đó không quan tâm; trái lại, đó là một người rất quan tâm ! Họ quan tâm có nhiều thứ và chỉ sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa và phục vụ những người khác vì lợi ích của Ngài.
Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói, rất khác, so với việc liệu tôi sẽ có thức ăn vào tháng tới hay không; lo lắng về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế, rất khác, so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu trong những năm tới; băn khoăn vì không có tiền nhà để trả cho chủ tháng này, rất khác, so với việc tự hỏi, liệu khi nào tôi giàu. Lo lắng và bận tâm về tương lai là một sự lãng phí thời gian và năng lượng; ấy thế, chúng ta lại rất say mê chúng! Bởi lẽ, lo lắng không bao giờ rút bớt được nỗi buồn của ngày mai, nó chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay. Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời chúng ta ngước nhìn chim trời và những bông hoa đồng nội. Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình, những con chim hồn nhiên bay lượn, những bông hoa xinh tươi trước Đấng chăm sóc. Những con chim thanh thoát và những cánh hoa ngu ngơ đẹp làm sao! Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi, vậy thôi! Đừng quên, Đấng chăm sóc chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó như bài đọc Sáng Thế hôm nay tiết lộ.
Chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc lo lắng tương lai. Thật phi lý! Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại. Không ở đâu khác! Nếu cứ nhìn về phía trước hay ngoái nhìn phía sau, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì lẽ, nó đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm. Cha Mello nói, “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!”. Cuộc sống sẽ thay đổi ra sao nếu chúng ta thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua! Vì hạnh phúc chỉ có thể có trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc hôm qua không còn nữa; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ tôi không hạnh phúc, tôi sẽ không bao giờ!
Anh Chị em,
Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái xác định hướng đi cụ thể cho những tháng ngày sắp tới. Chúng ta tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất, vĩnh hằng nhất. Nhưng tất cả “gì” của thế gian này tìm kiếm đều quá ngắn ngủi, bèo bọt so với Nước Thiên Chúa. Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là có chính Chúa, có Chúa là có tất cả; không chỉ đời này mà có cả thiên đàng đời sau. 365 ngày đang mở ra trước mắt, chắc chắn vui và buồn, hạnh phúc và khổ đau sẽ xen lẫn. Nhưng nếu biết hướng tầm nhìn vào Thiên Chúa như Chúa Giêsu đề nghị, chúng ta sẽ tin tưởng, an tâm vững bước. “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho”, đó là một ‘tầm nhìn và cách nhìn’ đúng đắn nhất. Phaolô thật chí lý qua thư Philipphê hôm nay, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con có một ‘tầm nhìn và cách nhìn’ của Chúa, hầu con có thể tự tin đi vào Năm Mới với đôi tay rộng mở để nhận và để trao!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
*********
ĐƯỢC GỌI ĐỂ CHUYỂN TRAO
“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”.
Rudyard Kipling, một nhà thơ người Anh, đã nói, “Thiên Chúa không thể có mặt ở khắp mọi nơi; vì thế, Ngài đã tạo nên các bà mẹ!”.
Anh Chị em,
Rudyard Kipling không chỉ nói đến các bà mẹ, mà là tất cả các bà mẹ của mọi loài, ngay cả thảo mộc và động vật. Bởi lẽ, nói đến mẹ là nói đến sự sống; nói đến sự sống là nói đến Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự sống. Hôm nay, mồng hai Tết, Giáo Hội cho con cái dành riêng một ngày để kính nhớ ông bà cha mẹ; đó là những con người chuyển trao sự sống. Họ đón nhận mầm sống từ Thiên Chúa, làm cho mầm ấy trổ sinh và trao về lại cho Thiên Chúa. Tắt một lời, họ là những con người ‘được gọi để chuyển trao’, chuyển trao sự sống, chuyển trao đức tin!
Một cách hình tượng, Augustino đã viết về sự chuyển trao, cũng như sự kế thừa của các thế hệ thế này, “Hỡi các bạn!Các thế hệ trên mặt đất như những chiếc lá luôn luôn xanh tươi trên cành; trái đất mang những con người như những thân cây mang đầy những chiếc lá. Địa cầu đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này khóc chào đời, người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ chiếc áo xanh của mình, nhưng xin các bạn hãy nhìn xuống gốc. Các bạn đang đạp trên một tấm thảm đầy những chiếc lá khô mục!”. Sách Huấn Ca hôm nay gọi các ngài là những vĩ nhân, “Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ, họ đã sinh ra các vĩ nhân và các thánh nhân.
Chỉ trong 5 tuần gần đây, “Mang Tiền Về Cho Mẹ”, một tác phẩm thể loại Rap của nhạc sĩ Đen Vâu, tạo nên một cơn sốt cho giới trẻ Việt Nam; hơn 53 triệu lượt view sau hơn một tháng ra mắt. BBC có bài viết tựa đề, “Con số lượt xem ấn tượng, nhưng thông điệp có thực sự phá cách?”. Một nhà báo nhận định, “Tác giả muốn nhắc nhở những đứa con xa nhà phải làm ăn chăm chỉ và chân chính để có thành quả ‘đo bằng tiền’ mang về. Tất nhiên đây là điều tốt, nhưng việc nhắc đi nhắc lại 3 lần một câu một trong điệp khúc 4 dòng đã khiến ‘thông điệp vật chất’ bị nhấn mạnh đến mức lấn át khía cạnh tinh thần; trở thành một kiểu khẩu hiệu, kim chỉ nam”. Riêng tôi, một cách nào đó, có phần đồng tình với nhà báo kia; và ước có được thời giờ, để viết thêm bài “Mang Tình Về Cho Mẹ”. Tiền quả là cần, nhưng với tôi, mẹ cha cần tình hơn cần tiền!
Cần tình hơn cần tiền! Mẹ cha cần sự gần gũi, kính trọng và nâng niu; cần được yêu thương và vâng lời. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”. Chúa Giêsu cũng nhắc lại luật Cựu Ước vốn khá khắt khe trong Tin Mừng hôm nay, “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, phải bị xử tử!”.
Anh Chị em,
“Hạnh phúc thay cho con có mẹ, mẹ ơi; đau đớn thay cho người, người trong cảnh mồ côi!”. Tôi đã trải nghiệm một cách sâu sắc câu nói ấy cách đây 14 năm và 7 năm khi biết thế nào là mồ côi mẹ, và mồ côi cha. May thay, sau đó, tôi cảm nhận hơn tình thương của Cha trên trời; đồng thời, được an ủi bởi sự chăm sóc của Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Maria, La Vang. Cảm nhận mất mát này, tôi viết ca khúc “Mẹ Dạy Con Tin Yêu Hy Vọng”. Con Thiên Chúa đến trần gian qua một gia đình nhỏ, trong đó Maria và Giuse cũng dạy Ngài tin yêu hy vọng, nên người, nên thánh. Và trẻ Giêsu hằng vâng phục và phụng dưỡng cha mẹ mình; trước khi tắt hơi, Ngài ân cần trao Mẹ cho môn đệ thân tín chăm sóc. Ngài để lại cho chúng ta gương hiếu thảo của kẻ làm con. Hãy nhớ rằng, hiếu thảo với mẹ cha, không chỉ là hiếu thảo với các đấng sinh thành thể lý; nhưng qua đó, chúng ta đáp trả Thiên Chúa, Đấng ban sự sống mà các ngài là người chuyển trao.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con có mẹ có cha; xin cho con biết trân quý sự sống và đức tin Chúa ban qua các ngài; nhờ đó, con khỏi phụ lòng các đấng ‘được gọi để chuyển trao’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
Kính mời Anh Chị em thưởng thức sáng tác “Mẹ Dạy Con Tin Yêu Hy Vọng” của người viết ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=R-NHxR8qmTk
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: